Rặng bần xưa

08:04, 21/04/2023

Tiếng hát karaoke của cô Tám Mua, trong buổi tiệc thết đãi cánh thợ hồ vừa xây rồi cái bờ kè dưới bến sông, ở nhà thằng Út Móm, đâu có trong trẻo ngọt ngào hay não nề ai oán, để đủ sức làm người nghe lay động?

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

“Chiều chiều xuống bến ba lần

Bóng em không thấy thấy bần xơ rơ...”

Tiếng hát karaoke của cô Tám Mua, trong buổi tiệc thết đãi cánh thợ hồ vừa xây rồi cái bờ kè dưới bến sông, ở nhà thằng Út Móm, đâu có trong trẻo ngọt ngào hay não nề ai oán, để đủ sức làm người nghe lay động?

Vậy mà chú Hai Đơn, cậu của thằng Út Móm cứ ngồi chéo khoanh một chân, chăm chú lắng nghe như hớp từng ca từ trong bài hát; rồi mắt ngó lơ ra bến sông, nơi không còn rặng bần e ấp dịu dàng nữa, chỉ có cái bờ kè chở chút nắng chiều vàng rưng rưng làm lòng se sắt.

- Thôi rồi! Tám Mua là hiện thân của cái nốt trầm xao xuyến, khiến Hai Đơn thấy mềm nhũn cả lòng- Chị Lệ Hoa đảm nhiệm việc coi cân, tính tiền của vựa thu mua mít, kiêm nghề chỉnh sửa âm thanh của thùng loa “kẹo kéo” từ khi những mặt hàng nông sản, thực phẩm không xuất khẩu được, phang ngang một câu nói nghe nhuốm màu âm nhạc, đầy sắc đẹp thơ văn và chắc nịch như cây đóng vào đất ướt.

Nhưng chưa hết, chị ta còn thề thốt om sòm, làm áp đảo mọi luồng âm thanh hỗn tạp khác. Trời đất! Chắc muốn lấy cạn niềm tin ở mọi người chớ gì?

Bỏ ngoài tai lời ong tiếng ve, cô Tám Mua say sưa hát. Chú Hai Đơn vẫn là cái bản sao ban nãy, vì bài hát mà người phụ nữ ở góa, tuổi ngoài sáu mươi nhưng vóc dáng còn tràn trề sức sống nữ tính đang trình bày này, đã đưa tay cựu chiến binh trông lạnh lùng, cứng rắn tưởng chừng như bẻ không gãy nhưng rất, rất biết điều: Hai Đơn, về với miền nhớ xa xưa.

Hồi đó, Hai Đơn ừ, ờ... Hoàng Đơn mới phải chớ, là cậu học trò có tâm trong, trí sáng và hoài bão lớn. Đã ở vào cái tuổi bẻ gãy sừng trâu, mười bảy. Nhưng Hoàng Đơn và Linh Trang, cô bạn láng giềng xa với anh mới học lớp đệ tứ (lớp 9).

Vì một lẽ, quê hương của họ ở vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh, kinh rạch chằng chịt, sông nước bủa vây- nơi mà những tiếng ồn ào của thị thành không thể nào vang dội tới được, chỉ có tiếng đạn thét, bom gầm và tiếng vạc kêu tắc nghẽn cứ thảng thốt trong đêm trường rực sáng hỏa châu.

Thế nên đôi bạn học cùng lớp này đành ở nhà người thân trọ học, an tâm cần mẫn với sách đèn, mong cánh cửa tương lai ngày càng rộng mở.

Nhưng chiến tranh cứ theo thời gian trôi, nó không ngừng tiếp diễn, ngày càng khốc liệt hơn… Và giờ đây chiến tranh còn thực thi mệnh lệnh của cha đẻ mình, chế độ Việt Nam Cộng hòa đang dọa dẫm, định cắt đứt con đường học vấn của “rường cột nước nhà’’ chăng?

Phong trào quần chúng nhân dân và sinh viên học sinh đấu tranh chống Mỹ- Diệm đã biến thành cao trào. Trước tiên ở Sài Gòn sau đó lan dần xuống các tỉnh.

Trà Ôn một quận nhỏ vùng sâu, tên quân trưởng vẫn lệnh cho ban giám hiệu nhà trường tập hợp toàn thể học sinh trước sân cờ, để hắn đích thân tới phủ dụ, răn đe, dọa nạt.

Rồi như một cú đấm cực mạnh vào mồm tên quận trưởng, ngay hôm sau trong lớp học, ngoài sân trường, lối đi vào cổng... đầy rẫy truyền đơn vạch trần âm mưu cướp nước và bán nước của đế quốc Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm, kêu gọi sinh viên học sinh kiên quyết đấu tranh đến thắng lợi cuối cùng.

Trời ơi! Tên quận trưởng mặt núc mỡ nhẵn bóng, bụng phề phệ, luôn thượng cẳng chân hạ cẳng tay với những ai mà thuộc hạ hắn gắn cho cái tên chung là Việt Cộng bị “bẻ mặt” nên ngay lập tức cảnh sát “chìm’’, cảnh sát “nổi’’... rầm rập xuất quân bao vây xung quanh trường, không khí khủng bố tràn vào từng lớp học.

Bạo lực của cái gọi là “chánh nghĩa quốc gia” đã thật sự tấn công vào học đường, bằng cả dùi cui và súng lục.

Học sinh số bị còng tay tống giam, tra tấn dã man, số bị gọi đến chi cảnh sát thẩm vấn ngày hai ba bận. Tiếng oán than rúng động đất trời!

Mùa hè lại về. Những chùm phượng đỏ vít cong cành trên mái ngói của từng lớp học. Không gian ing ing tiếng ve gợi cảm giác hồi hộp và sôi động, nhưng vẫn không xua tan hết nỗi mất mát thương đau, tội tù giăng mắc dày cui trong ngôi trường nhỏ.

May mắn hơn đám bạn học chung trường, Hoàng Đơn và Linh Trang không rớt vào chốn lao tù hay bị mời tới lui thẩm vấn, nên cả hai khăn gói về nhà, ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi trung học đệ nhất cấp (trung học cơ sở).

Họ ngồi chung con đò khởi hành vào buổi trưa, có tiếng ve ngân, tiếng nói cười vui vẻ của những chàng trai cô gái thương hồ chèo chống ngược xuôi kiếm cái ăn ngoài vàm chợ. Con đò đi xa một đỗi, tài công thôi đón khách, kéo ga tăng tốc cho nó rẻ nước phóng như tên.

Chẳng mấy chốc con đò đã cập bến quê. Đôi bạn học bước lên bờ, quyến luyến vẫy tay chào nhau, thẹn thùng gởi cho nhau ánh mắt đợi chờ và vội vã khắc họa lại chân dung của nhau để đưa vào nỗi nhớ, ắt nỗi nhớ phải mênh mông.

Mới xa nhau chỉ có một tuần, không những Hoàng Đơn mà cả Linh Trang nữa, đều thấy lòng trống vắng ngỡ ngàng và nhớ nhung đến bồn chồn muốn được cận kề bên nhau mãi. Ôi! Hạt giống yêu thương đã nẩy mầm trong những tháng năm học trò sống gần gũi là đây.

Cô cậu yêu nhau khi cả hai vẫn còn những nét nguyên sơ, hồn nhiên, đam mê và trong sáng thì tìm gặp nhau là lẽ tất nhiên rồi. Mẹ cha hai bên, bà con chòm xóm xa gần không ủng hộ chuyện này coi sao đặng?

Đó, Hoàng Đơn và Linh Trang ngồi bên nhau trên chiếc xuồng câu tôm đậu ở bến sông, dưới rặng bần xanh mà nắng chiều thường hay rắc tím.

- Nếu thi đậu Hoàng Đơn sẽ làm gì?- Linh Trang hỏi giọng thiết tha ấm áp.

Hoàng Đơn đưa tay vuốt nhẹ mái tóc chải bảy ba mướt rượt đang đậy kín vầng trán cao, cặp mắt sáng ngời sau cặp kính trắng nhìn người thương âu yếm:

- Gia đình có truyền thống mô phạm nên Đơn sẽ làm giáo viên, dạy bọn trẻ thất học trong làng. Và mai sau dạy con của chúng mình nữa- Hoàng Đơn thầm thì bên má Linh Trang. Hơi thở anh nóng hổi, chạm vào làn da mỏng mịn phơn phớt hồng của Trang. Họ mê man, mụ mị, quấn quýt trong vòng tay nhau mãi.

Trời đã về chiều, nắng dát vàng trên sông và sóng ì oạp vỗ vào mạn xuồng. Ngọn gió nồm Nam đi qua thật khẽ, những cánh hoa bần nở bung nhụy chuyển sang màu trắng tinh khôi pha cùng sắc tím, rơi rụng đầy xuồng.

Khi nụ hôn đầu đời dài đắm đuối không còn đậu trên môi nhau nữa, Hoàng Đơn mới hỏi lại người mình yêu:

- Linh Trang học giỏi chắc học tiếp tú tài, rồi thi vào ĐH, tương lai làm kỹ sư hay bác sĩ?

- Những điều Đơn vừa nói chỉ xảy ra khi nước nhà độc lập, còn hiện tại Trang không dự thi kỳ thi sắp tới mà sẽ thoát ly gia đình, làm du kích- Linh Trang nói thật nghiêm túc, vẻ mặt điềm đạm, nghiêm nghị.

Hoàng Đơn ngạc nhiên đến sửng sốt, giọng khản đi còn lắp bắp:

- Trời đất! Sao Linh Trang... ừ, ờ... đậu thủ khoa trong kỳ thi tới có thể là Trang. Thầy cô trong trường mình đều nói vậy!

- Đơn ơi! Trang đi, phải đi làm cách mạng, để mai sau học đường không còn bị bạo lực làm tổn thương như vừa qua, Đơn cũng thấy đó! Giọng Linh Trang trong vắt rõ ràng, khiến người tình của mình thổn thức tới nao lòng.

Và Hoàng Đơn, cậu học trò chỉ mới có cảm tình với cách mạng nay hiểu thêm rằng, chiến tranh là chuyện của phái mạnh điều đó đã sai rồi.

Chiều thẫm dần, bóng tối dè dặt bao phủ. Đêm ở quê không ngớt tiếng súng vọng về, thời gian cho cuộc chia ly trông thật mong manh và ngắn ngủi.

Hoàng Đơn đã thi đỗ và vâng lời mẹ cha qua Cần Thơ tiếp tục học lên cao nữa. Trong những năm tháng ly hương để vun bồi tri thức, lúc nào anh cũng nhớ đến Linh Trang, nỗi nhớ vón cục, quặn thắt gan ruột, làm chểnh mảng việc học hành.

Rồi một buổi chiều vàng đầu mùa hạ. Ánh chiều tà lướt trên áo trắng học sinh, nhuộm vàng những thân cây phượng. Hoàng Đơn nhận được hung tin từ lá thư người thân gởi:… Trên đường đi công tác ban đêm, ngang qua rặng bần mà nắng chiều thường hay rắc tím.

Linh Trang dừng chân chắc để nhặt nhạnh chút kỷ niệm ngọt ngào? Nào ngờ đây là ổ phục kích của bọn lính đồn, chúng bắn cô chết rồi lén lút dòng xác ra giữa sông neo đá... Đọc xong đoạn thư, Hoàng Đơn đứng chết lặng, trái tim nhói đau vỡ vụn. Ôi! Mất mát dâng cao biến thành căm thù tột độ.

Hoàng Đơn vội vàng rời mái trường, mang tuổi thanh xuân ra chiến trường đỏ lửa, cùng với lời thề khắc cốt ghi tâm là phải trả thù cho Linh Trang, cô du kích nhỏ anh yêu.

Đất nước đã nở hoa độc lập, kết trái tự do. Hoàng Đơn- người chiến sĩ giải phóng của Tiểu đoàn 306 thuộc Trung đoàn 3 Bộ binh anh hùng giờ là thương binh.

Anh bị mất một chân trong trận đánh tiêu diệt Yếu khu Thầy Phó. Bởi không vợ con, cha mẹ tuổi cao đã qua đời hết, Hoàng Đơn về sống với thằng cháu, con người chị ruột: thằng Út Móm, trong ngôi nhà cũ kỹ của mình.

Cứ mỗi buổi chiều hoàng hôn rắc tím hay không rắc tím rặng bần xưa dưới bến sông, chú Hai Đơn thương binh nhấp nhổm trên đôi nạng gỗ xuống bến sông nhìn rặng bần xưa, dường như cố kiếm tìm bóng hình người yêu đã đi vào dĩ vãng.

Nhưng “Bóng em không thấy thấy bần xơ rơ”. Gần đây, tình trạng sạt lở xảy ra khắp nơi, nhiều nhất là các xã ở cù lao. Xã của Hai Đơn cũng chung số phận vì cũng là cù lao.

Tội nghiệp! Hồi trước bần có vai trò chống sạt lở để giữ đất cũng có thứ hạng chỉ thua mắm, đước chớ “cắn cưa” hoặc hơn tràm à.

Vậy mà bây giờ bần đành bó tay, bởi đất bỏ nó theo “bà thủy”, rồi kéo luôn cái hình hài sần sùi to đùng của nó thả trôi sông. Kìa, cái rặng bần dưới bến sông của nhà thằng Út Móm là một bằng chứng rõ ràng.

Cha, chẳng lẽ nay mai rặng bần này chỉ còn lại dấu xưa trong ký ức? Thiệt rồi, thằng Út Móm bàn tính với chú Hai Đơn, rồi hai cậu cháu có chung một kết luận: Hạ rặng bần còn mỏng dính như vạt mây xanh, xây cái bờ kè kiên cố họa may còn giữ được đất.

Bóng tối rụng dần xuống, đổ òa. Buổi tiệc đã tàn, thùng loa “kẹo kéo” thôi hoạt động. Nhưng dư âm của ca từ trong tiếng hát karaoke của cô Tám Mua vẫn khiến chú Hai Đơn còn mê mụ trong hoài niệm, trong nỗi nhớ không nguôi.

HỒNG SƠN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh