Bác Hồ- tình thương bao la với thiếu niên, nhi đồng

Cập nhật, 10:47, Chủ Nhật, 28/05/2023 (GMT+7)

 

Bác Hồ vui cùng thiếu nhi thủ đô và thiếu nhi các dân tộc tại Hà Nội.  Ảnh Bảo tàng Hồ Chí Minh
Bác Hồ vui cùng thiếu nhi thủ đô và thiếu nhi các dân tộc tại Hà Nội. Ảnh Bảo tàng Hồ Chí Minh

Sinh thời, Bác Hồ khi đến thăm bất cứ địa phương nào, cũng yêu cầu cho Người được thăm các nơi đã dạy bảo, chăm sóc các cháu thiếu niên và nhi đồng. Đối với Người, nơi căn nhà sàn làm việc giản dị trong khuôn viên Phủ Chủ tịch, mỗi ngày nhớ đến các cháu, Người cũng luôn vui mừng để được đón các cháu đến thăm, cùng ăn kẹo của Người, cùng hát vang những khúc hát thân yêu, mà các cháu kính dâng lên Người.

Với những tâm hồn tuổi nhỏ...

Và khi đi làm việc ở cơ sở, Bác thường chú ý dặn địa phương để Bác thăm các cơ sở chọn trường học, cơ sở nuôi dạy trẻ có nhiều trẻ em đến thăm. Một ngày đầu năm 1961, Bác đến thăm Trường Thiếu nhi miền Nam tại ngoại thành Hà Nội. Nghe tin Bác đến thăm, các thầy, cô chú phụ trách nhà trường rất vui mừng, cho chuẩn bị, trang hoàng hội trường đẹp đẽ hơn để đón Bác.

Khi xe Bác vừa đến, tất cả thầy, cô và hàng trăm học trò đều ùa ra đón Bác và đưa Bác đến hội trường đã được chuẩn bị cờ, hoa lộng lẫy như ngày hội. Tuy vui là gặp các cháu, nhưng Bác đề nghị cho dẫn Bác đến nhà bếp các thầy cô, các cháu ăn hàng ngày và phòng ngủ các cháu xem các cháu có được ăn no, ngủ ấm và chăm sóc chu đáo không? Sau khi xem các chỗ mà Bác yêu cầu, Bác lấy ra một gói kẹo lớn chia đều cho từng cháu. Đang nhìn các cháu ăn kẹo, Bác chợt nhận ra có một cháu đang đứng ở góc phòng, nét mặt hơi buồn. Bác gọi cháu lại hỏi: - Cháu tên là gì? Vì sao lại đứng ở đây?

- Cháu tên là Tộ. Vì cháu phạm lỗi, tay bẩn không rửa nên các cô chú phạt, không cho cháu nhận kẹo của Bác đưa cho ạ.

Nghe tới đó, Bác cười bảo bạn Tộ đi rửa tay sạch sẽ rồi chia kẹo cho Tộ, sau đó Bác dạy cháu: Từ nay, cháu phải luôn giữ gìn đôi tay cho sạch nhé. Bàn tay con người rất đáng quý.

Bạn Tộ rất cảm động trước sự ân cần chăm sóc của Bác. Từ đấy, bạn luôn giữ đôi tay sạch sẽ và rửa tay sạch trước khi ăn, coi những điều Bác dạy bảo là linh thiêng, không lúc nào quên.

Một câu chuyện khác, là chuyện về bể cá vàng dành cho các cháu. Đó là ngôi nhà sàn của Bác ở Phủ Chủ tịch rất đơn sơ nhưng khi thiết kế, Bác đã đề nghị các đồng chí xây cho Bác một hàng ghế xi măng bao quanh để các cháu thiếu nhi đến thăm Bác có chỗ ngồi, cùng chăm nuôi cá tại bể cá vàng với Bác.

Có lần, khi Bác tiếp các cháu, thấy các cháu có chỗ ngồi nhưng lại không có gì để chơi, Bác lại đề nghị kiếm một bể cá, nuôi cá vàng cho các cháu đến thăm Bác có cá để xem. Làm xong, khi các cháu đến, Bác để ý thấy các cháu xúm xít xem cá vàng trong bể, Bác rất vui.

Hàng ngày, sau giờ làm việc, Bác thường cho cá vàng ăn. Bác để dành những mẩu bánh mì ăn sáng để làm thức ăn cho cá. Được Bác chăm sóc, mấy con cá vàng ngày một lớn và phát triển nhanh thành một đàn cá. Hà Nội khi mùa đông trời lạnh, Bác nhờ mấy chú bảo vệ làm cho một chiếc nắp đậy bể để bảo đảm độ ấm cho cá.

Mỗi lần đến thăm căn nhà sàn giản dị của Bác, các cháu thiếu nhi là khách mời thường đến thăm vui với Bác, thường rất thích thú được ngắm bể cá, nhất là các cháu thiếu nhi và bao giờ Bác cũng giành những mẩu bánh mì ăn dư ra, để cho các cháu cùng Bác giành cho cá ăn. Câu chuyện này, sau này nhiều cháu ở Hà Nội, lớn lên cứ nhớ mãi, thường mỗi cuối tháng các cháu được vào chơi vui vẻ cùng với đàn cá của Người, chỉ dành cho các cháu thiếu nhi chơi vui.

Một chuyện vui khác cùng với Bác, là trong năm 1961, tại Phủ Chủ tịch có một sự kiện đáng nhớ của các cháu thiếu nhi thủ đô. Bác Hồ cho mời 2.000 cháu lần lượt đến vui chơi với Bác trong Phủ Chủ tịch. Những lúc này, Bác dành phòng khách sang trọng nhất trong Phủ Chủ tịch để làm nơi cho các cháu triển lãm tranh ảnh của mình. Bác cho trang trí vườn hoa và mắc âm thanh tốt nhất để cho các cháu ca hát, liên hoan văn nghệ. Các cháu đến Phủ Chủ tịch rất thích, được ca hát nhảy múa cùng chúng bạn, rồi nằm lăn ra bãi cỏ xanh mát rượi trước sân nhà Phủ Chủ tịch. Điều mà Bác luôn yêu cầu các cháu học sinh thủ đô, là các cháu hãy tự vẽ bức tranh của chính mình hay tự ca hát những bài các cháu thích chú- Hãy tự để cho các cháu tự làm! Đó là những mong muốn của Người khi gặp, tiếp xúc các cháu học sinh thủ đô đến thăm.

Bác Hồ- tình thương bao la...

Bác Hồ vẫn luôn rất thương mến trẻ con. Có lần tại nhà sàn Phủ Chủ tịch, khi đang ngủ đến gần sáng, thấy trời lạnh quá Bác thức dậy. Gió hun hút đập vào cửa kính. Chợt Bác nghe thấy có tiếng trẻ em rao bán hàng rong dưới lòng đường, Bác mở cửa ra ngó nhìn xuống nhìn em bé, nhìn mãi tiếng rao giữa đêm khuya trời giá lạnh, rồi cho đến khi em bé đi khuất mới từ từ khép cửa lại, lòng se se lạnh nỗi thương các em thơ đã mưu sinh cuộc sống từ quá nhỏ.

Một lần khác, vào cuối năm 1946, Bác Hồ sang Pháp đàm phán với Chính phủ Pháp với những vấn đề lớn liên quan đến vận mệnh cao cả của đất nước. Trong một lần, thị trưởng TP Paris mở tiệc long trọng thiết đãi Bác Hồ. Khi ra về, Người lấy trên bàn một quả táo bỏ vào túi, mọi người trong đoàn thì ngạc nhiên, tò mò trước cử chỉ ấy của Bác.

Lúc đoàn ra đến cửa, Bác nhìn thấy rất đông bà con Việt kiều và người dân Pháp đến mừng đón Bác. Khi Người trông thấy một bà mẹ bế trên tay một cháu bé, Bác tiến lại gần, giơ tay bế cháu bé. Lúc ấy, Bác rút trong túi ra quả táo đưa cho cháu bé. Mẹ cháu và những người cùng đi rất cảm động trước tấm lòng yêu thương con trẻ của Bác Hồ.

Bác Hồ, trong cả cuộc đời của mình, dẫu Người đã hy sinh cả cuộc đời, không lập gia đình, không có con, cháu ruột, song Người rất quan tâm và luôn giành những tình thương nhất với trẻ em, nhi đồng. Chính Người răn dạy các cháu trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám 1945: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không? Chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu”. Vì thế, từ ngày khai trường đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám về sau, Bác đều có thư khen ngợi hàng năm các tấm gương thiếu nhi ở khắp 2 miền Nam- Bắc.

Suốt cả cuộc đời Bác Hồ “tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Bác đã dạy mỗi cháu hãy nhớ: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Vì thế, trong một bức thư mùa Trung thu gửi các cháu, Bác đã viết đầy tình thương bao la:

“Ai yêu các nhi đồng

Bằng Bác Hồ Chí Minh

Tính các cháu ngoan ngoãn

Mặt các cháu xinh xinh

Mong các cháu cố gắng

Thi đua học và hành

Tuổi nhỏ làm việc nhỏ

Tùy theo sức của mình

Để tham gia kháng chiến;

Để gìn giữ hòa bình

Các cháu hãy xứng đáng

Cháu Bác Hồ Chí Minh!”

Vì thế, trong đêm Trung thu sau ngày nước nhà giành độc lập, năm 1946, mặc dù bận rộn với biết bao công việc quan trọng của nước nhà, nhưng Bác Hồ vẫn không quên làm thơ gửi cho các cháu thiếu niên:

“Bác mong các cháu chăm ngoan

Mai sau gìn giữ giang sơn Lạc Hồng

Sao cho nổi tiếng Tiên Rồng

Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam”.

Thạc sĩ PHẠM BÁ NHIỄU

 

 

Các tin khác: