Quê tôi là một cù lao lớn nằm trên dòng Cổ Chiên nổi tiếng với nhiều vườn cây trái sum sê nên sản vật địa phương rất dồi dào, từ con tôm con cá dưới sông, hoa trái trong vườn đến cả nhiều loại chim trời…
(VLO) Quê tôi là một cù lao lớn nằm trên dòng Cổ Chiên nổi tiếng với nhiều vườn cây trái sum sê nên sản vật địa phương rất dồi dào, từ con tôm con cá dưới sông, hoa trái trong vườn đến cả nhiều loại chim trời…
Có lẽ vậy, nói chuyện với nhau khi phải so sánh bà con hay ví von tương tự như: “Câm như hến”, “Đắt như tôm tươi”, “Ngọt như mía lùi” hay đặc biệt hơn thì “Ham như ham nấm mối”…
Nhắc đến nấm mối, một sản vật có ở nhiều vùng, nhưng chuyện nấm mối của cái xứ cù lao này người ở đây đi xa đều nhớ.
Đó là những ngày bắt đầu từ cuối tháng tư âm lịch không khí trở nên nóng ẩm do trời cứ chợt mưa chợt nắng, là thời tiết báo hiệu mùa nấm mối bắt đầu rồi kéo dần vào mùa đông ken ở đầu tháng 5 và qua Tết Đoan Ngọ một thời gian ngắn thì gần như chấm dứt, mùa nấm mối lại hẹn mọi người năm sau…
Theo các tài liệu khoa học nông nghiệp, nấm mối có tên khoa học là Termitomyces albuminosa, được tạo thành do nước bọt của con mối và các vi sinh vật trong đất.
Cho đến bây giờ các nhà khoa học nông nghiệp vẫn chưa tạo được bất cứ bào tử nào của loại nấm này nên chúng chỉ có trong thiên nhiên, được nhiều người xem là “quà của đất”.
Tuy nhiên, trong sinh hoạt cũng như trong sản xuất hiện nay con mối đang bị mọi người xem là loại côn trùng gây hại luôn muốn tận diệt, nên mối dần dần ít đi trong thiên nhiên kéo theo nấm mối trở thành của hiếm có giá bán rất cao.
Vào mùa nấm mối ở các chợ lớn của TP Vĩnh Long thỉnh thoảng mới thấy bán nấm mối, nghe đâu có khi đó là lượng nấm ít ỏi về từ rừng Đông Nam Bộ.
Tại một vài chợ xã ở vùng có nhiều vườn cây ăn trái trong tỉnh cũng thường thấy bán loại nấm này, nhưng giá mỗi ký lên đến trên dưới cả triệu đồng.
Đối với nhiều người, đó là cái giá có thể chấp nhận của những người xa quê muốn tìm lại một hương vị độc đáo của đất trời quê nhà…
Người sành ăn nấm mối ở quê tôi chia chúng làm 2 loại: phổ biến nhất là “nấm đất” có mũ nấm màu xám nhạt của đất và thân trắng ngà, loại còn lại rất hiếm là “nấm nếp” toàn thân có màu trắng nền nã của nếp, cũng chưa thấy tài liệu phân tích loại nấm nào có chất lượng tốt hơn.
Thông thường trung bình một cây nấm mối cao khoảng 3-5cm, chu vi mũ nấm từ 6-8cm, ở nấm búp là 3cm. Tuy nhiên, thỉnh thoảng người ta vẫn phát hiện những tai nấm to bất thường như vào mùa nấm năm 2011, một người dân ở phường Lái Thiêu (TX Thuận An, tỉnh Bình Dương) đã phát hiện một cây nấm mối thuộc hạng “khủng” ở vườn nhà nặng đến 3,5kg.
Cây nấm này có chiều cao 50cm, đường kính gốc 40cm và ở phần ngọn sát mũ là 35cm, riêng phần mũ rộng đến 45cm. Trong một trường hợp tương tự, mùa nấm 2016 ông Nguyễn Văn Tư (xã Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) tìm được một cây nấm mối khác còn khủng hơn với trọng lượng lên đến 7kg.
Do 2 cây nấm có trọng lượng không bình thường nên cả hai trường hợp người tìm được không dám chế biến thành thức ăn, chỉ để trưng bày cho mọi người xem chơi!
Trong mùa nấm mối đi tìm nấm là một việc rất thú vị, không phải ai cũng có dịp được tham gia và nếu may mắn gặp được một ổ nấm to hái cả “rổ xúc” (rổ to nhất để bắt cá) thì quả là vô cùng thích thú, nên trong dân gian mới có câu “Ham như ham nấm mối!”.
Và người may mắn đó mới thấu hiểu thế nào là niềm vui từ cái “ham” của người tìm nấm khi bất ngờ được “của trời cho”, gặp “quà của đất”.
Ham ở đây không chỉ được nhiều nấm mà còn từ cái cảm giác đê mê tự tay mình thoăn thoắt bẻ từng tai nấm từ đất như sợ ai cướp mất, nấm còn búp và tươi roi rói, mỗi lần tai nấm bị bẻ gãy phát ra tiếng lắc cắc khe khẽ nghe thật đã lỗ tai…
Nấm mối chỉ mọc ở những nơi từng có đàn mối sinh sống, nhất là quanh các gò mối và nơi nào nấm đã mọc thì y như các năm sau nấm cũng sẽ mọc lại, chính vì thế các chủ vườn cây đều biết những nơi nấm thường mọc hàng năm nên dễ phát hiện nấm hơn những người lạ.
Điều thú vị là tại một địa phương có thời điểm gặp thời tiết thích hợp nấm mối bỗng mọc rộ lên, một nhà phát hiện liền “báo động” cho cả xóm kéo nhau ra vườn của mình tìm nấm.
Điều thú vị hơn là có trường hợp cùng đi qua một nơi có nấm mối nhưng có người phát hiện người thì không, nên ai đó nói đùa rằng người “nặng bóng vía” thì đừng bỏ công đi tìm nấm mối (?).
Mới đây có một bài báo nói rằng thu hoạch nấm mối tốt nhất là lúc 4-5 giờ sáng vì lúc đó nấm còn búp là lúc chất lượng tốt nhất, điều này theo người viết là do tác giả viết chưa hết ý, bởi nấm mối tại chỗ mọc còn búp hay đã nở xòe đều có ở tại nhiều thời điểm trong ngày, thu hoạch nấm cỡ nào và lúc nào là do người thu hái chọn, có khi chỉ hái những cây nấm to, những cây nấm nhỏ chừa lại chờ cho lớn hơn sẽ thu hoạch sau
. Ở quê tôi ngày trước thì quy ước nấm mọc ở vườn nhà ai là của nhà đó, nhưng cũng có người coi nấm là “của trời cho” nên lúc trời chưa sáng đã đốt đuốc vào vườn người khác tranh tìm nấm, vì nếu để đến sáng chủ vườn đã thu hoạch rồi…
Nấm mối có thể dùng để chế biến nhiều loại thức ăn rất ngon do có hương vị đậm đà rất đặc trưng khó có loại nấm nào sánh bằng, đặc biệt là có thể phơi khô để ăn dần hay dùng chế biến những món chay. Nấm mối dùng để chưng xào hay kho, dùng riêng hoặc phối hợp đều tốt…
Bánh xèo nấm mối hay cháo nấm mối chẳng cần thêm chút tôm hay thịt nào cũng ngọt “lủng nồi”, đủ làm nhiều người xa quê nhớ mãi…
Người viết có nhiều kỷ niệm quanh cây nấm mối: Sau sự kiện Tết Mậu Thân 1968 bị quân Giải phóng nện cho một đòn chí tử, quân đội Sài Gòn được ông chủ Mỹ vung tiền và bom đạn hà hơi, vừa mới kịp hoàn hồn đã điên cuồng thực hiện “bình định cấp tốc”.
Địch liên tục càn quét, bắn phá ác liệt vùng giải phóng để tát dân ra vùng chúng kiểm soát. Nhiều gia đình bà con ta ở đây bỏ nhà và vườn tược ra đồng cất chòi bám đất trồng lúa nuôi cách mạng.
Nhà trong vườn để cho các lực lượng ta ở, còn vườn thì để mặc cho cây cỏ phát triển um tùm để tạo địa hình cho du kích làm ấp xã chiến đấu.
Đây cũng là thời cơ cho các đàn mối phát triển nên đến mùa nấm mối nấm mọc nhiều vô kể, có khi chỉ ở một ổ nấm chúng tôi phải cởi cả áo túm cũng không xuể. Những ngày ấy nấm mối được chúng tôi gói kỹ làm quà trao tận tay cho bà con xóm chòi, quà quê quen thuộc nhưng người nào nhận cũng rất vui!
Còn độ ngon của các món ăn có nấm mối thì chắc nhiều người đã từng nếm qua, liên quan đến việc này người viết có một chuyện kỳ lạ như vầy: Sau ngày giải phóng gia đình bà chị tôi về cất nhà trên vườn cũ, vườn bị bỏ hoang phế lâu ngày nên năm đó trúng mùa nấm mối.
Nấm có nhiều chẳng làm quà ai được vì chung quanh nhà nào cũng có, nên bữa ăn nào nhà chị cũng thừa đồ ăn có nhiều nấm. Hôm ấy, nồi nấu mẳn đầy nấm mối chuẩn bị cho gia đình ăn cả ngày gặp sự cố: Khi nó còn sôi sùng sục trên bếp thì một con bọ hung ở đâu đó bay lọt vào.
Đâu còn ai dám ăn, chị nghĩ cũng không mất vào đâu khi lấy nồi nấu mẳn đó pha chế thêm cho đàn heo nhà ăn. Đàn heo lứa của chị có đến 3 con trọng lượng cộng chung chỉ mới vừa non tạ, trong đó có một con rất háo ăn nên lớn nhanh như thổi.
Khi chị đổ nồi thức ăn vừa pha chế thơm phức mùi nấm mối vào máng ăn trong chuồng thì con này chen vào vừa ăn vừa uống nước nghe chen chét có lẽ vì quá ngon, bỗng nó sặc rõ to mấy cái rồi ngã lăn ra… chết tươi!
Bị lỗ vốn nhưng hôm sau chị vẫn cười ngắt nghẻo khi kể chuyện kỳ lạ của con heo nhà mình chết vì sặc… nấm mối!
Nấm mối là một trong những loại nấm quý hiếm do có hàm lượng dinh dưỡng cao và ngoài việc dùng chế biến nhiều món ăn đặc sản, nấm mối còn có tác dụng chống lão hóa và trị được một số bệnh.
Theo một số thầy thuốc, cây nấm mối được xem là cây thuốc của phái nữ: Bác sĩ Christine Dzerko- chuyên gia nghiên cứu bệnh phụ nữ ở ĐH Austin Texas (Mỹ), từ các nghiên cứu đã kết luận nấm mối có thể điều trị một số bệnh như ung thư tế bào máu, phổi, gan, đặc biệt là ung thư vú.
Còn các nhà chế tạo mỹ phẩm Nhật Bản tại Osaka đã tạo ra được các sản phẩm từ nấm mối kết hợp với nha đam, bồ ngót, bí đỏ trị được da bị dị ứng, chống nám da và ung thư da.
Theo lương y Dương Tấn Hưng, trong y học cổ truyền của nước ta cũng có nhiều bài thuốc có nấm mối dùng để bồi bổ cơ thể, tăng tuyến sữa, hạ huyết áp, trị tiểu đường, đánh tan sỏi mật và sỏi thận…
HỒNG VÂN (TP Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin