Dấu chân Người qua 4 biển, 5 châu

05:06, 05/06/2023

Trong năm 2022, trên khắp các nước thuộc nhiều châu lục, quốc gia đã có 35 công trình, tượng đài gắn với các điểm, thành phố, các vùng đất mà Người đã trải qua trong 30 năm của cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước.

Cách đây 112 năm, vào ngày 5/6/1911 tại Bến nhà rồng, người thanh niên Nguyễn Tất Thành lên con tàu Admiral Latouche-Tréville ra đi tìm đường cứu nước.
Cách đây 112 năm, vào ngày 5/6/1911 tại Bến nhà rồng, người thanh niên Nguyễn Tất Thành lên con tàu Admiral Latouche-Tréville ra đi tìm đường cứu nước.

(VLO) Trong năm 2022, trên khắp các nước thuộc nhiều châu lục, quốc gia đã có 35 công trình, tượng đài gắn với các điểm, thành phố, các vùng đất mà Người đã trải qua trong 30 năm của cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước.

Theo đó, kể từ sáng ngày 5/6/1911 khi Người tạm biệt Sài Gòn ra đi, trên con tàu Admiral Latouche-Tréville, tại cảng Sài Gòn, sau đó Người đã lên nhiều con tàu khác, đã đưa Người đến với các phong trào cách mạng, các nước, lãnh thổ của 4 biển, 5 châu.

Cuộc hành trình hiếm có đầu thế kỷ XX

Sài Gòn vinh dự là nơi tiễn đưa Người ra đi vào năm ấy. GS Trần Văn Giàu sau này đã có nhận xét “Nếu Sài Gòn không phải là chỗ gợi ý thì cũng là nơi định đoạt dứt khoát thái độ của Bác, để Bác quyết định dứt khoát đi Pháp và các nước phương Tây, chứ không phải hướng về phương Đông như một số nhà yêu nước tiền bối”.

Chặng đường mà người thanh niên Nguyễn Tất Thành bắt đầu thực hiện cuộc hành trình vòng quanh thế giới, đến với nhân dân lao động Pháp và nhiều nước khác, đặc biệt là các nước trong hệ thống thuộc địa của Pháp tại nhiều quốc gia ở châu Á, Phi, Mỹ Latin...

Những năm tháng hoạt động ở Pháp (1911), rồi đi qua một loạt nước ở châu Phi (cuối 1911-1912), tới nước Mỹ (12/1912), đến Anh quốc (1914-1917) và nhiều nước thuộc địa khác của Pháp (1917-1918).

Khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ (1914-1918), thì người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã quay trở lại Pháp và gia nhập vào Đảng Xã hội Pháp.

Tại Pháp, với điều kiện sống lúc này có nhiều khó khăn nhưng bằng các nghề tự sức mình đã làm, từ rửa ảnh, vẽ tranh, trang trí đồ cổ Trung Hoa rồi kẻ biển hàng..., Người đã vượt qua tất cả để quyết theo đuổi con đường cách mạng của mình.

Hành trình của người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã được bạn bè chia sẻ, ủng hộ và động viên viết bài đăng các báo.

Và Người đã quyết tâm học viết báo thành thạo, dùng báo chí để sử dụng như một vũ khí mới cho hoạt động cách mạng đi tìm tự do cho dân tộc mình- khi đất nước thân yêu của Người đã chìm đắm trong hơn 50 năm nô lệ, lầm than.

Chặng đường dài ra đi 30 năm, sau khi xa đất Pháp, Anh, Mỹ,... Người tham gia nhiều hoạt động phong trào công nhân ở Mỹ, Anh, Pháp và nhiều nước Âu, Mỹ,…tìm và đến với “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin.

Sau bao năm tháng, sự kiện một bước ngoặt trọng đại là ngày 3/2/1930 tại Hương Cảng, Người đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam- mốc son sáng ngời của dân tộc ta, bước ngoặt vĩ đại của Cách mạng Việt Nam.

Tháng 3/1930, Người đến Xiêm, Malaysia để tiến hành một số công tác, đóng góp công sức vào sự phát triển phong trào cách mạng ở đây.

Đầu tháng 5/1930, Người quay trở lại Thượng Hải; lúc này, Người ở tại ngôi nhà 186 phố Tam Kung, Cửu Long- Hương Cảng, và nơi đó trở thành trụ sở liên lạc bí mật giữa Nguyễn Ái Quốc và một số đồng chí.

Dưới tên trong thẻ căn cước là Tống Văn Sơ, ngày 6/6/1931 Người bị nhà cầm quyền Hương Cảng phối hợp mật thám Anh và Pháp bắt giam.

Gần 2 năm bị giam giữ trong tù, 1 năm không bắt được liên lạc với tổ chức cùng những nỗi lo về phong trào cách mạng trong nước.

Song nhờ sự biện hộ và giúp đỡ tận tình của vợ chồng luật sư Frank Loseby và những người bạn, Tống Văn Sơ được trả tự do ngày 28/12/1932.

Lúc này, từ Hong Kong, Người tới Hạ Môn, khoảng tháng 7/1933 từ Hạ Môn Người đáp tàu thủy lại trở về Thượng Hải.

30 năm, chịu biết bao nỗi truân chuyên, kể cả nhục hình đã đến với Người, khi đế quốc Anh cấu kết với Pháp, để cho Tưởng Giới Thạch kết tội Người và Trương Phát Khuê- Tư lệnh Quốc dân Đảng bắt giữ Người từ ngày 27/8/1942 và được trả tự do ngày 10/9/1943.

Tất cả càng hun đúc thêm trái tim Người, quyết ra đi tìm con đường cứu nước cho dân tộc.

30 năm sau Người trở về với dân tộc

Ngày mùng 2 Tết 1941, Người về nước tại cột mốc 108, tỉnh Cao Bằng để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập cho cách mạng.

Tại Cao Bằng, Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8 từ ngày 10-19/5/1941 và xác định: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp, phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc.

Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.

Theo đề nghị của Người, tại Hội nghị Trung ương 8, quyết định thành lập “Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng Minh”, gọi tắt là Việt Minh- đây là khởi điểm rất quan trọng về tư tưởng Đại đoàn kết đầy tính khoa học trong vận động cách mạng Việt Nam, mà 30 năm Người đi tìm ra chân lý về con đường cứu nước và cứu dân.

Tại hội nghị này, Trung ương Đảng bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư của Đảng. Sau hội nghị, Trung ương nhanh chóng triển khai việc tổ chức thực hiện nghị quyết, xây dựng Việt Minh, phát động phong trào cách mạng rất rộng rãi từ nhiều tỉnh Việt Bắc, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Tiếp đó, ngày 6/6/1941, Người viết thư kính cáo đồng bào cả nước. Người nêu tình cảnh khổ nhục của nhân dân dưới ách thống trị thực dân Pháp và phát xít Nhật; Người ca ngợi những tấm gương oanh liệt trong đấu tranh giành quyền độc lập, tự do.

Tuy nhiên, việc lớn chưa thành vì “cơ hội chưa chín”. Người nêu rõ: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng”...

Người chỉ rõ hiện thời muốn đánh Pháp, Nhật, ta chỉ cần một điều: “Toàn dân đoàn kết... việc cứu quốc là việc chung; ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm”. Cuối thư, Người kêu gọi toàn dân: “Hỡi các chiến sĩ cách mệnh! Cờ giải phóng đã đến.

Hãy phất cao cờ độc lập lãnh đạo toàn dân đánh tan kẻ thù chung!”.

Hội nghị Trung ương 8 có ý nghĩa rất quan trọng, đã quyết định về các nhiệm vụ trọng đại trong chuẩn bị về kế hoạch khởi nghĩa vũ trang của Đảng.

Về phương thức tiến hành, tư tưởng khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa đã thể hiện rõ trong Nghị quyết Trung ương 8, để giành thắng lợi từng vùng, từng miền, tiến ra cả nước.

Dưới ngọn cờ Việt Minh, công cuộc chuẩn bị mọi mặt để tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền được gấp rút theo thời gian đã chín mùi.

Lúc này, ở Cao Bằng, Mặt trận Việt Minh đã có hệ thống từ cấp xã đến cấp tỉnh, trở thành một lực lượng đoàn kết mọi dân tộc, đảng phái, giai cấp, cùng vì mục đích cao cả là đánh đuổi kẻ thù xâm lược.

Với chỉ đạo quyết liệt đó, cuối năm 1942, khắp 9 châu ở Cao Bằng đã thành lập hội cứu quốc. Ủy ban Việt Minh Cao Bằng và Ủy ban Việt Minh lâm thời Cao- Bắc- Lạng được thành lập.

Từ đó, đến cách mạng Tháng 8/1945, tư tưởng Đại đoàn kết càng phát triển vững chắc hơn. Chiều 16/8/1945, Đại hội đại biểu quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập đã khai mạc tại đình Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Đại hội quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam được thành lập là một tiến bộ rất lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc ta từ ngót một thế kỷ nay.

Kỷ niệm 112 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và sau 30 năm Người trở về tại cội nguồn Pác Bó, Đảng ta đã xây dựng Mặt trận Việt Minh, đề ra nhiều chiến thuật, chiến lược đúng đắn, tiếp tục đấu tranh giành độc lập, tự do.

Từ Pác Bó, Người cùng toàn Đảng ta vạch ra con đường đúng đắn nhất của dân tộc, để đi tới độc lập, tự do, ấm no.

“Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.

Hồ Chí Minh là biểu tượng cao cả nhất của Chủ nghĩa anh hùng dân tộc, nơi mà từ con đường 30 năm liên tiếp đã đưa Người đến với 4 biển 5 châu, để tìm ra con đường chân lý đúng đắn nhất đưa cả dân tộc ta đi tới như ngày hôm nay.

Thạc sĩ PHẠM BÁ NHIỄU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh