Đường đến miền di sản "vương quốc đỏ"

05:01, 30/01/2024

Đến với Vĩnh Long miệt vườn sông nước hôm nay, du khách được gợi ý "đi tour" làng nghề gạch gốm hay còn mệnh danh là "vương quốc gốm đỏ". Với hàng trăm lò gạch san sát hãy còn đỏ lửa hay đã không còn thấy đọt khói lên lò, chạy dọc tuyến các kinh rạch khiến du khách như đang lạc vào xứ sở cổ tích lạ lẫm, độc đáo bậc nhất ĐBSCL. 
 

Cảnh quan đầy mê hoặc của “vương quốc gạch gốm” bên dòng kinh Thầy Cai.
Cảnh quan đầy mê hoặc của “vương quốc gạch gốm” bên dòng kinh Thầy Cai.

Đến với Vĩnh Long miệt vườn sông nước hôm nay, du khách được gợi ý “đi tour” làng nghề gạch gốm hay còn mệnh danh là “vương quốc gốm đỏ”.

Với hàng trăm lò gạch san sát hãy còn đỏ lửa hay đã không còn thấy đọt khói lên lò, chạy dọc tuyến các kinh rạch khiến du khách như đang lạc vào xứ sở cổ tích lạ lẫm, độc đáo bậc nhất ĐBSCL. 

Từ những viên gạch đầu tiên 
 
Bước ra từ làng nghề gạch gốm trăm năm tại Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Buôi (Tư Buôi) chứng kiến biết bao thăng trầm của nghề, từ thời kỳ lò gạch đỏ lửa sáng đêm đến khi dần tắt ngúm. Ông Tư Buôi vẫn nặng lòng với “nắm đất quê hương” cùng niềm hy vọng “thắp lên lửa lò”.
 
Ý tưởng xây dựng nhà gốm đã được ông Tư Buôi “nung nấu” từ hơn 20 năm trước. Nhìn căn nhà bằng gốm có diện tích 300m2 được xây dựng theo lối kiến trúc 2 gian 3 chái Nam Bộ xưa, ông Tư Buôi trầm ngâm:
 
“Qua thời gian nghiên cứu và thử làm những sản phẩm đơn lẻ có kích thước khác nhau như cột chịu lực, kèo, mái ngói… tôi phát hiện đất Vĩnh Long phù hợp làm gốm xây dựng, có thể thay thế gỗ để làm ra một ngôi nhà theo phong cách Nam Bộ, thân thiện với môi trường, độ bền cao và đặc biệt mát mẻ”.
Điểm nhấn độc đáo của ngôi nhà gốm Tư Buôi là những chi tiết tường, kèo, cột, đòn dông, mái nhà... đều được làm bằng gốm.
Điểm nhấn độc đáo của ngôi nhà gốm Tư Buôi là những chi tiết tường, kèo, cột, đòn dông, mái nhà... đều được làm bằng gốm.
“Nhà gốm đỏ” là sản phẩm sáng tạo góp phần nâng cao giá trị gạch gốm quê hương. Theo ông Tư Buôi, muốn phát triển làng gốm đương đại thì phải có sản phẩm gốm đương đại. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa xưa và nay, trên mảnh đất mới thì nhà gốm được dựng lên theo lối kiến trúc xưa và vật liệu bằng gốm đặc thù của vùng đất Vĩnh Long.
 
Ông Tư Buôi còn “thổi hồn” vào căn nhà gốm đỏ của mình bằng cách biến nó thành nơi trưng bày bộ sưu tập đồ nội thất cổ xưa như tủ thờ, bàn ghế, đi văng khảm ốc xà cừ… Từ bức tranh, bích họa miêu tả cảnh thu hoạch lúa, sinh hoạt do các họa sĩ Vĩnh Long sáng tác, đến tác phẩm điêu khắc những con vật quen thuộc như heo, mèo, chuột, rắn… bằng gốm mang lại cảm giác gần gũi, sinh động.
 
Ông Tư Buôi tâm đắc: “Ông bà mình xây được nhà kiểu gì thì tôi xây được kiểu đó, điêu khắc được con gì thì tôi cũng điêu khắc được y chang bằng gốm. Đó là cách tôi lưu giữ nghề làm gạch gốm truyền thống của vùng đất Vĩnh Long”.
 
Nhà gốm Tư Buôi (Phường 5, TP Vĩnh Long) được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Ngôi nhà 3 gian 2 chái truyền thống hoàn toàn bằng gốm đỏ Vĩnh Long lớn nhất Việt Nam” hồi tháng 11/2023.
 
“Hiện tại nhà gốm nhận tổ chức tiệc, khách đoàn tham quan. Đồng thời tôi đang hoàn thiện các khu vực lò nung, khu nhà gốm, khu trưng bày… để chuẩn bị cho các dịch vụ du lịch hoàn chỉnh, xuyên suốt. Sắp tới, du khách sẽ được tham quan làng nghề, khu nhà gốm, khu chế tác sản phẩm tại chỗ, địa điểm phức hợp vui chơi và nghỉ dưỡng có lồng ghép các hoạt động trải nghiệm, thưởng thức âm nhạc, ẩm thực dân gian…”- ông Tư Buôi cho hay.
 
Đam mê, tâm huyết và sáng tạo từ gốm đất đỏ của ông Tư Buôi có thể xem như viên gạch đầu tiên, gợi mở những cách làm hay để gìn giữ, bảo tồn và khai thác hiệu quả di sản đương đại gốm đỏ Mang Thít. 
 
Đường đến Di sản đương đại Mang Thít 
 
UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương thực hiện lập Quy hoạch phân khu vùng lõi Di sản đương đại Mang Thít, khoảng 3.060ha thuộc 4 xã: Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh, trong đó phân khu vùng lõi khoảng 333ha.
 
Đề án nhằm bảo tồn và phát triển “vương quốc gạch, gốm” Mang Thít trở thành một vùng di sản đương đại có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến trên bản đồ du lịch khu vực, trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa và hệ sinh thái địa phương.
 
Để hiện thực hóa Đề án “Di sản đương đại Mang Thít” của UBND tỉnh hình thành một hệ sinh thái cảnh quan- di sản- dịch vụ, thời gian qua, Sở Văn hóa-TT-DL cùng các đơn vị liên quan, UBND huyện Mang Thít, các xã vùng dự án đã tổ chức họp dân có lò để tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rõ việc triển khai đề án sẽ góp phần chuyển đổi sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân thông qua định hướng phát triển du lịch của vùng dự án…
 
Theo Sở Văn hóa-TT-DL, đến nay người dân rất đồng thuận giữ lại lò để tham gia thực hiện các dự án trong thời gian tới. 
 
Là một trong những đơn vị sớm đưa sản phẩm du lịch “vương quốc gốm đỏ” vào khai thác, bà Phạm Thị Ngọc Trinh- Phó Giám đốc Công ty Du lịch Mekong Travel cho biết, trong hơn 30 chương trình du lịch của công ty, sản phẩm du lịch “vương quốc đỏ” du khách rất ưa thích.
 
“Dọc tuyến kinh Thầy Cai với những lò gạch cổ kính, nhà xưởng, sân phơi gạch… tự bản thân nó đã là một bức tranh hoàn chỉnh. Đến đây du khách luôn phải trầm trồ, bị thu hút bởi vẻ đẹp hoang sơ, rêu phong của những lò gạch. Du khách càng thích thú hơn khi được tham gia quy trình sản xuất tại những lò gạch đang đỏ lửa, chụp ảnh bên những lò gạch cũ”- bà Trinh chia sẻ. 
 
Trong khi đó, quán cà phê “view gạch gốm” tuyệt đẹp bên kinh Thầy Cai được ông Dương Chí Hiền (Bé Hai)- chủ Cơ sở Sản xuất gạch ngói Chí Hiếu, xây dựng làm điểm dừng chân. Du khách vừa giải khát, vừa thưởng ngoạn toàn cảnh “vương quốc đỏ” ven sông cổ kính, trầm mặc, thong thả lựa chọn những sản phẩm quà lưu niệm từ gốm rất vừa tay.
Ông Chí Hiền giới thiệu các sản phẩm quà lưu niệm.
Ông Chí Hiền giới thiệu các sản phẩm quà lưu niệm.
 
Hiện cơ sở đã tạo tác hàng trăm sản phẩm từ gốm đất đỏ đa dạng, đặc biệt lò gạch thu nhỏ được khách rất thích. Nếu du khách muốn “vọc đất”, tham quan quy trình đốt lò… ông Chí Hiền sẵn sàng đưa đến các cơ sở xung quanh, đồng thời vui vẻ kể về nghề làm gạch ngói truyền thống của gia đình để du khách hiểu hơn về nghề này... 
 
Theo ông Chí Hiền: “Hiện tui làm vì đam mê là chính mà chưa kể đến lợi nhuận. Càng làm càng thấy “vương quốc” gạch gốm của mình đẹp quá, nên vẫn còn ấp ủ nhiều dự định”.
 
Tuy nhiên, ông Chí Hiền cũng trăn trở: “Hiện nay hầu hết người dân chấp thuận chủ trương giữ lò, nhưng ngành chức năng cũng cần nghiên cứu một mô hình khai thác tốt di sản lò gạch gốm để người dân hiểu làm du lịch là như thế nào, hiệu quả kinh tế ra sao. Qua đó, càng thấy được việc bảo tồn lò gạch là có lợi về lâu dài”. 
 
Cho rằng trải nghiệm ở “vương quốc đỏ” của Vĩnh Long là độc nhất vô nhị, nhưng bà Ngọc Trinh cũng không khỏi tiếc nuối: “Chúng ta còn thiếu nhiều dịch vụ, hoạt động trải nghiệm.
Đi dọc tuyến kinh Thầy Cai, du khách luôn phải trầm trồ, bị thu hút bởi vẻ đẹp hoang sơ, rêu phong của những lò gạch.
Đi dọc tuyến kinh Thầy Cai, du khách luôn phải trầm trồ, bị thu hút bởi vẻ đẹp hoang sơ, rêu phong của những lò gạch.
Chúng ta cần giữ được nét hoang sơ hiện có, bản sắc văn hóa, kiến trúc địa phương, đồng thời khai thác khéo léo không gian bên dòng kinh Thầy Cai để tăng sức hấp dẫn. Chúng ta cần có không gian trưng bày như một bảo tàng gạch gốm, có một câu chuyện hấp dẫn để kể cho du khách nhưng cũng cần thống nhất thông tin về lịch sử, quá trình hình thành và phát triển của làng nghề sản xuất gạch gốm…
 
Để làm được điều này thì cần có sự đồng lòng của các đơn vị làm du lịch, bà con địa phương và cả sự quyết tâm mạnh mẽ của những người làm quản lý”.
Bài, ảnh: LÝ AN- THẢO TIÊN
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh