Bé Thảo là con một của bà Thu. Quen từ nhỏ, nên đến nay, gia đình, người thân vẫn gọi "bé", dù Thảo đã 24 tuổi. Thảo đang làm việc tại trung tâm y tế của thành phố, cứ hết giờ, hết ca trực thì Thảo về nhà với gia đình, với bà Thu.
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long) |
(VLO) Bé Thảo là con một của bà Thu. Quen từ nhỏ, nên đến nay, gia đình, người thân vẫn gọi “bé”, dù Thảo đã 24 tuổi. Thảo đang làm việc tại trung tâm y tế của thành phố, cứ hết giờ, hết ca trực thì Thảo về nhà với gia đình, với bà Thu.
Mọi khi, về tới nhà, chưa kịp thay đồ, rửa mặt là Thảo đã quấn quýt bên bà Thu với bao nhiêu chuyện cơ quan, bạn bè, bệnh nhân…
Nhưng từ ngày ba và bên nội phản đối mối quan hệ tình cảm của Thảo và muốn gả chồng cho một gia đình “môn đăng, hộ đối”, thì mỗi khi đi làm về đến nhà, Thảo thay đồ lâu hơn, ăn cơm nhanh hơn, ít nói hơn. Tối hôm nay cũng vậy, sau khi nuốt vội chén cơm, Thảo xin phép lên phòng.
Và đúng như bà Thu đoán, bé Thảo nằm trên giường, mền trùm bít đầu, cả mền, cả gối rung rung. Thảo đang khóc rưng rứt…
Từ năm học THPT, Thảo học chung và chơi thân một số bạn, trong đó có Tài. Rồi những năm Thảo học ĐH, hai đứa hẹn nhau cùng đi rồi cùng về, mặc dù Thảo học y khoa, Tài học nông nghiệp.
Thoáng qua thì ai cũng biết, tụi nhỏ đang yêu. Ra trường, Tài về công tác trong ngành nông nghiệp của tỉnh. Hai năm sau, bé Thảo cũng ra trường, về làm việc tại trung tâm y tế thành phố…
Vuốt vuốt tóc con, bà Thu thỏ thẻ:
- Con gái của mẹ! Cuộc sống vốn không bằng phẳng như khi con còn đi học hay trên ghế giảng đường. Mọi chuyện đều có thể xảy ra, một cách bất ngờ nhất.
Mẹ thấy mình có lỗi với con khi luôn dành cho con tình yêu thương, chăm sóc mà chưa chuẩn bị cho con tinh thần và cách đối mặt khi điều bất hạnh xảy đến. Mẹ không muốn những khó khăn, nỗi đau mà mẹ đã từng trải qua hay đã từng biết sẽ lại đến với con.
Thảo, ngước mặt nhìn mẹ. Trên mặt, giàn giụa nước mắt.
- Mẹ! Mẹ ủng hộ con hả mẹ?
Bà Thu mím chặt môi, gật gật đầu. Bà ôm, hôn lên trán Thảo. Được mẹ xoa đầu, vỗ lưng vỗ về như những ngày thơ dại, Thảo nằm yên trong lòng mẹ.
Nhìn con gái, ngẫm về mình, bà Thu càng thương con gái xé lòng. Là người mẹ, là phận đàn bà, đã một thời yêu, một đời tiếc nuối…
* * *
… Năm học này, Thu vào lớp 10. Chưa đến 5 giờ, Thu đã thức, sửa soạn rất kỹ, cứ soi gương, sửa cái áo, chỉnh cái quần, đổi cái kẹp tóc, soạn lại cặp, vở… Đúng 6 giờ, Thu “khởi hành”. Nhà cách trường hơn cây số, nên từ lúc học cấp hai Thu đã có thói quen đi bộ đến trường.
Tới cổng trường, bước chân Thu bỗng lóng cóng. Mấy anh chị lớp 11, lớp 12 họ gặp nhau sau 3 tháng hè, tay bắt mặt mừng, thăm hỏi rộn ràng. Còn học sinh lớp 10 thì nháo nhác ngó nhau. Thu quay tìm số bạn cũ, con Hồng, con Thủy, thằng Tư, thằng Khoa, kia con Điệp vậy là có năm, với Thu nữa là sáu đứa cùng học chung hồi cấp hai, giờ về chung lớp 10.
Một hồi kẻng vang lên, mọi người vào lớp. Cô giáo tươi cười bước vào: “Các em ngồi xuống đi!”. Cô vừa nói, vừa vẫy tay: “Cô được phân công chủ nhiệm lớp chúng ta năm học này. Cô tên là Nguyễn Thị Tuyết Nhung!”
Cô vừa hết câu, cả lớp vỗ một tràng pháo tay.
- Để tạm điều động và ổn định lớp trong thời gian đầu, cô sẽ tạm phân công ban cán sự lớp và chia tổ. Chúng ta cần 1 lớp trưởng, 3 lớp phó và 4 tổ trưởng, 4 tổ phó. Sau một thời gian học, khi các bạn đã biết nhau hết thì chúng ta sẽ tiến hành bầu cán sự lớp chính thức. Các em thống nhất không?
- Thống nhất!- Cả lớp đồng thanh.
- Trước tiên, lớp ta chọn lớp trưởng. Ngồi trong lớp mình hồi cấp hai có bốn “cựu” lớp trưởng và có thành tích học tập rất ấn tượng. Cô xin giới thiệu, cô nêu tên em nào, em đó đứng lên để các bạn biết nghen. Đầu tiên là em Hồ Vĩnh Nguyệt Thu- trường cấp hai thị trấn.
Em Nguyễn Hồng Duy- Trường cấp hai xã B, em Đinh Quang Thái- trường cấp hai xã Q, em Dương Đức Kiên- trường cấp hai xã N, huyện H, chuyển về trường ta. Đặc biệt là Kiên, là thủ khoa ở kỳ thi tốt nghiệp cấp hai huyện H, là học sinh được tuyển thẳng vào lớp 10, không qua kỳ thi chuyển cấp.
Cô vừa dứt lời, cả lớp “ồ” lên rõ to. Mọi người ngoái nhìn Kiên, dáng người gầy đen, tóc cháy nắng, cái mũi cao và đôi mắt sáng rực. Kiên cười rất tươi, đứng lên cúi đầu chào cô và mọi người và… nhìn Thu.
Cô giáo tiếp lời: “Trước mắt, cô tạm thời chọn bạn Nguyệt Thu làm lớp trưởng lớp của ta. Vì, Nguyệt Thu nhà gần đây, trước đây học tại trường cấp hai thị trấn, nên thuận tiện hơn các bạn khác. Lớp phó học tập, cô chọn em Đức Kiên...”
* * *
Trường học của chúng tôi là dạng nhà cấp bốn, có 6 phòng học, cho 3 khối lớp, từ khối 10 cho tới khối 12, mỗi khối có 2 lớp.
Giờ ra chơi, các bạn tụm năm, tụm ba, hỏi thăm, làm quen. Còn Thu, vừa nói chuyện với các bạn, vừa đảo mắt tìm “hắn”. Lén quan sát, Kiên đứng với hai bạn nam ở hành lang bên phải lớp học, bộ áo trắng, quần đen đều đã không mới. Đặc biệt là đội dép tổ ong trắng, đã chuyển vàng và đã vá quai.
- Ê Thu, mày làm lớp trưởng luôn, chứ lâm thời, lâm thao gì trời!- Tiếng con Điệp vẫn rổn rảng như hồi học cấp 2. Muốn nói thì nói, không ai bịt miệng nó cho kịp. Thu đá đá ánh mắt sang “hắn”, ý muốn kêu con Điệp nói nho nhỏ để Kiên nghe.
- Gì Thu? Mày sợ người khác nghe hả? Tao nói thiệt mà. Bảo đảm không ai học qua mày đâu? - Vừa nói, con Điệp vừa hất hất mặt như khẳng định câu nói của mình.
Thật lòng, Thu cũng không tin hắn lại học giỏi như cô chủ nhiệm nói. Thấy hắn khá quê quê, không muốn nói là có chút khù khờ.
Hôm sau, những ngày học thật thụ bắt đầu. Ngày nào đến lớp, Thu cũng “lén” nhìn Kiên, lắng nghe Kiên nói chuyện với bạn trong lớp. Kiên khá nhút nhát, ít nói, thường cúi mặt, ít nhìn khi đứng gần bạn gái trong lớp, ít nói, chỉ hay cười.
Nhất là khi Thu và hắn “bắt gặp” ánh mắt của nhau là hắn bẽn lẽn phát tội. Và lúc ấy, trái tim của Thu cũng “bị” đập nhanh hơn.
Chỉ qua hơn 3 tuần nhập học, Thu và mọi người đã thật sự nhận ra Kiên học cực giỏi, môn nào cũng giỏi, đặc biệt là các môn tự nhiên.
Buổi sinh hoạt lớp cuối tuần, cô chủ nhiệm cho bầu lại ban cán sự lớp. Số phiếu bầu lớp trưởng cho hắn là bốn mươi bảy trên bốn mươi tám, tức là thiếu một phiếu, Thu cũng bỏ phiếu chọn hắn. Còn Thu thì có bốn mươi bảy trên bốn mươi tám phiếu bầu lớp phó học tập, có một phiếu bầu lớp trưởng. Thu biết một phiếu đó là của ai (?).
Suốt những năm học cấp ba, hắn luôn là lớp trưởng gương mẫu, là học sinh giỏi toàn diện. Thầy cô ở trường ai cũng thương hắn, học sinh các lớp đều mến hắn. Hắn là lớp trưởng, Thu là lớp phó học tập, nhưng thật cần thiết hắn mới tới nói với Thu. Và chỉ nói đúng số từ cần nói.
Mọi ngày như mỗi ngày, tới trường, vào lớp, góc cuối, bên phải, chỗ hắn ngồi là nơi Thu nhìn đầu tiên. Hôm nào không thấy hắn, để cặp xuống bàn, Thu ra hành lang ngó, tìm. Chỉ cần thấy hắn là lòng Thu vui rộn ràng.
Còn hôm nào bắt gặp ánh mắt của hắn là trái tim của đứa con gái đang tuổi dậy thì đập liên hồi, tâm trạng lân lân khó tả. Thu biết, dù ngồi cách khá xa, ít tiếp xúc, nhưng mọi cử chỉ, hành động gì của Thu, Kiên đều quan tâm. Và ngược lại, Kiên làm gì, đứng đâu Thu đều muốn biết.
Một lần, cuối lớp 11, hai cây phượng trổ bông đỏ rực. Các bạn chỉ nhìn thôi, vì cành khá cao. Thu biết, trong lớp, làm bất cứ việc gì cho Thu vui, bất cứ việc gì Thu muốn, chỉ có “hắn”.
- Hoa phượng đẹp quá. Ước gì mình hái được một cành!
Thu cố tình nói lớn. Vậy là sáng sớm hôm sau, trong tủ bàn học chỗ ngồi của Thu, có một nhánh hoa phượng đỏ rực, bông dày đặc, ai cũng trầm trồ. Thu ngoái nhìn, “hắn” bẽn lẽn bước ra khỏi lớp…
Mối tình đầu của Thu êm đềm như thơ. Những ngày tới lớp thì vui không kể xiết, trừ những ngày Kiên vắng học, nhưng Kiên hiếm khi vắng, Thu cũng vậy. Nhưng cứ hè đến Thu lại thấy buồn vô cùng.
Nhà Thu ở khá gần trường, vì thế, hơn tuần Thu lại sang trường. Sân trường mùa hè vắng ngắt, Thu ngắm nhìn những vệt nắng đơn côi, giống như mình, bóng đổ dài. Hai cây phượng giữa sân trường vẫn còn nhiều hoa, ve vẫn hợp ca điệu nhạc buồn muôn thuở của mùa hè và Thu nhớ hắn quay quắt.
Sang học kỳ hai, học sinh lớp 12 làm hồ sơ thi ĐH. Kiên chọn ngành xây dựng. Thu chọn ngành sư phạm, muốn làm cô giáo hiền lành, thân tình như cô chủ nhiệm vậy.
Kiên vào ĐH ngon ơ. Còn Thu và mọi người miệt mài ôn, trầy trật, qua năm thứ 2 có bốn bạn vào được, trong đó có Thu, số còn lại đều bỏ cuộc.
Tuổi thơ của Thu trải qua đẹp như giấc mơ. Chỉ khi qua năm thứ 3 ĐH, Thu quyết định đưa Kiên về giới thiệu với ba, mẹ. Ba, mẹ đã biết tình cảm của Thu và Kiên, nên đã “dò la”, biết được gia cảnh, cuộc sống của gia đình Kiên. Nên ba, mẹ không chấp nhận. Kiên cảm nhận được, rồi lặng lẽ…
Sau khi học xong ĐH, ba, mẹ gả Thu cho một gia đình giàu có ở trung tâm thành phố của tỉnh. An phận làm dâu, làm vợ, rồi làm mẹ, mọi chuyện vuông, tròn, dài, ngắn đều do chồng quyết.
Thu ít liên hệ với bạn bè cũ, không có thông tin về Kiên. Hôm rồi, Điệp ghé, lâu thật lâu mới gặp lại Điệp, mới thăm hỏi mấy câu, ngó tới, ngó lui, ra vẻ bí mật.
- Có gì vậy chị hai?- Thu thắc mắc nhìn Điệp.
- Ê, có thông tin gì ông Kiên không?- Điệp nho nhỏ.
- Lâu lắm rồi, tao không biết Kiên ở đâu, làm gì, sống thế nào…- Giọng Thu trầm, buồn.
- Tôi biết…- Vậy là Điệp tuôn một lèo “thâm cung, bí sử” về Kiên.
Với tài năng, trí thông minh, tính kiên nhẫn, Kiên luôn thành công trong mọi việc. Hồi học chung, rồi yêu nhau, bà Thu rất trân quý đức tính này của ông Kiên.
- Bà biết vì sao chuyện tình của bà với ổng, ổng “bỏ cuộc” không?- Điệp ra vẻ am tường: “Tôi nghe ông Duy nói à nghen, ông Kiên biết gia đình mình nghèo, còn bà là con gia đình “trâm anh thế phiệt”, sống ở đô thị mà”.
Còn chuyện ba, mẹ của bà không đồng ý chuyện tình cảm giữa bà với ổng, ổng nói: “Ba mẹ nào cũng mong muốn điều tốt đẹp nhất đến với con mình, và với con gái thì đó là một tấm chồng đàng hoàng, tử tế, để có thể gửi gắm cuộc đời”… Ông Kiên bản lĩnh thiệt. Nhưng chắc ổng buồn dữ lắm!
* * *
Miên man chuyện xưa, bất giác buông tiếng thở dài, bà Thu buộc miệng: “Đã hơn 30 năm rồi!”. Đưa tay vuốt nhẹ lên tóc con gái, bà khe khẽ: “Mẹ không muốn con gái đi theo những bước chân của mẹ. Mẹ muốn con đi xa hơn cả những ước mơ mẹ đã từng mơ. Cuộc sống sau này có thể sẽ khó khăn, mẹ con mình cùng vượt qua, con gái...!”
TRẦN BẠCH (TP Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin