Buổi chiều, cơm nước cũng vừa xong thì Sáu Được lại tới. Sáu Được là người hàng xóm của tôi. Thỉnh thoảng sang nhà tôi uống nước trà, nói chuyện thời sự cho đỡ buồn.
Tranh minh họa: Trần Thắng |
(VLO) Buổi chiều, cơm nước cũng vừa xong thì Sáu Được lại tới. Sáu Được là người hàng xóm của tôi. Thỉnh thoảng sang nhà tôi uống nước trà, nói chuyện thời sự cho đỡ buồn.
Tôi châm một bình trà đặc mời chú ấy. Mùi hương lài từ tách trà bốc lên rất hấp dẫn khiến tôi cũng không thể cầm lòng. Tôi hớp một ngụm, rồi tận hưởng vẻ sảng khoái từ cái mùi hương mà tôi đã tiếp xúc ở thời gian thư giãn thường nhật.
Khi mà đầu óc không còn bận bịu gì đến mớ bòng bong của công việc của cơ quan nữa. Sau những giây phút thăng hoa cỏn con từ ly trà, tôi nhìn sang Sáu Được, chú ấy vẫn chưa uống vội, vẻ mặt có vẻ nghĩ ngợi xa xôi. Thấy vậy tôi liền hỏi chú ấy:
- Có chuyện gì mà nghĩ ngợi dữ vậy Sáu Được?
Câu hỏi của tôi vô tình làm chú ấy giật mình. Sáu Được bưng ly trà uống một ngụm nhỏ, cẩn thận đặt ly trà lên bàn, rồi mới trả lời tôi:
- Chắc có lẽ tôi bán cây mai trước sân nhà quá anh Hai!
Nghe Sáu Được trả lời tôi cười khà khà, vừa cười vừa nói:
- Chơi kiểng ngoài yếu tố nghệ thuật còn phải tính đến chuyện kinh tế nữa chớ. Hễ ai mua được giá thì cứ bán, bán rồi tạo cây khác. Có thể dùng số tiền trang trải cuộc sống, hoặc mua thêm chậu để vào cây khác cũng tốt thôi. Nói chung là “nghệ thuật vị nhân sinh”, hay “nghệ thuật vị nghệ thuật” mà!
Thực ra tôi nói cho sướng cái miệng tôi thôi, chứ không cần biết Sáu Được có hiểu gì câu nói của tôi không. Vậy mà, Sáu Được cứ ngồi yên, lẳng lặng nghe cho hết lời tôi nói, nhưng trên nét mặt vẫn chưa hết buồn. Đợi tôi nói xong, Sáu Được mới tiếp lời:
- Em hiểu! Nói như anh Hai là hợp lý rồi, nhưng ngặt nỗi, cây mai là của ông nội thằng Thông- Thông là tên đứa con thứ hai của Sáu Được- trồng ngày xưa, nên bây giờ em không nỡ bán đó chớ.
Thì ra chuyện là vậy, nên Sáu Được mới thấy khó xử. Có lẽ chú ấy sang tâm sự chuyện đó cho vơi bớt nỗi buồn. Hoặc dã là xem xét ý kiến của tôi.
Tôi hiểu Sáu Được rồi, chú ấy là người hiếu thảo với cha mẹ lắm nên từ khi song thân của chú ấy mất đi những vật dụng trong nhà từ bộ áo lính đến cây gậy, chiếc ngoái trầu, hũ vôi… chú ấy giữ gìn rất cẩn thận. Nên cây mai trước cửa nhà cũng thế.
Nếu không có chuyện quan trọng chú ấy cũng không đá động đến đâu. Thì ra trong cuộc sống này có người vung tiền qua của sổ hàng trăm triệu vẫn không thấy xót, cũng có người muốn cần số tiền ít ỏi để trang trải cuộc sống cũng rất khó khăn.
Với Sáu Được, chú ấy đang cần tiền và cũng muốn giữ lại một chút gì làm hoài niệm cho con cháu để tưởng nhớ đến những người thân yêu trong quá khứ. Việc tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là một bài toán khó cho Sáu Được ở thời điểm này. Nghĩ vậy nên tôi hỏi Sáu Được:
- Vậy chú cần tiền làm gì mà định bán cây mai?
Sáu Được còn lưỡng lự chưa kịp trả lời. Tôi liền nói thêm vào:
- Nếu chú cần gấp anh nói với chị Hai đưa cho mượn đỡ, rồi từ từ trả cũng được. Anh chị không có ăn lời, ăn lóm gì đâu mà chú sợ.
- Không được đâu anh Hai, số tiền em cần nhiều lắm gần cả chục triệu lận. Nếu mượn của anh thì phiền lắm!
Theo người khác, lúc cần tiền, gặp người cho mượn thì mừng rối rít. Đằng này
Sáu Được từ chối tôi một cách thẳng thừng. Tôi cảm thấy quý Sáu Được và trân trọng cái sự khẳng khái ấy. Trong tôi bỗng lóe lên một niềm vui. Tôi cười thầm và bảo chú ấy:
- Có gì đâu mà phiền cứ mượn đi từ từ trả lại anh chị.
Dù tôi có nói gì Sáu Được cũng nhất quyết từ chối không chịu mượn. Thấy vậy tôi hỏi thêm:
- Mà tự nãy giờ chú chưa cho anh biết, chú cần tiền để làm gì?
Nghe câu hỏi của tôi, Sáu Được mới kể lể dài dòng, chung quy là chuyện về thằng con của chú ấy:
- Thằng con của em năm nay đã hết lớp 9 rồi, định cho nó nghỉ, đi học nghề.
Tôi bảo với chú ấy:
- Cho học nghề là chuyện tốt. Ở đó người ta vừa đào tạo nghề vừa có bằng tốt nghiệp THPT miễn phí hoàn toàn, nếu học nghề tốt người ta lo cho cái chỗ làm việc luôn. Theo tính toán của anh, nếu con chú học hết đại học ít nhất cũng tốn vài trăm triệu.
Còn như đi học nghề sớm thì chú khỏi phải tốn khoản tiền đó, rồi lại được đi làm sớm có lương, thử nhân khoảng thời gian người ta theo học đại học thì số tiền là lớn lắm chứ không phải nhỏ đâu nghen! Lúc người ta ra trường thì con chú là thợ lành nghề rồi.
Sáu Được nghe tôi nói thế ôn tồn phân giải:
- Anh Hai nói vậy em thông suốt rồi, nhưng ngặt nỗi thằng nhỏ ham học quá, em không nỡ ép nó nghỉ được, nên mới suy tính nhiều như thế đó chứ. Nếu cho học tiếp thì tiền tập, vở, áo quần… và tiền học phí cũng gần mấy triệu bạc.
Sáu Được kể một hơi, nếu không có tôi xen vào chắc chú ấy vẫn còn nói mãi không thôi.
Hôm sau, tôi sang nhà chú ấy. Thấy tôi đến, mấy con chó sủa om sòm. Sáu Được liền vội ra cửa đứng nhìn. Rồi mời tôi vào, lính huýnh đi châm bình trà. Tôi bảo với chú ấy:
- Thôi! Hôm nay anh sang nhà ngồi nói chuyện chơi, đừng trà nước làm gì cho mất công.
Sáu Được nhìn tôi nói:
- Sẵn trà, sẵn nước chứ có tốn kém gì đâu mà anh Hai ngại.
Nói rồi chú ấy cười khà khà, tôi cũng cười theo chú ấy. Tôi bưng một ly trà hớp một ngụm rồi mới hỏi:
- Đâu! Chú chỉ cho anh coi cây mai chú định bán đâu!
Nghe tôi hỏi, Sáu Được dẫn tôi ra trước cửa chỉ cây mai cổ của mình. Thú thật là từ hồi nào giờ tôi có biết kiểng kéo gì đâu, vì vậy Sáu Được nói sao thì tôi nghe vậy.
Chú ấy bảo với tôi “người ta chơi kiểng phải đủ các yếu tố như: nhất rễ, nhì thân, tam cành, tứ lá, mà cây mai nhà em hội đủ các yếu tố đó anh Hai”. Nghe chú ấy giới thiệu tôi nhìn theo rồi khen chiếu lệ “Ờ! Cây mai đẹp đó chứ”. Rồi lại nói luôn:
- Anh thì không rành cây kiểng, cũng không có chỗ trồng kiểng, nhưng anh sẽ mua cây kiểng này giúp chú. Khi mua xong, chú cho anh Hai gửi lại đây chừng nào có ai mua anh bán. Lúc đó anh sẽ thu hồi vốn lại. Chứ anh cho mượn không thì chú không lấy.
Nghe tôi nói Sáu Được nghĩ ngợi một lúc mới nói:
- Em cảm ơn lòng tốt của anh Hai. Nhưng em nghĩ như vậy cũng không ổn đâu anh. Nếu lỡ cây mai chết thì em có lỗi với anh lắm!
Nghe Sáu Được nói thế tôi nghĩ cũng phải. Tôi liền nói với Sáu Được:
- Thôi anh nói với chú thế này. Nếu như có ai mua được giá thì chú cứ bán. Nếu không bán được thì anh hỏi với những người bạn uống cà phê của anh coi có ai định tìm mua không anh sẽ chỉ giúp chú.
Sáu Được nghe tôi nói chẳng những đồng ý còn nói lời cảm ơn tôi rối rít. Niềm vui thể hiện qua nụ cười tươi rói trên khuôn mặt khắc khổ của chú ấy.
Một buổi sáng ngồi trong quán cà phê, tôi đem chuyện của Sáu Được kể cho người bạn thân của tôi nghe. Tôi định kể cho có chuyện nhằm góp vui trong một buổi sáng thường nhật vậy thôi. Nào ngờ khi nghe xong người bạn của tôi bảo:
- Một chút nữa Hoàng dắt tôi “xem mắt” cây mai, nếu thấy được mình sẽ mua giúp cho.
Nghe nói vậy tôi trố mắt ngạc nhiên hỏi người bạn ấy:
- Trời! Từ hồi nào đến giờ có nghe nói ông thích chơi kiểng đâu mà định mua?
Người ấy bảo tôi:
- Mình mua là để giúp người bạn của Hoàng đó chớ. Sẵn mình làm từ thiện luôn.
Nghe người bạn nói thế tôi vui sướng như thể tôi là người bán và có người hỏi mua của tôi vậy đó. Tôi hỏi gằn lại:
- Mà ông nói thật không vậy?
Người bạn ấy cười và trả lời:
- Thật chứ! Thú thật là khi nghe Hoàng kể về hoàn cảnh và mục đích bán cây mai của người bạn ấy, mình nghe xúc động lắm! Người cha vì muốn lo cho con ăn học đã đắn đo bán đi vật kỷ niệm của mình. Hy vọng con của người bạn này sẽ cố gắng học hành tử tế.
***
Cũng từ ngày Sáu Được bán cây mai, tôi được công ty điều đến nơi khác công tác. Tôi cũng bán nhà và cùng với vợ con tôi đến nơi ở mới gần chỗ làm.
Câu chuyện về Sáu Được cũng từ đó đã quên hẳn trong tôi. Thỉnh thoảng những ngày giáp Tết mỗi lần có dịp qua chợ hoa xuân, thấy những cây mai trong chậu bày ra la liệt trên phố tôi lại nhớ tới quê.
Rồi một hình ảnh Sáu Được cũng từ đó hiện về. Tôi lại tự hỏi không biết cuộc sống chú ấy khá hơn chưa, đứa con chú ấy có được học tới nơi tới chốn hay không?
Rồi cũng đến lúc tôi phải về hưu cùng sống bên vợ bên con an hưởng tuổi già. Ngặt nỗi chứng bệnh về xương khớp cứ hoành hành lấy tôi.
Mỗi buổi sáng ngồi uống cà phê với bạn bè tôi thường than phiền về chứng bệnh ấy. Một hôm có người bảo: “Tôi vừa mới biết ở Quận 10 có một bác sĩ xương khớp giỏi lắm! Đâu anh tìm đến đó chữa trị coi hết không! Nghe tin bác sĩ giỏi lại phù hợp với chứng bệnh của tôi.
Tôi tức tốc tìm đến ngay. Vừa đến tôi đã thấy hài lòng rồi về khâu tiếp đón đến khâu thăm khám đều rất tốt. Một điều làm tôi ngạc nhiên, khi đến lượt khám của tôi. Bác sĩ chưa khám vội mà nhìn chầm chầm vào tôi, rồi đứng dậy lễ phép cung kính bắt tay tôi và hỏi:
- Dạ, con chào bác Hai! Đã lâu rồi cháu chưa có dịp gặp lại bác, bác thấy không khỏe ở đâu ạ?
Tôi vô cùng ngạc nhiên nên hỏi lại:
- Xin lỗi, bác sĩ là ai mà lại gọi tôi là bác Hai?
Lúc này ông bác sĩ mới giở khẩu trang cười và nói:
- Dạ con tên Thông, con của ông Sáu Được ạ!
Nghe nói tôi sực nhớ lại đứa bé có đôi mắt sáng ngày xưa, lòng tôi lại quá vui sướng. Tôi hỏi lại cháu ấy:
- Cháu thi vào ngành y à? Ba mẹ cháu khỏe chứ?
Cháu ấy đáp lại lời tôi trong sự vui vẻ như tôi là người thân trong nhà.
Thật đáng mừng! Không mừng sao được vì trên cõi đời này có một cái cây đang tỏa bóng mát mà trước kia tôi đã góp sức mình vào quá trình gieo hạt. Rồi đây cái cây trước mắt tôi lại cho ra nhiều hạt giống khác rồi lại tiếp tục tỏa bóng xanh tươi cho đời…
MINH ĐIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin