Vùng đất mới hình thành nên tính cách văn hóa người phương Nam

05:09, 09/09/2023

Điều kiện tự nhiên của vùng đất mới với quan hệ giữa người với người bằng cái tình, cái nghĩa, cách sống hòa hợp cao với thiên nhiên sông nước,... Dần dà trở thành tính cách văn hóa riêng của người dân đất phương Nam.

Cách sống hòa hợp cao với thiên nhiên sông nước là một trong những yếu tố hình thành nên tính cách văn hóa người phương Nam.
Cách sống hòa hợp cao với thiên nhiên sông nước là một trong những yếu tố hình thành nên tính cách văn hóa người phương Nam.

(VLO) Điều kiện tự nhiên của vùng đất mới với quan hệ giữa người với người bằng cái tình, cái nghĩa, cách sống hòa hợp cao với thiên nhiên sông nước,... Dần dà trở thành tính cách văn hóa riêng của người dân đất phương Nam.

Điều kiện tự nhiên hoang vu đã buộc con người phải hợp tác chung lưng đấu cật để “khai sơn phá thạch”, nên rất cần sự thẳng thắn rõ ràng, trực tiếp, ngắn gọn, không dông dài, rào trước đón sau,… Không thời gian đâu mà “dò sông dò biển” để “đo lòng người” mà yêu ghét rõ ràng, trắng ra trắng, đen ra đen.

Cái thời ở vùng đất phương Nam đầy lam sơn chướng khí: “Đến đây xứ sở lạ lùng/ Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh”. Người đi lập nghiệp phải tìm cái ăn sao cho có sức khỏe để chặt cây, phát cỏ, khơi kênh rạch.

Người phương Nam có kinh nghiệm “ăn cá thay cơm” là phương thuốc hiệu nghiệm nhất để chống lại bệnh sốt rét, muỗi rừng, giúp cơ thể dẻo dai, tạo sức lực dồi dào đủ sức đối phó với thiên nhiên hoang dã mà trong Cao khỉ U Minh, Sơn Nam có kể: “Bà con xứ này nhờ ăn cá mà khỏi chết vì bệnh rét rừng. Muỗi cắn sanh bịnh rét. Nhưng nhờ muỗi mà cá được mập mạp.

Cá lớn con nhờ ăn muỗi, ăn lăng quăng quá nhiều. Mình ăn cá, tức là ăn thịt muỗi. Tóm lại, vì muỗi mà mình mang bịnh, vì muỗi mà mình có đủ cá ăn để ngừa bịnh...”.

Ăn phải chắc bụng mới được à nghen. Nên cá để nguyên con nướng như cá lóc, cá rô nướng trui; vịt, gà để nguyên con luộc;… Với cách ăn xả láng mà nhà văn Sơn Nam đã kể lại: “Ta cứ cầm giẻ xong, cứ quăng cái xương cá… Đống xương cá vun lên, trong đó còn dính chừng một ký lô thịt cá. Đây là ăn theo kiểu ông bà để lại”.

Không cầu kỳ, khách sáo trong phong cách ăn và chế biến món ăn. Khách đến nhà chơi gặp bữa cơm thì phủi chân “xáp vô” ăn cùng, đã ăn thì phải ăn thiệt tình, chứ không ăn ít ăn kiểu “ăn như mèo hửi”. Dần dà trở thành phong cách riêng “ăn to, nói lớn” của người dân đất phương Nam.

Ngày ấy muỗi dày đặc. Tiếng kêu vo ve của hàng vạn con muỗi không khác gì tiếng sáo. Nguyễn Hiến Lê từng tả hồi ông đi Cà Mau, Phụng Hiệp: “… chiếc ghe hầu của tôi sơn xanh lá cây, mỗi buổi chiều, từ sáu giờ trở đi, biến thành màu xám: muỗi bám đầy ghe, liền cánh nhau, mỗi phân vuông có ít nhất vài con. Không thể nào đứng yên được một lát, phải quơ chân múa tay luôn luôn mà chúng vẫn đốt”.

Còn đỉa thì “lềnh tợ bánh canh”. Khi đỉa hút máu, nước bọt của đỉa tiết ra một chất có tác dụng làm máu không đông và gây tê khiến đối phương không cảm thấy đau đớn. Chỉ tới khi no căng đỉa mới tự rơi ra. Và con đỉa được xem là loài “tái xin vô hạn”.

Cơ thể đỉa có các đốt, các đốt như một phần cơ thể nên chúng có thể hình thành cơ thể mới. Nhưng người dân sông nước có kinh nghiệm để diệt đỉa bằng vôi nên dân gian mới có câu “như đỉa phải vôi” là thế.

Chúng không chỉ bám cắn vào da thịt mà còn chui qua các lỗ trên cơ thể để vào cơ thể. Giờ trên đồng ruộng người ta sử dụng nhiều hóa chất nên không còn đỉa nữa. Đời sau bây giờ không còn biết con đỉa hình thù nó ra làm sao nữa.

Vùng đất mới rất xa xôi, con người không còn bị ràng buộc bởi tính cộng đồng làng xã truyền thống, không còn bị các quan hệ dòng tộc, quan hệ xã hội chi phối nặng nề,…

Và điều kiện tự nhiên thuận tiện, ưu đãi cho cuộc sống con người, khiến con người không phải lo khéo léo lấy lòng người khác để tồn tại.

Những yếu tố ấy hình thành và phát triển tính bộc trực ở con người vùng đất phương Nam. Không chịu luồn cúi, sống đúng với con người thật của mình: “Trời sanh cây cứng lá dai/ Gió lay mặc gió, chiều ai không chiều”.

Người phương Nam chân thành, không giấu giếm, không giữ chút gì cho riêng mình, có sao nói vậy. Phơi bày ra một cách thẳng đuột, không tìm cách che giấu suy nghĩ của mình, không quanh co, gò bó, úp mở, cứ nói huỵch tẹt: “Bậu đừng bán dạng thuyền quyên/ Cái khăn bậu đội, dây chuyền ai mua?” hay “Anh đừng lên xuống uổng công/ Con gái đất giồng không thích đồng bưng”.

Không thiện cảm và luôn cảnh giác với những người quá lanh lợi, những kẻ nhiều lời, những lời nói khua môi múa mép, những hành động xu nịnh: “Cây oằn vì bởi trái sai/ Anh xa em bởi ông mai nhiều lời”.

Phải lao động cật lực vì diện mạo của vùng đất “hoang vu”, với rừng rậm um tùm, sình lầy… Nhưng với sự cần cù, nhẫn nại, tình nghĩa cộng đồng và với chút liều lĩnh của ông cha đã tạo dựng nên thôn ấp và ruộng vườn trên vùng đất màu mỡ. Và dù thời gian có trôi, nhưng tính cách văn hóa của con người vùng đất mới vẫn thế, vẫn bộc trực, vẫn bao dung, vẫn trọng nghĩa…

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh