Huyện Mang Thít từng được mệnh danh là "Vương quốc gạch, gốm". Vì đây là nơi sản xuất gạch, gốm lớn nhất vùng ĐBSCL. Hệ thống lò gạch, gốm Mang Thít có tuổi đời hàng trăm năm, được biết đến là nơi sản xuất gạch, gốm đỏ nổi tiếng và lớn nhất cả nước, xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Huyện Mang Thít từng được mệnh danh là “Vương quốc gạch, gốm”. Vì đây là nơi sản xuất gạch, gốm lớn nhất vùng ĐBSCL. Hệ thống lò gạch, gốm Mang Thít có tuổi đời hàng trăm năm, được biết đến là nơi sản xuất gạch, gốm đỏ nổi tiếng và lớn nhất cả nước, xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Nhà thơ Mai Sông Tiền. |
Là người con ở quê hương “Vương quốc gạch gốm”, ngày ngày hình ảnh thân quen từ vạt khói của những ngọn lò nhấp nhô như những búp nấm rơm trên đồng đọng vào ánh mắt và cảm nhận được hơi ấm lan tỏa của những lò gạch, nhà thơ Mai Sông Tiền đã “tức cảnh sinh tình” sáng tác bài thơ “Chân dung đất sông Măng”.
“… Nắng thanh bình khoe dáng lò gạch ngói
trầm mặc gam màu hoài cổ dọc triền sông
yên ả soi gương nước long lanh…”
Tỉnh Vĩnh Long và huyện Mang Thít đang tôn tạo và gìn giữ để hướng nơi đây trở thành di sản đương đại.
Đề án “Di sản đương đại Mang Thít” được hình thành dựa trên ý tưởng về việc khai thác các lò gạch truyền thống hiện có trên địa bàn huyện Mang Thít làm nền tảng, điểm nhấn để phát triển du lịch, cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng. Khơi nguồn từ ý tưởng ấy, nhà thơ Mai Sông Tiền đã giới thiệu gói gọn được làng nghề gạch gốm quê mình qua các địa danh.
“… Ai đến Mỹ An rẽ sang Nhơn Phú
ai đi Hòa Tịnh ai về Mỹ Phước
nhấp nhô ngọn lò thách thức thời gian
tự hào nét tiềm tàng “Vương quốc đỏ”…”
Bài thơ “Chân dung đất sông Măng” tác giả đã miêu tả sáng tạo để giới thiệu khái quát vùng đất với làng nghề hàng trăm năm bên bờ sông Cổ Chiên, đặc biệt là kinh Thầy Cai- một làng nghề, một dãy lò tròn soi bóng dòng kinh.
“… Mỹ An, quê nhà em đó
có vàm sông nước tung tăng ra sông Cổ
có cái nôi nghề gạch ngói bao đời
tâm tình cô thợ gốm An Hương
thổi hồn quê tạc dáng hình nhịp sống
mỗi chiếc bình gốm
từng viên gạch hồng
nặng ơn người
tất tả quanh năm canh cánh lửa
tặng cho đời “Chân dung màu đất chín…”
Tác giả đã ủng hộ ý tưởng về việc khai thác các lò gạch truyền thống, qua đó để giới thiệu ngắn gọn bằng vài câu thơ thay lời vẫy gọi du khách phương xa.
“… Tuyệt tác! Di sản cội nguồn
từng ngày mở cửa tương lai
chân dung đất sông Măng gọi mời du khách…”
Bằng nghệ thuật sáng tạo trong ngôn ngữ thơ, tác giả muốn gửi đến du khách tham quan làng nghề, ngoài việc xem công đoạn chế tác sản phẩm gạch gốm đỏ…
Du khách cũng không quên bỏ qua cuộc thưởng ngoạn trên sông, có thể chụp ảnh, ký họa lưu lại những hình ảnh đặc sắc, vẻ đẹp tiềm tàng của những dãy lò như lâu đài cổ tích soi bóng trên sông. Du khách vừa ngắm cảnh làng nghề vừa được thưởng thức những câu hò điệu lý dân gian qua những giọng ca ngọt ngào của các nghệ nhân đàn ca tài tử.
“… Du thuyền đêm
màu đèn thêm diệu huyền lấp lánh…”
“… Khoảnh khắc ánh sáng đẹp
say góc nhìn ngàn tấm ảnh vượt thời gian
ngàn bức họa đọng miền ký ức
ngẫu hứng câu hò làng gạch gốm vang xa
điệu dân ca Mang Thít ru lòng người viễn xứ
lý mái đình nặng bước chân đi
câu vọng cổ ngọt hương sầu riêng hò hẹn
lục bát cánh đồng liên khúc dựng xây…”
Cuối bài thơ, tác giả tự hào khẳng định di sản đặc trưng quý giá, bản sắc văn hóa vùng miền của quê mình.
Cho dù thời gian có thay đổi, vạn vật có thay đổi, cuộc sống kinh tế phát triển theo hướng hiện đại, người người có cuộc sống giàu có hơn, đô thị hóa nhiều hơn nhưng “di sản đương đại” này vẫn được bảo tồn và triển khai thích hợp. Thông qua bài thơ này, tác giả đã ủng hộ ý tưởng, ca ngợi chủ trương xây dựng Đề án “Di sản đương đại Mang Thít”.
“… Dẫu thời gian thay áo mới đất sông Măng
bước chân xa vẫn nhận ra Mang Thít quê mình
bản sắc đậm đà “Chân dung màu đất chín…”.
Nhà thơ Mai Sông Tiền, tên thật Phạm Thị Thùy Trang, nghề nghiệp chuyên môn là dược sĩ, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long. Từ thuở tuổi lá non, cô đã được cha nuôi dưỡng tâm hồn lớn lên bằng giọng đọc và diễn ngâm của cha từ bài thơ “Qua đèo ngang” của Bà Huyện Thanh Quan, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du và “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn…
Từ đó, cô đã ngấm dần và yêu thơ, rồi tập làm thơ và viết văn ngay từ còn ngồi ghế nhà trường với bài thơ “Áo trắng mơ” được đăng trên Báo Áo trắng và Báo Tài hoa trẻ khi trả lời kết quả 4 câu đố vui bằng thơ.
Tập thơ đầu tay “Huyễn diệu” (Nhà xuất bản Văn hóa Văn Nghệ- 2013) Anna Thùy Trang, Giang Xuân Thức là bút danh khác của Mai Sông Tiền. Đến nay Mai Sông Tiền là tác giả của hàng trăm bài thơ được đăng trên các báo, tạp chí, như Báo Vĩnh Long, tạp chí Văn Nghệ Cửu Long (Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Long), Báo Giác Ngộ, Tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, Báo Sân khấu…
Với những bài thơ đã được nhiều đọc giả yêu thích như: Tuổi lá chín vàng, Nắng thơm, Xuân thức, Vòng tay biển đảo, Người đi không chân dung, Khắc họa, Nhịp sống ban mai, Hương hẹn hò, Viên đá mòn, Mở cửa góc nắng, Ký ức lời ru, Ký ức xanh, Chân dung mùa non xanh…
NGUYÊN HẠNH