Đọc các câu chuyện viết về Bác Hồ sẽ thấy ở Bác có một sự gần gũi, vị tha và một tình thương bao la của Người đối với đồng bào mình. Từ cụ già đến trẻ thơ, mọi tầng lớp người lao động, trí thức, các chiến sĩ bộ đội, công an… và các nhà báo cũng không là ngoại lệ.
Bác Hồ gặp gỡ và nói chuyện với các nhà báo vào tháng 9/1960. Ảnh: Tư liệu |
(VLO) Đọc các câu chuyện viết về Bác Hồ sẽ thấy ở Bác có một sự gần gũi, vị tha và một tình thương bao la của Người đối với đồng bào mình. Từ cụ già đến trẻ thơ, mọi tầng lớp người lao động, trí thức, các chiến sĩ bộ đội, công an… và các nhà báo cũng không là ngoại lệ.
Bởi Bác cũng là một nhà báo lớn, là người khai sinh ra nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. Nhân ngày Báo chí Cách mạng xin sưu tầm một số lời dạy và chuyện kể về Người với các nhà báo…
Bác Hồ nói với nhà báo…
Nhiệm vụ của Báo chí Cách mạng Việt Nam khi mới ra đời được cắt nghĩa đơn giản mà lớn lao là tuyên truyền để ngày càng đông quần chúng biết mục đích của cuộc cách mạng do Đảng ta lãnh đạo.
Bác Hồ chỉ ra phương pháp tuyên truyền có hiệu quả: “Người tuyên truyền bao giờ cũng tự hỏi: viết cho ai xem, nói cho ai nghe. Nếu không vậy, thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn người ta xem”(1).
Bằng kinh nghiệm thực tiễn làm báo nhiều năm, từ viết các bài báo đến những công việc rất cụ thể ở tòa soạn để ra một tờ báo, các lời dạy của Bác cho người làm báo đã được ngành báo chí soạn thành nhiều sách giáo khoa không thể nêu hết trong một bài báo.
Trong các dịp gặp gỡ nói chuyện hay đến thăm các lớp tập huấn công tác báo chí, Bác Hồ luôn nhắc nhở nhà báo khi tác nghiệp: Viết cho ai, để làm gì? Lời ngắn ý dài. Yêu cầu hàng đầu của báo chí, của một bài viết là trung thực, khách quan. Viết để cổ vũ cái mới, cái tiến bộ, nhưng cũng phải có chừng mực, có thế nào viết thế ấy.
Không thể chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu, song phê bình phải nghiêm chỉnh, chắc chắn “Nói có sách mách có chứng”.
Bài viết phải thiết thực, có căn cứ; chưa điều tra, chưa biết rõ chớ viết. Người viết phải có trách nhiệm với bài viết của mình, không vội vàng nghe thông tin một phía dẫn đến áp đặt, suy đoán chủ quan.
Muốn có một bài viết hay không chỉ cần có kiến thức chính trị, chuyên môn và kỹ năng tác nghiệp mà nhà báo còn cần phải lăn lộn “nơi đầu sóng ngọn gió” của các phong trào cách mạng. Khi đó bài viết mới có hơi thở của cuộc sống đang diễn ra và thu hút người đọc, người nghe.
Chỉ riêng trong hoạt động báo chí, Bác Hồ từng viết trên 2.000 bài báo thuộc nhiều thể loại cho hơn 50 tờ báo trong và ngoài nước.
Nói về các bài viết của Người, Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: “Suốt đời, Hồ Chí Minh là người cầm bút chiến đấu trên mặt trận văn hóa, báo chí với văn phong đa dạng, nhiều sắc thái mà điểm nổi bật là tính quần chúng, cách suy nghĩ và diễn đạt dân gian dễ hiểu, đi sâu vào trong lòng người, gợi mở những tư tưởng lớn lao, thúc đẩy những việc làm tốt đẹp, bằng những lời lẽ giàu hình tượng, nói lên những điều lớn bằng những chữ nhỏ” (2).
Bác Hồ luôn tạo điều kiện cho nhà báo tác nghiệp
Những câu chuyện theo chủ đề này rất nhiều vì Bác Hồ luôn quan tâm đến mọi người chớ không riêng gì với các nhà báo. Xin ghi lại câu chuyện của một nhà báo thuộc Báo Thủ Đô: Một lần Bác Hồ về thăm bà con nông dân đang vào vụ gặt lúa ở ngoại thành Hà Nội.
Gặp các nữ sinh của Trường Trung học Trưng Vương đang lao động giúp dân, Bác động viên các nữ sinh và chỉ tay vào một phóng viên của báo Thủ Đô đang đứng gần nói: “Các cô tiểu thư Hà Nội lao động có thành tích thì nhà báo này viết tin đăng lên báo của thành phố, Bác đọc sẽ khen thưởng các tiểu thư”.
Liền đó bác quay sang nhà báo đó nhắc nhở: “Chú viết đầy đủ, không được để sót. Bác bảo chú viết đầy đủ, chứ không phải viết dài. Bài viết dài thì ai đọc cũng ngán!” (3).
Nhà báo Hoàng Văn Bổn nguyên là phóng viên của một đoàn quay phim quân đội kể về một lần Bác Hồ giúp các nhà báo tác nghiệp khi gặp khó khăn: Hôm ấy, sân vận động Hàng Đẫy có tổ chức một trận bóng đá quốc tế, ông được phân công theo đoàn quay phim đến đó đưa tin.
Dù có vé nhưng ông không thể vào cổng vì người đến xem trận đấu quá đông không còn chỗ chen chân.
Phải nhờ bám theo một anh trung úy lớn tuổi người Nam Bộ tên Hưng đang công tác ở Báo Quân Đội Nhân Dân có giọng ồm ồm của “anh Hai Nam Bộ” mở đường với lý do vào sân làm công tác đưa tin, đám đông mới nhường đường.
Vào được trong sân mình mẩy hai người đã mướt mồ hôi, nhưng họ gặp được đoàn quay phim cũng đang tìm cách đến gần khán đài.
Trên khán đài lúc ấy cả nhóm thấy rõ Thủ tướng Phạm Văn Đồng đang ngồi cạnh một ông già đội mũ cối, mặt đang bị một chiếc khăn quấn cổ che khuất một phần khiến họ càng quyết tâm.
Máy quay phim có ống kính têlê có thể lấy ảnh từ xa, nhưng cái máy ảnh cổ lỗ của anh trung úy nhà báo già thì khó nên anh này quyết đến càng gần khán đài càng tốt.
Cũng bài bản cũ, anh Hưng mở mũi nhưng khi đến gần khán đài thì cả nhóm bị mấy người mặc thường phục, có lẽ là cảnh vệ, nắm áo kéo họ lại.
Anh Hưng đi đầu gạt phắt tay họ gắt lớn: “Giỡn hoài cha nội, người ta đang làm nhiệm vụ quan trọng!”. Nhưng liền đó có một người dùng cả hai tay nắm áo anh ta lôi tuột ra sau, anh trung úy già quay phắt lại cự nự: “Bảo vệ hả, với Hưng già này mà cũng chơi hả?”.
Nhiều người chung quanh cười khoái trá với lời nói và hành động lạ của anh chàng trung úy già. Mặc ai cười, mặt đỏ lựng và ướt đẫm mồ hôi anh ta vẫn cố chen tới...
Lại có ai đó nắm áo anh ta kéo lại, đang tức tối anh vung tay ra phía sau quát lớn: “Bỏ ra cha nội, làm khổ Hưng già này hoài, làm tiêu nhiệm vụ số một của người ta mà còn giật giật”.
Và anh trung úy già theo linh tính nào đó quay phắt người lại, nhìn ra người kéo áo mình, rất bất ngờ anh ta la lên: “Bác, Bác Hồ muôn năm!”. Mọi người chung quanh cũng vừa nhận ra Bác cũng như anh cùng reo to theo.
Cả đội quay phim chớp thời cơ nhanh chóng thu ảnh Bác tươi cười ung dung ngồi giữa các cụ già và trẻ em quanh đấy.
Riêng anh trung úy già đang nhảy cững lên vì mừng rỡ cũng chợt nhớ ra đưa máy ảnh lên bấm lia lịa mấy bức ảnh, Bác tươi cười hỏi anh ta: “Hoàn thành nhiệm vụ số một của tòa soạn chưa chú Hưng?”.
Anh trung úy già xúc động quá tỏ ra lúng túng nhưng rồi cũng thành thật nói: “Dạ thưa Bác, chụp chưa đã lắm. Bác cho cháu chụp một kiểu đặc biệt gởi về Nam”.
Bác Hồ không cười nữa, sửa lại cổ áo ka ki, kéo cái khăn che mặt ra để cho bộ râu bạc bay theo gió rồi kéo nhẹ một cháu nhỏ ngồi gần đấy vào lòng làm cảnh giúp anh trung úy già hoàn thành “nhiệm vụ số một” của anh ta…
Tất nhiên tổ quay phim cũng kịp chớp ngay cái cảnh bất ngờ và quý giá ấy. Riêng anh trung úy già ngậm điếu thuốc lá thơm từ tay Bác vừa trao cho vui mừng như trẻ thơ quay nhìn chung quanh rồi chợt tỉnh quay lại thì Bác đã biến mất vào đám đông từ lúc nào, anh ta la lên: “Trời đất, tui quên cám ơn Bác rồi! Tui quên…” (4).
(1) Hồ Chí Minh toàn tập 2016
(2) Hồ Chí Minh toàn tập 2004
(3) Theo bản thông tin điện tử Phường 6, Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh
(4) Theo quyển “Bác Hồ với Đồng Nai- Đồng Nai với Bác Hồ” do Tỉnh ủy Đồng Nai xuất bản năm 2002.
HỒNG VÂN (TP Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin