Đúng không giờ. Điện thoại reo, reo thật to. Điện thoại vào giờ này thường là chuyện không lành, bà Sa Bay liền gập người ngồi dậy, bắt máy.
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long) |
(VLO) Đúng không giờ. Điện thoại reo, reo thật to. Điện thoại vào giờ này thường là chuyện không lành, bà Sa Bay liền gập người ngồi dậy, bắt máy. Từ màn hình sáng rực của chiếc điện thoại iPhone tức khắc hiện ra, cô gái có khuôn mặt bầu bĩnh, da không được trắng nhưng mịn màng, đang nhoẻn miệng cười, nhả ra chùm âm thanh dịu ngọt:
- Ngoại, ngoại ơi khỏe không? Mợ Út sanh rồi hồi sáng lận nhưng bận việc quá tới giờ con mới cho ngoại hay được nè. Mơi cậu Út về rước ngoại.
Bà Sa Bay chưng hửng, vẻ mặt đăm chiêu, u buồn:
- Thạch Mơ à, ngoại bấm đầu ngón tay nhẩm tính còn hơi lâu nữa con dâu của ngoại mới giở dạ đẻ. Sao bây giờ lại “đập bầu”? Ứ, chắc đi đứng không khéo “chằn rờ mỏ ác” cháu nội của ngoại rồi hả? Tổ cha cậu cháu nhà bây, trông nom “bà bầu” vậy à?- Bà Sa Bay trách mắng, nước mắt thập thò.
- Không, không như lời ngoại nói đâu!- Thạch Mơ đây đẩy phủ nhận những lời ngoại cô vừa nói, rồi thao thao bất tuyệt, trình bày sự việc rành rọt, có sức thuyết phục, vì am hiểu chút đỉnh về y học không thua gì bà mụ Hương ở đầu con kinh Bình An.
- Hôm trước, con và cậu Út chở mợ Út đến bệnh viện đa khoa thành phố khám bệnh. Ngoại biết không, sau khi nghiên cứu hồ sơ bệnh án của mợ Út và khám lại cho mợ thật kỹ càng, các bác sĩ ở khoa sản cho biết, mợ Út bị cao huyết áp do thai kỳ nặng không thể chờ sanh thường, mà chỉ định phẫu thuật lấy thai chủ động khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ.
Cậu Út đồng ý ký tên vào bản cam kết. Bác sĩ phụ sản cùng ekip mổ tiến hành “mổ bắt con”, ca phẫu thuật thành công, mẹ tròn con vuông.
Thằng bé thật bụ bẫm, thật xinh và giống cậu Út như đúc. Ừ, ờ... chưa nghe hết đầu đuôi câu chuyện vội chửi cậu cháu người ta. Ứ, ưa chửi quá trời! Cô gái phụng phịu dỗi hờn, cúp máy, vì sợ những lời mắng nhiếc mà thương yêu nuông chiều của bà ngoại rớt tiếp vào tai mình nữa.
Bà Sa Bay cứ toét miệng cười sung sướng hả hê, rồi lên giường ngả lưng, mê mải nhấp nháp dư vị hạnh phúc, bởi có cháu nội ẵm bồng, có người tiếp nối duy trì gìn giữ nề nếp gia phong...
Bên ngoài, đêm sâu thẳm vắng lặng, ánh trăng nhạt nhòa. Cây lâm vồ đứng trước cổng chùa Kỳ Son uy nghiêm, trầm mặc giữa bộn bề cuộc sống, điểm nhấn các quần thể cây ở đây đòi mặc áo mới nên đã trút hết lá, in trên nền trời đêm thân cành trơ trụi, khẳng khiu.
Đang cuộn tròn trong giấc ngủ ngon lành, bà Sa Bay nghe có tiếng ai vang vọng bên tai. Hình như là lời ru mới phải, bởi chan chứa giai điệu bổng trầm, làm lòng người lay động. Và cái giọng lời ru nghe gần gũi thân quen quá đỗi.
Ô! Cái giọng khi cười nói hát ca ru hò đều mắc cạn trong nỗi nhớ của cô bác xã Loan Mỹ mình đây, giọng chị Chín Mai, bạn của bà Sa Bay lúc còn cắp sách, tóc cốm nắng hoe màu râu bắp, lớn lên đôi bạn Kinh- Khmer này còn công tác chung ngành giao liên.
Đúng phóc, phải rồi, chắc mẻm mà! Bà Sa Bay đâu thể nhầm lẫn giọng của người bạn thân, người đồng đội cùng mình ra vào bom đạn với giọng của ai được. Bà mừng rỡ lật đật bước ra sân, tìm bạn cũ, để nhặt nhạnh kỷ niệm vui buồn trong thời chiến chinh.
Ánh trăng chợt sáng lèm lẹm vừa đẹp một cách kỳ ảo, mơ màng nhưng cũng vừa huyền bí thực hư rất lạ lùng.
Trong cõi tựa hư vô huyền hoặc sâu thăm thẳm rộng thênh thênh, đong đầy sắc màu tâm linh, bà Sa Bay thấy bóng chị Chín Mai mang bầu cơi hàng khuy áo mờ mờ ảo ảo như khói như mây; lời ru của chị khi nghe thật gần lúc nghe thật xa.
Sau đó bay vút lên bầu trời bám vào các vì sao chi chít, rồi rụng xuống bờ tre, mái rạ, lan ra ruộng đồng, gò bãi của phum sóc.
Bà ngơ ngác nhận ra mình vừa trải qua một giấc chiêm bao, được nghe lại lời ru trong mơ của chị Chín Mai, từ cái thuở Sóc Rừng còn chìm trong lửa đạn và lời ru kia bị xé toẹt bởi móng vuốt tàn bạo của Chằn Hum. Khi ấy, bà Sa Bay làm giao liên hợp pháp, hoạt động “đa tuyến” ở vùng “da beo” nên bà biết khá rõ.
Năm 1972, năm cường độ chiến tranh lên đến tột đỉnh, năm làng xóm càng thêm tiêu điều xơ xác, vì chiến dịch “bình định” gom dân của địch đạt tới cao điểm.
Trạm giao liên, ký hiệu L.30 đóng quân cách trạm thường trực của Ban Giao bưu vận tỉnh Vĩnh Long chỉ vài trăm mét. Hai đơn vị này cùng đứng chân trên ấp Bình Phú, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình.
Trạm L.30 có nhiệm vụ “bắt tay” với trạm giao liên, ký hiệu L.10 đóng quân tại xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn. Và từ trạm L.30 muốn tới trạm L.10 phải vượt cánh đồng Gò Găng, lộ Ba Phố thuộc xã Loan Mỹ, rồi qua địa bàn xã Bình Ninh và sông Măng Thít.
Đây là đường dây cực kỳ quan trọng, đi xuyên luôn tỉnh Trà Vinh, sang sông Hậu, về tỉnh Sóc Trăng, đến tỉnh Cà Mau, nối với Giao Bưu vận Khu 9, ký hiệu T.3.
Đã hai tháng nay, đoạn đường từ giữa hai trạm “bắt tay” với nhau nói trên bị phong tỏa gắt gao. Địch bố trí một đại đội bảo an, một đại đội dân vệ, một trung đội biệt kích của quận Tam Bình và hai trung đội dân vệ của xã Loan Mỹ do Thạch Hum cầm đầu. Ngoài ra có cả hệ thống gián điệp và tai mắt dày đặc.
Còn trên sông Măng Thít đoạn giữa hai trạm, chỉ rộng khoảng 300m có 4 tàu sắt, 8 chiếc hô-bo, cứ cách nhau chừng năm phút có một chiếc chạy ngang qua, dùng đèn pha quan sát, một trái dừa khô cũng không lọt qua được mắt và bao giề lục bình là những tấm bia di động hứng những cơn mưa đạn dữ dội của bọn chúng.
Từ thực tế đó cho thấy, địch dốc sức cắt đứt con đường huyết mạch của ta, khiến hành trình giao bưu hoàn toàn bị gián đoạn, tài liệu và khách ứ đọng không tài nào giải quyết được. Lãnh đạo Ban Giao bưu vận tỉnh đề ra khẩu hiệu: “Mở đường mà đi, đánh giặc mà tiến”.
Nhiều cán bộ chiến sĩ coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, xung phong đột phá mở đường, nhưng tất đều không trở về.
Trong số những con người vĩnh viễn nằm lại trên tuyến đường máu lửa, làm quặn thắt trái tim đồng bào Kinh- Khmer và những người đang sống chiến đấu vì đất nước hòa bình, vì độc lập dân tộc này có chị Chín Mai- một cán bộ giao liên bán hợp pháp gan góc, mưu trí, lanh lợi và luôn tìm mọi cách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Một người phụ nữ đơn sơ, dịu hiền, chân chất, dung dị và đôn hậu đã mang bầu cơi hàng khuy áo, rạo rực mong chờ ngày nở nhụy khai hoa, để được thể hiện cái chức thiêng liêng đến cả khi ngủ còn nằm mơ, cứ ngậm hoài lời ru mộc mạc ấm sắc quê hương, trĩu nặng tình mẹ và mòng mọng nước.
Ôi, chiến tranh mà! Nó không dung nạp đoàn tụ, nảy nở và sinh sôi. Mà ngược lại vô tình tạo ra những con người mù quáng tôn thờ thế lực cướp nước, tới tật nguyền lương tri và nhân cách bị sa đọa đến tận cùng mà Thạch Hum là một trong số loại người đang đề cập đây.
Trời Phật ơi! Tên này khét tiếng ác ôn, giết người tùy tiện vô cớ nên bà con bổn sóc lấy hình tượng chằn tượng trưng cho cái ác, cái xấu trong truyện cổ tích của người Khmer mình ra gọi hắn là chằn, Chằn Hum.
Thật đau lòng, khi trông cây lành mà sanh trái đắng! Thạch Hum được người phụ nữ Khmer chân đất tay bùn, bản tính hiền hòa, cao thượng, sợ phải đem cái buồn cho người khác trong nụ cười tưng bừng ánh nắng sinh ra nhưng con chị lại mang tâm hồn hoang vắng, đen ngòm như vực thẳm của loài chằn tinh ác thú; nên ở mọi lúc mọi nơi hắn đều có thể trải thảm cho tội ác thăng hoa, để thương đau tóc tang tầng tầng chất ngất!
Buổi sáng của một ngày cuối tháng Chạp. Mặt trời đã lên, nắng sớm mai trải trên cánh đồng vào mùa gặt. Gió mát lùa vào nắng nhẹ. Mùi rạ ẩm và bùn xông lên hòa quyện với khói đốt đồng bảng lảng, rồi bay lên cao đậu lại trên đọt những cây thốt nốt cao to, chơi vơi trên vòm trời.
Chị Chín Mai đang mang thai đến tháng thứ tám, đi đứng hơi khó khăn, chân bắt đầu xuống máu sưng vù, nhưng vẫn sốt sắng nhận lệnh đem tài liệu hỏa tốc vượt qua đoạn đường từ trạm L.30 đến trạm L.10- đoạn đường nhung nhúc bọn chó săn ngăn đường, cản lối, rúng ép, hành hung, gieo nghìn trùng chết chóc- đoạn đường tạo ra sự nôn nóng bức xúc lớn lao của lãnh đạo Ban Giao bưu vận tỉnh, kể cả Tỉnh ủy Vĩnh Long.
Nhập vai người đi cắt lúa mướn, chị Chín Mai đội nón lá, tay xách lưỡi hái và mặc bộ bà ba màu tối giống hệt người phụ nữ nông dân. Đi được nửa đoạn đường thì tên Chằn Hum xuất hiện đón đầu.
Thôi chết rồi! Với kinh nghiệm nhiều năm, chị bình tĩnh đến lạnh lùng, cho rớt bó tài liệu xuống đất, rồi lấy chân khều rơm lấp lên. Thật không may, kế bên chị, trong đám lúa mới ngả màu nặng hạt uốn câu nên chưa cắt có một toán lính ém mình phục kích ngó thấy hành động của chị.
Qua mấy lượt vặn hỏi dọa nạt khảo tra, thấy không khai thác được gì ở chị Chín Mai. Tên Chằn Hum điên tiết, đôi mắt vốn lành lạnh và hoang dại như mắt thú của hắn chợt long lên trắng dã. Hắn cầm dao lê cắt đứt hai đầu vú và mổ bụng sống, lôi đứa con trai trong bụng chị ra.
Trời ơi! Chị Chín Mai đớn đau quằn quại, sự sống mong manh vội bứt lìa ra khỏi thân thể đầy nữ tính của người phụ nữ anh hùng, đi làm cách mạng cho cái bụng người Khmer no, cái nhà người Khmer đẹp vậy mà Chằn Hum nhẫn tâm “đốn cây thốt nốt” cần mẫn tạo ra vị ngọt cho phum sóc mình. Bầu không khí đau buồn thương tiếc lập tức đổ ập xuống.
Cả Loan Mỹ mỗi con người Kinh hay Khmer đều kìm lại tiếng nấc, để nung lên căm hờn, khi vấp phải một thực tế dã man, khủng khiếp và kinh hoàng đến như vậy.
***
Đêm đen đã trôi qua, ông mặt trời mở mắt ló ra khỏi chân mây khoe cái mặt tròn vạnh, đỏ gay.
Trước khi chờ chiếc siêu xe của thằng con trai út đến chở lên bệnh viện đa khoa thành phố, để thăm con dâu và cháu nội, bà Sa Bay thắp một nén nhang trên bàn thờ các anh hùng liệt sĩ. Nhìn khói nhang thả nhè nhẹ, rồi bốc lên dìu dịu mờ mỏng trong tiết trời lành lạnh của buổi sớm.
Bà Sa Bay thầm thì như nhắc nhở: Được hưởng thành quả quá cỡ ngọt ngào hôm nay, xin ai đó đừng để lạc trong ký ức một lời ru- Lời ru trong mơ, nhiều thăng trầm sóng gió, chòng chành mong manh nhưng rất mãnh liệt.
HỒNG SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin