Thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (TDĐKXDĐSVH), các cấp trong tỉnh đã phối hợp triển khai các hoạt động gắn với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh. Phong trào tạo nên những đổi thay tích cực về diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống người dân, duy trì và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp.
Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer ngày càng được nâng lên. |
Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH), các cấp trong tỉnh đã phối hợp triển khai các hoạt động gắn với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh. Phong trào tạo nên những đổi thay tích cực về diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống người dân, duy trì và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp.
Đồng bào Khmer
chung tay lan tỏa
Huyện Trà Ôn là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, trong đó tập trung nhiều nhất ở các xã Tân Mỹ, Trà Côn, Hựu Thành. Trong những năm qua, xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào Khmer trên địa bàn huyện được các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể quan tâm chỉ đạo và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Khmer ngày càng được nâng cao, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. |
Đồng bào Khmer tích cực tham gia phong trào TDĐKXDĐSVH, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng cao, góp phần củng cố khối đoàn kết dân tộc, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, bảo đảm quốc phòng- an ninh.
Từ việc nỗ lực, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, diện mạo nông thôn đã có nhiều đổi khác. Về Tân Mỹ, Trà Côn, Hựu Thành hôm nay, xe bon bon trên đoạn đường nhựa, những căn nhà tường khang trang mọc lên ngày càng nhiều, những hàng rào cây xanh được cắt tỉa đẹp mắt...
Xã Tân Mỹ (Trà Ôn) có khoảng 42% dân số là đồng bào dân tộc Khmer. Sự giao thoa văn hóa và tình gắn kết giữa hai dân tộc Kinh- Khmer ngày càng thêm bền chặt. Chị Thạch Thị Thúy Liễu- Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa- Thể thao xã Tân Mỹ, cho biết, bà con đồng bào cùng nhau giữ gìn và phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa cơ sở.
“Cả xã đã cùng nhau chuẩn bị Tết quân dân 2023, vui lễ Chol Chnam Thmay, Sel Dolta… Cùng với chính quyền địa phương, bà con xung quanh, các em học sinh không ngại khó mà chung tay dọn dẹp, quét tước, giữ gìn các thiết chế văn hóa thêm sạch đẹp, chỉn chu”- Chị Thạch Thị Thúy Liễu chia sẻ.
Thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, xã Trà Côn hiện có 3.004/3.094 hộ gia đình văn hóa, trong đó có 771/786 hộ Khmer đạt chuẩn văn hóa. Ông Thạch Thương (ấp Ngãi Lộ B, xã Trà Côn) có hoàn cảnh khó khăn, sống nhờ mấy công ruộng và làm thuê làm mướn. Nhờ nỗ lực vươn lên, chịu khó học hỏi, gia đình ông có thu nhập khá và xây dựng nhà cửa khang trang.
Ông Thạch Thương cho biết: “Tôi luôn chấp hành tốt những phong trào do địa phương kêu gọi. Tôi đã đứng ra tự vận động những hộ xung quanh hùn tiền làm cầu để con em mình đi học được dễ dàng và đi ruộng thuận tiện hơn, chở lúa từ ruộng vô nhà bằng xe,... Bà con cùng nhau sẵn sàng góp công, góp của,... cùng với chính quyền xây dựng quê hương ngày càng
phát triển”.
Để phong trào TDĐKXDĐSVH, xây dựng NTM, đô thị văn minh tiếp tục đạt hiệu quả và tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, huyện Trà Ôn chú trọng phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer. Bởi họ là “hạt nhân” trong công tác tập hợp, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời, là lực lượng đi đầu trong công tác vận động bà con tham gia các hoạt động như hiến đất xây nhà văn hóa, giúp đỡ hộ nghèo, giữ gìn an ninh trật tự…
Hướng tới nâng cao đời sống người dân
Ấp Phước Định 2 (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ) đã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Ông Nguyễn Thanh Phong- Bí thư Chi bộ ấp Phước Định 2, cho biết: Các tuyến đường trong xóm, ấp được đấu nối với QL57; 100% đường liên xóm, đường trục giao thông chính của ấp được nhựa hóa, bê tông hóa, đặc biệt ấp Phước Định 2 là địa phương đầu tiên của huyện Long Hồ thực hiện tuyến đường đan có bề mặt 3m, chiều dài hơn 2,1km tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông hàng hóa và vận chuyển mai vàng.
Hệ thống đèn chiếu sáng được lắp đặt ở tất cả các trục đường chính, Nhà văn hóa- Khu thể thao liên ấp Phước Định 1- Phước Định 2 được xây dựng đạt chuẩn theo quy định, có lắp đặt dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời đáp ứng nhu cầu tập luyện, rèn luyện sức khỏe của Nhân dân.
“Hiện ấp không còn nhà tạm bợ, trên 98% người dân trong ấp có nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng, tỷ lệ lao động qua đào tạo hơn 99,6%, ấp cũng không còn trẻ em bỏ học, nhiều con em có việc làm ổn định.
Nhiều mô hình sản xuất được hình thành và hoạt động có hiệu quả như: HTX Mai vàng Phước Định, tổ hợp tác nuôi dê, trồng cây ăn trái, nuôi lươn không bùn... từng bước ổn định phát triển sản xuất và tăng thu nhập bình quân cho người dân địa phương đạt gần 71,3 triệu đồng/người/năm, góp phần kéo tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo quy định chỉ còn 2 hộ, chiếm 0,28%”- ông Nguyễn Thanh Phong cho biết.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, ông Phạm Văn Hoàn nhìn thấy quê hương mình đổi thay từng ngày. Công cuộc TDĐKXDĐSVH trong đó người dân giữ vai trò chính, mọi việc đều tốt hơn từ ý thức của người dân.
“Tui và gia đình tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động như: trồng, cắt tỉa hàng rào cây xanh. Luôn giữ nhà cửa đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa nhiều năm liền. Ông bà có trách nhiệm làm gương, giáo dục các cháu thành người. Gia đình hạnh phúc thì mới xây dựng được xã hội hạnh phúc”- ông Phạm Văn Hoàn bộc bạch.
Người dân Làng Mai vàng Phước Định chí thú làm ăn, luôn sẵn sàng đóng góp cho địa phương. |
Theo Sở Văn hóa-TT-DL, năm 2018, toàn tỉnh có 95,1% gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 98,1%, tăng 3% so với năm 2018.
Để phong trào TDĐKXDĐSVH ngày càng lan tỏa, có chiều sâu, thời gian tới, tiếp tục phối hợp tuyên truyền, phát huy vai trò các thiết chế văn hóa, hệ thống báo đài, các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội...
Các cấp tập trung phối hợp triển khai, hướng dẫn, đánh giá, nâng cao chất lượng gia đình văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Từ đó, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống và trách nhiệm trước cộng đồng.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ