Cả nước đã hưởng ứng ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4. Và hôm nay (23/4) là ngày được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO), chọn là ngày Sách và bản quyền thế giới. Những quyết định quan trọng nhằm khẳng định, tôn vinh vị trí, vai trò của sách và văn hóa đọc trong đời sống xã hội.
Tuổi trẻ cần xây dựng và nuôi dưỡng thói quen đọc sách. |
(VLO) Cả nước đã hưởng ứng ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4. Và hôm nay (23/4) là ngày được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO), chọn là ngày Sách và bản quyền thế giới. Những quyết định quan trọng nhằm khẳng định, tôn vinh vị trí, vai trò của sách và văn hóa đọc trong đời sống xã hội.
Sách và văn hóa đọc có tính riêng biệt của cá nhân, cộng đồng và văn hóa quốc gia. Nhưng vai trò của sách đối với nhân loại phần lớn đều có chung mục đích thúc đẩy sự phát triển của trí tuệ, tâm hồn và nhân cách con người.
“Sách cho tôi, cho bạn”
Cùng với cả nước, tối 20/4 Vĩnh Long đã tổ chức ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam 2023 với chủ đề “Sách cho tôi, cho bạn”, như một sự “rủ rê”, đồng hành cùng nhau xây dựng văn hóa đọc ở môi trường sống, làm việc của mỗi người.
Điều này sẽ khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng; tạo dựng môi trường thuận lợi, hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức.
Đồng thời, tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in ấn, phát hành, lưu giữ sách; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.
Dân tộc Việt từ xa xưa đã có truyền thống hiếu học, rất nhiều câu chuyện đẹp về những tấm gương ham học hỏi, ham đọc sách một đời, mà điển hình trong lịch sử nước ta có “lưỡng quốc Trạng Nguyên” Mạc Đĩnh Chi, thuở nhỏ nghèo khó đọc sách bằng đèn đom đóm.
Cùng với đó, là sự tôn trọng, tôn nghiêm đối với sách, khi người xưa có câu: “Thư trung hữu ngọc”, ý rằng trong sách có ngọc quý, là những điều hay, lẽ phải, những lời dạy của bậc thánh hiền…
Thái độ trọng thị sách tới mức phải giữ thân thể sạch sẽ, đốt trầm hương trước khi ngồi vào bàn đọc sách, viết sách. Vậy nên cụ Nguyễn Du có câu: “Cảo thơm lần giở trước đèn. Phong tình cổ lục, còn truyền sử xanh”. Ví sách là cảo thơm, pho sách quý, sách thơm (phương thư).
Qua mỗi thời đại, mỗi giai đoạn sự phát triển của in ấn, phát hành, nhu cầu thụ hưởng của con người có những đổi thay, nhưng thái độ với sách và niềm đam mê đọc sách không hề suy giảm, dù có bị phân tán. Có điều, văn hóa đọc thể hiện với nhiều hình thức rộng rãi hơn.
Đưa sách đến với đồng bào Khmer, vùng sâu, vùng xa. |
Vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước, giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng cũng là thời kỳ đổi mới bắt đầu có những tác phẩm “thoát án cấm” cùng với những bộ sách đồ sộ của Nga- Xô Viết lần lượt ra sạp, đó là thời kỳ sinh viên đói tới mức đa phần ăn cơm gạo mốc.
Nhưng đa phần ai cũng có niềm vui… “ngấu nghiến” mỗi khi có quyển sách trên tay. Không có tiền mua sách thì đọc ké, thời kỳ những tác phẩm vĩ đại như: Bác sĩ Zhivago của nhà văn Boris Pasternak, Trăm năm cô đơn của Garcia Marquez, Sông Đông êm đềm của Sholokhov, Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoy, Tấn trò đời của Honore De Balzac…
Sau mỗi lần đọc sách là những cuộc tranh luận, tranh cãi về sách, đó là món ăn tinh thần có thể xem là… sang chảnh và thậm chí còn quý hơn cả bữa cơm hàng ngày.
Nếu so sánh học bổng hạng A mỗi tháng có 25 đồng, sinh viên thời đó vẫn dám mua những bộ sách 30 đồng, 40 đồng là bình thường. Sau 4 năm đại học một người bạn đã có tủ sách trên 2.000 cuốn. Những con số đơn giản nhưng chứng minh cho tình yêu, lòng đam mê đọc sách lớn tới nhường nào.
Đọc sách là chuyện cả đời, nhưng giai đoạn tuổi trẻ chính là lúc rất cần tích lũy nhiều kiến thức nền ở nhiều lĩnh vực, do đó, tuổi trẻ cần giữ ngọn lửa đam mê với sách. Ngày nay, không thể thấy nhiều người ít mua sách, ít cầm quyển sách lên hàng ngày thì có thể cho rằng xã hội đang đọc ít lại.
Bởi việc đọc ngày nay đã được tích hợp trên rất nhiều phương tiện, sách cũng được phát hành dưới nhiều dạng thức ngoài sách in trên giấy truyền thống. Vấn đề là văn hóa đọc và nội dung đọc có sự phân hóa và biến đổi dữ dội.
Sách cần cho mọi đối tượng
Nhiều người sẽ ngạc nhiên khi Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long, lại là nơi tổ chức ngày Sách và văn hóa đọc sớm nhất (ngày 17/4), buổi giao lưu đã mang lại nhiều điều bổ ích, thú vị.
Không ngờ, ngày sách đã được các học viên tại cơ sở nhiệt tình hưởng ứng, với gian trưng bày sách thật hoành tráng hàng ngàn đầu sách các loại, được Thư viện tỉnh tổ chức công phu kết hợp với buổi giới thiệu sách sinh động, hấp dẫn.
Một sáng kiến độc đáo mang lại nhiều hiệu quả thiết thực và nâng cao vai trò của sách với đối tượng học viên tại đây.
Thực ra đọc sách đã được đưa vào chương trình học tập của cơ sở, xem như liệu pháp tinh thần góp phần thay đổi hành vi trong quá trình trị liệu đối với học viên cai nghiện.
Ngoài thư viện cho học viên tiếp cận các đầu sách hàng ngày, cơ sở bố trí giờ đọc sách, tìm hiểu thông tin, tin tức trên máy tính cũng được bố trí chung trong phòng đọc sách.
Sách cần và bổ ích với mọi đối tượng- ngày Sách và văn hóa đọc tại Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh. |
Do đó, thường xuyên bổ sung, phong phú hóa loại sách, nâng cao số lượng đầu sách, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh, ký kết hợp tác với Thư viện tỉnh tổ chức thường xuyên các buổi trưng bày sách, luân chuyển sách theo dịp lễ và định kỳ trong năm.
Theo ông Trần Ngọc Chi- Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh: “Hưởng ứng ngày Sách và văn hóa đọc năm 2023, ngoài việc tổ chức buổi giao lưu, nói chuyện chuyên đề “Sách: nhận thức- đổi mới- sáng tạo” và “Sách cho tôi, cho bạn”, từ đầu tháng 4 năm nay, cơ sở đã phát động phong trào ủng hộ sách và qua gần 1 tháng phát động đã được các nhà tài trợ ủng hộ hơn 3.000 đầu sách các loại.
Số lượng sách mới này nhằm chuẩn bị cho cơ sở II sắp đưa vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu đọc sách cho khoảng 500 học viên tại cơ sở trong tương lai.
Theo đó, ngoài không gian đọc sách chung tại thư viện, sẽ bố trí những kệ sách ngay tại phòng học viên, nhằm tăng cường phong trào đọc sách, góp phần nâng cao hiệu quả trong quá trình trị liệu, thay đổi hành vi cho học viên sớm tái hòa nhập với gia đình, cộng đồng xã hội”.
Trước hội trường của cơ sở có treo câu nói như một châm ngôn sống: “Một quyển sách hay cho ta một điều tốt. Một người tốt cho ta một điều hay”.
Cũng là câu nói tâm đắc thường được ông Trần Ngọc Chi nhắc đến. Câu chuyện cho mọi người nhìn thấy sách và văn hóa đọc ở góc độ khác, rằng sách cần cho tất cả, có khi sách như một phương thuốc chữa lành những vết thương của tâm hồn, những trang sách có thể “vá lại” những “trang đời” đã… rách nát.
Vậy nên, đừng bao giờ ngừng thói quen đọc sách dù bạn là ai, dù bạn làm gì và đang ở những khúc quanh nào của cuộc đời. Đến với sách như một cuộc khám phá không ngừng nghỉ về thế giới quanh ta và khám phá chính bản thân mình. Và đọc sách như một công việc tự học và học tập suốt đời.
Tôi nhớ những câu thơ vô cùng xúc động của Tố Hữu về những phút giây cuối đời thật đẹp của Lênin- Người đã ra đi trong lúc nghe người vợ đọc quyển sách “Tình yêu cuộc sống”:
“Và chiều nay trước phút vội đi xa
Người còn nghe thánh thót Krup-Skai-a
Đọc trang sách “Tình yêu cuộc sống””
(Tố Hữu- “Với Lênin”)
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin