Chuyện "bếp núc"

07:06, 18/06/2023

Nhiều người thắc mắc nghề báo sướng hay khổ. Thật khó để trả lời vấn đề này trong vài ba câu nói.

Tờ báo mới thơm mùi mực mà độc giả đang cầm đọc nó được “sinh ra” bởi tư duy của cả đội ngũ nhà báo.
Tờ báo mới thơm mùi mực mà độc giả đang cầm đọc nó được “sinh ra” bởi tư duy của cả đội ngũ nhà báo.

(VLO) Nhiều người thắc mắc nghề báo sướng hay khổ. Thật khó để trả lời vấn đề này trong vài ba câu nói.

Không ít người hỏi tôi: “Làm phóng viên có cực lắm không?”. Tôi không phải phóng viên nhưng riêng tôi thấy phóng viên phải đi nhiều, có thể nay ở đồng bằng nhưng mai lại ở đảo, phải ghi chép, phải vác máy chụp những tấm ảnh mang tính thời sự, gắn với người thật, việc thật, làm đầy lượng thông tin trong tác phẩm.

Để có bài viết hay, sâu thì nhà báo phải hiểu rõ vấn đề và bỏ công tìm tòi nghiên cứu, học hỏi. Cần có nhãn quan để nhận ra cái khác biệt, cái mới trong cuộc sống.

Một người tâm huyết và đam mê với nghề báo tâm sự: Niềm đam mê ấy sẽ thôi thúc đôi chân đi và đi, lúc nào cũng muốn chạm với cuộc sống sinh động. Và sự học đối với người viết là vô cùng, học từ việc đi, viết, đọc và nghe nhiều.

Người viết đòi hỏi kỹ năng sử dụng ngôn từ, người viết dùng phong phú từ và khéo trong cách sử dụng không chỉ bản thân thấy tâm đắc mà còn giúp người đọc thấy “phê”.

Người ta ví, tờ báo là bàn tiệc, để bàn tiệc trong thịnh soạn thì cần phải tỉ mỉ từng khâu. Từ cách phóng viên chọn viết đề tài, dùng ngôn từ để mô tả, phân tích, bình luận sự việc, sự kiện.

Biên tập viên lại là người chọn món chính, món phụ. Kỹ thuật viên bằng con mắt nhà nghề, làm sao đặt để cho bàn tiệc thoáng, đẹp nhìn vào “muốn thưởng thức ngay”.

Vì vậy, người viết dấn thân, tác nghiệp nơi tuyến đầu, hậu phương vững chắc là những biên tập, thiết kế trình bày, morat. Việc hậu phương ví như là việc “bếp núc” khi bày món ăn lên mâm vậy!

Có làm nghề mới thấy, người biên tập rất lao tâm khổ tứ với những con chữ, lúc phải lau bóng con chữ, lúc gọt giũa làm sao để cho con chữ sắc bén, lúc phải để làm sao cho nó thể hiện được bản chất mộc mạc, chất phác để người đọc cảm thấy mượt trơn, gần gũi, dễ hiểu,… Và quan trọng nhất là giữ được văn phong của mỗi người viết.

Còn người kỹ thuật luôn trăn trở, làm sao để hình thức luôn thống nhất và bổ trợ cho nội dung. Thể hiện thông tin một cách khoa học và hợp lý cả về nội dung lẫn hình thức.

Một trang báo với nhiều thông tin hay, có chất lượng, cách khai thác vấn đề mới lạ, sâu sắc nhưng trình bày rối mắt, không hợp logic, khó tiếp cận thì sẽ làm giảm chất lượng của tờ báo.

Trình bày sao cho sinh động, đẹp mắt vì hình thức tốt còn tạo sự tin tưởng ở độc giả. Do đó, mỗi tờ báo đều tạo lập cho mình một bản sắc riêng trong cả nội dung và hình thức.

Tôi, thực hiện ở khâu “nhặt sạn”. Chúng tôi “sàng sảy” tìm nhặt những mảng miếng làm vướng víu bạn đọc. Để không làm độc giả khó chịu như đang ăn cơm mà mắc phải sạn. Không ít người bảo công việc chúng tôi rất đơn giản “chỉ việc đọc và sửa lỗi chính tả là xong”.

Nghe có vẻ rất đơn điệu và tẻ nhạt làm lòng đôi lúc chạnh. Nhưng đối với chúng tôi thì không đơn giản như thế, chúng tôi phải rèn cho mình sự cẩn thận, tỉ mỉ trong từng con chữ, câu chữ, từng dấu câu… để bài, tin thật chỉn chu.

Chúng tôi nằm lòng câu “hạn chế sai sót thấp nhất có thể”. Dò soát sửa làm sao cho đúng với quy tắc tòa soạn đặt ra, với những câu, những đoạn trong bài chưa logic, đọc còn nghe chưa êm còn “sừn sựt” như ăn phải mít sượng, khoai mì sượng thì tham mưu biên tập chỉnh sửa sao cho nó “suông”, nó “trôi”.

Nhưng để làm được việc đó chúng tôi cũng cần một vốn kiến thức mới có thể kịp thời phát hiện. Vốn kiến thức đó có được là do, trong lúc chúng tôi “sàng sảy” nhặt sạn bỏ đi, lúc ấy chúng tôi cũng nhặt bỏ túi cho riêng mình những kiến thức.

Nhặt bí kíp của những người đi trước truyền lại trong nghiệp vụ biên tập. Làm giàu vốn sống chúng tôi với những tác phẩm tâm huyết.

Nhặt thêm báo bạn, đài truyền hình, sách… Chúng tôi cũng nhặt ngôn từ trong lúc nhặt sạn và “bị từ vựng” cũng được kha khá. Dần dà theo tuổi của nghề, túi kiến thức và bị từ vựng của chúng tôi cũng đủ để phục vụ tốt cho công việc của mình.

Sáng hôm nào giở tờ báo ra thấy hạt sạn nằm lăn lóc trên trang báo, dù hạt nhỏ nhưng vẫn cảm thấy “sao sao” với tác giả, với bạn đọc.

Và hạnh phúc mỗi sáng cầm tờ báo đọc “sạch, đẹp” thầm nghĩ hôm nay thực khách “ngon cơm”. Và mỗi ngày tiếp xúc với con chữ, tôi thấy thú vị và yêu con chữ hơn. Và tôi nghĩ nghề của câu chữ, ai cũng yêu con chữ hơn bao giờ.

“Bữa tiệc” đãi độc giả với nhiều món ngon và được chuẩn bị chu đáo đó là sự chỉn chu, tỉ mỉ và tư duy của cả đội ngũ nhà báo.

Bài, ảnh: MAI KHA

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh