Quá trình tìm đường cứu nước và đấu tranh giải phóng dân tộc, Bác Hồ đi khắp cả ba miền Bắc- Trung- Nam. Bác đến Sài Gòn (Bến Nhà Rồng), do điều kiện, hoàn cảnh chưa đến các tỉnh ĐBSCL, trong đó có tỉnh Vĩnh Long. Cho nên đồng bào Vĩnh Long gặp gỡ Bác Hồ là việc rất hiếm.
Quá trình tìm đường cứu nước và đấu tranh giải phóng dân tộc, Bác Hồ đi khắp cả ba miền Bắc- Trung- Nam. Bác đến Sài Gòn (Bến Nhà Rồng), do điều kiện, hoàn cảnh chưa đến các tỉnh ĐBSCL, trong đó có tỉnh Vĩnh Long. Cho nên đồng bào Vĩnh Long gặp gỡ Bác Hồ là việc rất hiếm.
Trong kháng chiến chống Pháp, sau Hiệp định Genève 1954, cán bộ miền Nam tập kết ra miền Bắc, may mắn có dịp gặp mặt, bắt tay Bác Hồ- vị cha già kính yêu dân tộc, ai nấy đều phấn khởi vô cùng.
1. Là người Hoa, ông Lưu Văn Tài quê ở xã Tường Lộc (huyện Tam Bình) lúc sanh tiền kể lại: Tập kết ra Bắc thấy cái gì cũng lạ lẫm. Mới chân ướt chân ráo đến nơi thì Tết Ất Mùi (1955) lại về, tổ chức cán bộ miền Nam vui Tết vào chiều ngày 28 âl. Khi Bác Hồ xuống xe vào hội trường ai nấy chăm chú nhìn vẫy tay chào Bác. Bác nắm chặt tay, hỏi từng người ai nấy đều chậm rãi trả lời đầy xúc động. Lưu Văn Tài đứng bên cạnh, Bác hỏi sức khỏe, học hành, công tác,… rồi Bác tiếp:
- Lương chú mỗi tháng mua mấy cân gạo?
- Dạ đủ mua khoảng 80 cân gạo.
Rồi Bác quay sang hỏi nhóm người kế bên. Các anh chị đồng thanh trả lời.
- Dạ thưa Bác cũng vậy!
Nghe dứt lời, Bác nói tiếp:
- Đất nước ta vừa giải phóng một nửa còn nghèo, mức hưởng như vậy là khá. Chúng ta còn phải cố gắng đấu tranh để thống nhất nước nhà, Nhân dân có cuộc sống ấm no, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.
Trong không khí ấm áp vui xuân, nửa nước vừa lập lại hòa bình, Bác báo tin buổi vui xuân do Đảng, Chính phủ tổ chức mời các cô các chú ăn trái cây, bánh kẹo, chớ không có tiệc mặn.
Bác chúc mỗi người sang năm mới sức khỏe tốt, công tác tốt, học tập tốt và đoàn kết tốt.
Lần đầu tiên vui xuân hòa bình vừa gặp Bác ai nấy phấn khởi không có hạnh phúc nào bằng, ghi nhớ lời dặn, lời chúc xuân của Bác biểu hiện trên niềm vui qua nét mặt mỗi người, song, mỗi người đều ẩn kín nỗi băn khoăn lo lắng về đồng bào và cách mạng miền Nam trong sự đàn áp khốc liệt của Mỹ- Diệm.
2. Gốc con gia đình nông dân khá giả ở xã Trà Côn (Trà Ôn), là học sinh trung học tỉnh Cần Thơ, Nguyễn Thanh Sơn được tuyên truyền giáo dục, rất tôn kính thần tượng Nguyễn Ái Quốc: “Sư phụ Cách mạng kỳ tài”. Với quyết tâm tìm Nguyễn Ái Quốc để học làm người, học làm cách mạng, Nguyễn Thanh Sơn tình nguyện bỏ học ở Cần Thơ, bí mật sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự Lớp huấn luyện chính trị 3 tháng do Nguyễn Ái Quốc tổ chức. Đoàn đi học gồm 9 người, cái khó là thiếu tiền làm kinh phí tàu xe đi lại, ăn uống và mọi sinh hoạt. Mỗi người ước cần phải 200 đồng. Tình thế đang bế tắc, Nguyễn Thanh Sơn có sáng kiến về nhà thừa lúc ông Thân (người cha) đi vắng, mở tủ lấy gói tiền đếm được 2.000 đồng, bí mật sở kẹt giao cho ban tổ chức đi học. Số tiền này tương đương 200 tấn lúa thời bấy giờ. Nhờ số tiền này các đồng chí có điều kiện đi học đến nơi đến chốn.
Quá trình công tác Nguyễn Thanh Sơn chấp hành mọi sự phân công của Đảng và Nhà nước, dũng cảm chiến đấu, từng vào tù ra khám ở Sài Gòn và Côn Đảo, đã nhiều lần gặp Bác Hồ, trong đó có hai lần ông rất thắm thía nhớ mãi.
Lần đầu tiên, nhà ở gần chung cư gần chùa Một Cột (Hà Nội). Nơi đây nhiều lần Bác Hồ đến thăm dịp lễ, Tết đối với cán bộ. Mùa xuân năm đó bất ngờ Bác xuất hiện vào chiều tối, có cả cán bộ địa phương, cán bộ khu phố đi thăm Tết.
Sau khi nghe báo cáo tình hình đời sống chuẩn bị vui Xuân đón Tết, tuy còn khó khăn nhưng đều có khá hơn các năm trước. Bác Hồ vui và khen sự cố gắng xoay xở của cán bộ và đồng bào. Bác nói vui: “Ngồi xung quanh các chú từ trung nông khá, duy chỉ chú Thanh Sơn thuộc diện “bần nông”.
Tất cả vui vừa thông cảm cán bộ thuộc diện gia đình lương thấp, con đông nhất là trong những năm đầu sau giải phóng. Bác Hồ và Bác Tôn cũng có nhiều lần đến thăm và ân cần chăm sóc giúp đỡ cụ thể.
Lần gặp Bác lần thứ hai sau năm 1957, Nguyễn Thanh Sơn được phân công làm Thứ trưởng Bộ Tài chánh. Trước khi nhận nhiệm vụ, Bác căn dặn Nguyễn Thanh Sơn đã thuộc lòng và ghi vào đầu sổ tay: “Tài chính Nhà nước là mồ hôi và nước mắt của Nhân dân. Cán bộ quản lý tài chánh phải vì Nhân dân mà quản lý chặt chẽ, hiệu quả”.
Nguyễn Thanh Sơn coi đó là câu châm ngôn nhắc nhở mình luôn luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ với nước, với dân.
3. Ông Phùng Văn Cung, quê ở Phường 9, TP Vĩnh Long, học giỏi, gia đình đông anh em,… Trong xã hội có nhiều ngành nghề, song trong chế độ thuộc địa, việc chọn ngành y khoa là mong ước có điều kiện phục vụ cho Nhân dân, cho từng lớp nghèo đang cần.
Năm 1937, tốt nghiệp bác sĩ y khoa, ông Phùng Văn Cung bắt tay ngay vào việc hoạt động nghề nghiệp phục vụ cho dân nghèo và dấn thân vào con đường cách mạng, mưu trí hoạt động trong lòng địch đầy cam go gian khổ.
Bác sĩ Phùng Văn Cung và vợ là bà Lê Thoại Chi từ bỏ mọi danh lợi và tài sản to lớn mà bạn đời dành dụm ra khu kháng chiến và chính ông là người nòng cốt vận động thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra mắt vào ngày 20/12/1960, là ngọn cờ đoàn kết tập hợp lực lượng yêu nước, chiến đấu vì mục tiêu hòa bình thống nhất đất nước. Phùng Văn Cung có nhiều uy tín ngày 26/2/1969, danh dự được cử làm Trưởng đoàn với 12 đại biểu cán bộ, nhân sĩ, trí thức, dân tộc, tôn giáo ra thăm miền Bắc, thăm Bác Hồ, thay mặt quân dân miền Nam, cảm ơn Đảng, Chính phủ, đồng bào ruột thịt miền Bắc, là hậu phương lớn, không hề tiếc xương máu, ủng hộ sức người sức của cho miền Nam, tiền tuyến lớn vượt khó khăn giành thắng lợi.
Thấy sức khỏe Bác yếu, nên trong Ban Thống nhất có người khuyên ngăn việc tiếp đón. Bác Hồ kiên quyết: “Tôi đối với miền Nam thế nào! Miền Nam đối với tôi ra sao mà phái đoàn miền Nam ra tôi lại không tiếp được!”. Cuối cùng ý nguyện của Bác được thực hiện.
Sau khi nghe báo cáo ngắn gọn tình hình miền Nam, Bác còn đề nghị phụ nữ miền Nam báo cáo về việc đánh giặc, đấu tranh chánh trị vấn đề nào cũng giỏi cho Bác nghe.
Những tràng pháo tay phấn khởi, dồn dập. Cả hội trường ai nấy vui mừng, nhưng có điều lo lắng là thấy sức khỏe Bác kém. Việc trước đây có dự kiến Bác bí mật vào thăm đồng bào cán bộ, chiến sĩ miền Nam khó mà thực hiện. Như đoán trước điều gì, Bác Hồ ôn tồn:
- “Tôi biết đồng bào và quân giải phóng miền Nam rất nhiều gian khổ và hy sinh. Ngày nào miền Nam còn gian khổ là tôi ăn không ngon, ngủ không yên! Miền Nam luôn trong trái tim tôi!”
- Bác lấy khăn tay chậm vào mắt, sau đó bác sĩ Phùng Văn Cung thay mặt đoàn hứa với Bác sẽ hoàn thành trọng trách giải phóng miền Nam để sớm rước Bác vào thăm.
Cả hội trường vừa vui vừa xúc động. Mời mọi người ăn kẹo, uống nước, Bác đọc hai câu thơ:
“Bao giờ Nam Bắc một nhà
Việt Nam đại thắng
chúng ta vui mừng”.
Ngày nay trong hòa bình, độc lập, cuộc sống mỗi năm không ngừng phát triển. Những ngày lễ, ngày Tết, ngày kỷ niệm, chúng ta càng nhớ đến Bác Hồ. Sự khao khát ước mơ gặp Bác- vị cha già kính yêu, nay chỉ còn trong ký ức.
NGUYỄN CHIẾN THẮNG