Thời gian qua, hoạt động văn nghệ quần chúng (VNQC) được ngành văn hóa xác định là nhiệm vụ quan trọng và thực hiện thường xuyên, tạo sinh khí cho phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tại các địa phương trong tỉnh.
|
Các CLB sinh hoạt thường xuyên, tạo niềm vui, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. |
Thời gian qua, hoạt động văn nghệ quần chúng (VNQC) được ngành văn hóa xác định là nhiệm vụ quan trọng và thực hiện thường xuyên, tạo sinh khí cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại các địa phương trong tỉnh.
Đời sống ngày càng phát triển, hoạt động văn hóa, văn nghệ càng diễn ra sôi nổi từ tỉnh đến cơ sở, trở thành “món ăn tinh thần” bổ ích, góp phần cải thiện đời sống văn hóa của quần chúng Nhân dân.
Sức hút từ phong trào văn nghệ quần chúng
Thực hiện các chủ trương, giải pháp của Bộ Chính trị đề ra trong Nghị quyết 23/NQ-TW ngày 16/6/2008 về phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, phong trào VNQC trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long thời gian qua ngày càng phát triển sâu rộng, đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Những năm qua, để tổ chức tốt các phong trào văn nghệ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của người dân, ngành văn hóa tập trung duy trì hoạt động của đội tuyên truyền lưu động, xây dựng và phát triển các nhóm sở thích, CLB VNQC.
Hiện nay, tỉnh có 1 đội tuyên truyền lưu động cấp tỉnh và 5 đội cấp huyện (44 thành viên) tập trung phục vụ nhiệm vụ chính trị, các sự kiện văn hóa lớn của tỉnh và của đất nước; tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến Nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Từ năm 2008 đến nay, ngành đã xây dựng trên 150 chương trình mới, phục vụ trên 2.000 buổi, thu hút khoảng 900.000 lượt người xem. Chỉ tính riêng đơn vị Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh hiện có 10 CLB văn hóa- nghệ thuật thu hút gần 400 hội viên, tổ chức sinh hoạt thường xuyên, trung bình khoảng 100 buổi/năm.
Trong đó, các CLB hoạt động sôi nổi và mang tính VNQC cao như: CLB đờn ca tài tử, nhóm nghệ thuật đường phố. Bên cạnh đó, ngành cũng chú trọng tổ chức các cuộc thi, liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng từ tỉnh đến cơ sở, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Theo Sở Văn hóa-TT-DL, trong giai đoạn 15 năm (2008-2023), ngành văn hóa đã tổ chức thành công trên 60 cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn cấp tỉnh, có khoảng 12.000 thí sinh, diễn viên, nhạc công tham gia, thu hút trên 100.000 lượt người xem. Tiêu biểu như liên hoan đờn ca tài tử, liên hoan đờn hát dân ca Nam Bộ,...
Để góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc, ngành đã tổ chức các hoạt động như liên hoan nghệ thuật quần chúng đồng bào Khmer, liên hoan tiếng hát thanh niên Kinh- Khmer- Hoa,...
Phó Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL Lê Thanh Hiền đánh giá, thông qua hoạt động thi, liên hoan VNQC trong và ngoài tỉnh đã khuyến khích, động viên các lực lượng VNQC phát huy tinh thần sáng tạo, tạo động lực cho sự phát triển phong trào VNQC của tỉnh thời gian qua. Qua đó, cũng kịp thời phát hiện và bồi dưỡng nhiều tài năng trẻ, tiếp tục kế thừa và phát triển phong trào.
Chị Trần Thị Thúy Lan (xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình) đằm thắm trong bộ áo bà ba thể hiện bài múa “Nét duyên quê” trong hội diễn văn nghệ NTM. Đã nhiều lần tham gia các hoạt động VNQC, chị Thúy Lan bộc bạch: “Chúng tôi rất vui và sẵn sàng tham gia các hoạt động văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần. Tuổi trẻ thì phải luôn rèn luyện ý thức, năng động, sáng tạo thì quê hương mình mới đổi thay, phát triển được”.
Vừa qua, Sở Văn hóa-TT-DL cũng đã xây dựng Đề án Xã hội hóa khai thác cơ sở vật chất thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Theo đó, thời gian thí điểm đề án dự kiến 3 năm với 38 thiết chế, gồm 21 trung tâm văn hóa- thể thao cấp xã và 17 nhà văn hóa- khu thể thao ấp, liên ấp. Hình thức thực hiện sẽ tạo điều kiện để các CLB văn hóa, văn nghệ, thể thao, sinh vật cảnh, các trung tâm công nghệ thông tin, trung tâm dạy nghề… khai thác, sử dụng khuôn viên các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giao lưu, sinh hoạt, trưng bày, giới thiệu, trao đổi sản phẩm; mở các lớp dạy kỹ năng sử dụng máy vi tính, sản xuất nông nghiệp…
|
Tiếp tục nâng cao đời sống tinh thần cho người dân
Đối với công tác bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộc, ngành văn hóa hết sức quan tâm thực hiện.
Trong giai đoạn 2008-2023, ngành đã mở 82 lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn chuyên ngành văn học, nghệ thuật (trung bình hơn 5 lớp/năm, chủ yếu là các lớp về loại hình đờn ca tài tử, nhạc lễ, hát bội, các loại hình nghệ thuật của đồng bào Khmer,...) với 2.277 học viên tham dự. Đặc biệt, đối với nghệ thuật đờn ca tài tử, ngành đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện 2 đề án bảo tồn và phát huy giai đoạn 2015-2025.
VNQC có vai trò quan trọng trong đời sống, góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, phong tục tập quán. Tuy nhiên, nhiều tổ, đội hoạt động cầm chừng, theo mùa vụ, chưa hiệu quả do đa số người dân đi làm ăn không có thời gian tham gia sinh hoạt. Kinh phí hoạt động còn hạn hẹp, nhiều nơi không có, chủ yếu dựa trên nguồn xã hội hóa.
Ông Lê Thanh Hiền cho biết, để nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa VNQC, trước hết cần tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với công tác văn hóa, văn nghệ ở mỗi địa phương. Cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và cấp huyện tiếp tục tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách; tăng cường đầu tư phân bổ nguồn kinh phí phù hợp đáp ứng hoạt động văn học, nghệ thuật trong tình hình mới.
Khuyến khích công tác xã hội hóa tạo điều kiện để phong trào VNQC ngày càng phát triển. Tiếp tục tăng cường nâng chất lượng và số lượng các CLB, các đội nhóm sở thích để tạo hạt nhân cho phong trào; nâng chất lượng và số lượng các hội thi, hội diễn, liên hoan VNQC để phong trào ngày càng lan tỏa sâu rộng.
Xác định việc thiếu kinh phí hoạt động là khó khăn chung của nhiều thiết chế văn hóa- thể thao, thời gian qua, HĐND tỉnh đã ban hành 2 nghị quyết nâng cao mức hỗ trợ, tạo nguồn lực cho hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở phát triển. Trong đó, Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND quy định về mức chi giải thưởng và bồi dưỡng đối với thi, liên hoan, VNQC, tuyên truyền lưu động. Đặc biệt Nghị quyết số 31/2022/NQ-HĐND ra đời vô cùng cấp thiết, quy định mức kinh phí duy trì các hoạt động nghiệp vụ và phục vụ nhiệm vụ chính trị của trung tâm văn hóa- thể thao cấp xã; nhà văn hóa- khu thể thao ấp.
|
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ