Sân khấu thực cảnh- tái hiện truyền thống bằng sân khấu hiện đại

04:09, 19/09/2023

Tại Việt Nam, khái niệm về "sân khấu thực cảnh" xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại đây. Các vở diễn cuốn hút khán giả bởi độ hoành tráng, cả về khung cảnh lẫn số lượng diễn viên và mức độ đầu tư. Lấy văn hóa- lịch sử làm điểm nhấn cho sản phẩm du lịch sẽ là bước khởi đầu, kết nối giá trị nhân văn với kế hoạch quảng bá du lịch mang dấu ấn đặc trưng cho địa phương.

 

 “Ký ức Hội An” được đầu tư hoành tráng với gần 500 diễn viên tham gia.
“Ký ức Hội An” được đầu tư hoành tráng với gần 500 diễn viên tham gia.

Tại Việt Nam, khái niệm về “sân khấu thực cảnh” xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại đây. Các vở diễn cuốn hút khán giả bởi độ hoành tráng, cả về khung cảnh lẫn số lượng diễn viên và mức độ đầu tư. Lấy văn hóa- lịch sử làm điểm nhấn cho sản phẩm du lịch sẽ là bước khởi đầu, kết nối giá trị nhân văn với kế hoạch quảng bá du lịch mang dấu ấn đặc trưng cho địa phương.

Ấn tượng với thước phim đầy hoành tráng

Chính thức ra mắt khán giả cuối tháng 10/2017, “Tinh hoa Bắc Bộ” là vở diễn thực cảnh được đầu tư hơn 2.500 thiết bị âm thanh, ánh sáng tối tân, sân khấu mặt nước diện tích 4.300m² tựa lưng vào núi Thầy. 

Vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” đã nhận được nhiều giải thưởng như: 2 kỷ lục Guinness Việt Nam: Show diễn có sân khấu mặt nước lớn nhất Việt Nam và Show diễn có số lượng diễn viên là nông dân đông nhất Việt Nam; Giải Vàng Stevie Awards châu Á- Thái Bình Dương năm 2018 và Giải “Chương trình biểu diễn văn hóa thực cảnh hàng đầu 2019”. “Tinh hoa Bắc Bộ” còn được truyền hình CNN bình chọn là “Vở diễn nhất định phải xem khi đến Hà Nội”.

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam- Tổng đạo diễn chương trình “Tinh hoa Bắc Bộ” cho biết, nghệ thuật biểu diễn thực cảnh bao gồm cảnh vật, không gian, bối cảnh gắn với yếu tố thiên nhiên như: núi, sông, suối, hồ, biển, ruộng đồng… Khán giả có thể xem trong thời lượng 45-60 phút. Thông qua thời lượng như vậy, khán giả được hòa mình, sống trong không gian cổ xưa, truyền thống nào đó của một quốc gia, qua đó khán giả cũng sẽ nhập vai và cảm nhận được hồn cốt và văn hóa nghệ thuật truyền thống của một địa phương.

“Sân khấu thực cảnh” sử dụng chất liệu truyền thống, kết hợp với các hiệu ứng sân khấu hiện đại. Để tạo hiệu ứng tốt, ngoài cảnh đẹp sẵn từ thiên nhiên, sân khấu thực cảnh phải sử dụng nhiều kỹ thuật dàn dựng sân khấu cũng như hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại bao gồm giao thoa laser và 3D mapping.

Chính hiệu ứng này đã tôn lên sự kỳ vĩ, hoành tráng của không gian thiên nhiên, góp phần tạo nên sự đặc sắc của vở diễn. Không dễ để dàn dựng một vở thực cảnh vì yêu cầu đầu tư phải đủ mạnh về tài chính, đồng thời phải yêu và nặng lòng với văn hóa. Như vở diễn “Ký ức Hội An” được đầu tư với số tiền lên đến 10 triệu USD, làm người xem choáng ngợp bởi sự hoành tráng với không gian biểu diễn lên tới 25.000m², gần 500 diễn viên tham gia.

Du lịch kết hợp văn hóa nghệ thuật

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam cho biết: “Tôi kể câu chuyện hàng ngàn năm đã qua chỉ thông qua 60 phút trên sân khấu. Tất cả mọi người đều cố gắng, giống như cầm một hòn sỏi ném vào mặt nước, khẽ làm lay động tâm hồn người xem, làm lưu luyến cả những du khách phương xa”.

Chị Mai Vân (TP Vĩnh Long) chia sẻ: “Khi tận mắt thưởng thức “Ký ức Hội An”, chúng tôi vỡ òa kinh ngạc và khó quên 5 màn dẫn dắt người xem đi qua nhiều thời điểm lịch sử, kể những câu chuyện tình gắn liền với vùng đất xứ Quảng đầy chất thơ.

Rưng rưng tự hào khi thấy khách nước ngoài cùng trầm trồ trước hình ảnh 100 cô gái trong tà áo dài trên con đường đầy ánh sáng và tái hiện các giai đoạn lịch sử của một Hội An sầm uất. Có thể nói là nâng tầm thị giác khi được đồng hành cùng mang văn hóa Việt ra thế giới, kể câu chuyện của một vùng đất di sản bằng những gì tinh hoa nhất của nghệ thuật nước nhà”.

Gần đây nhất, chương trình nghệ thuật “Sài Gòn- dòng sông kể chuyện” được thực hiện hút khách du lịch trong và ngoài nước đến TP Hồ Chí Minh thưởng lãm show diễn thực cảnh đầu tiên. Chương trình được kỳ vọng tạo tiền đề để biến sông Sài Gòn trở thành điểm đến hấp dẫn của loại hình du lịch kết hợp văn hóa nghệ thuật.

Theo đạo diễn Lê Hải Yến: “Quyển sách mình đọc có thể chưa phải không gian đa chiều nhưng khi thực hiện sân khấu hóa, ở đó có không gian đa chiều, có cây cối thiên nhiên, có âm thanh. Với mỗi bối cảnh, mỗi thời kỳ, tôi muốn con người thật kể câu chuyện của mình để cố gắng mang đến cảm xúc chân thật nhất”.

“Sài Gòn- dòng sông kể chuyện” như một bữa tiệc rực rỡ sắc màu với các công nghệ trình diễn hiện đại như: hệ thống đèn laser công suất lớn, nghệ thuật pháo hoa cùng ánh sáng từ hàng chục tàu thuyền lớn trên sông Sài Gòn. Chương trình phát huy tiềm năng vốn có, khai thác tối đa giá trị kinh tế, văn hóa- nghệ thuật, du lịch của dòng sông Sài Gòn, nhất là định vị thương hiệu đô thị sông nước giàu bản sắc của TP Hồ Chí Minh.

Sân khấu thực cảnh là một xu hướng tất yếu nhưng cần đặc biệt lưu tâm trong việc phối hợp giữa nhà đầu tư và những người làm nghề thật sự có tâm, có tầm để bảo đảm chất lượng nghệ thuật. Để làm tốt vai trò và sứ mệnh du lịch gắn với văn hóa, đòi hỏi người làm nghề phải tâm huyết và am hiểu sâu sắc văn hóa Việt Nam.

Hy vọng cùng với “Tinh hoa Bắc Bộ”, “Ký ức Hội An”, “Sài Gòn- dòng sông kể chuyện”, “Tinh hoa Việt Nam”… ngày càng nhiều sân khấu thực cảnh ra đời, được đầu tư đầy tâm huyết và trách nhiệm, cùng mang hình ảnh Việt Nam vươn ra thế giới.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh