
Tập đoàn cứ điểm quân sự Điện Biên Phủ bao gồm các điểm cao trong lòng chảo Mường Thanh (châu Điện Biên, tỉnh Lai Châu, nay là TP Điện Biên, tỉnh Điện Biên).
![]() |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm các đơn vị nữ thông tin và nữ quân y đã tham gia Lễ Duyệt binh ngày 1/5/1973. |
(VLO) Tập đoàn cứ điểm quân sự Điện Biên Phủ bao gồm các điểm cao trong lòng chảo Mường Thanh (châu Điện Biên, tỉnh Lai Châu, nay là TP Điện Biên, tỉnh Điện Biên).
Đây là tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh của quân Pháp được xây dựng vào cuối năm 1953 nằm án ngữ phía Tây Bắc Việt Nam, mục tiêu của cứ điểm là vừa bảo vệ quân Pháp đang chiếm đóng ở Thượng Lào đồng thời là “mồi nhử” quân chủ lực của lực lượng kháng chiến Việt Nam để tiêu diệt nhằm chấm dứt cuộc chiến đang kéo dài mà họ không mong muốn.
Đây là một vị trí rất khó khăn cho quân đội ta khi chấp nhận trận quyết chiến này trong đảm bảo hậu cần- kỹ thuật cho các đơn vị bộ đội phải chiến đấu dài ngày do đường giao thông đến đây gần như chưa có gì. Tuy nhiên, khó khăn của lực lượng ta cũng là khó khăn của địch, ta còn có thuận lợi cơ bản là lòng dân ủng hộ kháng chiến và các dãy núi bao quanh rất lý tưởng cho ta giấu quân.
Bí mật đưa pháo hạng nặng vào chiến trường để tạo yếu tố bất ngờ
Khi Ban Chỉ huy chiến dịch của ta họp bàn xong kế hoạch tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ theo phương châm “Đánh nhanh, thắng nhanh”, từ ngày 13/1/1954 ta đã quyết định đưa pháo lớn vào tham gia chiến đấu.
Để đảm bảo thắng lợi, việc đưa pháo vào trận địa phải thực hiện bằng sức người và hoàn toàn bí mật nhằm tạo yếu tố bất ngờ. Việc này không phải ta không đủ sức làm đường cho xe kéo pháo mà là do tiếng gầm rú của xe, nhất là khi chúng leo lên các dốc sẽ khiến địch có thể phát hiện.
Theo kế hoạch, Ban Chỉ huy kéo pháo do đồng chí Lê Trọng Tấn, Tư lệnh Đại đoàn 312 làm chỉ huy trưởng, lực lượng mở đường do Đại đoàn 308 và trung đoàn công binh đảm nhiệm, còn lực lượng kéo pháo được giao cho Đại đoàn 312 và trung đoàn sơn pháo.
Đường kéo pháo bằng tay dài khoảng 15km, rộng 3m bắt đầu từ Nà Nham (ở km69 đường Tuần Giáo vào Điện Biên) qua đỉnh Pha Sông cao 1.150m xuống bản Tấu, bản Nghễu được mở mới hoàn toàn, làm xong tới đâu phải được ngụy trang ngay tới đó.
Thời gian làm đường dự kiến phải mất một ngày đêm nhưng quân ta hoàn thành chỉ trong 20 giờ. Các pháo hạng nặng của ta từ Trung Quốc được ô tô kéo đến Nà Nham, khoảng đường còn lại vào trận địa bộ đội ta phải kéo pháo bằng tay.
Kéo pháo vào rồi… kéo pháo ra
Việc đưa pháo hạng nặng vào trận địa thời điểm đó bằng sức người là một việc vô cùng vất vả của bộ đội ta, bởi đường hẹp trơn trợt lại qua nhiều đồi dốc và sông suối, có đoạn một bên là sườn núi một bên là vực sâu, có dốc độ dốc lên đến gần 70 độ…
Để đảm bảo bí mật việc kéo pháo hầu hết vào ban đêm để tránh máy bay trinh sát địch phát hiện, tùy theo loại pháo số người kéo được bố trí tương ứng.
Khi kéo pháo phải có trinh sát đi trước đề phòng biệt kích địch, ban đêm tuyệt đối không được dùng đèn nên có hai người choàng vải dù trắng đi trước để dẫn đường, các người kéo phía trước hai tay bám vào các dây tời được buộc chặt với pháo, hai chân bám chặt mặt đường theo hiệu lệnh “hai, ba” của tổ trưởng ra sức kéo pháo lên, còn những người ở phía sau hợp sức đẩy, khi pháo nhích lên được tấc đường nào thì có người mau chóng dùng một đoạn gỗ chèn vào bánh để pháo không bị trôi tuột.
Ban đầu mỗi chiến sĩ kéo pháo được trang bị một đôi giày vải, nhưng chỉ dùng được 2, 3 ngày giày đều bị rách bung họ phải kéo pháo bằng chân trần, không ít người chân bị tóe máu khi làm nhiệm vụ cho thấy việc kéo pháo là rất gian nan.
![]() |
Bộ đội ta kéo pháo vào trận địa Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu |
9 ngày đêm cho khoảng cách gần 10km kể từ đêm 16/1/1954, các khẩu pháo của ta được các đơn vị bộ đội đưa vào trận địa an toàn đúng thời gian, vị trí và hoàn toàn bí mật trong niềm hân hoan của mọi chiến sĩ, điều lý thú là có khẩu được bố trí chỉ cách đồi Độc Lập khoảng 400m mà địch không hề hay biết.
Có một sự kiện cho đến nay khi nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ mọi người đều nhớ: Chỉ một ngày sau khi niềm phấn khởi hoàn thành nhiệm vụ kéo pháo vào trận địa đầy khó khăn chưa kịp lắng xuống thì các chiến sĩ ai cũng bàng hoàng khi nhận được lệnh kéo pháo ra đúng nơi xuất phát.
Nhưng đó là quân lệnh của Đại tướng Tư lệnh mặt trận Võ Nguyên Giáp, bên cạnh công tác tư tưởng “Quân lệnh như sơn” được thực hiện ngay!
Kéo pháo vào đã khó, kéo pháo ra còn khó khăn gấp bội, mọi việc gần như đi ngược với trước: Kéo pháo lên trước đó là cố thu dây tời thì bây giờ phải thả dây cho pháo từ từ tuột xuống, trước cố đẩy pháo lên thì lúc này cũng cố đẩy như thế nhưng để giữ cho pháo đi xuống theo ý đồ.
Cái khó nữa là thời điểm này bom pháo của địch đánh phá liên tục, tuy chúng chỉ đánh hú họa vì ta giữ được bí mật nhưng cũng gây thương vong cho ta bởi dù đạn pháo địch có nổ gần hay trúng đội hình người kéo cũng không được bỏ vị trí, vì nếu pháo rơi xuống vực là mất pháo.
Chiến sĩ Tô Vĩnh Diện hy sinh trong một trường hợp như thế: Khi khẩu pháo cuối cùng được kéo ra đang xuống dốc Chuối thì trúng phải một loạt pháo của địch, một trong những dây tời chính để neo pháo bị miểng pháo cắt đứt, pháo mất thăng bằng quay ngang suýt rơi xuống vực, Tổ trưởng Tô Vĩnh Diện lao đến giữ chặt càng pháo cố lái cho pháo tựa vào hướng vách núi vừa gọi đồng đội cùng cứu pháo, khẩu pháo nặng trên 2 tấn trong khi anh chỉ khoảng 60kg nên bị càng pháo quật mạnh vào vách núi, pháo được cứu nhưng anh thì hy sinh ngay sau đó.
Mờ sáng ngày 5/2/1954, sau 11 ngày đêm gian khổ khẩu pháo cuối cùng được bộ đội ta kéo ra điểm tập kết an toàn.
Sau khi các khẩu pháo được kéo ra, phương châm chiến đấu đã được Ban Chỉ huy mặt trận thay đổi từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” nên việc bố trí lực lượng pháo binh cũng có thay đổi cho thích hợp với một trận đánh dài ngày.
Ta xây dựng 6 trục đường cơ động cho pháo xuyên qua rừng cây, núi cao nối liền từ Đông sang Bắc thung lũng Mường Thanh, những khẩu pháo bố trí ở đây có thể bắn tới mục tiêu xa nhất là Hồng Cúm.
Các trận địa pháo cũng được cấu trúc vững chắc có khả năng chống chịu được các cuộc bắn phá của địch.
Hầm pháo được xây dựng sâu trong lòng núi, có công sự ẩn nấp và đủ rộng để các pháo thủ dễ dàng thao tác, bên cạnh là hầm chứa đạn và hầm chỉ huy… Ta cũng tạo ra các trận địa pháo giả để đánh lừa địch nhằm thu hút bom đạn của chúng để hạn chế thiệt hại cho ta.
Bất ngờ trút mưa pháo vào kẻ thù
Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ bộ đội pháo binh có Trung đoàn 45 (gồm 2 tiểu đoàn với 24 khẩu pháo 105mm), Trung đoàn sơn pháo 75 và một tiểu đoàn súng cối 120mm. Trong chiến dịch cũng có thêm 2 tiểu đoàn DKZ 75 và Tiểu đoàn hỏa tiễn H6 (12 dàn 6 nòng).
Các đại đoàn bộ binh cũng có 4 tiểu đoàn pháo, cối và DKZ. Tổng cộng phía ta có 240 khẩu pháo, cối và DKZ các loại.
Sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng, 17 giờ ngày 13/3/1954 chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức mở màn bằng trận mưa pháo bất ngờ với 2.000 quả đạn của 40 khẩu pháo 75mm và súng cối 120mm đồng loạt khai hỏa vào cứ điểm Him Lam.
Đây là lần đầu tiên quân ta dùng số đạn pháo cao như thế trong một lần tiến công. Sau Him Lam các cứ điểm còn lại cũng chịu chung số phận. Pháo binh của Pháp cũng bắn trả quyết liệt, sau đợt tiến công thứ nhất của ta địch bắn trả khoảng 10.000 quả pháo nhưng các trận địa pháo của ta đều an toàn.
Theo một số tư liệu, suốt chiến dịch này quân Pháp trong cứ điểm đã bắn hơn 110.000 quả đạn pháo các loại, trong khi pháo binh ta bắn khoảng 20.000 quả đạn 105mm nhưng hiệu quả cao hơn rất nhiều đã góp phần rất lớn cùng với bộ binh mang lại chiến thắng cho chiến dịch lịch sử.
Sự việc này đã khiến viên sĩ quan chỉ huy pháo binh địch trong tập đoàn cứ điểm là Charles Piroth quá thất vọng đã tự sát.
Chiến thắng Điện Biên Phủ có giá trị trên phương diện quốc tế rất lớn: Lần đầu tiên quân đội một nước thuộc địa châu Á đánh thắng quân đội của một cường quốc châu Âu bằng sức mạnh quân sự.
Đây được xem là thảm họa của thực dân Pháp, đánh bại ý chí duy trì thuộc địa ở Đông Dương buộc họ phải hòa đàm và rút khỏi đây. Các thuộc địa của Pháp ở châu Phi được cổ vũ mạnh mẽ sau đó đồng loạt nổi dậy giành độc lập.
Theo tư liệu, phương châm “Đánh nhanh, thắng nhanh” ban đầu của chiến dịch Điện Biên Phủ do bộ phận tiền phương của chiến dịch vạch ra là quân ta sẽ tập trung đánh địch trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ khi chúng chưa chuẩn bị chiến đấu hoàn chỉnh trong 2 ngày 3 đêm. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra mặt trận với tư cách là Tư lệnh mặt trận và là Quân ủy Trung ương của chiến dịch, ông nắm lại tình hình mặt trận giữa ta và địch đã tỏ ra rất lo lắng cách đánh này. 11 ngày trước khi nổ súng ông suy nghĩ rất nhiều trước quyết định về phương châm đánh địch của tập thể, trong đó có cả ý kiến của cố vấn Trung Quốc đang giúp ta. Ông phân tích tình hình và khả năng hoàn thành nhiệm vụ của quân ta: Trong suốt 8 năm kháng chiến đã qua quân ta chưa từng đánh thắng tập đoàn cứ điểm nào của địch, trong khi đó tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mạnh gấp 10 lần cứ điểm Nà Sản mà trước đó quân ta đánh 3 lần đều chịu tổn thất. Với trách nhiệm trước toàn dân, toàn quân, toàn Đảng ta, sinh mạng của đồng đội và nhớ phương châm “Đánh chắc thắng” mà Bác Hồ từng nhắc nhở khi giao nhiệm vụ, ông triệu tập Hội nghị Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch vào ngày 26/1/1954 quyết định đổi phương châm của chiến dịch từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Theo đó, chiến dịch sẽ hoãn ngày tiến công địch, toàn tuyến lui về điểm tập kết ngay, xây dựng lại trận địa để đánh địch dài ngày. Sau này, trong hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông đã viết rằng đây là một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình sau nhiều đêm thức trắng. |
HỒNG VÂN (tổng hợp)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin