Các thiết chế VH- TT có thể hoạt động hiệu quả, một phần bắt nguồn từ việc phát huy tinh thần chủ động, tích cực, nỗ lực của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng. Mỗi hành động nhỏ, mỗi câu chuyện cảm động ở thiết chế cơ sở tạo nên "mắc xích", là chất keo khăng khít để các thiết chế trở thành "sợi dây" kết nối cộng đồng.
Các tin liên quan |
Trung tâm VH- TT của huyện là điểm tập luyện của CLB thể dục dưỡng sinh huyện Tam Bình. |
Các thiết chế VH- TT có thể hoạt động hiệu quả, một phần bắt nguồn từ việc phát huy tinh thần chủ động, tích cực, nỗ lực của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng. Mỗi hành động nhỏ, mỗi câu chuyện cảm động ở thiết chế cơ sở tạo nên “mắc xích”, là chất keo khăng khít để các thiết chế trở thành “sợi dây” kết nối cộng đồng.
Phát huy ý thức cộng đồng tự quản
Đầu tư, phát huy hiệu quả các thiết chế VH- TT cơ sở là một trong những chủ trương, chính sách văn hóa lớn của Đảng và Nhà nước; cũng là một trong những nội dung trọng tâm của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Chính người dân là người thụ hưởng giá trị các thiết chế này, nên tình cảm và sự chung tay giữ gìn là mấu chốt để các thiết chế có thể tồn tại và phát huy hiệu quả dài lâu.
Xã Tân Mỹ (huyện Trà Ôn) có khoảng 42% dân số là đồng bào dân tộc Khmer. Trung tâm VH -TT xã cũng được thiết kế đặc sắc hơn khi phần nóc mái có kiến trúc truyền thống của đồng bào Khmer. Sự giao thoa văn hóa và tình gắn kết giữa hai dân tộc Kinh- Khmer ngày càng thêm bền chặt thông qua các hoạt động VH- TT.
Cô Nguyễn Thị Loan (ấp Sóc Ruộng, xã Tân Mỹ) đon đả nói: “Có được cái nhà văn hóa như vầy là quá ngon, mừng dữ lắm. Hễ chiều tối là bà con kéo nhau qua đây. Người lớn thì đi thể dục, trẻ con thì chơi giỡn vòng quanh. Đội bóng đá của các em học sinh trường THCS Tân Mỹ ngày nào cũng đều đặn “lăn bóng”. Người Kinh cùng bà con Khmer cùng rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần”.
Một điều đặc biệt nữa ở Trung tâm VH- TT xã Tân Mỹ là sự chung tay của hai dân tộc trong việc giữ gìn và phát huy hiệu quả thiết chế VH- TT cơ sở.
Bà Thạch Thị Thúy Liễu- Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ: “Mới đây cả xã cùng chuẩn bị Tết quân dân 2023, cùng với chính quyền địa phương, bà con xung quanh, các em học sinh không ngại khó mà chung tay dọn dẹp, quét tước trung tâm thêm sạch đẹp, chỉn chu”.
Như một thói quen, “cứ 8,9 giờ thì tôi qua trung tâm để tắt đèn, tiết kiệm điện. Bà con xung quanh cũng kiến nghị và được chính quyền đồng ý thắp sáng nguyên đêm 1 bóng đèn của trung tâm để đảm bảo an ninh. Nhờ vậy mà trộm vặt không còn lộng hành nữa”- cô Loan cười tít mắt chia sẻ.
Bà Thúy Liễu cho biết, trung tâm dự định mời các thành viên trong CLB cây cảnh tham gia trồng cây xanh để thêm xanh- sạch- đẹp. “Nhà tôi có vườn cây hoa nguyệt quế. Khi chú bác đồng ý trồng cây xanh, tôi sẽ đem một số gốc cây nguyệt quế ra để chung tay làm đẹp nơi này.”- bà Thúy Liễu chia sẻ. Rồi khi nghe dự định đó, cô Loan tiếp lời: “Tới đây mà trồng xong cây cảnh thì nhà tôi sẽ thường xuyên tưới nước, phát quang cỏ luôn cho đẹp”.
Tờ mờ sáng từ 5 giờ 30 phút hàng ngày, các thành viên của CLB thể dục dưỡng sinh huyện Tam Bình đều dành 1- 2 giờ tập trung tại Trung tâm VH- TT của huyện. Cô Nguyễn Thị Nuôi (Khóm 1, TT Tam Bình) nói: “Ngày nào hổng ra tập là thấy thiếu, thấy buồn dữ lắm. Trung tâm VH- TT vừa là nơi rèn luyện sức khỏe, vừa tạo không gian gắn kết với các chị em.
Được giao lưu, học hỏi nên ai nấy đều hào hứng, phấn khởi tham gia và yêu quý địa điểm này, có ý thức giữ gìn vệ sinh chung”. Nơi luyện tập rộng rãi, thoáng đãng nên CLB dưỡng sinh ngày càng phát triển, đến nay đã thu hút hơn 20 thành viên.
Chăm chỉ luyện tập hàng ngày với đam mê, nhiệt huyết đã giúp CLB đạt nhiều huy chương ở các kỳ Đại hội Thể dục thể thao và đạt HCV Gala toàn quốc do tỉnh Vĩnh Long đăng cai tổ chức vào tháng 6/2022.
Ông “Hai Lúa” mở thư viện tư nhân đầu tiên tại ĐBSCL
Ra đời từ năm 1998, thư viện tư nhân Tứ Hưng (xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình) với tâm huyết của ông “Hai Lúa” Huỳnh Tấn Hưng không chỉ giúp thúc đẩy văn hóa đọc tới từng ngõ nhỏ mà còn góp phần phát huy giá trị thiết chế VH- TT cơ sở.
Ngay ở cửa ra vào, ông Hưng nâng niu treo tấm biển chia sẻ: “Thư viện là một chiết chế văn hóa được hình thành trong cuộc vận động xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, nhằm góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, đáp ứng nhu cầu thông tin, tuyên truyền một trong những chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, để nâng cao kiến thức cho người dân”.
Xuất thân trong gia đình nông dân nghèo, ông Hưng dành tình cảm đặc biệt cho sách, chắt chiu từng đồng tiền bán lúa, bán trái cây cũng để mua sách. “Tui hiến 70m2 đất có cả ngôi nhà trên đó để làm thư viện.
Tui thứ tư, tên Hưng nên đặt là thư viện “Tứ Hưng”. Nhiều người vui tính còn gọi là thư viện “Hai Lúa”- ông Hưng vui vẻ kể. Ông “Hai Lúa” tâm niệm “có tri thức là có tất cả” nên 5/7 người con của ông đều tốt nghiệp đại học và có cuộc sống ổn định. Không ai bảo ai mà các con thường xuyên mua thêm sách, báo, tạp chí,... và hỗ trợ tiền để cha bổ sung sách cho thư viện.
Nghe ngóng nơi nào có sách là ông “Hai Lúa” lên đường tìm tới để xin, mua cho bằng được. Riết rồi quen mặt, quý cái tình của ông, nhiều nhà hảo tâm, tổ chức, các nhà xuất bản lớn tới động viên, tặng nhiều sách, kệ đựng sách.
Là thư viện tư nhân đầu tiên tại ĐBSCL, thư viện Tứ Hưng hiện có khoảng 10.000 đầu sách. Không chỉ là nơi đọc sách, thư viện còn là địa điểm hội họp của ấp và tổ nhân dân tự quản, giao lưu văn nghệ, qua đó tạo nên tính gắn kết cộng đồng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở ấp 8 và chung sức xây quê hương Mỹ Lộc.
Hiện nay, nhiều thư viện tư nhân ra đời, nhưng “sớm nở tối tàn” khó mà duy trì dài lâu. Nhưng ông “Hai Lúa” giữ thư viện Tứ Hưng tồn tại 25 năm, qua biết bao thăng trầm như một kỳ tích. Và “bí quyết” mà ông nói, là nhờ kiên trì với phương châm “tiếp nhận và sẻ chia tri thức”.
“Tui nhận sách từ nhiều nơi rồi cũng thường xuyên luân chuyển tặng sách lại cho nơi khác. Lúc trước Công ty Kyungshin (Long Hồ) chia sẻ công nhân thích đọc sách lắm. Vậy là tui hổng đắn đo chuyển cái rụp 500 đầu sách cho anh em. Tri thức càng quý hơn khi mình biết chia sẻ”- ông Hưng cho hay.
Thời gian gần đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của thư viện truyền thống đã tạo điểm mới thu hút thêm sự đồng hành của các độc giả đến với thư viện. Ông kể: “Hồi dịch COVID- 19 phải duy trì học online, mấy em học sinh tới nhiều. Rồi cũng nhờ tài trợ được mấy bộ máy vi tính kết nối mạng, Sở KH- CN tỉnh hỗ trợ số hóa 2.450 tài liệu chuyên ngành, bà con tha hồ đến tìm hiểu mô hình làm ăn, trồng trọt”.
Ông Phan Văn Nam đau đáu vì trồng cây măng cụt mà ra trái bị “sượng” hoài. Nghe thông tin thư viện ông Hưng có tài liệu nông nghiệp nên quyết tâm đến tìm. “Rồi ông Sáu Nam đến tìm coi tài liệu. Ưng bụng cái nào rồi tui in ra giấy để bà con đem về nghiên cứu luôn. Kiến thức gần ngay bên mình chứ ở đâu xa”- ông Hưng kể. Vậy rồi bà con “đồn với nhau”, hết người này tới người kia tìm đến thư viện để có thêm thông tin kỹ thuật để trồng trọt, chăn nuôi.
Sẵn sàng cho đi nhưng không đòi hỏi sự đáp đền nào, ông “Hai Lúa” cười sảng khoải nói rằng: “Đất nước mình còn khó khăn, tính toán đòi hỏi mà chi. Làm vậy là mình làm theo lời Bác Hồ dạy. Người ta vui là mình vui theo”.
Ông “Hai Lúa” Huỳnh Tấn Hưng với quyết tâm mở thư viện phục vụ bà con. |
Để phát huy giá trị các thiết chế VH- TT cơ sở đòi hỏi đồng bộ các chính sách thu hút xây dựng và phát triển, quy hoạch đúng đắn của các cấp thẩm quyền. Nhưng trên hết là cần lắm những cá nhân tâm huyết và sự chung tay đồng lòng của người dân. Sự đồng lòng của chính quyền địa phương, của cô Loan, cô Nuôi, của ông “Hai Lúa” Tư Hưng… là một trong những “mắt xích” nhỏ nhưng bền chắc, nối dài sợi dây kết nối cộng đồng, phát huy hiệu quả thiết chế VH- TT cơ sở.
Năm 2008, ông Huỳnh Tấn Hưng đăng ký tham gia thi mô hình “Tủ sách gia đình” do TP Hồ Chí Minh tổ chức; vượt qua hàng chục “đối thủ nặng kí”, ông đoạt giải đặc biệt. Từ năm 2011- 2013, thư viện Tứ Hưng được Bộ Văn hóa- TT- DL tặng Bằng khen. Năm 2019, thư viện “Hai Lúa” này là đơn vị duy nhất ở ĐBSCL được bình chọn danh hiệu xuất sắc và nhận Bằng khen của Bộ Văn hóa- TT- DL vì những đóng góp cho sự nghiệp văn hóa đọc và phục vụ cộng đồng. |
Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY- TUYẾT NGA
>> Kỳ cuối: Dựa vào dân và vì lợi ích của Nhân dân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin