Bác Ba Phi không phải… danh hài!

08:10, 29/10/2023

Cần hiểu bác Ba Phi với cái nhìn rộng hơn liên quan đến nghệ thuật văn hóa dân gian, cá tính con người, phương ngữ Nam Bộ trong giai đoạn nhất định… 

Cần hiểu bác Ba Phi với cái nhìn rộng hơn liên quan đến nghệ thuật văn hóa dân gian, cá tính con người, phương ngữ Nam Bộ trong giai đoạn nhất định… Đại diện cho lớp nghệ nhân “nói” cũng là người góp phần sáng tạo nên những cốt truyện tiếu lâm vùng đất phương Nam. Từ một cốt truyện sẽ có rất nhiều dị bản tùy theo từng vùng, từng nghệ nhân.

Ở Nam Bộ có bao nhiêu người kể truyện tiếu lâm? Một câu hỏi chắc chắn không có câu trả lời, điều này cho thấy rằng, kể truyện tiếu lâm không phải là “đặc sản” riêng của bác Ba Phi và ông cũng không phải là người duy nhất ở phương Nam biết kể và sáng tác truyện tiếu lâm.

Đó là một nghệ thuật dân gian, giai đoạn “người kể chuyện”, “người đọc truyện”… thu hút đông đảo đại bộ phận người dân yêu thích. Và dưới góc nhìn Nam Bộ học, thì bác Ba Phi chỉ là một trong hàng ngàn, hàng vạn người đại diện cho một phần của cá tính Nam Bộ, đã góp phần tạo dựng nên một kho tàng truyện tiếu lâm dân gian của vùng đất phương Nam.

Mô típ kể truyện tiếu lâm thì có ở mọi vùng miền và nó mang nét đặc trưng riêng; ngay trên vùng đất phương Nam này thì mỗi người kể truyện cũng có “số vốn” riêng được hình thành từ thực tế cuộc sống.

Những người kể truyện hay dần nổi tiếng, thu hút được số đông người nghe, họ thực sự là những nghệ nhân, nghệ sĩ dân gian, dần tự tạo nên những truyện kể của mình những tình tiết riêng, cách diễn đạt theo lối hài hước riêng.

Nhiều thập niên trước, ở bất kỳ một buổi tụ họp đông người nào như đám tiệc, buổi lao động, một tiệc rượu, bàn trà… chỉ cần vài ba người trở lên là người ta có thể cùng nhau kể truyện tiếu lâm. Rồi cùng một câu truyện lại được “thêm mắm, giặm muối”, thêm độ “tục, thanh, mặn, lạt”, thay đổi chi tiết, hay đổi tên nhân vật này nọ… tùy vào câu chuyện, ý tứ có tính địa phương. Đó là “độ mở” của đặc tính truyện tiếu lâm trong đời sống dân gian.

Sinh thời, GS Hoàng Như Mai rất tâm đắc và đau đáu về kho tàng tiếu lâm Nam Bộ, nhưng có cái khó là không chỉ qua các chuyến điền dã của sinh viên, hay của các nhà nghiên cứu có thể ghi chép lại bằng văn bản, mà tiếu lâm cần phải có “người kể truyện” thì nó mới thực sự “sống” cuộc đời của nó.

Như chúng ta thấy đó, cái đặc tính Nam Bộ này đã dần mất đi khi người Nam Bộ cũng dần mất đi cái chất giọng đặc trưng, một lớp phương ngữ vùng đất này cũng dần mất đi, cái chất cà rỡn trong những câu chuyện thường nhật cũng dần… hết mắc cười. Kho tàng truyện kể tiếu lâm cũng dần bị lãng quên.

Bác Ba Phi là một trong hàng vạn nghệ nhân kể truyện tiếu lâm, ông có duyên may được hậu thế quan tâm lưu giữ và tôn vinh di sản của cá nhân mình. Vĩnh Long có ông Tám Cồ, về miệt An Giang, Đồng Tháp hay Long An, Bến Tre, Tiền Giang… đâu đâu, cả đi sưu tầm từng xóm nhỏ vẫn có thể tìm được rất nhiều người kể truyện tiếu lâm như vậy.

Nói vậy không phải là “tầm thường hóa” mà chính là nâng cao tầm vóc, vai trò, sự vô giá của một nghệ nhân được lưu danh, cũng là sự quá ít ỏi so với sự thật đời sống của vùng đất phương Nam, đó là một di sản đồ sộ bị lãng quên. Và cũng cần cẩn thận, tính hài hước trong tiếu lâm Nam Bộ nếu không khéo “bị” đẩy lên… làm hề trên sân khấu, làm hề trên điện ảnh sẽ là câu chuyện… anh đi xa quá!

Hậu thế sẽ hiểu sai về kho tàng và những nghệ nhân kể truyện tiếu lâm Nam Bộ như bác Ba Phi.

NGỌC TRẢNG

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh