Nhớ về đoàn tàu không số huyền thoại

07:10, 29/10/2023

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, đất nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền; trong khi miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, thì miền Nam phải đương đầu với đế quốc Mỹ, cùng quân chư hầu và bè lũ tay sai bán nước.

 

Tàu 56 do đồng chí Lê Quốc Thân và Trần Ngọc Tuấn chỉ huy chở 44 tấn vũ khí từ cảng Hải Phòng cập bến Lộc An, tỉnh Bà Rịa ngày 22/12/1964.Nguồn: Thư viện tỉnh Vĩnh Long
Tàu 56 do đồng chí Lê Quốc Thân và Trần Ngọc Tuấn chỉ huy chở 44 tấn vũ khí từ cảng Hải Phòng cập bến Lộc An, tỉnh Bà Rịa ngày 22/12/1964.Nguồn: Thư viện tỉnh Vĩnh Long

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết, đất nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền; trong khi miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, thì miền Nam phải đương đầu với đế quốc Mỹ, cùng quân chư hầu và bè lũ tay sai bán nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam; sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.

Trước sự khẳng định của Bác Hồ, cùng với Nghị quyết số 15 của BCH Trung ương Đảng là phải tiến hành thống nhất đất nước. Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 15, Quân ủy Trung ương thành lập các tuyến đường bộ và đường biển chi viện tổng lực cho chiến trường miền Nam. Ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn 759, tiền thân của Đoàn 125 Hải quân (ra đời ngày 29/1/1964)- “Đoàn tàu không số” huyền thoại, cùng với những chiến sĩ quả cảm thực hiện nhiều chuyến hải trình chi viện trong suốt 14 năm (1961-1975).

Lịch sử đã từng diễn ra vào năm 1946, khi ấy cô Ba- nữ tướng Nguyễn Thị Định là thuyền trưởng chỉ huy “Tàu không số” đầu tiên, chở 12 tấn vũ khí từ miền Bắc cập Bến A101 ở tỉnh Bến Tre và bàn giao cho cách mạng miền Nam an toàn, mở đầu cho hành trình phi thường, lập nhiều kỳ tích của “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Tiếp bước thành công của lịch sử và thực hiện nhiệm vụ cấp bách trong tình hình mới, Đoàn 759 chuẩn bị kế hoạch chu đáo với quyết tâm vượt trùng khơi chi viện cho chiến trường miền Nam, và Tiểu đoàn 306 lãnh nhiệm vụ tiên phong, nhưng buổi đầu gặp nhiều khó khăn do tàu thân gỗ không chịu nổi sóng to, bão lớn.

Song song với đó, “Đoàn tàu không số” còn tổ chức các chuyến tàu thăm dò từ Bắc vào Nam và ngược lại; trong đó có chuyến vượt biển đầu tiên từ Nam ra Bắc được xuất phát tại tỉnh Bến Tre vào ngày 18/8/1961.

Nhằm đáp ứng cho những chuyến tàu vận chuyển có bến tập kết vũ khí an toàn, Bộ Chính trị chỉ đạo Khu ủy miền Tây Nam Bộ thành lập Đoàn 962 phụ trách các bến thuộc tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre và Bạc Liêu; công tác chuẩn bị đã được Đoàn 759 thực hiện rất chu đáo và an toàn cho những chuyến tàu lịch sử từ tàu vỏ gỗ cho đến vỏ sắt; trong đó, phân tuyến vận chuyển từ cửa biển Cần Giờ đến chiến khu Hắc Dịch là tuyến chủ yếu của miền Đông Nam Bộ, còn Bến A101 ở tỉnh Bến Tre trung chuyển tập trung cho khu vực Trà Vinh và Cà Mau.

Tháng 3/1964, biệt danh “Đoàn tàu không số” ra đời dưới sự thống nhất tên gọi của Trung tướng Trần Văn Trà- Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam.  

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, thời gian có thể thay đổi, nhưng ký ức vẫn không thể phai mờ đối với đồng chí Nguyễn Ngọc Ảnh, người thuyền trưởng đầu tiên của chuyến tàu vỏ sắt thực hiện nhiệm vụ vào Nam thành công trước biển động sóng cao, gió cấp 7 cứ liên tục vồ lấy thân tàu, các chiến sĩ kiên cường bám tàu vượt trùng khơi, nồi cháo trắng trên tàu nấu đôi ba lần vẫn không hoàn thành trước các đợt sóng to; sau chuyến khởi hành đầu tiên thắng lợi này, cả đoàn được đích thân Phó Thủ tướng Phạm Hùng và Trung tướng Trần Văn Trà gặp mặt biểu dương chiến công.

“Đây là con tàu anh hùng. Tôi đã có mười chuyến đi trên con tàu này và chỉ ở tàu này mà thôi”- Thuyền trưởng Lưu Đình Lừng kể với niềm tự hào về Tàu 42 mà ông trực tiếp chỉ huy vượt qua bao thử thách, lập nhiều chiến công. Thật vinh dự khi Tàu 42 được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu cao quý, đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ngày 8/10/1972.

Những trang sử vẻ vang của “Đoàn tàu không số” còn có sự đóng góp của nhiều trí thức từng du học bên Pháp về, như: Thuyền trưởng Lê Văn Một chỉ huy tàu Rạng Đông 1; Vĩnh Mẫn- Phan Thắng thuộc dòng dõi triều Nguyễn trở thành Trưởng Ban Tuyên huấn Lữ đoàn 125 Hải quân; hay thầy giáo Lê Thanh Xuân viết đơn xin nhập ngũ bằng máu; tinh thần dân tộc là thế, cuốn nhật ký của liệt sĩ Huỳnh Hường ghi chưa có đoạn kết nhưng người chấp bút mãi mãi ra đi vào lòng biển khơi.

Gắn liền với những thành tích của “Đoàn tàu không số” có phần đóng góp không nhỏ của những người dân, tiêu biểu như hình ảnh má Hai ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi quên mình hỗ trợ các chiến sĩ mà không sợ hiểm nguy cho dù hy sinh; thậm chí bán luôn cả gia tài góp vốn mua tàu không số như má Mười Rìu ở Vũng Tàu.

Thắng lợi trong chiến dịch Bình Giã của quân đội ta có công rất lớn của những chuyến tàu không số, tiêu biểu là chuyến đột phá của Tàu 56 chở 44 tấn vũ khí từ cảng Hải Phòng cập bến Lộc An, tỉnh Bà Rịa vào ngày 22/12/1964, hoàn thành nhiệm vụ trong
an toàn.

Bên cạnh đó, những con tàu không số còn hiệp đồng với tàu có số đưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, quân đội vào Nam ra Bắc an toàn, tiêu biểu vào tháng 9/1973 Đoàn 125 Hải quân và Đoàn 371 Quân khu 9 tổ chức đưa đồng chí Võ Văn Kiệt (Sáu Dân)- Bí thư Khu ủy Khu 9 đang ở miền Bắc trở vào miền Nam chỉ đạo cách mạng miền Nam sau Hiệp định Paris được ký kết; hay tháng 11/1973, đồng chí Lê Đức Anh (Sáu Nam)- Tư lệnh Quân khu 9 lên tàu xuất phát từ Cà Mau ra Bắc báo cáo tình hình miền Nam với Bộ Chính trị.

Chiến tranh đã qua đi, thời gian luôn hướng về phía trước, nhưng những ký ức và kỷ vật đối với các chiến sĩ “Đoàn tàu không số” trở thành thứ tài sản vô giá trong cuộc đời của người chiến sĩ hải quân. Và còn rất nhiều những câu chuyện gắn liền với ký ức của những chiến sĩ luôn kiên cường vượt trùng khơi trong mưa bơm bão đạn, để rồi trong số họ có người phải mang nỗi đau thương tật suốt đời, có người mãi mãi ra đi giữa lòng đại dương mênh mông, để lại sự cảm phục và lòng tiếc thương vô hạn cho đồng đội, người thân và cả dân tộc.

Trong suốt 14 năm (1961-1975), với hàng trăm chuyến hải trình, từ những con tàu gỗ, trọng tải nhỏ, thiếu thiết bị đi biển, cho đến tàu vỏ sắt, thiết bị hiện đại với trọng tải hàng trăm tấn đã lập nên nhiều chiến công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, viết lên một huyền thoại “Đoàn tàu không số” về “Đường Hồ Chí Minh trên biển” bất hủ.

62 năm đã qua đi (23/10/1961-23/10/2023), bài học về tinh thần yêu nước “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” vẫn còn nguyên giá trị, trở thành niềm tự hào về sự kiên gan, bền chí của người chiến sĩ hải quân của “Đường Hồ Chí Minh trên biển”; con đường đã thể hiện tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt bao sóng to, bão lớn, góp phần đưa con tàu cách mạng Việt Nam đến bến bờ độc lập.

HỒ MINH

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh