Số hóa di sản- "xây cầu" nối quá khứ và hiện tại

07:12, 16/12/2023

Xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển công nghệ số đặt ra vấn đề giữ gìn văn hóa truyền thống trong thời đại số. Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa đã có những hiệu quả tích cực.

 

Tư liệu, hiện vật được trưng bày theo hướng hiện đại, trực quan, sinh động thu hút du khách.
Tư liệu, hiện vật được trưng bày theo hướng hiện đại, trực quan, sinh động thu hút du khách.

Xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển công nghệ số đặt ra vấn đề giữ gìn văn hóa truyền thống trong thời đại số. Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa đã có những hiệu quả tích cực.

Những dự án ứng dụng công nghệ gắn với bảo tồn di sản văn hóa cho thấy sự quan tâm của người trẻ đối với di sản của cha ông, tạo cầu nối để thế hệ hôm nay dễ dàng tiếp cận những giá trị quý báu của dân tộc.

Thay đổi để thích nghi

Số hóa di sản văn hóa là chương trình đặt mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.

Bắt kịp xu hướng của thời đại số, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long đã kịp chuyển mình, ứng dụng công nghệ số để thu hút khách tham quan và quảng bá, phát huy những giá trị lịch sử lâu đời. Bà Lê Ngọc Anh- Phó Giám đốc Bảo tàng, cho biết: Hiện nay, Bảo tàng đã áp dụng công nghệ thông tin trong công tác trưng bày nhằm thu hút, truyền tải một cách sinh động đối với khách tham quan.

Ngoài hình thức tham quan trực tiếp, ngày nay còn hình thức tham quan trực tuyến. Đây sẽ trở thành xu thế tất yếu và lâu dài, góp phần đưa các hiện vật trưng bày đến gần hơn với công chúng. Chuyển đổi số đóng góp tích cực vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đưa di sản văn hóa trở thành một sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn hơn.

“Các nhà trưng bày trong các khu lưu niệm của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, GS.VS Trần Đại Nghĩa… đã được Sở Văn hóa-TT-DL trưng bày mới theo hướng hiện đại, các thiết bị được trang bị số hóa tư liệu góp phần hỗ trợ và tăng tính tương tác của người tham quan với các hiện vật trưng bày.

Trong tương lai, Bảo tàng đang thực hiện số hóa 3D cho các hiện vật trước, đến năm 2030 hoàn thành việc số hóa 3D, thực hiện app, mã QR, màn hình chạm với âm thanh nghe nhìn…”- bà Lê Ngọc Anh chia sẻ.

Mô hình 3D cho phép người dùng tương tác và tham quan Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa từ xa.
Mô hình 3D cho phép người dùng tương tác và tham quan Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa từ xa.

Theo ông Võ Trung Thứ- Trưởng Ban Quản lý Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa, khu lưu niệm thực hiện chuyển đổi số, quét 3D toàn bộ khu lưu niệm và tạo ứng dụng khu lưu niệm ảo cho phép người dùng tương tác và tham quan khu lưu niệm từ xa.

Bên cạnh đó, Trung tâm Tích hợp dữ liệu khoa học, công nghệ có hơn 2.000 đầu sách và 10 máy vi tính phục vụ học sinh, sinh viên và khách tham quan. Trung tâm giúp mọi người dễ dàng truy cập, tìm hiểu cuộc đời, thân thế của GS.VS Trần Đại Nghĩa, từ đó góp phần giáo dục truyền thống, lòng yêu nước cho các bạn trẻ.

Xu thế của tương lai

Chương trình số hóa di sản được xem là bước tiến mới của công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống. Ngoài chi phí thấp hơn so với các phương pháp bảo tồn hiện nay, số hóa di sản cũng giúp các giá trị được lan tỏa, quảng bá nhanh chóng thông qua mạng internet mà không bị giới hạn về thời gian, địa điểm, ngôn ngữ...

Nếu di tích được số hóa thì các thế hệ mai sau cũng thuận lợi hơn trong việc tu bổ, phục dựng di tích, nhất là trong trường hợp di tích bị xóa sổ bởi thiên tai, hỏa hoạn… Đặc biệt, trong xu thế phát triển du lịch hiện nay, việc số hóa di sản chính là cầu nối để các thế hệ thỏa sức sáng tạo, vừa lưu giữ tốt di sản của cha ông, vừa phát triển kinh tế hiệu quả.

Trong kế hoạch thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, UBND tỉnh xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đầu tư trang thiết bị và tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Xây dựng dự án chuyển đổi số di sản văn hóa tỉnh Vĩnh Long.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chuyên môn và quản lý ở lĩnh vực bảo tàng, di tích, di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu. Xây dựng các chuyên trang, tin, bài tuyên truyền, các video quảng bá giới thiệu, các sản phẩm truyền thông,… bằng hình thức dễ nhớ, tạo được ấn tượng với người xem.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, nhìn chung các di tích trên địa bàn được bảo tồn tốt, được duy tu, sửa chữa hàng năm, tạo được sức hấp dẫn riêng, thu hút du khách và Nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, thời gian qua, cách khai thác, tổ chức chưa đồng bộ, chưa phát huy được hiệu quả nên chưa thu hút đông đảo du khách đến tham quan và tìm hiểu di tích.

“Bên cạnh đó, công tác giữ gìn và khai thác di tích phải gắn với phát triển du lịch, đó là nền tảng cơ bản để giữ gìn và phát huy giá trị di tích, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động bảo tàng, di tích để tăng tính hấp dẫn, thu hút khách tham quan.

Cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động bảo tàng, di tích để tăng tính hấp dẫn, thu hút khách tham quan.
Cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động bảo tàng, di tích để tăng tính hấp dẫn, thu hút khách tham quan.

Nghiên cứu, tổ chức học tập kinh nghiệm những nơi tổ chức tốt công tác bảo tàng thông qua ứng dụng công nghệ thông tin để thu hút du khách, như ở Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, Di tích nhà tù Hỏa Lò,… du khách có thể nhìn thấy, nghe thấy và như ngược dòng thời gian, tận mắt chứng kiến các sự kiện lịch sử…”- bà Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh.

Với sự phát triển mạnh mẽ như hiện nay, công nghệ số sẽ thực sự là “nhịp cầu” để mọi người dễ dàng tiếp cận các giá trị truyền thống, kết nối các thế hệ trong việc bảo tồn, lưu giữ di sản của cha ông.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh