Thi vị mùa nước nổi

04:08, 13/08/2023

Khi những dòng sông ĐBSCL chở con nước đỏ nặng phù sa. Người miền Tây cứ nôn nao chờ món quà thiên nhiên ban tặng từ thượng nguồn đổ xuống hạ nguồn ĐBSCL. Lúc ấy, người dân miền Tây tận dụng nước để khai thác sản vật thiên nhiên mùa nước nổi cho nên mùa nước nổi đã trở thành nét đặc trưng của người dân miền Tây.

Sản vật mùa nước nổi thiên nhiên ban tặng cho vùng đất ĐBSCL.
Sản vật mùa nước nổi thiên nhiên ban tặng cho vùng đất ĐBSCL.

(VLO) Khi những dòng sông ĐBSCL chở con nước đỏ nặng phù sa. Người miền Tây cứ nôn nao chờ món quà thiên nhiên ban tặng từ thượng nguồn đổ xuống hạ nguồn ĐBSCL. Lúc ấy, người dân miền Tây tận dụng nước để khai thác sản vật thiên nhiên mùa nước nổi cho nên mùa nước nổi đã trở thành nét đặc trưng của người dân miền Tây.

Các cơ quan chuyên môn dự báo, năm 2023, lũ trên sông Mekong sẽ ở mức thấp vì tình trạng nắng nóng kéo dài trên khắp hạ lưu sông Mekong và lượng nước từ các đập thủy điện thượng nguồn xả ra ít khiến mực nước sông đang thiếu hụt. Tác động mạnh của con người vào làm thay đổi dòng chảy. Người dân miền Tây nghe mà buồn.

Nhớ những năm nước nổi những cánh đồng ở miệt Đồng Tháp Mười mênh mông biển nước. Cứ hàng năm, từ tháng 7-10 âl (khoảng tháng 8-11 dương lịch), nước từ thượng nguồn đổ về hạ nguồn. Phù sa theo con nước bồi đắp cho cánh đồng, thửa ruộng và sản vật dồi dào. Lúc này người dân hối hả “nhận quà” từ thiên nhiên ban tặng.

Nước ngập các cánh đồng, cây thủy sinh chen nhau mọc. Cá tôm kéo thành đàn. Trong tập sách “Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười”, Nguyễn Hiến Lê kể rằng: “Cá lội ngay dưới cửa sổ nhiều vô cùng, không một thước vuông nào không có hàng chục con; đây một em nhỏ cầm cây đinh ba chăm chú nhìn dòng nước đợi cá qua là đâm; kia một ông lão thả câu trên chiếc cầu cong cong dưới gốc dừa”.

Mùa nước tràn đồng, người dân miền Tây đăng đáy, cất vó, quăng chài, thả lưới, giăng câu, đặt lọp,… để bắt cá. Và các loại rau dại mọc khắp các cánh đồng tha hồ hái.

Mùa nước nổi với các món ăn đặc sản phải kể như: “Điên điển mà đem muối chua/ Ăn cặp cá nướng đến vua cũng thèm”.

Mùa nước nổi, rất đa dạng món ăn, nào là cá linh nấu lẩu, lóc đồng nướng trui, cua đồng luộc nước dừa, chuột khìa, ếch xào lá cách… Ăn kèm với các loại rau như bông súng, bông điên điển, bồn bồn, hẹ nước,…

Loại cá chủ yếu mùa nước nổi là cá linh. Cá linh chỉ xuất hiện trong mùa nước nổi và nhiều nhất ở miệt Đồng Tháp Mười, các tỉnh khác xuất hiện với tần suất rất ít. Vào mùa nước nổi, cá linh theo nước từ Campuchia xuống, nhiều vô kể.

“Tại phía trong miền Hồng Ngự nó lội đầy rạch. Ăn không hết, làm nước mắm và mắm cũng không hết, có khi người ta phải đổ đi, hoặc dùng làm phân bón thuốc (thuốc lá).

Nhưng từ Cần Thơ đổ xuống, không có thứ cá ấy và tới tháng giêng nó lớn rồi ăn không ngon nữa”, trong tập sách “Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười”, Nguyễn Hiến Lê kể.

Loại bông phổ biến nhất vào mùa nước nổi là bông điên điển. Bông điên điển kết thành chùm, lay lắt theo chiều gió tạo thành một màu vàng thẳng tấp trên cánh đồng.

Bông điên điển hái vào lúc sáng sớm ăn sẽ ngon hơn. Lúc sáng sớm hoa chưa nở, còn khép nép nên giữ nguyên được phần nhụy, phấn. Cho nên mùa nước nổi còn được gọi là “mùa cá linh” hay “mùa bông điên điển”.

Chẳng biết khi nào, hễ nhắc đến ẩm thực mùa nước nổi người dân đồng bằng hay cả du khách sẽ kể thứ nhất là cá linh thứ hai là bông điên điển hoặc ngược lại. Có thể nói, cá linh và bông điên điển đã trở thành món ăn độc đáo mùa nước nổi góp phần làm nên đặc trưng ẩm thực miền Tây.

“Kết đôi” cá linh và bông điên điển lại với nhau để nấu món canh chua thì thôi khỏi phải chê vào đâu được và thấy được sự hiếu khách của dân miền Tây:

“Canh chua điên điển cá linh

Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon”

Cá linh cùng họ với cá chép, thân nhỏ và dẹp. “Tương truyền, vào thời Nguyễn Ánh còn bôn tẩu trốn tránh quân Tây Sơn, khi đoàn thuyền của ông đi qua sông Vàm Nao, bỗng nhiên có rất nhiều cá linh nhảy vào thuyền, Nguyễn Ánh liền cho dừng lại không đi nữa vì cho rằng chim sa cá nhảy là điềm xấu.

Y như rằng, sau đó mới nhận được mật báo rằng ở đoạn sông trước mặt có quân Tây Sơn mai phục. Sau này khi lên ngôi, vua Gia Long bèn đặt tên cho loài cá này là “cá linh” (= “linh thiêng”), theo “Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ”, Trần Ngọc Thêm chủ biên.

Và đến khoảng tháng 11 dương lịch, khi nước nổi rút dần mang theo tôm, cá từ ruộng đồng ra sông. Ngư dân gọi đây là “mùa cá ra”, trên các con sông lại sôi động cảnh bắt cá.

Người dân lại có thêm nguồn cá, có thêm thu nhập. Mùa nước nổi hàng năm ở sông Mekong đem lại nguồn lợi thủy sản nước ngọt to lớn.

Nghề khai thác thủy sản mùa nước nổi có ý nghĩa rất lớn với dân miền Tây, đã cung cấp nguồn thực phẩm tại chỗ, tạo thu nhập ổn định cho hàng ngàn người dân miền Tây. Cho nên văn hóa ứng xử với thủy sản cũng vô cùng phong phú.

Cứ hễ tới mùa nước nổi, lại nghe mọi người rủ nhau về miệt Đồng Tháp Mười để được ăn những món ngon đặc sản mùa nước nổi như rắn, chuột đồng, cá linh, bông điên điển… Với hiện tượng đặc trưng mùa nước nổi đã tạo nên truyền thống văn hóa sinh hoạt và văn hóa ẩm thực đặc thù của vùng ĐBSCL.

Bài, ảnh: MAI KHA

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh