Kỳ 1: Hoàn cảnh ra đời câu nói bất hủ

05:04, 23/04/2023

Tháng 4 lại về. Tháng 4 đối với dân tộc Việt Nam có rất nhiều ý nghĩa- tháng của nhiều niềm vui, tháng của khúc khải hoàn chiến thắng: Tháng 4/1954, mặt trận Điện Biên Phủ dồn dập tin chiến thắng, sụp đổ cả hệ thống chính quyền thuộc địa Đông Dương mà đế quốc Pháp mất gần 80 năm để xây dựng.

Bút tích bản thảo Lời kêu gọi toàn quân, toàn dân quyết tâm chống Mỹ ngày 17/7/1966.
Bút tích bản thảo Lời kêu gọi toàn quân, toàn dân quyết tâm chống Mỹ ngày 17/7/1966.

(VLO) Tháng 4 lại về. Tháng 4 đối với dân tộc Việt Nam có rất nhiều ý nghĩa- tháng của nhiều niềm vui, tháng của khúc khải hoàn chiến thắng: Tháng 4/1954, mặt trận Điện Biên Phủ dồn dập tin chiến thắng, sụp đổ cả hệ thống chính quyền thuộc địa Đông Dương mà đế quốc Pháp mất gần 80 năm để xây dựng.

Tháng 4/1975, đi theo vết xe đổ của Pháp, đế quốc Mỹ cũng mất cả thuộc địa kiểu mới miền Nam Việt Nam và Đông Dương sau 21 năm đổ vào nhiều đô la, vũ khí, cùng xương máu của người lính Mỹ.

Để rồi từ ngày 26 đến ngày đêm 29/4/1975, Mỹ phải lập cầu hàng không rút nhân viên quân sự, dân sự cấp tốc, để không rơi vào cảnh bị bắt làm tù binh.

Cuộc di tản thần tốc của người Mỹ vào những ngày cuối tháng 4/1975, làm tôi liên hệ tới câu nói nổi tiếng của bà Nguyễn Thị Bình lúc đảm trách nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam khi trả lời các nhà báo quốc tế tại Paris, nước Pháp.

Đó là, “Người Mỹ có thể lên Mặt trăng và trở về an toàn. Còn sang Việt Nam, thì chúng tôi không chắc!”.

100 năm ròng Việt Nam bị hai đế quốc đến từ châu Âu, châu Mỹ giàu mạnh xâm lược nhưng đều thất bại, tại sao? Người Pháp, người Mỹ muốn tìm câu trả lời cho thất bại của họ, nhưng đối với người Việt Nam thì câu trả lời gói ghém ngắn gọn trong 9 từ, đó là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Thông điệp có tính tuyên ngôn này lần đầu tiên xuất hiện trong Lời kêu gọi chống Mỹ của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 7/1966.

Hoàn cảnh ra đời của tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”

Vào những năm 1956-1958, với sự giúp sức của đế quốc Mỹ, chính quyền miền Nam phản động chẳng những không thực hiện tổng tuyển cử để thống nhất hai miền như Hiệp định Genève đề ra mà còn thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng, lê máy chém đi khắp nơi.

Nông thôn miền Nam rơi vào cảnh tang thương buộc phải vùng lên đấu tranh mà đỉnh cao là phong trào “Đồng khởi” xuất phát từ Bến Tre và lan rộng khắp các tỉnh.

Phong trào “Đồng khởi” (1959-1961) làm phá sản các kế hoạch loại tận gốc cách mạng miền Nam của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Trong khi đó, trên thế giới, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước khác dâng lên mạnh mẽ, đe dọa trực tiếp đến hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.

Để đối phó lại, Tổng thống Mỹ John F. Kenedy, đã đề ra chiến lược trên toàn cầu “Phản ứng linh hoạt” và tiến hành tại miền Nam Việt Nam chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”.

Đầu năm 1965, tình hình cách mạng miền Nam đã có những tiến bộ vượt bậc. Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ngày càng bị khủng hoảng và thất bại nghiêm trọng.

Đế quốc Mỹ đã tìm mọi cách cố tạo ra một “sức mạnh” để cứu vãn sự sụp đổ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Chúng ồ ạt huy động đưa quân viễn chinh Mỹ và quân các nước đồng minh vào miền Nam Việt Nam, đồng thời mở rộng hoạt động ném bom đánh phá miền Bắc.

Ngày 1/4/1965, Lyndon B. Johnson, ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ đã quyết định đưa thêm từ 18.000-20.000 lính lục quân cùng thêm 2 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ vào miền Nam. 

Đến ngày 17/7/1965, Tổng thống Johnson tiếp tục thông báo đưa thêm 44 tiểu đoàn lính Mỹ vào Nam Việt Nam và chấp nhận kế hoạch “tìm diệt” của Tướng William Childs Westmoreland- Tư lệnh Bộ Chỉ huy Cố vấn quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam.

Đến cuối tháng 9/1965, quân Mỹ và quân đồng minh ở miền Nam đã lên tới hơn 200.000 tên, cùng với 70.000 lính hải quân, không quân Mỹ trong các căn cứ tại đảo Guam, Philippines, Thái Lan, Hạm đội 7 cũng trực tiếp tham chiến trên chiến trường miền Nam.

Ở miền Bắc, đế quốc Mỹ gây ra sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” (8/1964), để lấy cớ dùng không quân và hải quân đánh phá ra miền Bắc, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, hòng làm lung lay quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.

Mỹ đe dọa, nếu Việt Nam không chấp nhận những điều kiện của chúng, chúng sẽ đưa miền Bắc “trở về thời kỳ đồ đá”. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam bước vào giai đoạn mới với nhiều thách thức hết sức quyết liệt.

Thêm nữa, giai đoạn này trong giới lãnh đạo Liên Xô, Trung Quốc xuất hiện khuynh hướng đánh giá quá cao sức mạnh Mỹ, có tư tưởng do dự, hữu khuynh, “hòa bình chủ nghĩa”, sợ xung đột nhỏ có thể gây ra chiến tranh thế giới, nhất là “nguy cơ chiến tranh hạt nhân”.

Có người còn khuyên lãnh đạo ta nên “trường kỳ kháng chiến”, “tránh đương đầu quân sự trực tiếp với quân đội Mỹ”,… Điều này gây ảnh hưởng nhất định đến tư tưởng của quân và dân ta.

Ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân ta xuất hiện tư tưởng “sợ Mỹ”, cho rằng đánh Mỹ là “phiêu lưu mạo hiểm,” khác nào “châu chấu đá voi”, “đem trứng chọi đá”… Tình hình này nếu không sớm khắc phục sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, tư tưởng, sức mạnh chiến đấu của các lực lượng cách mạng ở cả hai miền Nam- Bắc.

Vang vọng mệnh lệnh quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược

Trước tình hình đó, Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 11 (3/1965) đã thống nhất khẳng định quyết tâm: Kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất cứ tình huống nào, để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, thực hiện thống nhất nước nhà.

Sáng 17/7/1966, Lời kêu gọi đánh Mỹ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được phát đi trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và được đăng trên Báo Nhân Dân số 4484, ra ngày 17/7/1966. Trong Hồ Chí Minh toàn tập, tác phẩm có tên là: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”(*).

Bằng lập luận sắc bén, với những minh chứng hùng hồn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch trần bản chất xâm lược và tội ác xấu xa của đế quốc Mỹ đối với nhân dân Việt Nam.

Đó là hành động Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào miền Nam Việt Nam, nuôi dưỡng cho quân đội Sài Gòn làm công cụ gây chiến tranh; sử dụng những vũ khí dã man như chất độc hóa học, bom Napan và những chính sách đốt sạch, giết sạch, phá sạch để khủng bố tinh thần lực lượng cách mạng.

Không những thế, đế quốc Mỹ điên cuồng leo thang đánh phá ra miền Bắc, nhằm gỡ thế thất bại ở chiến trường miền Nam và ép chúng ta “đàm phán” theo ý đồ của chúng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đó là hành động tuyệt vọng của chúng, khác nào con thú dữ bị thương nặng, giãy giụa một cách hung tợn trước hơi thở cuối cùng” và nó cũng là minh chứng hùng hồn tố cáo chiêu trò bịp bợm khi đưa ra “đàm phán hòa bình” hòng đánh lạc hướng dư luận thế giới và đổ lỗi cho Việt Nam không muốn “đàm phán hòa bình” với Mỹ.

Người lên tiếng phản đối Tổng thống Mỹ: “Johnson, ngươi hãy công khai trả lời trước nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới: Ai đã phá hoại Hiệp định Genève, là hiệp định bảo đảm chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam?

Phải chăng quân đội Việt Nam sang xâm lược nước Hoa Kỳ và giết hại người Hoa Kỳ? Hay là Chính phủ Mỹ đã đem quân đội Hoa Kỳ đến xâm lược nước Việt Nam và giết hại người Việt Nam?”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, hòa bình thật sự, hòa bình trong độc lập tự do, chứ không phải thứ hòa bình giả hiệu, “hòa bình” kiểu Mỹ”.

Do đó, chỉ sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ mới có thể nói chuyện và bàn các vấn đề có liên quan đến hai bên.

Nhân dân Việt Nam quyết không khuất phục trước vũ lực và quyết không nói chuyện trước sự đe dọa của bom đạn.

Thông qua lời kêu gọi đã thể hiện dân tộc Việt Nam hết sức bình tĩnh trước khó khăn, thách thức, tin tưởng vào sức mình, vào sự đoàn kết của toàn dân tộc.

“Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ!”.

Trong lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một chân lý nổi tiếng làm cho Lời kêu gọi ngày 17/7/1966 có sức lan tỏa rất xa và có sức mạnh tập hợp đoàn kết rất mạnh mẽ, đồng thời khẳng định một niềm tin lớn vào ngày mai.

Đó là chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và “đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Có thể khẳng định, trong tư tưởng Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là tư tưởng mang tính cách mạng sâu sắc và triệt để. Qua lời kêu gọi, ta thấy khí phách hào hùng được đúc kết từ tư tưởng truyền thống ngàn năm dựng và giữ nước.

Từ thời Hùng Vương, hai Bà Trưng, Bà Triệu, từ các triều Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần cho đến Nguyễn Huệ- Quang Trung. Về lời văn, chúng ta thấy toát lên tinh thần bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt, Bình Ngô đại cáo của Lê Lợi- Nguyễn Trãi.

Trước khả năng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có thể còn lâu dài và vô cùng ác liệt, hy sinh mất mát nhiều.

Để khẳng định quyết tâm sắt đá bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất, toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ của đất nước, đồng thời để thống nhất về nhận thức và tư tưởng, củng cố niềm tin cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong giai đoạn chiến đấu mới quyết liệt hơn, khó khăn, gian khổ và hy sinh nhiều hơn để giành thắng lợi hoàn toàn, Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời trong hoàn cảnh đó.

(*): Hồ Chí Minh Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, trang 1.

Kỳ cuối: Quân- dân hai miền đáp lời kêu gọi thiêng liêng

HOÀNG KHẢI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh