Tháng Mười gọi những cơn gió heo may trở về, xào xạc trên ngọn cỏ may tím biếc, gốc rạ xỉn nâu nằm rạp dưới cánh đồng. Hơn 20 năm xa quê, tôi về lại quê nhà, về với tháng Mười mà lòng chộn rộn, bồi hồi, xao xuyến khó tả.
Tháng Mười gọi những cơn gió heo may trở về, xào xạc trên ngọn cỏ may tím biếc, gốc rạ xỉn nâu nằm rạp dưới cánh đồng. Hơn 20 năm xa quê, tôi về lại quê nhà, về với tháng Mười mà lòng chộn rộn, bồi hồi, xao xuyến khó tả.
Minh họa: Internet |
Dẫu có trăm ngàn nỗi âu lo nặng trĩu với cơm áo gạo tiền nhưng khi nhắc tới quê nhà, tới tháng Mười, lòng tôi lại an yên một cách lạ. Quê nhà trong tôi, tháng Mười hiện lên thân thương với con đường quê đất đỏ, dọc hai bên đường, hoa đồng nội nở trắng xóa.
Một thời trẻ dại, tôi cùng đám bạn ngất ngưởng trên lưng trâu, miệng ê a những khúc đồng dao. Hoàng hôn dần buông bao trùm lên khung cảnh quê tạo nên một bức tranh yên bình, đẹp đẽ.
Bóng mẹ hiền đợi chờ trong gian nhà ngói ba gian với khói trắng bay chấp chới cùng bữa cơm quê đầm ấm.
Về với tháng Mười, tôi về với ruộng đồng mẹ cha vất vả một thời. Tôi nhớ bóng dáng cha gầy còm, cầm đèn pin lặng lẽ trong đêm đi lấy nước cho kịp mùa đổ ải.
Mẹ lội hết bờ ruộng này tới bờ ruộng kia, bít từng lỗ cua để ngăn nước thất thoát. Màu bùn nâu nhuộm kín màu áo lấm tấm những giọt mồ hôi mặn chát chua. Cả một đời cha mẹ lam lũ với ruộng đồng, mong cho con thoát khỏi lũy tre làng, có công việc ổn định.
Về lại ruộng đồng, tôi gặp lại những người xưa, vừa thân quen lại vừa lạ lẫm. Thân quen vì cái tính hiền hậu, xuề xòa vốn có của người nông dân chân chất.
Lạ lẫm vì giờ ai cũng già đi trông thấy, gương mặt đã nhuốm màu thời gian khắc nghiệt, khóe mắt chằng chịt những vết chân chim.
Tôi hạnh phúc xiết bao khi nhiều năm xa quê, những người dân vẫn còn nhớ mà gọi tên, gợi nhớ những kỷ niệm thuở thiếu thời.
Về với tháng Mười để được cha sai đi cắt lác về làm chổi, lợp lại chuồng gà,... Tôi lớn lên, được cha truyền những “bí quyết” sinh tồn, tự lực cánh sinh đi lên từ những điều nhỏ nhất.
Hai cha con bên nhau với khoảng thời gian ít ỏi, cùng nhau làm lụng, tỉ mẩn ghép từng mái tranh, mái rạ, rồi cùng nhau nhìn thành quả mà hạnh phúc trào dâng.
Và từ đây, những đêm tháng Mười, đàn gà sẽ thôi liếp chiếp kêu vì gió luồn giá rét. Đàn heo cũng được ngủ ngon giấc hơn khi không sợ mưa rơi nhỏ giọt.
Về với tháng Mười để được sống lại khoảnh khắc ngày vui của mẹ, cả nhà quây quần dẫu đó chỉ là bữa cơm đơn sơ, đạm bạc. Mẹ sinh vào một ngày của tháng Mười.
Cả một đời mẹ lam lũ chưa từng quần là áo lượt, cũng chưa được nhận hoa, quà. Mấy chị em về chung vui, mua cho mẹ bó hoa tươi thắm, nấu bữa cơm gia đình rồi cùng nhau ăn uống vui vẻ.
Mẹ nhắc nhớ về những ngày xưa rất xưa, thuở tháng Mười mấy chị em tóc còn để chỏm, thiếu thốn. Tháng Mười của mẹ là những ngày ngược xuôi vất vả chạy chợ để lo tiền vẹn toàn chi tiêu trong gia đình.
Về với tháng Mười để nhắc nhớ những người con đi xa rằng, guồng quay thời gian là bất tận, ngày qua ngày, tháng qua tháng không có điểm dừng; để hiểu và thương hơn năm tháng nhọc nhằn mẹ cha vất vả.
Tháng Mười nhắc nhớ dòng thời gian vụt qua, ngẫm lại điều gì đã khiến mình hạnh phúc chưa vẹn tròn? để khắc phục, cố gắng cho mai sau. Nhưng xin được bỏ lại sau lưng, về với tháng Mười, đón chào những niềm vui mới, hy vọng ngập tràn,...
Tháng Mười rồi, về nhà thôi! Về để đi trên những con đường quen thuộc, gặp lại những người thân thương. Về để nghe đất “trở mình” vươn lên từ gian khó, về để cảm nhận những đổi thay nơi chốn thôn quê, để nghe lòng vui phấp phới khi thấy người dân quê ngày càng sống ấm no, hạnh phúc,…/.
Theo Đào Thanh Tùng (Báo Long An)