Truyện ngắn: Người đưa đò…

10:11, 11/11/2023

Nghe tiếng chuông điện thoại reo, bà Sáu giật mình. Tia nắng sớm xuyên qua cửa sổ rọi vào phòng bà. Bà đưa tay lên dụi mắt, ngạc nhiên thấy mình còn nằm trong mùng.
 

Tranh minh họa: Trần Thắng
Tranh minh họa: Trần Thắng
THANH HUYỀN
Nghe tiếng chuông điện thoại reo, bà Sáu giật mình. Tia nắng sớm xuyên qua cửa sổ rọi vào phòng bà. Bà đưa tay lên dụi mắt, ngạc nhiên thấy mình còn nằm trong mùng.
 
Chợt nhớ ra đêm hôm bà mất ngủ, qua ngày mới 2 giờ rồi mà bà vẫn chưa ngủ được, trằn trọc đợi cho trời sáng, nhưng có lẽ mệt mỏi rồi bà thiếp đi lúc nào không hay. Bà ngồi dậy với tay lên đầu giường lấy cái điện thoại xem ai gọi. Điện thoại của bà vẫn nằm im. Chắc là con Bông lại bỏ quên điện thoại ở nhà.
 
Con nhỏ này, chưa bận bịu chồng, con mà lại quên trước, quên sau rồi! Bà bước nhanh ra khỏi giường, lắng nghe hướng tiếng chuông đổ tìm chiếc điện thoại, dường như nó phát ra từ nhà bếp. Bà đi được vài bước thì chuông tắt. Bà thấy Bông đang lúi húi dưới bếp, hai tay vắt nước cốt dừa. Thấy bà, Bông tươi cười:
- Ủa má thức rồi hả? Tối qua ngủ hổng được hả má?
 
- Ờ, sao con biết?
- Má thường thức sớm hơn con, hôm nào thấy má thức trễ là con biết má mất ngủ rồi.
- Sao giờ này chưa đi dạy mà còn ở nhà, bày biện nấu nướng gì nhiều vậy, bữa nay có khách hả con?
 
- Không có khách khứa gì đâu má. Hôm nay có mấy em học sinh cũ hẹn ghé thăm, con làm vài món nhẹ đãi tụi nó cho vui đó má.
 
Bà Sáu quan niệm có người tới nhà thì dù già hay trẻ cũng là khách, phải chuẩn bị tiếp đãi đàng hoàng. Bà hỏi Bông có việc gì để bà phụ một tay. Bông nói xong hết rồi, chỉ còn vắt nước cốt cho vô nồi chè bưởi thôi. Bà Sáu lướt nhanh trên bàn, một rổ chuối sáp còn bốc khói, vỏ nứt ra để lộ ruột chuối vàng ươm.
 
Hèn gì mấy bữa trước người ta lại vườn mua, Bông lựa 3 quày ngon nhất để lại ăn, bà Sáu nói ăn ngã nào cho hết, Bông nói ăn chuối trừ cơm để giảm cân. Thì ra là Bông nói đùa với má thôi, để dành bữa nay tiếp học trò.
 
Cạnh rổ chuối là xửng bánh da lợn thơm mùi lá dứa. Nghĩ bây giờ làm bánh cũng nhàn hơn ngày xưa, bột có sẵn ngoài chợ, chỉ cần mua về không phải mất công xay bột. Nhớ lúc mấy chị em Bông còn nhỏ, ở quê đâu có bánh kẹo gì, bà hay xay bột làm bánh cho con ăn. Cái cối xay của bà nội Bông để lại, nó nặng trình trịch, nhưng nghĩ tới các con, có nặng mấy bà cũng không ngại. 
 
- Má ăn thử miếng bánh da lợn coi con làm có được hôn má?
Bông muốn mời bà Sáu ăn bánh nên mới nói vậy thôi, chứ bà biết tài nữ công gia chánh của con. Ngoài công việc dạy học, bà thấy Bông hay xem các chương trình nấu ăn.
 
Có khi bà cũng ghé mắt xem thử. Bây giờ muốn biết cái gì thì mở điện thoại ra là có hướng dẫn, thiệt là tiện lợi vô cùng. Cũng nhờ vậy mà con Bông nó khéo. Ngày xưa bà nghèo khổ, nhiều khi ăn cơm với nước mắm kho quẹt, làm gì biết làm món này món kia mà chỉ dạy con. Mà Bông khéo thiệt.
 
Món nào Bông làm bà ăn cũng thấy ngon miệng. Như miếng bánh da lợn này, hồi xưa bà chỉ làm bằng bột gạo với đường, nạo trái dừa vắt lấy nước cốt cho vào hấp là xong. Bông thì thêm nào là sữa tươi, nào là đậu xanh, mỗi lớp bánh một màu, miếng bánh mềm, ngon và rất bắt mắt.
 
Còn món chè bưởi thì khỏi nói, mỗi khi rảnh rỗi Bông nấu đem cho mấy nhà lân cận. Họ ăn xong khen nức nở, bảo Bông làm bán đi họ ủng hộ liền. Bông cười “dạ dạ” nhưng bà Sáu can ngăn, bà sợ Bông bán đắt rồi so sánh thu nhập với lương giáo viên mà bỏ nghề thì bà buồn lắm.
 
Bông chọn ngành sư phạm là đúng ý bà Sáu. Bà nói hổng biết sao mà bà nhìn cô giáo mặc quần trắng, áo dài bà thấy đẹp vô cùng.
 
Đời bà đầu trần, chân đất cơ cực đã đành, nhưng đời con thì phải được ăn học mới mong được chân dép, chân giày sạch sẽ. Bà không hiểu biết nhiều, bà ví chuyện nuôi con cũng như bà trồng cây chuối vậy. Ai có làm nông thì cũng biết, trồng chuối chủ yếu để lấy cây con.
 
Cây chuối cái trông xù xì, xấu xí nhưng khi trồng xuống các cây con nảy ra xung quanh, được chăm bón đầy đủ thì cây con phát triển tươi tốt. Cây chuối cái là bà, cây chuối con là mấy chị em Bông. Bà cực khổ cỡ nào cũng được, nhưng nhất định đám con của bà phải được đến trường, học nghề gì cũng được nhưng làm cô giáo thì bà thích hơn.
 
Từ nhỏ bà đã thấy Bông siêng học, thường hay lấy hai cái khăn rằn của bà cột vạt trước, vạt sau làm cô giáo nên bà rất kỳ vọng ở Bông. Và Bông đã không làm bà thất vọng.
***
Hơn 9 giờ sáng, quãng trường của trung tâm huyện cũng đã thưa thớt, chỉ còn một vài ông, bà về hưu ngồi trò chuyện sau buổi tập thể dục. Một nhóm thanh niên nam, nữ gần hai mươi người đứng, ngồi nói cười vui vẻ. Chốc chốc lại có bạn nam bị bạn nữ rượt đuổi chạy vòng vòng, chắc là chọc ghẹo gì đây (?!).
 
Ông, bà ngồi nhìn bọn trẻ đùa giỡn mà trong lòng vui lây, đâu đó thấy hình ảnh của mình mấy mươi năm về trước, cũng yêu đời, hồn nhiên, cũng khỏe mạnh, chạy nhảy tung tăng chân sáo, giờ thì gân cốt rệu rã rồi. Âu đó cũng là quy luật tránh sao cho khỏi, chỉ biết khuyên nhủ nhau sống vui, sống khỏe, thường xuyên luyện tập thể dục cho ít bệnh tật để nhìn con, cháu trưởng thành.
 
Bỗng nhóm thanh niên reo lên khi thấy đôi nam, nữ chạy xe trờ tới. Cô gái ngồi sau ôm một bó hoa tươi và hô lên: “Đi mấy bạn ơi!”. Nhóm thanh niên rời đi. Các cụ ông, bà cũng đứng dậy ra về. Quãng trường trở nên yên ắng.
***
Bà Sáu không chịu ngồi yên. Thỉnh thoảng lại đi ra phía trước cổng nhà trông ngóng. Có mấy đứa học trò lại chơi chắc là vui lắm. Nhà chỉ có bà và Bông nên bà cũng hơi “thèm” tiếng cười bọn trẻ. Mấy anh chị Bông lập gia đình ở xa, lâu lâu về thăm bà cũng chỉ ở được một, hai ngày.
 
Con cái bận đi làm, cháu thì đi học đâu nghỉ được mà ở lâu với bà. Nhiều lần mấy anh chị Bông họp lại, đưa ra ý kiến má lên ở với mỗi người một tháng xoay vòng. Bà nghe cũng hợp lý, nhưng mới thực hiện được vài ngày bà lại xách giỏ về với Bông. Lớn tuổi rồi tìm giấc ngủ thật là khó, thay đổi chỗ ở là bà không ngủ được.
 
Mỗi lần mất ngủ thì bà chóng mặt, nhức đầu, bần thần trong người, lại làm cho con, cháu bận tâm lo lắng. Thôi để bà về nhà bà thấy khỏe hơn. Mấy anh chị Bông “lấy cớ” này mà đốc thúc Bông có chồng cho má có cháu ẵm bồng, không cần đi đâu cho mất ngủ. Vậy mà Bông cứ ậm ờ.
 
- Cô ơi! Cô ơi!
Bà Sáu mới vừa quay lưng đi vào phòng thì nghe tiếng gọi í ới trước nhà. Bà lật đật lấy chìa khóa ra mở cổng. “Chào bà! Chào bà! …”. Bà Sáu “ờ ờ” luôn miệng:
- Vô nhà đi các cháu.
 
Bông từ trong nhà bước ra, nhóm học sinh reo lên mừng rỡ chạy lại ôm chầm lấy Bông. Sương, cô gái nhanh nhẹn nhất trong nhóm đại diện trao Bông bó hoa cùng lời chúc mừng cô giáo cũ. Bông nhận bó hoa rồi trao lại cho bà Sáu. Bà khen hoa đẹp và thơm. Nhóm học sinh theo chân bà Sáu và Bông vào nhà. Bông nhìn đám học trò của mình nói đùa:
 
- Chà, coi bộ chịu cơm, chịu nước thành phố quá hén, đứa nào đứa nấy trắng tươi, trắng nõn hà.
Việt, một cây văn nghệ của lớp, rất vui tính và có óc khôi hài, nhanh miệng đáp lời cô mà cũng có ý trêu chọc mấy bạn nữ:
- Mấy đứa con gái nó xài kem trộn nên mới trắng vậy đó cô ơi.
Sương cũng chẳng vừa:
 
- Ông cũng trắng nữa, vậy chắc ông cũng xài kem trộn giống tụi tui à?
Việt đáp trả:
- Không bao giờ, tại tui thẳng da thẳng thịt nên tui trắng, cái này kêu bằng đẹp tự nhiên không tỳ vết đó nhen mấy bà.
Vài bạn nữ bĩu môi:
 
- Tự tin ớn.
Bông nghe học trò đối đáp mà cười thầm trong bụng. Lớp Bông chủ nhiệm mà, tính tình mỗi đứa thế nào Bông đều biết rõ. Con bé Sương có lanh lợi cỡ nào cũng không bao giờ qua được bạn Việt, rất lý lẽ và rất dẻo miệng, lúc nào cũng truyền năng lượng tích cực cho mọi người.
 
- Cô ơi, mẹ em gửi cô trái sầu riêng rụng, mẹ em gửi lời chúc sức khỏe cô.
Hồng, cô bạn giỏi văn của lớp nhưng lại rất kiệm lời, sống nội tâm và cũng rất dễ xúc động, lại là người rất tình cảm và ấm áp. Đợi đám bạn “đốp chát” xong, Hồng mới cất tiếng. Bông hai tay nhẹ nhàng đỡ lấy trái sầu riêng, đưa lên mũi:
 
- Trời ơi, quý hóa, cho cô gửi lời cám ơn mẹ nhe Hồng. Thơm quá làm sao bây giờ, hổng lẽ cô để cô ngửi chứ cô hổng ăn quá mấy đứa.
Việt pha trò:
- Cô ơi, trái sầu riêng chứ hổng phải trái thị cô ơi. Cô ngửi coi chừng mũi cô bi- ga - mô dính thẹo tùm lum à cô.
 
Sương liếc mắt:
- Bày đặt xổ tiếng Nhật nữa, ghê chưa, ghê chưa?
- Bà nghe sao mà bà nói tui nói tiếng Nhật?
- Thì tiếng Nhật mới có phát âm ô ô ở đằng sau đó, như trang phục truyền thống gọi là kimono nè, rồi bột ngọt ajinomoto nè.
- Thôi đi bà ơi, đoán mò không hà.
 
- Vậy chứ bi- ga- mô là cái quái gì?
- Bi- ga- mô là “bị gà mổ” đó bà ơi.
- Tiếng Việt hay ở chỗ là có dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng. Ông nuốt đâu hết mấy cái dấu rồi ông phát âm ngang phè vậy, làm tui tưởng ông nói tiếng nước ngoài không hà, thằng quỷ.
 
Bà Sáu ngồi nghe tụi nhỏ cãi qua cãi lại mà bà cảm thấy vui tai. Bà cũng xen vào:
- Tụi cháu trẻ mà được học hành đàng hoàng, cứ đùa giỡn cho vui vẻ, đừng có quậy quạng là bà chịu.
Việt nhìn bà Sáu, dịu giọng:
 
- Dạ. Tụi con vui thôi chứ tụi con hổng có quậy quạng bà ơi. Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba mới tới học trò tụi con, tụi con hiền lắm bà ơi.
Sương cắt ngang:
- Cô ơi, có cái gì trám miệng ông Việt lại hôn cô, để ổng nói hoài, ai ổng cũng cà rỡn được hết á!
 
- Có ngay, có ngay. Mấy đứa xuống dọn phụ cô nè. -Bông vừa trả lời vừa bước nhanh xuống bếp.
 
Cả nhóm xúm nhau mang thức ăn lên bàn, vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon. Đứa nào cũng nói thèm chè bưởi cô nấu, sao mà nó ngon lạ lùng. Lên thành phố cũng đi ăn mấy chỗ, không chỗ nào nấu ngon bằng cô, chắc là mỗi đứa quất mấy chén mới đã thèm. Bông nghe học trò nói mà thấy thương tụi nhỏ. Bông đứng coi đứa nào ăn gần hết thì kêu đưa chén cô múc thêm. Sợ tụi nó ngại, Bông lên tiếng:
 
- Hết chè mới về nhen, công cô nấu mà ăn chừa lại là cô buồn đó. 
 
Bà Sáu ôm bó hoa vào phòng để cho cô, trò Bông được tự nhiên. Nhìn tụi nhỏ bà chợt nghĩ đến tuổi học trò của bà ngày xưa. Trường học thì xa nhà, đường đi thì khó khăn. Nhắc tới con đường đến trường tới giờ bà vẫn còn thấy rất biết ơn thầy Hiếu.
 
Ở xứ cù lao mà, ngày xưa đâu có đê bao, tới ngày con nước rong, nước ngập tràn bờ không thấy đường đi, học trò té ướt loi ngoi, vô lớp ngồi học mà quần áo ướt nhem. Thấy thương học trò, những ngày nước rong thầy đi dạy bằng xuồng, chủ yếu để đưa rước học sinh khỏi bị té ướt.
 
Thấy học sinh đi trên bờ là thầy tấp xuồng ghé vô rước, tới trường thì học sinh cũng đầy xuồng. Bây giờ bà Sáu theo ở với Bông, xa quê cũng lâu rồi. Thế nhưng, mỗi lần đài truyền hình đưa hình ảnh con nước rong là bà nhớ tuổi thơ của bà, nhất là nhớ thầy Hiếu, người lái đò của bà, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Giá như bây giờ thầy còn sống, bà cũng sẽ chọn những bông hoa đẹp nhất đến tặng thầy.
 
Bên ngoài cô, trò Bông vẫn líu lo rôm rả. Một chút nữa thôi đám học trò sẽ từ biệt Bông để tiếp tục cuộc hành trình tri thức cho tương lai của chúng. Bông cũng lại tiếp tục công việc của người đưa đò, lớp sau nối tiếp lớp trước. Có một điều bà tin tưởng rằng, dù không nói ra, nhưng trong lòng mỗi đứa học trò vẫn có hình bóng của người thầy dạy dỗ mình, như chính bà vậy.
 
 
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh