Trận đánh độc đáo

05:07, 01/07/2023

Ngày mừng thọ lần thứ 90 người anh ruột thứ Tư của mình tên là Nguyễn Bỉnh Ngôn(*) (hiện đang ở ấp Mỹ Định, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn), Tám Thiện(**) đến dự tiệc mừng. Khi tiệc tan, hai anh em nằm trên bộ ván gõ nghỉ ngơi.

(VLO) Ngày mừng thọ lần thứ 90 người anh ruột thứ Tư của mình tên là Nguyễn Bỉnh Ngôn(*) (hiện đang ở ấp Mỹ Định, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn), Tám Thiện(**) đến dự tiệc mừng. Khi tiệc tan, hai anh em nằm trên bộ ván gõ nghỉ ngơi.

Anh Tư Ngôn kể cho Tám Thiện nghe những chuyện anh biết về thời kỳ kháng chiến chống Pháp khi anh còn ở quê gốc là Ấp 10, xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình.

...Trước năm 1945, nhà mình nghèo lắm, phải đi mướn đất tuốt trong Ấp 9, xã Hòa Hiệp của địa chủ là ông Lục sự Lễ. Địa chủ thu lúa ruộng nặng lắm, 10 giạ lúa 1 công đất. Đất hồi đó chỉ làm lúa mùa, mỗi năm 1 vụ lúa, năm nào lúa trúng lắm thì được 13-14 giạ 1 công.

Còn những năm lúa bị bệnh khoang cổ, đọt sần thì mỗi công đất chỉ thu hoạch được 3-4 giạ lúa cũng phải đem đi đóng lúa ruộng hết, phải đi lạy địa chủ xin thiếu lại lúa ruộng, xin vay một ít lúa để ăn cho khỏi chết đói, mùa sau trả lãi cao! Còn những năm lúa trúng khi đi nộp lúa ruộng, má mình vái đừng bị bắt giê lúa lại thì về cúng cặp vịt.

Má kể năm đó, khi đóng lúa ruộng, bà Lục sự Lễ hốt một nắm lúa bỏ vô tô nước, có mấy hột lúa lép nổi lên. Bà Lục sự kêu cậu và má mình lại chỉ tô nước và nói:

- Tao hốt có một nắm lúa bỏ vô tô nước mà có mấy hột lúa lép như thế này, cả trăm giạ lúa thì lúa lép nhiều lắm. Tụi bây giê lúa lại đi!

Má mình lúc đó đang mang bầu chị Năm của em. Bụng mang dạ chửa ì ạch vậy mà má mình phải cùng với cậu mình hì hụt giê lúa lại cả buổi trời, mồ hôi mồ kê nhễ nhại mệt muốn đứt hơi, giê ra chỉ có hơn nửa giạ lúa lép, lúc đó bà Lục sự Lễ mới chịu nhận lúa ruộng!

Tới tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng 8/1945, cậu mình, chú Chín mình cùng nhiều chú bác xóm mình dùng tầm vông vạt nhọn, phản kéo ngay theo Việt Minh đi cướp chính quyền ở Tam Bình.

Và Tam Bình là nơi cướp được chính quyền sớm nhất so với các huyện khác trong tỉnh. Năm đó anh chỉ mới 13 tuổi, chỉ biết có vậy thôi! Còn lúa ruộng thì sau năm 1945, Lục sự Lễ chỉ còn thu 4 giạ 1 công thôi!

Sau năm 1945, ở xã mình thành lập các đội Thanh niên Cứu quốc, các đội du kích để chống giặc Pháp và bè lũ tay sai. Anh thấy ông thầy Bảy Quảng là thầy pháp, ổng làm cung tên, ná lẫy, dạy cho mấy anh, mấy chú cách bắn để đánh giặc Pháp.

Có người nói ông thầy Bảy làm lếu, nhưng mấy chú cán bộ Việt Minh phát huy, động viên cứ tập luyện đi rồi cũng có cơ hội sử dụng để đánh Pháp.

Tám Thiện cắt ngang lời anh Tư Ngôn, hỏi:

- Em nghe chị Hai nói má sinh em tại vườn ông thầy Bảy Quảng, hôm đó anh Tư chạy ra ruộng kêu chị Hai đi rước mụ phải không?

- “Lúc đó giặc Pháp đã chiếm lại Tam Bình, Ba Kè, đi ruồng bố thường xuyên, gặp đàn ông thì bắt bớ, đánh đập, bắn giết, gặp đàn bà con gái thì hãm hiếp, nên nhà mình phải tản cư vô ở nhờ trong vườn ông thầy Bảy Quảng.

Hôm má đau bụng đẻ, cậu sai anh chạy ra ruộng kêu chị Hai xuống nhà thầy Hai Cần rước bà thầy Hai lên làm mụ cho má.

Chị Hai đang cấy, cặm nọc bỏ đó, vừa đi rước mụ vừa cằn nhằn: “Má hổng ráng mơi hãy đẻ, báo hại tui cấy chưa rồi công!”.

Bà thầy Hai lên tới một chút thì em chào đời, trên mu bàn tay phải có bớt chàm giống y vị trí bớt chàm trên mu bàn tay của má.

Cậu cười nói với má: “Khi già bà lẫn lộn đi lạc, thằng con này thấy bàn tay của bà nó nhìn ra là má nó, nó đem bà về nuôi!”. Mới đó mà mau quá, em sinh năm Canh Dần 1950, năm nay cũng đã 73 tuổi rồi!”.

Tám Thiện cười hì hì, nói:

- Anh Tư kể tiếp chuyện thời chống Pháp cho em nghe đi!

- “Lúc ông thầy Bảy Quảng dạy bắn cung, bắn ná lẫy thì ông Mười Dài, anh Ba Xệ dạy thanh niên ấp mình đánh roi, đánh quyền. Anh cũng tới xem rồi học ké được vài đường roi.

Tám Thiện hỏi:

- Lực lượng du kích, Thanh niên Cứu quốc của xã mình có đánh giặc Pháp được trận nào không?

- Có đánh được nhiều trận, nhưng có một trận rất hay, cách đánh có thể nói là độc nhất vô nhị!

- Anh Tư kể cho em nghe đi! -Tám Thiện nói.

- “Năm 1948, tụi Pháp xuống đóng bót ở tuyến lộ Ba Kè; đầu tiên chúng đóng bót Ba Kè 7 trước (chỗ chợ Ba Kè), sau đó chúng đóng các bót từ Ba Kè 1 đến Ba Kè 6. Khi chúng đóng bót Ba Kè 3, tụi lính người Pháp và lính Pạc ti giăng thường lấy xuồng của dân bơi xuống Ấp 9, xã Hòa Hiệp để bắt gà của dân. Lúc đó là mùa nước nổi, mà Ấp 9 là vùng đất trầm thủy, trên ruộng nước ngập lên gần tới bụng.

Chú Út Đúng là ủy viên quân sự của xã Hòa Hiệp sau nhiều lần theo dõi, thấy đánh bọn này dễ quá nên bàn với cấp ủy chi bộ xã trị bọn giặc Pháp này.

Được cho phép, chú Út Đúng huy động khoảng 20 du kích xã ấp- có các anh, các chú trong đội bắn cung, bắn ná lẫy; đội mã tấu, đội côn quyền- và 7, 8 thanh niên của Ấp 9, Ấp 10, trang bị tầm vông vạt nhọn, mấy giỏ xách đệm đựng đá cục lượm ngoài lộ Ba Kè; chỉ có một khẩu súng 2 nòng của Việt Minh xã Hòa Hiệp tước từ tay của Chủ Tiên năm 1945 thì ông Mười Xồi giữ, cho chú Út Đúng mượn.

Anh năm đó 16 tuổi, không có tham gia Việt Minh, nhưng được anh Tư Pháp rủ nên anh cũng chặt tầm vông vạt nhọn đi đánh Tây với anh Tư Pháp, chú Tám Hóa, chú Bảy Giò, anh Xù, chú Út Đúng và nhiều người khác.

Chúng tôi phục kích trên bờ sông Ấp 9 (khoảng gần cây cầu chỗ trường học cũ Ấp 9, xã Hòa Hiệp bây giờ). Khoảng gần trưa, tụi lính Pháp đi trên 3 chiếc xuồng từ bót Ba Kè 3 theo rạch Đường Trâu bơi xuống Ấp 9.

Chiếc xuồng đi đầu có 1 thằng lính Pháp ngồi trước mũi kẹp khẩu súng Thompson giữa 2 đầu gối, 1 thằng lính Pháp ngồi giữa và 1 thằng lính Pạc ti giăng người Việt bơi xuồng.

Chiếc xuồng lính đi đầu đã bơi qua phía bờ sông chỗ chúng tôi phục kích, 2 chiếc xuồng đi sau đã bơi qua hơn nửa sông. Chú Út Đúng phục kích dưới mé sông chỗ cây bần có đám ô rô, cóc kèn mọc cao rậm rạp.

Khi chiếc xuồng chở lính cách chừng 10m, chú Út Đúng nhằm vào thằng lính Pháp ngồi trước mũi xuồng nổ súng, nó trúng đạn té xuống sông, xuồng cũng lật ngang chìm theo. Chúng tôi đồng loạt hô xung phong, xung phong,…

Cung tên, ná lẫy nhằm bọn lính bắn vèo vèo. Bọn lính trên 2 chiếc xuồng còn lại giật mình, hết hồn luýnh quýnh làm xuồng lật ngang chìm luôn. Bọn lính lóp ngóp lội qua bờ sông bên kia, súng ống rớt chìm hết trọi, chúng chỉ còn mình không bườn chạy ra lộ Ba Kè.

Còn thằng lính Pháp bị thương ráng lội vô mé sông lủi vào đám mái dầm kế chỗ tụi tôi phục kích, anh Xù xách mã tấu xuống kề vào cổ nó, bắt sống thằng lính Pháp này. Thằng lính Pháp này bị thương ở chân.

Chúng tôi lặn xuống chỗ chiếc xuồng lính đi đầu bị chìm để mò súng, chú Hai Phan mò được 1 khẩu Thompson. Anh em chúng tôi rút về Ấp 8, xã Hòa Hiệp. Đêm đến, chú Ba Tán và nhiều bà con nữa dùng chài rê tìm súng, đã tìm thêm được 2 khẩu Thompson, 2 khẩu Mút cơ tông, 3 khẩu Mút ăng lê.

Tổng cộng thu được 8 khẩu súng. Sau đó mấy ngày, huyện đội xuống điều về huyện 2 khẩu Thompson, 2 khẩu Mút ăng lê, 1 khẩu Mút cơ tông.

Số súng còn lại, anh còn nhớ là chú Hai Phan được mang khẩu Thompson với 3 băng đạn, chú Tám Hóa được mang khẩu Mút ăng lê, anh Xù vì thấp bé nhỏ con nên được mang khẩu Mút cơ tông. Diễn biến trận đánh là như thế đó. Chuyện này, nhiều ông bà già ở Hòa Hiệp biết đấy!”.

Tám Thiện ngồi dậy gật đầu, thán phục, nói:

- Các chú, các bác đã sáng tạo cách đánh táo bạo; nhận định đúng khi kẻ địch bị đánh bất ngờ như vậy thì giật mình, hết hồn, luýnh quýnh, lật xuồng chìm xuống sông là cái chắc.

Mình là người quen đi xuồng trên miền sông nước, gặp tình huống bất ngờ như vậy mình cũng bị lật xuồng, huống hồ gì mấy thằng Tây. Với sự mưu trí, linh hoạt, dũng cảm mà đã thắng lớn, bắt được tù binh Pháp, thu được toàn bộ vũ khí của toán giặc Pháp. Quả là một trận thắng độc nhất vô nhị!

(*) Nhân chứng sống hiện còn rất minh mẫn.

(**) Tên nhân vật đã thay đổi.

TRUNG NGÔN 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh