Phát huy vai trò, sứ mệnh cao quý của văn học nghệ thuật

08:12, 23/12/2023

Qua 40 năm, đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh đã không ngừng lớn mạnh và đóng góp xứng đáng vào quá trình đấu tranh giành độc lập, xây dựng và phát triển của địa phương.

 

Văn học nghệ thuật góp phần nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân.
Văn học nghệ thuật góp phần nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân.

Văn học nghệ thuật (VHNT) là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa, tác động trực tiếp đến quan điểm, nhận thức, tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ của đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Qua 40 năm, đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh đã không ngừng lớn mạnh và đóng góp xứng đáng vào quá trình đấu tranh giành độc lập, xây dựng và phát triển của địa phương.

Chặng đường đầy tự hào

Trên hành trình đi mở đất, lưu dân ĐBSCL nói chung, Vĩnh Long nói riêng mang theo tinh thần, khí phách, ý chí tự lực tự cường và hành trang đáng quý là dòng VHNT được tích lũy từ quê nhà. Đó là ca dao, hò vè, truyện dân gian, các loại hình kiến trúc, âm nhạc, múa, mỹ thuật, nghề thủ công…

Những giá trị văn hóa phi vật thể này, khi đến vùng đất mới được tôi luyện và được chuyển hóa để thích ứng với hoàn cảnh mới, tạo nên sức sống mới, làm hành trang mới cho công cuộc chinh phục vùng đất mới và chống ngoại xâm.

Ông Trần Thanh Sơn- Chủ tịch Hội VHNT, cho biết, tại Vĩnh Long, năm 1864, Văn Thánh miếu được xây dựng, trong đó có Tụy Văn Lâu (Văn Xương Các). Thi đàn Văn Xương Các là nơi tập hợp các sĩ phu yêu nước như: Nguyễn Thông, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Học Lạc, Nhiêu Tâm.

Trong đó, nổi tiếng là cuộc bút chiến giữa nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị với Tôn Trường Thọ (đốc Phủ sứ, chủ quận Vũng Liêm 1862-1867). Cuộc bút chiến đã gây tiếng vang khắp Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ, góp phần tạo nên làn sóng yêu nước chống thực dân Pháp của Nhân dân.

Từ năm 1930-1945, khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo, VHNT Vĩnh Long tiếp tục phát huy vai trò xung kích trong mặt trận tuyên truyền về Đảng, về cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc.

Bước vào thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), VHNT tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho cuộc chiến đấu của toàn dân, toàn quân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Văn nghệ Vĩnh Long có những điểm sáng rất đáng trân trọng.

Âm nhạc có 2 tác giả tiêu biểu như Tạ Thanh Sơn với ca khúc “Nam Bộ kháng chiến”; Nguyễn Minh Triết với ca khúc “Kỵ binh Việt Nam” đã đi vào lịch sử âm nhạc Việt Nam, truyện thơ có tác phẩm “chú Hai Neo” của Nguyễn Hai Trừng; thơ có tác phẩm “Nô Men” của Truy Phong. Đặc biệt, Truy Phong còn vẽ ảnh Bác Hồ qua ảnh mẫu từ giấy bạc Cụ Hồ…

Giai đoạn 1954-1960, phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh. Mỗi xã đều có đội văn nghệ. Điển hình như Hòa Tân, Ngãi Tứ, Phước Hậu, Mỹ Lộc. Dần dần mỗi ấp có đội văn nghệ.

Ngày 29/9/1964, Đại hội thành lập Phân hội Văn nghệ giải phóng tỉnh Vĩnh Long đã mở ra một trang mới cho đời sống văn nghệ cách mạng tỉnh nhà. Văn nghệ cách mạng đã đi vào lòng dân, trở thành sức mạnh của Nhân dân. Đến ngày 30/8/1983, Hội VHNT tỉnh Cửu Long được thành lập do Tỉnh ủy Cửu Long quyết định. Nhiều công trình VHNT ra đời, tạo ra sinh khí mới cho đời sống văn nghệ tỉnh nhà.

Ông Trần Thanh Sơn đánh giá, nhìn lại chặng đường 40 năm đã đạt được một số thành tựu đáng trân trọng, góp phần xây dựng đời sống tinh thần của Nhân dân. Đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh hiện có trên 200 tác giả thuộc các chuyên ngành, trong đó có 56 hội viên thuộc các chuyên ngành Trung ương.

Đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh đã không ngừng lớn mạnh và đóng góp phát triển địa phương. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh chụp ảnh cùng văn nghệ sĩ Vĩnh Long.
Đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh đã không ngừng lớn mạnh và đóng góp phát triển địa phương. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh chụp ảnh cùng văn nghệ sĩ Vĩnh Long.

40 năm qua, Hội VHNT tỉnh đã xuất bản trên 100 công trình, tổ chức triển lãm trên 200 cuộc, đi thực tế 160 chuyến và 80 trại sáng tác. Với những thành tích đã đạt được, hội đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động Hạng III, nhiều bằng khen, giấy khen của Liên hiệp Các Hội VHNT Việt Nam, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh khen tặng.

Xây dựng văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới

Về thăm lại Hội VHNT nhân kỷ niệm 40 năm thành lập, nhạc sĩ Huỳnh Anh Kiệt- nguyên Chủ tịch hội, năm nay đã 88 tuổi nhưng vẫn nhớ như in những ngày gắn bó cùng hội. Ông kể, sau chiến tranh, ngôi nhà trụ sở hội hoang tàn, mưa dột làm việc không được, anh em vừa ngồi làm việc vừa trốn mưa.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, trụ sở hội được thiết kế và xây dựng một cách nhanh chóng. Từ an cư mà lạc nghiệp. Vượt qua mọi khó khăn, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của VHNT trong đời sống ngày càng được khẳng định.

“Điều tạo nên thành công của hội hôm nay ngoài sự nỗ lực của từng thành viên, ở đó có sự quan tâm đặc biệt để hỗ trợ và chỉ đạo của tỉnh. Anh em văn nghệ sĩ từ hội viên địa phương, giờ đã có nhiều hội viên trung ương, đó là lực lượng cực kỳ quan trọng làm nòng cốt, làm gương, sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị cho tỉnh nhà.

Nhiều tác giả có tác phẩm giới thiệu đến quốc tế như: Lê Triều Điển, Vinh Hiển; nhiều tác phẩm thơ Truy Phong, thơ Song Hảo... được biết rộng rãi trên cả nước…”- nhạc sĩ Huỳnh Anh Kiệt chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh, Nghị quyết số 10 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Long đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, xác định mục tiêu xây dựng con người Việt Nam và nét đặc trưng con người Vĩnh Long là “Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, đoàn kết, cần cù, hiếu học”.

Thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các văn nghệ sĩ tiếp tục nêu cao tinh thần tự hào về hoạt động nghệ thuật; phát huy kinh nghiệm và bản lĩnh, sẵn sàng xung phong sáng tạo nên những tác phẩm VHNT thật sự gắn bó với yêu cầu xã hội và cuộc sống Nhân dân.

Hội VHNT tỉnh cần nâng cao, phát huy vai trò là nơi tập hợp lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ, định hướng thẩm mỹ và năng lực thụ hưởng văn hóa cho công chúng, nhất là thế hệ trẻ.

UBND tỉnh tặng bằng khen cho các tập thể có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn học nghệ thuật.
UBND tỉnh tặng bằng khen cho các tập thể có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn học nghệ thuật.

Các văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đồng hành cùng Đảng bộ và Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước; nuôi dưỡng và làm phong phú thêm nguồn cảm hứng sáng tác. Từ đó, sáng tạo nhiều hơn nữa những tác phẩm, công trình VHNT xứng tầm.

Chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn và thử thách nhưng ông Trần Thanh Sơn tin rằng, với niềm tự hào, niềm tin vào nền văn nghệ cách mạng, chắc chắn sự nghiệp văn nghệ sẽ không ngừng lớn mạnh đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Nhân dân, của Đảng. Tin tưởng rằng văn hóa, văn nghệ luôn là “ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi” như Bác Hồ đã dạy.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh