'Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực' nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể

08:10, 11/10/2023

Tối 10/10, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức khai mạc lễ hội và đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực - TP Rạch Giá".

Tối 10/10, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức khai mạc lễ hội và đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực - TP Rạch Giá".

 

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể "Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực - TP Rạch Giá" - Ảnh: CHÍ CÔNG

Ông Nguyễn Thanh Nhàn - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết năm 2023, Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực - TP Rạch Giá được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 2/2/2023.

Việc này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Dù hoàn cảnh, điều kiện sống, lao động sinh hoạt khác nhau nhưng người dân đều một lòng hướng về Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực. Đến đây, ai nấy cũng cầu mong đất nước quê hương luôn được thanh bình, "mưa thuận, gió hòa", ấm no, hạnh phúc. Đặc biệt, luôn nhắc nhở nhau và sống xứng đáng với sự hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

"Lễ hội Đình thần Nguyễn Trung Trực là lễ hội của cộng đồng, của nhân dân. Hôm nay lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chúng ta cần tỏ lòng biết ơn về những nỗ lực thầm lặng, bền bỉ của cộng đồng, của các thế hệ nghệ nhân trong việc bảo tồn, gìn giữ. 

Địa phương tiếp tục quảng bá những giá trị lịch sử và nét đẹp của lễ hội đến với nhân dân trong nước, bạn bè quốc tế", ông Nhàn nhấn mạnh.

Nguyễn Trung Trực tên là Nguyễn Văn Lịch (còn gọi Quản Chơn, Quản Lịch). Ông sinh năm 1838 ở Bình Nhật (huyện Cửa An, Tân An - nay thuộc xã Bình Đức, huyện Bến Lức, Long An) trong một gia đình nông dân làm nghề chài lưới.

Ông giỏi võ nghệ, am hiểu sách thánh hiền, tính tình cương trực, giàu lòng yêu nước. Khi Pháp tấn công thành Gia Định lần thứ 2, Nguyễn Trung Trực tập hợp những người yêu nước có ý chí chống giặc ngoại xâm và gây cho Pháp nhiều tổn thất nặng nề.

Ngày 27/10/1868, ông bị quân Pháp bắt và xử chém tại Rạch Giá. Lúc này ông mới 30 tuổi.

Nhớ công lao của người anh hùng xả thân vì nước, người dân tổ chức lễ cúng giỗ ông vào ngày 26, 27 và 28 tháng tám (âm lịch). Ngày 23/3/1988, Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận "mộ và đình Nguyễn Trung Trực" là di tích cấp quốc gia.

Đình thần Nguyễn Trung Trực hiện trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa và giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân. Lễ giỗ ông có hơn 2-3 triệu lượt khách thập phương về chiêm bái.

Theo CHÍ CÔNG/Báo điện tử Tuổi trẻ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh