Đưa văn học nghệ thuật đến gần hơn với công chúng

04:01, 30/01/2024

Để VHNT chiếu sáng cuộc sống, bồi dưỡng, nâng cao con người, các văn nghệ sĩ cần có khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn phong phú, sôi động của cuộc sống Nhân dân.

Thời gian qua, các văn nghệ sĩ đã có nhiều nỗ lực quảng bá di sản gốm Vĩnh Long.
Thời gian qua, các văn nghệ sĩ đã có nhiều nỗ lực quảng bá di sản gốm Vĩnh Long.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhắc nhở văn nghệ sĩ về vai trò của văn học nghệ thuật (VHNT):
 
Để VHNT chiếu sáng cuộc sống, bồi dưỡng, nâng cao con người, các văn nghệ sĩ cần có khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn phong phú, sôi động của cuộc sống Nhân dân. Dù còn nhiều khó khăn nhưng những văn nghệ sĩ Vĩnh Long đã luôn nỗ lực để những tác phẩm sống trong lòng công chúng. 
 
Văn học nghệ thuật chiếu sáng cuộc sống
 
Theo ông Trần Thanh Sơn- Chủ tịch Hội VHNT, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới”, các cấp ủy đảng, chính quyền, các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiều văn bản, cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện, đẩy nhanh sự phát triển của VHNT.
 
Các hoạt động VHNT có bước phát triển mới, hài hòa giữa nghệ thuật chuyên nghiệp và nghệ thuật quần chúng, đáp ứng đa dạng nhu cầu tinh thần của người dân.
 
Số lượng các tác phẩm VHNT tăng, chất lượng tư tưởng và giá trị nghệ thuật của các tác phẩm có nhiều tiến bộ, có những tác phẩm đạt các giải cao, có uy tín ở trong nước, khu vực và thế giới. Cụ thể về xây dựng NTM; về biển, đảo Việt Nam; về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về dân tộc, về những vấn đề xã hội hiện nay… 
 
Những người nghệ sĩ không ngại khó khăn, miệt mài đi, ngắm nhìn, cảm và sáng tác bằng tình yêu với vùng đất, con người quê hương. Qua lăng kính VHNT, mọi khía cạnh của cuộc sống, những nét đẹp của quê hương đến gần hơn với công chúng. 
 
Ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL, cho biết, những văn nghệ sĩ đã âm thầm sáng tác, phản ánh cuộc sống, tạo nên những hiệu ứng xã hội. Di sản đương đại Mang Thít đang trong quá trình quy hoạch, bên cạnh sức mạnh của truyền thông thì những văn nghệ sĩ đã có nhiều tác phẩm phản ánh kịp thời, nâng tầm nghệ thuật, đưa di sản đến với công chúng trong nước và quốc tế.
 
Với sự giúp sức của các văn nghệ sĩ, con đường nghệ thuật gốm đỏ sắp tới sẽ tiếp tục quảng bá nét đẹp, lan tỏa giá trị của gốm Vĩnh Long, hy vọng tiếp tục được công chúng đón nhận. Bên cạnh đó, nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ Trần Thanh Sang đã đóng góp nhiều giúp sở hoàn thành hồ sơ để Làng nghề tàu hủ ky Mỹ Hòa được ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đội tuyên truyền lưu động, các đội văn nghệ đồng bào dân tộc góp phần đưa nghệ thuật gần hơn với công chúng vùng sâu, vùng xa.
Đội tuyên truyền lưu động, các đội văn nghệ đồng bào dân tộc góp phần đưa nghệ thuật gần hơn với công chúng vùng sâu, vùng xa.
Hiện nay, nghệ thuật hát bội và Lễ hội Văn Thánh Miếu đã được Bộ Văn hóa-TT-DL thông qua hồ sơ, sắp tới tỉnh sẽ tổ chức lễ vinh danh 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đóng góp của các thành viên Hội VHNT là rất lớn. 
 
Không gian mới cho sáng tạo mới
 
Trước những thuận lợi, ông Trần Thanh Sơn còn trăn trở: “Mặc dù nhiệt tình nhưng số hội viên lớn tuổi chiếm tỷ lệ cao, nhiều kinh nghiệm nhưng sức khỏe không tốt nên việc đầu tư cho sáng tạo gặp khó khăn, nguồn lực kế thừa mỏng, việc thu hút tài năng văn nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn. Việc quảng bá và tiếp nhận tác phẩm VHNT đến vùng sâu, vùng xa, còn gặp nhiều khó khăn”. 
 
Thời gian qua, ngành văn hóa của tỉnh đã có nhiều nỗ lực để các tác phẩm VHNT đến với công chúng. Năm 2023, Đội Tuyên truyền lưu động xây dựng 6 chương trình mới, biểu diễn 80 cuộc với khoảng 10.700 lượt người xem. Tổ chức 6 cuộc thi, liên hoan văn nghệ quần chúng, có khoảng 1.200 diễn viên quần chúng tham gia.
 
Ngoài ra, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật hỗ trợ ra mắt đội văn nghệ quần chúng Khmer thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023.
 
Đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá những tác phẩm, 150 sản phẩm tuyên truyền các ngày lễ, các sự kiện chính trị, hoạt động văn hóa, văn nghệ trên fanpage và kênh YouTube của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật có khoảng 100.000 lượt người xem và tương tác.
 
Ông Nguyễn Xuân Hoanh khẳng định: Để những nghị quyết đi vào cuộc sống, cần phải chung tay xây dựng quy trình kế hoạch, đề án, đi vào thực tế sáng tác. Nếu chỉ đề cập chung chung thì nó sẽ còn xa vời.
 
Năm 2024, trong những nhiệm vụ lớn mà Sở Văn hóa-TT-DL phải thực hiện là tham mưu cấp có thẩm quyền để ban hành giải thưởng Văn Xương Các 5 năm 1 lần. Bên cạnh đó, giải thưởng VHNT hàng năm có kinh phí khá thấp, từ 2011 đến nay chưa thay đổi, sở quyết tâm tham mưu thay đổi định mức giải VHNT hàng năm, góp phần động viên các văn nghệ sĩ.
 
Qua 3 lần truy tặng, phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, toàn tỉnh có 45 nghệ nhân ưu tú được công nhận. Trong năm 2024, hy vọng sẽ có nghệ nhân nhân dân được công nhận, phát huy và truyền dạy nghệ thuật độc đáo của quê hương. 
 
Công tác đào tạo lực lượng trẻ kế thừa luôn được quan tâm. Trong ảnh: Hội Văn học Nghệ thuật kết nạp hội viên mới.
Công tác đào tạo lực lượng trẻ kế thừa luôn được quan tâm. Trong ảnh: Hội Văn học Nghệ thuật kết nạp hội viên mới.
Hòa mình vào đời sống của Nhân dân, say mê và trách nhiệm nghề nghiệp, dốc tâm huyết để sáng tạo nên nhiều tác phẩm mới, văn nghệ sĩ đã góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa, điểm tô thêm sắc màu sinh động cho cuộc sống, khơi động lực cổ vũ sự phát triển của đất nước.
 
Thời gian tới, cần tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng kế thừa, tiếp tục xây dựng nền VHNT tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người Việt Nam yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương và sáng tạo.
 
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh