Không chỉ yêu thích mà ông Danh Bê còn góp phần bảo tồn, lưu truyền nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer nên đã được tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (NNƯT).
Không chỉ yêu thích mà ông Danh Bê còn góp phần bảo tồn, lưu truyền nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer nên đã được tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (NNƯT).
NNƯT Danh Bê truyền dạy múa gáo. |
Trò chuyện với NNƯT Danh Bê trong những ngày sắp đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2023 mới thấy tâm huyết của ông với văn hóa nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer. NNƯT Danh Bê kể, ông sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống yêu thích văn hóa nghệ thuật dân tộc Khmer ở ấp Hòa Thiện, xã Ðịnh Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Từ đời ông nội, cha và bây giờ đến ông tiếp tục phát huy, gìn giữ văn hóa nghệ thuật dân tộc, truyền dạy lại cho con cháu hôm nay để tiếp nối. “Năm 12 tuổi, tôi tham gia đoàn dù kê của xã do ông Danh Biên hướng dẫn. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, tôi tham gia Ðoàn Khmer tỉnh Kiên Giang. Năm 1978, tôi trở về quê thành lập đội văn nghệ ấp, sáng tác, truyền dạy các điệu múa dân tộc cho con cháu và tham gia tranh tài tại hội thi các cấp, đạt nhiều thành tích cao” - NNƯT Danh Bê kể.
Ðều đặn hằng tuần, NNƯT Danh Bê chọn ra vài buổi tập hợp con, cháu và những người yêu thích hát, múa Khmer trong ấp lại để dạy hát, múa trước sân nhà. Ông hướng dẫn tỉ mỉ từng động tác với mong muốn ai cũng múa dẻo, hát hay. Ðể duy trì tập luyện thường xuyên cho đội văn nghệ và truyền dạy cho con cháu, gia đình NNƯT Danh Bê đã tự bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua sắm thiết bị âm thanh, trang phục dân tộc, đạo cụ, thức ăn, nước uống cho diễn viên. Ðặc biệt, vào những dịp Tết cổ truyền, lễ hội của đồng bào Khmer, Ngày hội Văn hoá - Thể thao và Du lịch hay các kỳ hội thi, hội diễn… đội dù kê của NNƯT Danh Bê càng tập luyện tích cực hơn, không chỉ để phục vụ bà con mà còn giao lưu văn hóa, văn nghệ tại các chùa và các địa phương trong tỉnh. Em Danh Thị Quỳnh Như, cháu ngoại NNƯT Danh Bê, cho biết: “Từ nhỏ, mỗi khi ông ngoại dạy cho cô, chú, cậu, dì, con đều tham gia múa, hát theo. Lớn lên, con được ông ngoại thường xuyên chỉ dạy, tập luyện nên giờ có thể tham gia biểu diễn tại các hội thi, hội diễn”.
Năm 2011, Ðội văn nghệ dù kê của NNƯT Danh Bê được xã Ðịnh Hòa chọn tham dự Liên hoan Văn nghệ quần chúng toàn quốc 11 xã điểm mô hình nông thôn mới tổ chức tại Quảng Nam và đoạt 1 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc, xếp thứ 4/11 xã tham dự. Theo thời gian, bộ sưu tập huy chương, bằng khen, giấy khen của đội văn nghệ này và cá nhân NNƯT Danh Bê ngày càng dày thêm khi tham gia tranh tài tại hội diễn, hội thi trong và ngoài tỉnh. NNƯT Danh Bê đang ấp ủ tái dựng lại những tuồng xưa, tích cũ, vở dù kê cổ đang dần bị mai một, có nguy cơ mất đi để truyền dạy và lưu giữ cho thế hệ mai sau. Ông Hồ Văn Phước, công chức văn hóa phụ trách dân tộc, tôn giáo xã Ðịnh Hòa, cho biết: “Chú Danh Bê đam mê, nhiệt tình và đang tiếp nối ông cha giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; góp phần cùng địa phương phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào dân tộc Khmer. Ðặc biệt chú Danh Bê đã đào tạo ra nhiều diễn viên xuất sắc cho Ðoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Kiên Giang”.
Hiện NNƯT Danh Bê sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ, trình diễn điêu luyện các điệu múa, bài hát dân tộc Khmer. Ông đã truyền dạy hát, múa Khmer cho khoảng 200 người là con, cháu trong gia đình, họ hàng và những người yêu thích nghệ thuật dân tộc Khmer. Trong đó nhiều người là diễn viên nòng cốt, hát hay, múa dẻo của Ðoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Kiên Giang.
Theo Quốc Huy (Báo Cần Thơ)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin