Khắc họa đậm nét bức tranh nông thôn mới

Cập nhật, 09:49, Chủ Nhật, 28/05/2023 (GMT+7)

 

Bài múa ‘Sắc trà” của đội văn nghệ quần chúng xã Đông Thạnh xuất sắc giành giải A tiết mục.
Bài múa ‘Sắc trà” của đội văn nghệ quần chúng xã Đông Thạnh xuất sắc giành giải A tiết mục.

Hội diễn văn nghệ quần chúng các xã NTM- phường, thị trấn văn minh đô thị vừa được tổ chức là hội diễn có số đội tham gia nhiều nhất, diễn ra trong thời gian dài nhất trong tất cả các cuộc hội diễn cấp tỉnh ở Vĩnh Long từ trước đến nay.

Với sự đầu tư chỉn chu và công phu, các đội văn nghệ quần chúng đã khắc họa sắc màu rực rỡ, giới thiệu sự phát triển và nét đẹp riêng mỗi vùng quê trong tỉnh, lan tỏa hơn nữa giá trị văn hóa trên hành trình xây dựng NTM, đô thị văn minh.

Bức tranh quê hương rực sắc

Trong 5 đêm diễn, 16 đội văn nghệ quần chúng đến từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để lại dấu ấn sâu sắc ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, thành tựu trong công cuộc xây dựng NTM.

Bức tranh được vẽ nên bằng âm nhạc, bằng điệu múa và những tiểu phẩm đặc sắc được dàn dựng công phu với sự tham gia của hàng trăm diễn viên, nhạc công, cán bộ chuyên môn. Không gian trên sân khấu lúc rạng rỡ, khi chùn lại để người xem cùng hòa nhịp, chứng kiến nét đẹp làng xóm đang từng ngày đổi thay, phê phán những thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội, nêu gương người tốt việc tốt trong quá trình xây dựng NTM.

Các diễn viên không chuyên ở xã Đông Thạnh (TX Bình Minh) tạo ấn tượng khi mang trái thanh trà lên sân khấu, khéo léo khoe “Sắc trà” quê mình. TT Tân Quới (Bình Tân) xuất hiện rực rỡ trong “Sắc màu quê hương”, “Trên nông trường rộn tiếng ca”.

Em Trần Nguyễn Quế Anh (Trà Ôn) chỉ mới học lớp 10 nhưng mang đến không gian đầy cảm động và thổn thức nhớ về Bác trong từng câu hát truyền cảm: “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”. Những tiểu phẩm được dàn dựng chu đáo, ý tưởng tốt như “Hàng xóm” của đơn vị Phường 9 (TP Vĩnh Long), “Quê phố- Phố quê” của TX Bình Minh… khiến người xem có thể cùng khóc, cùng cười với những thông điệp ý nghĩa về tình đồng nghiệp, nghĩa xóm giềng.

Không chỉ là nét đẹp từ cảnh sắc thiên nhiên, từ tinh thần lao động, ý chí vươn lên làm giàu cho gia đình, làm đẹp xã hội mà hội diễn là nơi gián tiếp để tất cả người dân thể hiện quan điểm, tình cảm, bày tỏ thái độ trước những hạn chế, thiếu sót, từ đó đúc rút bài học kinh nghiệm trong cuộc sống.

Ông Lê Thanh Hiền- Phó Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL đánh giá, hội diễn lần này đã có bước phát triển đáng ghi nhận so với lần trước cả về số lượng và chất lượng. Nhiều ca khúc hay, ca khúc tự biên ca ngợi quê hương Vĩnh Long được chú trọng từ khâu biên kịch, dàn dựng đến biểu diễn, trau chuốt về ngôn từ, âm nhạc trong tác phẩm, sâu sắc về thông điệp nên đã để lại nhiều ấn tượng cho người xem.

Nổi bật nhất trong hội diễn là nội dung múa. Các tiết mục múa phản ánh những thành tựu, phát triển vươn lên của từng địa phương, giới thiệu những di sản văn hóa phi vật thể và sản phẩm đặc thù trong sản xuất, lao động của từng địa phương như: tàu hủ ky, vườn cây ăn trái, ruộng lúa, cánh đồng khoai lang, gốm đỏ, nghệ thuật đờn ca tài tử, các điểm du lịch sinh thái và homestay…

Có nhiều giọng hát hay, vai diễn tốt vừa hát tân nhạc và cổ nhạc, đặc biệt có những giọng hát của các cháu thiếu nhi trong sáng và thanh thoát, đây là những tài năng triển vọng của hội diễn những lần tiếp theo.

Chung tay giữ gìn, xây quê hương giàu đẹp

Hội diễn là dịp để các xã đang xây dựng NTM, các xã đã hoàn thành và tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí của xã NTM trên địa bàn tỉnh gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở.

Chính chủ thể của các xã xây dựng NTM, bằng tinh thần trách nhiệm, bằng niềm đam mê văn hóa- văn nghệ đã mang đến cho người xem những ấn tượng đẹp từ lời ca, tiếng hát.

Bạn Nguyễn Khánh Linh (xã Bình Ninh, huyện Tam Bình) háo hức vì lần đầu tham gia hội diễn. Dành nhiều công sức tập luyện cho tiết mục “Xuân về trên quê mới”, Linh chia sẻ: “Diện mạo quê hương gắn liền với đàn trâu, đồng cỏ, nay vươn mình đổi thay với nhà cao tầng, các em học sinh vui đùa trên sân trường. Để có quê hương tươi đẹp, ngay ngày hôm nay và mai sau, chúng ta phải cùng chăm sóc giữ gìn, chung tay xây dựng NTM”.

Mang đến sân khấu đầy màu sắc, những nghệ sĩ không chuyên thể hiện niềm tự hào của người dân với quê hương xứ sở và bồi đắp thêm niềm tin trong công cuộc xây dựng NTM. Là thành viên trong đội giành giải nhất của hội diễn, bạn Đỗ Huỳnh Nhật Uyên (xã Đông Thạnh, TX Bình Minh) thì bộc bạch:

“Đến với hội diễn năm nay, em thấy các tiết mục rất đặc sắc, mỗi đội đều mang một màu sắc riêng. Em đã học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm và giao lưu với các anh chị ở các xã khác nữa. Tự hào khi là một người trẻ sinh ra trên quê hương đang đổi mới từng ngày, chúng em phải có ý thức học tập, bảo vệ môi trường,… để cùng góp sức duy trì những tiêu chí NTM và phát triển hơn nữa quê hương mình”.

Theo ông Lê Thanh Hiền, hội diễn nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, tạo nếp sinh hoạt văn hóa lành mạnh của các CLB, đội, nhóm văn nghệ quần chúng, gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, tăng cường sự quan tâm của các cấp, các ngành góp phần xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng tại địa phương ngày càng phát triển.

Nghệ thuật như món ăn tinh thần vô giá, văn nghệ quần chúng tạo sự gắn kết giữa các nghệ nhân, nghệ sĩ không chuyên, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc vận động xây dựng NTM, văn minh đô thị. Đồng thời, góp phần thúc đẩy và phát triển phong trào văn hóa văn nghệ của tỉnh nhà, tạo chuyển biến tích cực xây dựng con người Việt Nam có tư tưởng, đạo đức, nếp sống văn hóa; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

Các tin khác: