Hòa Hiệp anh hùng- quê hương của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa

05:09, 10/09/2023

Tại chương mở đầu, sách lịch sử "Hòa Hiệp- Trang sử anh hùng" có đoạn viết: "Dưới thời thực dân phong kiến, bọn thống trị thực hiện chính sách ngu dân, cả xã chỉ có 2 trường tiểu học ở Cầu Mới và Ba Kè.

 Đường vào xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình. Ảnh: HOÀNG KHẢI
Đường vào xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình. Ảnh: HOÀNG KHẢI

(VLO) Tại chương mở đầu, sách lịch sử “Hòa Hiệp- Trang sử anh hùng” có đoạn viết: “Dưới thời thực dân phong kiến, bọn thống trị thực hiện chính sách ngu dân, cả xã chỉ có 2 trường tiểu học ở Cầu Mới và Ba Kè.

Mỗi trường chỉ có 3 lớp học và chỉ dành cho con nhà khá giả, nhưng với tinh thần hiếu học, người dân xã Hòa Hiệp so với nhiều địa phương khác trong tỉnh thì có trình độ học vấn khá, chiếm trên 30% dân số.

Nổi bật ở tinh thần hiếu học của người Hòa Hiệp là kỹ sư Phạm Quang Lễ, người Ấp 6, nhà nghèo, cha mất sớm nhưng ông đã vượt qua tất cả, học thật giỏi, luôn đỗ cao trong các kỳ thi, được du học bên Pháp.

Sau khi thi đỗ nhận bằng kỹ sư loại xuất sắc, ông ở lại làm việc trong ngành hàng không Pháp. Ông được trả lương mỗi tháng tương đương 22 lượng vàng, nhưng sau khi Hội nghị Fontainebleau giữa năm 1946 không thành, ông tình nguyện theo Bác Hồ về nước kháng chiến. Ông không mang gì về nước ngoài 1 tấn sách, tài liệu khoa học mà ông rất quý.

Về nước Phạm Quang Lễ được Bác Hồ đặt cho tên mới là Trần Đại Nghĩa, ông có nhiều công lao với nước được Nhà nước phong cấp Thiếu tướng và tuyên dương Anh hùng Lao động. Ông là Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Viện sĩ Hàn lâm Liên Xô và Viện sĩ Hàn lâm Cộng hòa Dân chủ Đức”.

Thời niên thiếu và cuộc đời hoạt động, cống hiến cho cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của GS.VS Trần Đại Nghĩa thì nhiều người biết, trong giới hạn của bài viết này, tôi xin đề cập đến đất và người quê hương xã Hòa Hiệp của ông trong 2 cuộc kháng chiến và sau ngày 30/4/1975.

Vài nét về xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình

Xã Hòa Hiệp là 1 trong 17 xã, thị trấn của huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Xã nằm hướng Tây Bắc sông Măng Thít, có 7 ấp đặt tên theo số là các ấp: 4, 6, 7, 8, 9, 10 và ấp Hòa Phong (trước kia xã có 10 ấp, từ năm 1994 cắt 5 ấp từ 1, 2, 3, 4 và 5 để thành lập xã Hòa Thạnh). Tổng diện tích tự nhiên là 14,87km², với dân số gần 7.000 người, mật độ dân số khoảng 473 người/km².

Thời Pháp thuộc, trước năm 1940 xã Hòa Hiệp bao gồm 2 làng Chánh Hòa, Chánh Hiệp, tổng Bình Chánh, quận Tam Bình. Đến năm 1940, 2 làng Chánh Hòa và Chánh Hiệp hợp nhất làm một lấy tên làng Hòa Hiệp, sau này thành lập xã lấy tên xã Hòa Hiệp cho đến nay.

Năm 2022 xã Hòa Hiệp được tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao và hiện nay phấn đấu xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Ảnh: XUÂN TƯƠI
Năm 2022 xã Hòa Hiệp được tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao và hiện nay phấn đấu xây dựng xã NTM kiểu mẫu. Ảnh: XUÂN TƯƠI

Về tự nhiên, xã Hòa Hiệp được dòng sông Măng Thít- một thủy lộ quốc gia bao bọc từ hướng Đông Nam kéo dài khoảng 6km bắt đầu từ Ấp 6 đến cuối Ấp 10. Sông Măng Thít ngày ngày mang nguồn nước ngọt sông Tiền Giang, sông Hậu Giang giàu phù sa tưới cho cánh đồng lúa, cho vườn cây ăn trái của xã.

Thời chưa có đường bộ như hiện nay, sông chở những con đò ngày ngày chở khách ngược xuôi theo tuyến Tam Bình- Cầu Mới và ngược lại. Dòng sông và con đò trên sông Măng Thít là nơi lưu dấu tuổi thơ của bao thế hệ người Hòa Hiệp, trong đó có Phạm Quang Lễ- Trần Đại Nghĩa.

Hòa Hiệp thời kỳ chống phong kiến, thực dân Pháp

Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, sống trong chế độ thực dân phong kiến, Nhân dân Hòa Hiệp trong cảnh “1 cổ 2 tròng” vô cùng lầm than, cơ cực. Hàng chục thứ thuế đổ lên đầu, nặng nhất là thuế thân, trai đinh tuổi từ 18 trở lên mỗi năm phải đóng thuế thân tương đương 20 giạ lúa.

Ai không đóng đủ bị hương chức, lính làng lùng sục, truy bắt gắt gao. Chưa hết, người dân thân phận tá điền bị địa chủ ra sức bóc lột, nhận ruộng làm quần quật cả năm nhưng không đủ lúa nộp phải tiếp tục vay để có cái ăn.

Địa chủ ở Hòa Hiệp chỉ chiếm 5% dân số nhưng thâu tóm 90% diện tích ruộng đất của xã. Địa chủ nổi tiếng xảo quyệt, gian ác trong xã là các tên Cả Mai, Đặng Văn Hoài, lục sự Lễ, hội đồng Giác, bộ Quản…

Có áp bức, tức có đấu tranh, trường hợp ông Sáu Xuân ở Ấp 4, một tá điền bị áp bức đến nỗi liều mai phục trên sông đón chận ghe giết chết tên bộ Quản, con của hội đồng Giác là một thí dụ.

Theo người dân Hòa Hiệp, vào khoảng năm 1936, có ông Tạ Uyên, quê Ninh Bình, một nhà hoạt động cách mạng bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo vượt ngục về hoạt động tại Vĩnh Long.

Cùng năm, ông về Hòa Hiệp hoạt động và kết hôn với cô Sáu Huấn, tổ chức cơ sở cách mạng, lấy nhà làm nơi in ấn tài liệu của Đảng.

Từ khi có ông Tạ Uyên về xã hoạt động, Nhân dân Hòa Hiệp được tuyên truyền vận động chống sưu cao, thuế nặng, chống bắt thanh niên đi lính cho Pháp càng mạnh mẽ. Vào đêm 23/11/1940, người dân Hòa Hiệp cùng với người dân các xã của huyện Tam Bình, người dân huyện Vũng Liêm đứng lên hưởng ứng cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ chống lại sự đô hộ tàn ác của thực dân Pháp thành công.

Lực lượng khởi nghĩa xã Hòa Hiệp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh chiếm bờ Bắc của bắc Nước Xoáy, phối hợp với lực lượng khởi nghĩa huyện Vũng Liêm do đồng chí Phan Văn Hòa tức Võ Văn Kiệt chỉ huy đánh chiếm bờ Nam, phá chìm chiếc phà của bắc Nước Xoáy, làm tê liệt tuyến giao thông bộ từ Vĩnh Long đi Trà Vinh trọn một ngày đêm. Và trên đỉnh của cột dây thép bến bắc (phà) Nước Xoáy, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió.

Pháp huy động một lực lượng lớn quân đến đàn áp cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vũng Liêm, ở Cái Ngang- Mỹ Lộc, Tam Bình, truy lùng gắt gao những người trực tiếp và gián tiếp tham gia khởi nghĩa, bắt hàng trăm người.

Tại Hòa Hiệp, chúng bắt bà Sáu Huấn, vợ ông Tạ Uyên và 3 người em trai của cô tra khảo buộc khai nơi trú ẩn của ông Tạ Uyên cũng như nhiều người khác, chúng lục xét nhà, đào bới khắp nơi tìm tài liệu cất giấu.

Sau đó, chúng đưa 2 trong số 3 người em của bà Sáu Huấn ra Côn Đảo giam cầm. Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ tại Vũng Liêm, Tam Bình và tỉnh lỵ Vĩnh Long không đạt mục tiêu đề ra do tương quan lực lượng giữa ta và Pháp quá chênh lệch cũng như thiếu vũ khí, kinh nghiệm về đấu tranh vũ trang.

Tuy nhiên, qua đó cho thấy tinh thần quật khởi, không chịu mất nước, ý chí vùng lên đấu tranh của Nhân dân tỉnh Vĩnh Long nói riêng và Nam Bộ nói chung sau những thập niên dài chịu sự cai trị hà khắc của thực dân Pháp và chính quyền tay sai…

Từ khi có Đảng lãnh đạo vạch đường lối đấu tranh, người dân Hòa Hiệp tin tưởng Đảng, một lòng theo Đảng.

Khi Nhật Bản đổ quân vào nước ta, quân Pháp hèn nhát buông súng đầu hàng vào ngày 9/3/1945. Sài Gòn và cả 3 miền Nam- Trung- Bắc dưới quyền phát xít Nhật.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, ngày 19/8/1945 cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội và một số nơi ở miền Bắc thành công, tiếp theo đó các cuộc khởi nghĩa tại Huế và Sài Gòn và nhiều tỉnh cũng thắng lợi.

Sau gần 100 năm mất nước sống đời nô lê cho thực dân Pháp, lần đầu tiên chính quyền của Nhân dân được thành lập từ Trung ương đến xã, phường, thị trấn trong cả nước.

Tại Hòa Hiệp, sáng ngày 25/8/1945, khoảng 100 người dân của xã cùng với hàng ngàn người dân các xã Tường Lộc, Mỹ Lộc, Bình Ninh,… theo đường sông, đường bộ kéo về quận lỵ Tam Bình hô vang “Đả đảo Nhật- Pháp”, “Việt Nam độc lập muôn năm”.

Tên Quận trưởng Tài run sợ trước khí thế của Nhân dân đành xuôi tay chịu tội để Nhân dân tràn vô chiếm làm chủ dinh quận trưởng.

Tại Hòa Hiệp, một lực lượng khởi nghĩa chiếm Nhà việc tại bến đò Cầu Mới, hạ cờ Pháp, treo cờ đỏ sao vàng- lá cờ cách mạng từng được dùng trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940 lên. Lúc này tên Chánh tổng Bình Chánh trốn biệt trong nhà, không dám ló ra ngoài.

Hòa Hiệp thời kỳ chống đế quốc Mỹ và tay sai

Do có tuyến đường sông Măng Thít chiến lược như vậy nên xã Hòa Hiệp những năm từ 1965 khi Mỹ đưa quân trực tiếp tham chiến tại miền Nam cho đến cuối năm 1972 chiến sự vô cùng ác liệt.

Bởi địa bàn xã nằm trong tầm pháo 105 ly từ Tam Bình, từ Cái Nhum và tàu chiến Mỹ liên tục hoạt động, nhất là khi kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” bằng chiến dịch bình định cấp tốc mà chính quyền Sài Gòn tiến hành sau cuộc Tổng tiến công, tổng nổi dậy tại các đô thị Tết Mậu Thân 1968 của ta.

Chỉ trong một thời gian ngắn năm 1969, quân đội Sài Gòn bố trí cứ khoảng trên dưới 1.000m bờ sông xây dựng 1 đồn, thiết kế theo hình vuông hoặc tam giác.

Và trên đoạn sông Măng Thít qua xã Hòa Hiệp, xã Xuân Hiệp (Trà Ôn) dài chỉ khoảng 5km, nhưng mỗi bờ tả, hữu có 5 đồn.

Tổng cộng hai bờ sông có tới 10 đồn đặt so le nhau, với mỗi đồn có quân số từ 1 tiểu đội đến 1 trung đội lính Sài Gòn tùy tầm quan trọng mỗi đồn cùng với lính dân vệ, mật vụ chỉ điểm,... Với cách bố trí quân như vậy, chính quyền Sài Gòn tự tin đảm bảo an ninh cho tuyến sông này.

Về phía cách mạng thì đoạn sông nói trên cũng là tuyến đường “giao liên mật” từ Vĩnh Long đi Trà Vinh và ngược lại. 2 xã Hòa Hiệp, Xuân Hiệp bắt tay xây dựng “Xã chiến đấu”, bền bỉ thực hiện đúng chủ trương chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, xây dựng từng ấp trở thành trận địa chiến đấu, toàn xã làn trận địa chiến đấu với dày đặc hầm chông tre, chông sắt, hàng rào vật cản; lựu đạn, trái lôi gài dày đặc, lực lượng du kích bám trận địa suốt ngày, đêm.

Vì vậy, trên đoạn sông này luôn xảy ra những cuộc đụng độ trên bộ, trên sông giữa quân đội Sài Gòn với du kích địa phương và quân Giải phóng huyện, tỉnh.

Cứ mỗi lần giao chiến thì bằng lợi thế sẵn có, quân đội Sài Gòn thường huy động lực lượng các binh chủng như: bộ binh, không quân, hải quân, pháo binh, xe cơ giới bọc thép lội nước,… hùng hậu tham chiến.

Có hệ thống đồn dày đặc cộng với mạng lưới an ninh, thám báo, mật vụ chỉ điểm nhưng quân đội Sài Gòn chỉ làm chủ tuyến đường sông, trên bộ vào ban ngày, còn khi đêm về thì quân du kích hoàn toàn làm chủ, trừ khu vực đồn lính.

Trong chiến dịch diệt đồn chống bình định giành lại vùng giải phóng giữa mùa hè năm 1972, lực lượng vũ trang tỉnh, huyện trong một đêm đồng loạt tấn công tiêu diệt 3 đồn Rạch Lò (Ấp 6), Ông Ký (Ấp 7), xã Hòa Hiệp và đồn Ba Chùa, thuộc xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, giải phóng hoàn toàn một đoạn sông Măng Thít dài hơn 3km thuộc địa bàn 2 xã Hòa Hiệp, Xuân Hiệp.

Trận đánh chỉ một đêm mà tiêu diệt gọn 3 đồn trên con sông chiến lược càng nâng cao thanh thế quân Giải phóng trên chiến trường.

Trở lại thời gian trước và sau Hiệp định Paris 1973. Do là địa bàn trọng yếu, có tính chất chiến lược nên ngoài đường giao liên liên tỉnh, xã Hòa Hiệp còn là căn cứ đứng chân của Tỉnh ủy, Thị ủy Vĩnh Long và một số ban, ngành tỉnh và TX Vĩnh Long.

Thành tích nổi bật của du kích xã Hòa Hiệp là vào tháng 6/1971, Tiểu đội du kích xã chỉ có 9 đồng chí, vũ khí thô sơ đã anh dũng chiến đấu bảo vệ căn cứ suốt 6 ngày đêm, chống lại lực lượng quân đội Sài Gòn đông gấp 140 lần, gồm nhiều binh chủng cùng với vũ khí và các phương tiện chiến đấu hiện đại, làm thất bại trận càn phát quang bình định vùng căn cứ của xã.

Và lực lượng vũ trang và Nhân dân xã Hòa Hiệp tự hào đã chống chiến lược bình định của chính quyền Sài Gòn thành công, cơ bản giải phóng xã trong năm 1974.

Sau 30/4/1975, trải qua 45 năm kể từ ngày có Đảng lãnh đạo, trường kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ, Nhật và chính quyền tay sai, lực lượng vũ trang và Nhân dân xã Hòa Hiệp đã bám trụ đánh hàng ngàn trận lớn nhỏ với kẻ thù và cơ bản giải phóng xã trong năm 1974.

Ghi nhận thành tích của chi bộ Đảng, lực lượng vũ trang và Nhân dân trong xã Hòa Hiệp, ngày 6/11/1978, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định tuyên dương lực lượng vũ trang và Nhân dân xã Hòa Hiệp danh hiệu Anh hùng; tuyên dương và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho liệt sĩ Võ Văn Thưởng- nguyên Chính trị viên Xã đội Hòa Hiệp.

Tổng kết qua 2 cuộc kháng chiến (không kể phạm vi xã Hòa Thạnh hiện nay) xã Hòa Hiệp có 45 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 236 liệt sĩ, 34 thương binh và bệnh binh, 208 gia đình liệt sĩ và 174 gia đình có công với cách mạng.

HOÀNG KHẢI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh