Phát triển công nghiệp văn hóa để quảng bá văn hóa

01:12, 29/12/2023

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam. Đây có thể xem là "Hội nghị Diên Hồng" có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, đồng thời nhận diện thời cơ, thách thức trong thời gian tới. 

 

Sáng tạo dựa trên nền tảng vừa giải trí vừa giữ gìn bản sắc dân tộc, thuần phong mỹ tục.
Sáng tạo dựa trên nền tảng vừa giải trí vừa giữ gìn bản sắc dân tộc, thuần phong mỹ tục.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam. Đây có thể xem là “Hội nghị Diên Hồng” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm đánh giá những kết quả đạt được, hạn chế, đồng thời nhận diện thời cơ, thách thức trong thời gian tới. Cần nhiều nỗ lực để có những sản phẩm VH đúng tầm, có thể định vị thương hiệu Việt Nam với thế giới.

Tạo sức mạnh mềm văn hóa

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, nói về CNVH là đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị VH cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và VH để thu về những nguồn lợi kinh tế.

Trên thế giới, phát triển CNVH đang diễn ra mạnh mẽ, là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia. Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển CNVH.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa-TT-DL Nguyễn Văn Hùng, trong giai đoạn từ năm 2018-2022, giá trị sản xuất của các ngành CNVH Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD).

Trong 5 năm qua, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành CNVH đạt 7,21 %/năm. Chỉ tính riêng năm 2022, thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành CNVH và bình quân lực lượng lao động thu hút khoảng 1,7-2,3 triệu người, tăng 7,44 %/năm.

So sánh số liệu thống kê sau 7 năm của nước ta với tình hình chung trên thế giới, có thể thấy, Việt Nam đang là quốc gia tầm trung về phát triển CNVH và còn nhiều dư địa phát triển.

Riêng tại Vĩnh Long, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, Vĩnh Long là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng nên có hệ thống tài nguyên du lịch VH khá phong phú. Hiện nay, Vĩnh Long là một trong số ít tỉnh, thành phố còn lưu giữ và bảo tồn nhiều di tích lịch sử VH cách mạng.

Đặc biệt, người dân thân thiện và giàu lòng mến khách tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch VH lịch sử và tâm linh. UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương về vị trí, vai trò của các ngành CNVH trong phát triển kinh tế- xã hội.

Tỉnh Vĩnh Long khuyến khích phát triển các loại hình du lịch VH, nâng cao chất lượng tác phẩm VH, văn nghệ dân gian như: làng nghề, lễ hội, di tích…

Trong đó, ban hành Đề án Nâng cao chất lượng hoạt động của bảo tàng gắn với du lịch theo Quyết định số 3071/QĐ-UBND tổ chức đánh giá thực trạng trưng bày tại bảo tàng, khảo sát, nghiên cứu về các đối tượng khách tham quan; trang bị các thiết bị để số hóa, phần mềm quản lý dữ liệu toàn bộ hiện vật, tư liệu đang được lưu giữ tại bảo tàng, đa dạng hóa các hình thức giáo dục, trải nghiệm; trình diễn, giới thiệu di sản VH phi vật thể, bảo tồn và phát huy trình diễn hát bội phục vụ khách du lịch tại bảo tàng nhằm phát triển trở thành điểm đến “VH- nghệ thuật” trong chương trình du lịch…

Trong lĩnh vực phát thanh và truyền hình, kênh THVL1 là kênh truyền hình được yêu thích trong khu vực ĐBSCL, luôn có chỉ số khán giả cao và ổn định trong top đầu của cả nước.

Giai đoạn 2017-2022, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long đã sản xuất 50 bộ phim truyện Việt Nam với 2.654 tập phim. Tổng số giờ phát sóng phim Việt Nam trên kênh THVL1 chiếm tỷ lệ 55,5% trên tổng thời lượng phát sóng phim truyện, vượt so với quy định của Luật Điện ảnh.

Thể chế hóa chính sách, thúc đẩy sáng tạo

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ, gần đây, tỉnh Phú Yên đã sử dụng phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” để làm thương hiệu du lịch cho tỉnh và tương đối thành công. Đây chính là sức mạnh của VH.

Đã đến lúc chúng ta phải định vị lại tính giải trí. Tại Bắc Giang vừa qua, có sự kiện VH- thời trang kết hợp với nông nghiệp trong mùa vải Lục Ngạn để kết nối bán hàng đã tạo ra sự lan tỏa tốt, thu hút được sự quan tâm và rất hiệu quả.

“Sự sáng tạo trong VH, nông nghiệp- nông thôn còn vô vàn dư địa dành cho các nhà sáng tạo nội dung. Chúng ta có thể áp dụng và phát huy sức mạnh này tại nhiều địa phương với đa dạng các sản phẩm làng nghề thông qua chuyển đổi số, các nền tảng. Chúng ta không nên xem nhẹ yếu tố giải trí mà phải coi đó tiềm lực quan trọng. Nhìn rộng ra, CNVH không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà là giá trị sâu xa trong quảng bá hình ảnh đất nước, địa phương và các sản phẩm mang đậm bản sắc”- ông Lê Minh Hoan khẳng định.

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, CNVH có tiềm năng lớn, phong phú, đa dạng nhưng cơ chế, chính sách, thể chế còn hạn hẹp, chưa tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước.

Thời gian tới, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương phải tập trung tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, cách tiếp cận phù hợp, bình đẳng về chính sách thuế, đầu tư, đất đai, tiếp cận tín dụng và các chính sách khác. Xây dựng sản phẩm, dịch vụ CNVH đặc trưng gắn với vùng miền, địa phương, đồng thời tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng của hoạt động du lịch VH.

Sở hữu truyền thống văn hóa đặc sắc, chúng ta có nhiều lợi thế phát triển công nghiệp văn hóa.
Sở hữu truyền thống văn hóa đặc sắc, chúng ta có nhiều lợi thế phát triển công nghiệp văn hóa.

Đồng thời, cần nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển CNVH, tham gia sáng tạo sản phẩm VH (như về thuế, đất đai, đầu tư, tiếp cận tín dụng…), nhất là cho những lĩnh vực ưu tiên (như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch VH…); nghiên cứu thành lập các quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển sáng tạo. Các địa phương đẩy mạnh liên kết vùng, địa phương trong phát triển, khai thác và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ CNVH…

Để CNVH nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động. Nhận định và sáng tạo trên nền tảng kế thừa, vừa phát triển giải trí vừa giữ gìn bản sắc dân tộc, thuần phong mỹ tục, hội nhập quốc tế bằng chính nét đặc sắc thuần Việt của mình.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh