Người miền Tây hào sảng, phóng khoáng, thật thà. Giọng nói người miền Tây ngọt ngào, dễ thương.
Cái giọng thủ thỉ, tâm tình, nhẹ nhàng mang chút ngọt ngào và dễ thương giống với sự êm ả như dòng sông trôi vậy. |
(VLO) Người miền Tây hào sảng, phóng khoáng, thật thà. Giọng nói người miền Tây ngọt ngào, dễ thương.
Đó là câu nói không ít lần được nghe từ các vị khách miền Bắc và miền Trung khi nói về con người và vùng đất phù sa này. Khách thích ngắm những cô gái miền Tây trong bộ áo bà ba, đội nón lá. Chiếc áo chít eo, xẻ tà ở hai bên hông vừa đủ để tạo được sự dịu dàng, e ấp.
Không ít anh phải lòng giọng nói đặc sệt Nam Bộ. Và nghe cách nói rất riêng với những phương ngữ vùng miền phù sa dù tiếng biết tiếng không. Giọng nói nghe sao ngọt xớt, giọng hát thì ngọt như mía lùi nên “cắm sào” ở lại xứ này.
Ngôn ngữ hình thành từ cuộc sống và phản ánh cuộc sống của từng vùng miền. Miền Tây với vùng sông nước nên nhiều từ phương ngữ gắn liền với sông nước nên có những “đặc sản” riêng. Và cái giọng thủ thỉ, tâm tình, nhẹ nhàng giống với sự êm ả như dòng sông trôi.
Mang chút ngọt ngào như trái chín đầu mùa. Nhiều người hay nói vui vì vùng “đất lành chim đậu”, với những loại trái cây ngọt ngon, mát lành nên người miền Tây có giọng nói ngọt ngào, dễ thương đến vậy.
Cái tình đậm chất phù sa, cái tính thẳng đuột như cây cau. Không tô vẽ, không tha mỡ, tha dầu dừa mượt bóng trong câu nói mà cứ nói huỵch toẹt ra.
Người miền Tây không câu nệ tiểu tiết và quý trọng nghĩa tình. Và nói một câu chắc nịch rằng, không có nơi nào hiếu khách như vùng đất phù sa này.
Được dạy theo cách nghĩ “Người ta ăn thì còn, mình ăn thì hết” của ông bà trong lúc cùng nằm trên cánh võng kẽo kẹt đưa, lúc ngồi trên cánh đồng vào mùa lúa chín, lúc lênh đênh trên sông thả lưới, cắm câu. Cứ thế, truyền từ đời này sang đời khác nên thết đãi khách hết bụng.
Đối với người miền Tây, đãi khách một bữa cơm no bụng, với những món ngon đâu có gì lạ. Trước lạ sau quen mà. Đãi khách với món ngon như canh chua cá với bông súng, bông so đũa mà cứ áy náy bảo cơm canh đạm bạc. Nấu nồi khoai, nồi chuối đãi mà lo.
Lo khoai không kịp chính thì khách về nên “dỡ ra” sớm. Ai dè khoai còn xồn xồn, lại lo khách đau bụng. Chuối chưa kịp đốn dốc chặt vào nấu đãi lo xảm xì. Mở lòng mở dạ, dù không quen biết nhưng đến chơi thì xem như người nhà.
Nói đến miền Tây người ta sẽ nói rất ngắn gọn với vùng đất trù phú, nơi đất lành ai cũng có thể nương nhờ. Những con người khoáng đạt rộng lòng cho đi mà không hề nghĩ ngợi, tiếc gì. Người miền Tây yêu quê hương mình trong nỗi nhớ dù đang ở ngay chính trên quê hương chứ có xa xôi gì đâu.
Và không ít người rất yêu nét dễ thương của người miền Tây. Và nói yêu lắm, thương lắm miền Tây ơi thì dễ nhưng khi đặc tả thì không dễ chút nào. Vì lòng muốn nói lên những nét đẹp nức tiếng thơm thảo nhưng làm sao để diễn tả được thấu đáo đây.
Tôi rất ngưỡng mộ, cách đặc tả về cách chịu chơi rất hiếu khách qua giọng văn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trong tác phẩm “Người nơi biên giới”. Với câu chuyện rất thực và ngôn từ gần gũi đậm chất người miền Tây: “Tụi bạn tôi vẫn nhớ ông già cậu. Chịu chơi hết cỡ.
Có bữa tôi đưa mấy thằng bạn đi chơi, tới khúc Láng Gáo thì gặp mưa, ghé nhà cậu đụt. Ai ngờ mới nói ba điều bốn chuyện, ông già cậu đi bắc nồi nước sôi vật con heo nhỏ ra mần, nhậu”.
“Bầy trẻ lớn lên, quen với cảnh khách lảng vảng trong nhà. Có khi họ còn ngủ lại vài đêm. Cha tụi nó hay nói “ở đời phải duyên mới gặp, chớ đâu mà dân tuốt ngoài thủ đô cũng ghé chơi”.
Hồi đầu tụi nhỏ còn tiếc những thứ ngon bưng mời người dưng, sau sẵn sàng ăn cơm với kho quẹt nhường vịt luộc phay cho khách, như thường”. “Khách ăn thì còn…”, câu đó bà mẹ vẫn nhắc đám trẻ hoài, bằng sự nhẹ nhõm của chính bà.
Chồng kéo khách về nhà, dù nửa đêm, vợ vẫn vui vẻ đốt lửa nướng cá khô”. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư tả đúng cách chịu chơi của người dân miền Tây. Hiếu khách vì vậy nên mới có câu “dân miền Tây rất chịu chơi”, “dân miền Tây chơi xả láng”.
Nói đến người miền Tây thì nghĩ ngay đến mộc mạc, chất phác, phóng khoáng và giàu nghĩa tình.
Bài, ảnh: MAI KHA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin