Tây Nam Bộ với 3 dân tộc thiểu số (DTTS) chính là: Hoa, Chăm và Khmer sở hữu một kho tàng văn học nghệ thuật (VHNT) dân gian phong phú, đóng góp lớn vào kho tàng văn hóa chung của 54 dân tộc Việt Nam.
Cần nhiều nỗ lực để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số. |
(VLO) Tây Nam Bộ với 3 dân tộc thiểu số (DTTS) chính là: Hoa, Chăm và Khmer sở hữu một kho tàng văn học nghệ thuật (VHNT) dân gian phong phú, đóng góp lớn vào kho tàng văn hóa chung của 54 dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển VHNT các DTTS chưa phát triển đúng tầm, cần nhiều nỗ lực hơn nữa để gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, VHNT đặc thù.
Còn nhiều khó khăn
Vừa qua, Hội VHNT các DTTS Việt Nam đã tổ chức Hội nghị “Công tác VHNT các DTTS khu vực Tây Nam Bộ”.
Các đại biểu đã cùng nhìn lại chặng đường phát triển và tìm giải pháp phát triển bền vững VHNT các DTTS trong bối cảnh hội nhập ở vùng Tây Nam Bộ.
Ông Nông Quốc Bình- Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT các DTTS Việt Nam, khẳng định Tây Nam Bộ với 3 dân tộc thiểu số chính là Hoa, Chăm và Khmer sở hữu một kho tàng văn học nghệ thuật dân gian phong phú, đóng góp lớn vào kho tàng văn hóa chung của 54 dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay việc sưu tầm, bảo tồn, phát huy, phổ biến các giá trị văn hóa này đang còn yếu do nhiều nguyên nhân như: sự eo hẹp về tài chính, thiếu hụt nhân sự chuyên trách, thế hệ trẻ kế thừa chưa có sự quan tâm đúng mức…
Một trong những khó khăn là công tác bảo tồn của thế hệ trẻ. Chương trình lồng ghép học chữ dân tộc Khmer vào chương trình giáo dục phổ thông với kỳ vọng khôi phục lại vị trí của tiếng mẹ đẻ gắn liền với văn học cổ truyền và chữ viết trong đời sống văn hóa.
Tuy nhiên chương trình chưa mang lại kết quả mong muốn, bởi nhiều em học sinh thấy chữ khó viết, khó đọc...
Bên cạnh đó, bà Trúc Linh Lan- Chi Hội trưởng Chi hội VHNT các DTTS Việt Nam TP Cần Thơ, còn nêu thực trạng việc chi hội rất khó triển khai các hoạt động sinh hoạt chuyên đề cho hội viên, tổ chức đi thực tế sáng tác, thúc đẩy hội viên trẻ sáng tác và hỗ trợ in tác phẩm do những quy định về tài chính.
Bà Trúc Linh Lan mong rằng Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam ghi nhận những khó khăn trong thực tế hoạt động của các chi hội địa phương để đề xuất lên Trung ương, nhằm có cơ chế thoáng hơn về chính sách tài chính, khuyến khích các hoạt động của chi hội phát triển.
Đánh giá công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng DTTS trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, ông Phan Văn Giàu- Giám đốc Sở Văn hóa-TT-DL, chia sẻ nhiều khó khăn.
Trong đó, các nghệ nhân am hiểu văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc ngày càng già yếu, nhiều cụ qua đời, trong khi đó lớp trẻ đang làm việc ở các thành phố lớn nên lực lượng kế thừa, phát huy và tham gia các hoạt động văn hóa đặc thù của đồng bào dân tộc đang ngày càng ít đi.
Đội ngũ làm công tác sưu tầm, kiểm kê ở một số địa phương còn thiếu, trình độ không đồng đều, thiếu am hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các DTTS.
Một số địa phương thiếu sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể cấp cơ sở trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa của đồng bào DTTS nên các hoạt động chưa thật sự phong phú, đa dạng.
Nỗ lực giữ gìn những giá trị truyền thống
Triển lãm nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam tại TP Cần Thơ. |
Để VHNT các DTTS ngày một khẳng định vị thế, phát huy tính độc đáo trong nền văn học Việt Nam, các đại biểu đề xuất cần có cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ các hoạt động VHNT các DTTS.
Cụ thể, Hội VHNT các DTTS Việt Nam cần mở các trại viết, lớp bồi dưỡng sáng tác, những hội thảo, hội nghị chuyên đề; phối hợp mật thiết với các hội VHNT địa phương để các hoạt động được tăng cường vừa sâu, vừa rộng.
Bên cạnh đó, cần có chính sách đầu tư, khuyến khích người viết để có thêm những sáng tác hay, đặc sắc về chính quê hương, con người dân tộc mình; tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác về đề tài DTTS, đưa văn nghệ sĩ là người DTTS đi thực tế sáng tác, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế để bám sát đời sống đồng bào.
Ông Thạch Đờ Ni- Chi Hội trưởng Chi hội VHNT các DTTS tỉnh Bạc Liêu, cho biết chi hội đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực, trong đó hoạt động xuất bản quảng bá các tác phẩm VHNT dưới dạng song ngữ hoặc đa ngữ được đánh giá tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng.
Chi hội cũng luôn nỗ lực để sưu tầm được những tác phẩm dân gian giá trị, in ấn và dịch qua nhiều thứ tiếng. Song song đó, khi có đủ điều kiện sẽ sân khấu hóa các tác phẩm, làm mới để tiếp cận được với đa dạng các đối tượng hơn, đặc biệt là giới trẻ.
Ông Nông Quốc Bình nhận định, sau hơn 30 năm hình thành, hoạt động với những thành tựu, dấu mốc đáng ghi nhận, Hội VHNT các DTTS Việt Nam đã và đang đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng cũng như xây dựng nền văn hóa mới, con người mới.
Trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu của hội tiếp tục bảo tồn những giá trị truyền thống; đồng thời xác định nhiệm vụ cấp thiết là tôn trọng và tạo điều kiện phát huy tối đa những giá trị tốt đẹp của mỗi dân tộc.
Bên cạnh đó, những hạn chế sức người sức của là chuyện bất cập cần nhiều yếu tố để có thể giải quyết nhưng hội sẽ cố gắng tổ chức các chương trình, các sân khấu, hội diễn về giá trị nghệ thuật dân gian đến đông đảo độc giả, khán thính giả.
Nhiệm vụ trọng tâm của Hội VHNT các DTTS Việt Nam trong nhiệm kỳ tới là đẩy mạnh hoạt động sáng tạo, sưu tầm, nghiên cứu lý luận phê bình văn học, nghệ thuật; phấn đấu có thêm những tác phẩm chất lượng, có giá trị khoa học và thực tiễn, phản ánh chân thực, sinh động, sâu sắc cuộc sống con người vùng DTTS trong lịch sử và hiện tại.
Các hội viên đẩy mạnh sáng tác, quảng bá các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin