Mấy suy nghĩ về công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật hiện nay

06:12, 18/12/2023

Từ khi Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943, được xem là Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta đã nêu ra các quan niệm, phạm trù, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của cuộc vận động văn hóa Việt Nam.

 

Làm công tác lý luận, phê bình đòi hỏi phải tiếp tục tự đào tạo nâng cao, tự nghiên cứu, không ngừng học hỏi suốt đời.
Làm công tác lý luận, phê bình đòi hỏi phải tiếp tục tự đào tạo nâng cao, tự nghiên cứu, không ngừng học hỏi suốt đời.

Từ khi Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943, được xem là Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta đã nêu ra các quan niệm, phạm trù, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của cuộc vận động văn hóa Việt Nam. Đề cương đã thể hiện một tầm nhìn xa rộng, tư duy sắc bén và sự đúc kết thực tiễn một cách sâu sát của Đảng chỉ mới sau 12 năm lãnh đạo cách mạng.

Tròn 80 năm, bản Ðề cương vừa có tính thời sự, vừa có ý nghĩa lâu dài, góp phần định hướng và dẫn đạo văn hóa Việt Nam trong nhiều giai đoạn cách mạng về sau. Ðến nay, một số luận điểm, nguyên tắc, vấn đề cốt lõi của Ðề cương vẫn giữ nguyên giá trị, có thể kế thừa, phát huy tác dụng trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay.

Trên phương diện lý luận, Ðề cương đã đặt nền móng cho nhiều vấn đề căn cốt của văn hóa Việt Nam như: Quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị; vai trò của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng; chức năng của văn hóa nghệ thuật; sự đúng đắn của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử,... từ đó góp phần thống nhất nhận thức, tư tưởng, học thuật cho những người làm văn hóa, văn nghệ.

Trên phương diện thực tiễn, Ðề cương không những chỉ ra rất xác đáng 3 nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa Việt Nam (dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa), mà còn xác định những nhiệm vụ cần kíp, các cách thức, giải pháp để đạt được các mục tiêu đó.

Với những nội dung thiết thực và đầy tính chiến đấu như vậy, Ðề cương đã trở thành ngọn cờ tập hợp, đoàn kết, lôi cuốn, động viên giới trí thức, khoa học, văn học, nghệ thuật hăng hái tham gia cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới.

Vì thế, bản Ðề cương đã trở thành “kim chỉ nam” cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong nhiều giai đoạn cách mạng. Đó cũng là cơ sở nền tảng để trong những giai đoạn lịch sử khó khăn, chúng ta đã có được nền văn hóa, văn nghệ phát triển rực rỡ, góp phần to lớn vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vĩ đại của dân tộc.

Tuy nhiên, từ sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, đặc biệt là trong khoảng 2-3 thập niên trở lại đây, đã dần thưa vắng đi rất nhiều những tác phẩm lớn, cũng như đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật ngày càng mỏng dần và thiếu vắng những nhà nghiên cứu lý luận đầu ngành, những cây bút lý luận phê bình sắc bén, có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống hoạt động văn hóa, văn nghệ của đất nước.

Ngoài hai trung tâm lớn là Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh do có sự tập trung đông đúc và có những hoạt động phong phú nên vẫn có nhiều nhà văn, văn nghệ sĩ, các nhà biên kịch, dịch thuật, nghiên cứu, phê bình…; nhưng nhìn về các địa phương, tỉnh lẻ thì hầu như các hoạt động này khá vắng vẻ, buồn tẻ.

Do đó, liên quan đến hoạt động lý luận, phê bình, trong Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”, đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế: “Hoạt động lý luận văn học nghệ thuật còn lạc hậu về nhiều mặt, chưa giải đáp được nhiều vấn đề của đời sống, còn xa rời thực tiễn sáng tác, có biểu hiện xơ cứng, kém năng động, giảm sút tác dụng tích cực đối với sáng tác.

Lý luận văn nghệ và mỹ học mác-xít chưa được nghiên cứu và phát huy tương xứng với vai trò và giá trị của nó. Hoạt động phê bình văn học nghệ thuật có biểu hiện tụt hậu so với yêu cầu, thực hiện chưa tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác.

Chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp của phê bình bị xem nhẹ; xuất hiện lối phê bình cảm tính, thiếu một hệ thống tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả và tác phẩm, văn hóa phê bình bị hạ thấp...”.

Từ đó, Nghị quyết số 23 xác định mục tiêu thời gian tới, một trong số đó là: “Xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam một cách toàn diện cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu loại hình, có các thế hệ nối tiếp nhau vững chắc”.

Ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 515/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025 (Chương trình).

Đáng chú ý trong phần nhiệm vụ và giải pháp, tại Điều 5 đề cập đến việc phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức và nguồn nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa, trong đó chỉ rõ: “Đào tạo, bồi dưỡng 100 chuyên gia, cán bộ chuyên môn về biên kịch, lý luận và phê bình, giám tuyển, giám định thuộc các lĩnh vực: điện ảnh, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn và về giám định cổ vật”.

Để giải quyết vấn đề này, chúng ta thấy nhiệm vụ đặt ra là giải quyết vấn đề thiếu hụt lực lượng trên lĩnh vực này; đồng thời nâng tầm những đội ngũ đang làm công tác lý luận, phê bình. Đây là việc không hề dễ dàng trong thực tiễn đời sống hiện nay.

Trước hết, là chế độ đãi ngộ, cơ chế nào dành cho những người làm công tác chuyên sâu trong lĩnh vực lý luận, phê bình.

Một bài viết chuyên sâu thôi đã rất khó, đòi hỏi một nền tảng học thuật sâu rộng, kiến thức tổng hợp và năng lực thẩm thấu, thấm định sắc bén, ngoài học thuật nó còn là năng lực, tài năng riêng, nhưng để có thể đăng tải một bài viết, hay xuất bản một tập sách sẽ vừa hẹp đầu ra, vừa không tương xứng về thu nhập, trong khi có nhiều việc khác nhanh, dễ hơn, lại ít nhạy cảm hơn thì thu nhập cao.

Một cây bút lý luận phê bình còn đòi hỏi một cái tâm thực sự trong sáng, giữa thời buổi mà cơ chế thị trường lấn át; trong khi nhà lý luận, phê bình cũng cần phải lo “cơm, áo, gạo, tiền”.

Từ đây, liên quan đến nguyên nhân thứ hai là công tác đào tạo, định hướng nghề nghiệp. Khi mà hiện nay, việc tuyển sinh cho lĩnh vực này vô cùng heo hút, đìu hiu. Những lớp trẻ khó lòng bỏ ra vài chục năm trời đeo đuổi, tiếp tục tự học, tự nghiên cứu để trở thành cây bút, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình văn học nghệ thuật.

Cần có chế độ đãi ngộ, sự đảm bảo chắc chắn đời sống ổn định, có thể sống được, sống tốt với nghề, để từ những nhà lý luận, phê bình đầu ngành, “đầu đàn” dẫn dắt, khơi mở cảm hứng nghề nghiệp với lớp trẻ và công tác đào tạo thực sự tốt về chuyên môn, thì trong mười hay vài chục năm tới chúng ta hy vọng mới có lại được đội ngũ lý luận, phê bình văn học nghệ thuật xứng tầm.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh