Những năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã chú trọng tập trung xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao (VH, TT) cơ sở. Đặc biệt, từ phong trào xây dựng NTM, hệ thống thiết chế VH, TT cấp huyện, cấp xã đã phát triển nhanh.
Thiết chế văn hóa, thể thao là nơi gắn kết cộng đồng, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. |
Những năm qua, tỉnh Vĩnh Long đã chú trọng tập trung xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao (VH, TT) cơ sở. Đặc biệt, từ phong trào xây dựng NTM, hệ thống thiết chế VH, TT cấp huyện, cấp xã đã phát triển nhanh.
Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân mà hệ thống thiết chế VH, TT vẫn còn một số bất cập cần thẳng thắn nhìn nhận. Vẫn cần nhiều nỗ lực để tạo đột phá, phát huy vai trò, công năng của thiết chế VH, TT cơ sở.
Không ngừng hoàn thiện đồng bộ, hiện đại
Ông Phạm Minh Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL, cho biết, tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 90 trung tâm VH, TT cấp xã và tương đương, có tổ chức hoạt động VH cộng đồng, đạt tỷ lệ 84,11% và 94 trụ sở nhà VH- khu TT ấp, liên ấp.
Năm 2023, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Sở Văn hóa-TT-DL đã đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ chi mua sắm thiết bị âm thanh phục vụ cho hoạt động VH, văn nghệ và dụng cụ tập luyện thể dục TT ngoài trời tại các thiết chế VH, TT cơ sở đối với 2 huyện, 32 trung tâm VH, TT cấp xã và 10 nhà VH- khu TT ấp, liên ấp.
Bên cạnh đó, hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị âm thanh cho nhà VH- khu TT ấp, liên ấp từ kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia cấp trên 6,2 tỷ đồng, góp phần cho 8 xã đủ điều kiện đạt chuẩn xã NTM, xã NTM nâng cao và xã NTM kiểu mẫu.
Trong năm, các thiết chế VH, TT cơ sở tổ chức được trên 610 hội thi, liên hoan văn nghệ (bình quân mỗi xã tổ chức từ 4-14 cuộc) như: Hội thi duyên dáng áo bà ba, hội thi cổng chào đầu làng, tiếng hát karaoke, hội thi làm lồng đèn, ẩm thực, liên hoan văn nghệ quần chúng... thu hút từ 30-45% Nhân dân hưởng thụ và tham gia các hoạt động sáng tạo VH.
Các địa phương phối hợp tổ chức trên 620 giải TT, hình thành, phát triển 703 CLB sở thích như: đờn ca tài tử, văn nghệ thiếu nhi, hát karaoke, khiêu vũ, dưỡng sinh, cờ tướng, vovinam,…
Điển hình có nhiều mô hình hoạt động hiệu quả của huyện Trà Ôn như: Mô hình CLB thể dục dưỡng sinh, võ cổ truyền, taekwondo, sinh hoạt vào buổi chiều thứ 3, 5, 7 hoặc 2, 4, 6 hàng tuần, đối với thể dục dưỡng sinh ngày 2 buổi sáng, chiều. Ông Nguyễn Chí Công- Phó Giám đốc Trung tâm VH- Học tập cộng đồng xã Thiện Mỹ (Trà Ôn) cho biết: “Trung tâm mở cửa từ 5 giờ sáng để bà con đến tập dưỡng sinh.
Sáng thì cô chú lớn tuổi ghé tập thể dục sớm, trưa thì nhộn nhịp các em học sinh đá bóng, tối lại thu hút các CLB. Phong trào VH, văn nghệ, TT ngày một lan tỏa, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của người dân”.
Có nhiều CLB đờn ca tài tử hoạt động sôi nổi. Huyện Mang Thít có CLB Đờn ca tài tử Trung tâm VH, Thông tin và TT huyện duy trì tổ chức sinh hoạt xoay vòng cụm xã. CLB Đờn ca tài tử xã Mỹ An duy trì hoạt động định kỳ 2 lần/tháng.
Ông Huỳnh Minh Ái- Chủ nhiệm CLB, chia sẻ: “Đờn ca tài tử đã ngấm vào máu thịt của nhiều thế hệ nên không khó để tuyên truyền, vận động bà con ở xã tham gia. Mọi người đến vì niềm yêu thích, đam mê, xem đây là một “món ăn tinh thần”.
Ngoài việc nâng cao chuyên môn, CLB còn tổ chức hoạt động góp vốn xoay vòng vào ngày 30 hàng tháng, giúp những thành viên có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện phát triển kinh tế”.
Quyết tâm phát huy hiệu quả các thiết chế
Để giải quyết những bất cập tồn tại nhiều năm qua, theo ông Phan Văn Giàu-Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL, cần đề ra nhiều giải pháp, trong đó việc cán bộ công chức VH cấp xã thường xuyên thay đổi hoặc có nơi bố trí cán bộ quản lý các thiết chế VH cơ sở chưa đúng chuyên môn, nên việc tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương trong tổ chức hoạt động còn hạn chế, Sở Văn hóa-TT-DL sẽ có văn bản để các địa phương rà soát lại tình hình nhân sự tiến tới tổ chức lớp bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn trong tương lai.
Về việc lựa chọn vị trí quy hoạch xây dựng chưa phù hợp, nên chưa thu hút được nhiều người dân đến tham gia, chưa phát huy hiệu quả các thiết chế, ông Phan Văn Giàu mong muốn các huyện rà soát lại cụ thể để thay đổi.
Một vấn đề nữa là có hàng trăm CLB hoạt động tại các thiết chế VH, TT, tuy nhiên bao nhiêu CLB hoạt động có hiệu quả, thì cần sự quan tâm, đồng hành của chính quyền địa phương để thúc đẩy các CLB phát triển.
HĐND tỉnh đã ban hành 2 nghị quyết nâng cao mức hỗ trợ, tạo nguồn lực cho hoạt động của các thiết chế phát triển. Đặc biệt, qua 1 năm triển khai Nghị quyết số 31/2022/NQ-HĐND đã kịp thời động viên, giải quyết một phần khó khăn về thiếu kinh phí hoạt động.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Oanh- Phó Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội, HĐND tỉnh, khuyến nghị, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế VH cơ sở, thời gian tới, Sở Văn hóa-TT-DL tham mưu HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ cho chủ nhiệm, phó chủ nhiệm các CLB của trung tâm VH, TT, nhà VH.
Mức hỗ trợ trước đây khá thấp, chúng ta có thể thay đổi để động viên anh em có thêm động lực tham gia hoạt động, cống hiến nhiều hơn nữa để đổi mới, sáng tạo, phát triển phong trào.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trao giấy khen cho các tập thể có nhiều đóng góp hoạt động tại thiết chế văn hóa, thể thao. |
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp với các đoàn thể địa phương chủ động tổ chức đa dạng các hoạt động (hội thi, liên hoan, đọc sách, xem văn nghệ, luyện tập thể dục TT, sinh hoạt CLB…). Đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động VH, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong tổ chức xây dựng đời sống VH ở cơ sở.
Tăng cường công tác phối hợp hướng đến mục tiêu của phong trào là xây dựng các hoạt động hướng đến người dân. Mỗi huyện nghiên cứu một ngày hội đặc thù của địa phương. Đồng thời, tổ chức lồng ghép đưa các nội dung phát huy giá trị các di tích lịch sử, bảo tồn VH, văn nghệ dân gian vào các hoạt động VH ở cơ sở để tăng cường giáo dục truyền thống VH, truyền thống yêu nước của Nhân dân trên địa bàn.
Việc đầu tư xây dựng, khai thác, phát huy công năng của các thiết chế VH, TT từ tỉnh đến cơ sở sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong việc gắn kết cộng đồng, thiết thực nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Từ đây tạo nền tảng quan trọng để xây dựng và phát triển VH, con người trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ