Màu hoa thương nhớ

02:08, 27/08/2023

Nắng chiều ngả màu hoàng hôn, tôi lặn người nhẹ nhàng tháo xuống bông hoa hồng trắng cài trên ngực áo đặt trước di ảnh má, nước mắt lăn dài trên khóe mi, gượng cười nói lời thì thầm thương nhớ.

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

(VLO) Nắng chiều ngả màu hoàng hôn, tôi lặn người nhẹ nhàng tháo xuống bông hoa hồng trắng cài trên ngực áo đặt trước di ảnh má, nước mắt lăn dài trên khóe mi, gượng cười nói lời thì thầm thương nhớ.

- Con không thích hoa hồng trắng chút nào, ước gì má cầm roi đánh con như lúc con còn nhỏ, la con không biết nghe lời…

***

Từ lúc chào đời tôi đã không có cha chỉ có hai má con lầm lũi sống trong căn nhà nhỏ của bà ngoại để lại. Hồi đó, tôi cũng không biết mình thiếu đi một người thân, lớn hơn một chút, biết lắng nghe và hiểu lời người ta xì xào bàn tán, tôi bắt đầu thắc mắc và tò mò về cha của mình.

- Má, cha con đâu hả má? Sao con không có cha hả má?

- Cha con chết rồi, lo ăn cơm đi!

- Cha con theo người đàn bà khác bỏ má con mình rồi đúng không? Má đừng giấu con nữa, con biết hết.

Tôi tức vì má không chịu nói thật cho tôi biết cha tôi là ai? Và vì sao tôi không có cha? Tôi bực quá gào lên với má những lời mà hàng xóm thường thì thầm to nhỏ với nhau mỗi khi nhìn thấy tôi đi ngang qua nhà.

Má dằn chén cơm cùng đôi đũa mạnh xuống bàn rồi đứng dậy đưa tay lấy cây roi cần câu má vắt sẵn trên vách nhà đập mạnh lên bàn giọng hằn học.

- Ai nói với con vậy? Con còn nói nhảm nữa thì má đánh tét mông nghe chưa.

Tôi sợ tái mặt với cái roi má cầm nhưng cũng ương bướng cố cãi cùn với má.

- Mấy thím với mấy cô hàng xóm nói con vậy đó, tụi thằng Tiến cũng cười nhạo con không có cha, bị cha bỏ rơi không thèm nhìn mặt.

- Đã biểu là đừng nói nữa sao con không nghe lời vậy hả, má đánh cho chừa cái tật không nghe lời nè.

Má quất tới tấp cây roi trên tay vào mông tôi, tôi đau đớn khóc rống nhưng cũng cố gồng mình chịu đựng chứ không bỏ chạy. Tôi muốn cho má biết tôi không có lỗi, tôi không nói sai.

Má tức giận đánh mấy roi rồi ném cây roi xuống đất, bỏ đi ra nhà sau. Bữa cơm trưa chỉ ăn roi của má, tôi giận má ôm bụng đói sang nhà con Đào cách nhà tôi mấy ngôi nhà ăn cơm ké. Vừa nhìn thấy tôi mặt lem luốc đi vào, con Đào chạy ra đón như bà cụ non trách móc tôi.

- Mày lại bị má mày đánh đúng không? Lại hỏi cha đâu nữa chứ gì, tụi thằng Tiến cố khích mày để mày bị má mày đánh đó. Sao mày bị ăn roi sưng mông hoài mà không chịu chừa.

Tôi hít hít cánh mũi buồn bã đi theo con Đào ra nhà sau. Con phèn bị cột ở góc nhà sau nhìn thấy tôi nó ngóc đầu lên, vẫy vẫy chiếc đuôi rồi lại nằm bẹp trở xuống. Con Đào kéo tay tôi lại, bảo con phèn mới sinh đừng có đến gần, nó tưởng bắt con nó, nó phập cho một cái thì lại khổ thân.

Tôi gật đầu rồi kéo ghế ngồi vào bàn. Con Đào ra dáng chị lớn, nó lấy tô vét cơm trong nồi rồi lấy đũa gắp mấy con cá sặt chiên còn trên đĩa bỏ vào đặt trước mặt tôi.

Nó không hỏi tôi ăn cơm chưa? Bởi vì nó đã quá quen với việc tôi sang xin cơm nhà nó vào buổi trưa. Tôi liếc nhìn tô cơm rồi đứng dậy đi ra hè nhà nó.

- Mày không ăn cơm hả? Định đi đâu nữa? Hay bữa nay mày chê cơm nhà tao?

- Đâu có, tao ra vườn hái trái dưa leo.

Tôi làm sao có thể chê cơm nhà con Đào cho được, cá sặt bà ngoại nó bắt rồi cực khổ mần từng con tẩm ướp đem phơi khô, cá khô vị vừa ăn chiên lên giòn giòn ăn cùng cơm trắng thiệt đúng bài.

Nhà con Đào có vườn rau nhỏ sau hè bà ngoại nó vun trồng, giàn dưa leo trái treo lủng lẳng nhìn thích mê, cải xanh, cải ngọt tốt tươi xanh mướt thành từng luống. Cảm giác ăn trái dưa leo vừa hái trên giàn xuống cùng với trái dưa leo mua ngoài chợ thật khác biệt.

Tôi vừa ăn cơm vừa nghe con Đào càm ràm về lỗi sai của tôi. Con Đào bằng tuổi tôi, qua hè cùng vào lớp năm, nhưng nó như bà cụ non. Má tôi thỉnh thoảng cũng so sánh tôi với Đào, má khen nó ngoan ngoãn hiểu chuyện hơn tôi, cũng thường khuyên bảo tôi nên học hỏi ở Đào nhiều hơn.

Mà cũng ngộ, Đào không cha không mẹ, từ nhỏ đã sống cùng bà ngoại, tụi thằng Tiến cũng hay châm chọc Đào là đứa bị cha mẹ bỏ rơi, không ai thương không ai cần, vậy mà Đào vẫn tỉnh bơ như không.

- Ê Đào, bộ mày không buồn khi tụi thằng Tiến nói mày bị cha má bỏ rơi không thèm hả?

- Buồn chứ, nhưng tao không có giận, vì tao tức giận thì ngoại tao buồn. Cha má không thương thì tao còn có ngoại, ngoại thương tao là đủ rồi.

Mỗi lần tôi bâng quơ hỏi Đào thì Đào đều trả lời tôi như vậy, nhưng trong mắt Đào, tôi nhìn thấy sự tủi thân mà thỉnh thoảng tụi thằng Tiến nhắc đến cha, ánh mắt tôi cũng tràn ngập niềm tủi thân như thế.

Tôi đoán Đào chỉ đang gắng gượng để bà ngoại không buồn, thử hỏi có đứa trẻ nào lại không muốn có đủ cha và má.

Nhìn thấy bạn bè được cha má yêu thương dìu dắt đến trường những buổi tựu trường, họp phụ huynh hay những lúc đau bệnh có cha má kề cận chăm sóc là niềm xót xa tủi thân lại dâng trào trong tâm trí.

Có lần tôi đánh liều hỏi bà ngoại Đào về cha má của Đào. Bà ngoại cốc đầu tôi mắng:

- Tổ cha bây, bị má đánh còn chưa đủ hay sao mà còn muốn bà đánh hả?

Tôi xoa xoa đầu đỏ mắt không cam tâm.

- Bà với má con thiệt ngộ, có cái gì đâu mà cứ giấu. Con với Đào cũng lớn rồi mà.

Bà cười buồn xoa đầu tôi rồi cũng nói mấy lời như má tôi, bà bảo cha má Đào mất rồi. Tôi bĩu môi cũng không cố hỏi thêm, tôi sợ lại ăn roi của bà vì tội cố hỏi những điều mà người lớn không muốn nhắc tới.

***

Đang mùa xoài sai trái, tôi rủ con Đào sang nhà bà Mười hái xoài. Bà Mười ở một mình, lại lãng tai, mắt nhìn cũng kém nên tụi thằng Tiến thường đến nhà bà trộm xoài, thỉnh thoảng tôi nghe tụi nó khoe “chiến tích” là mấy trái xoài to ngon ơi là ngon.

Hôm nay tự nhiên thấy thèm xoài chấm muối ớt nên tôi làm liều. Tôi leo lên ngọn xoài còn con Đào thì ở dưới vừa canh chừng vừa lượm xoài do tôi ném xuống. Đang vui vẻ vì hái được nhiều xoài thì bất ngờ con mực nhà bà Mười phát hiện ra tôi, sủa inh ỏi.

Bà Mười cầm chổi chạy ra hét lên làm tôi sợ tái mặt. Về nhà tôi bị má đánh một trận cho chừa tật xấu. Hôm sau, bà Mười đem sang cho mấy trái xoài nhưng tôi không ăn, có lẽ vì nhìn nó tôi lại nhớ đến mấy cây roi của má. Má nhìn tôi không ăn má giận lại mắng.

- Trèo cây ăn trộm rồi giờ sao không ăn đi.

- Con không thèm.

Má lại cầm roi đánh vào mông tôi vì tội ngang ngược, xấc xược hỗn với má và bà Mười.

***

Ngày rằm tháng bảy, tôi cùng má lên chùa dự lễ Vu Lan. Tôi cũng không hiểu lễ Vu Lan là gì chỉ biết là lễ lớn lắm, người ta chen chúc nhau đến chùa rồi được các nhà sư cài hoa hồng trên ngực áo.

Con Đào với bà ngoại nó cũng đi, mỗi người nhận một hoa hồng trắng tinh cài trên ngực, má tôi cũng là hoa hồng trắng nhưng đến lượt tôi nhà sư lại cài hoa hồng đỏ. Tôi liếc nhìn con Đào rồi lên tiếng từ chối hoa màu đỏ nhà sư chuẩn bị cài cho tôi.

- Con không thích hoa hồng đỏ, con thích màu trắng như của con Đào.

Má vỗ nhẹ vào vai tôi nhắc nhở.

- Con nói vậy là không nên!

Nhà sư mỉm cười rồi chậm rãi giải thích với tôi, ông bảo hoa hồng trắng chỉ những ai không còn cha còn mẹ, hoa hồng đỏ thì ngược lại.

Ông còn nhẹ nhàng xoa đầu tôi nhắc nhở hãy trân trọng màu hoa trên ngực áo, bởi vì màu hoa đỏ có thể thay đổi thành màu trắng nhưng đến khi nhận màu hoa trắng rồi thì không thể nào nhận về hoa đỏ nữa.

Tôi vẫn còn là đứa trẻ con chưa hiểu rõ mọi chuyện cho nên chưa hiểu được ý của nhà sư, mãi sau này trưởng thành tôi mới ngộ ra thì đã muộn.

Ngày má tôi mất vì bạo bệnh, trước khi ra đi, má kể cho tôi nghe về cha. Má mang thai tôi với người bạn trai cũ. Nhưng hai người có duyên mà không nợ.

Má không muốn cho tôi biết sự thật vì sợ tôi đau buồn nên mới nói dối là cha tôi đã chết. Tôi vừa thương vừa giận má vì bấy lâu nay không chịu nói thật, đến giờ phút trăng trối mới chịu trải lòng cho tôi biết. Có lẽ mỗi lần tôi hỏi về cha, má cũng đau buồn lắm…

***

Một mùa Vu Lan nữa lại đến, những cánh hoa tươi được chuẩn bị sẵn sàng. Màu hoa đỏ dành cho những người con còn cha mẹ, nhắc nhở họ hãy sống tử tế yêu thương trân trọng cha mẹ khi họ còn ở bên cạnh mình. Màu hoa trắng dành cho những người con đã mất đi đấng sinh thành, màu hoa giúp họ tưởng nhớ về công lao của cha mẹ.

Nhìn nhành hoa trắng cài trên ngực áo, nước mắt tôi chậm rãi tuôn rơi nhớ lại những lỗi lầm trong quá khứ và nhớ đến những trận đòn roi dạy dỗ của má. Tôi ước có phép màu để biến màu hoa trắng trên ngực thành màu đỏ để má còn ở mãi bên tôi...

TUYẾT LUÔN VÕ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh