Những đứa trẻ ngày ấy

03:03, 26/03/2023

Mới qua Tết Nguyên đán, mà trời lại nóng nực quá, như sắp vào mùa mưa. Sau khi xem hết chương trình thời sự trên ti vi, gần tám giờ tối, ông Hai ra bộ vạc tre trước hiên nhà nằm hóng mát.

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

(VLO) Mới qua Tết Nguyên đán, mà trời lại nóng nực quá, như sắp vào mùa mưa. Sau khi xem hết chương trình thời sự trên ti vi, gần tám giờ tối, ông Hai ra bộ vạc tre trước hiên nhà nằm hóng mát.

Bộ vạc tre này đã mấy chục năm. Năm con Chia, con gái út của ông Hai mới hơn một tuổi, ông Bảy Lộ, nhà chếch bên kia con rạch, thấy nhà ông Hai nghèo, đông con, bốn đứa nhỏ mà chỉ có cái vạc tre nhỏ tẹo, nên kêu cho.

Bộ vạc tuy không hoa mỹ như những bộ vạc tre thời nay, nhưng được cái là ông Bảy chọn những cây tre già khú đế làm ra nó, nên không mọt, mối nào cắn nổi. Giờ nó đã bóng nhẩy như tha mỡ vậy, mỗi khi nằm lên mát rượi cái lưng.

Ông Hai tên là Ai. Nghe kể, không chỉ ở cái xứ này, mà hầu như cả cái vùng sông nước Nam Bộ này, khi sinh con, cái khó nhất là chọn tên, đặt tên.

Không phải là chọn tên thế nào cho đẹp, cho ý nghĩa như thời nay, mà chọn cái tên sao cho không trùng với bất cứ tên của ai trong bà con, dòng họ và cả lối xóm, láng giềng nữa.

Thêm một lẽ nữa là, đặt tên xấu dễ nuôi. Vì lẽ đó nên tên của họ thường rất chân chất, mộc mạc. Để được như vậy, khi vừa sinh con, gia đình thường mời người lớn tuổi, quen biết nhiều để chọn tên giúp.

Khi ông Hai chào đời, ông nội của ông Hai đã nhiều tuổi, lãng tai, khi nghe ba của ông Hai hỏi ý kiến, nghe không rõ nên hỏi lại, “ai”. Lầm tưởng là ông nội chọn tên là Ai, nên ông Hai có tên là Ai.

Ngả lưng xuống bộ vạc tre, ông Hai nghĩ về tụi nhỏ. Tết cùng về đây, rộn ràng, tụi nó đi, trống vắng, thấy buồn buồn, chắc tại lớn tuổi. Tết này ông Hai đã tròn tám mươi. Rồi, cũng sắp đến ngày giỗ bà Hai, tụi nó lại về.

Từ khi con Mãi, đứa con gái lớn của ông Hai khôn lớn là nó lo liệu mọi thứ cho ngày giỗ của bà Hai. Nói nó khôn lớn, chứ mới hơn mười hai tuổi là nó cáng đáng mọi thứ, y như một người lớn vậy.

Thường thì tụi nó tổ chức giỗ bà Hai vào ngày chủ nhật trong tuần đó, để tụi nó tranh thủ về đủ mặt. Năm nay chắc cũng vậy. Nay, mai con Mãi sẽ điện báo cho ông hay.

Bất giác, ông Hai đứng dậy, vô nhà thắp nén nhang, nhìn di ảnh bà Hai. Ông Hai trở lại bộ vạc tre, nằm gác tay lên trán, ký ức tràn về. Mới đó mà đã gần năm chục năm.

***

Bà Hai trút hơi thở cuối cũng vào một ngày tháng ba âm lịch, năm 1976, chưa tròn một năm sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.

Ngày đó, vùng đất này, như bao vùng giải phóng trước đây, bị tụi Mỹ ngụy liệt vào “vùng trắng”, không có dân sinh sống, không có căn cứ cách mạng, bọn chúng muốn bắn phá lúc nào tùy thích. Chiến tranh đi qua, vùng đất này cũng đúng cái nghĩa là “vùng trắng”.

Bởi lẽ, không cây cối nào còn nguyên vẹn, bom đạn không làm cho trốc gốc, cũng phạt cụt ngọn, gãy nhánh. Ngọn dừa nào còn lại thì thân của nó cũng chi chít vết đạn.

Hố bom, hố pháo, nhiều hố có đường kính năm, bảy thước, rải khắp từ đầu xóm đến cuối xóm. Cả xóm có gần năm mươi cái chòi lá, cửa trước, cửa sau trống huếch, trống hoác, không một tài sản gì có giá trị cả.

Hồi chiến tranh, con người ở đây chỉ biết lo cho cái sống, cái chết, không ai biết gì về nghèo, giàu là thế nào. Mọi người sống với nhau như người một nhà, đến gặp bữa thì lấy chén cùng ăn.

Đói thì qua nhà của nhau lấy cơm lấy thức ăn, ăn, không phải vay, mượn gì cả. Khi có hữu sự, từ việc làm nhà, lấy vợ, gả chồng, cho đến giỗ chạp, ma chay, đau yếu, bệnh hoạn… không ai bảo ai, có gì góp nấy.

Từ con gà, con vịt, bó lá, cuộn dây,… Chiến tranh đi qua, tức là bom đạn đi qua, chết chóc đi qua, cái nghèo còn lại. Nghèo xơ, nghèo xác.

Hoan hỉ khi đất nước độc lập, đàn ông, thanh niên thường tụ tập lại nhậu nhẹt mừng chiến thắng. Ngày này qua ngày khác, không nghiện, nhưng thành quen, hầu như ngày nào cũng nhậu. Trong đó có ông Hai.

Mặc việc cơm, áo, chuyện nhà cho bà Hai. Trong cái nghèo khó đó, mà bà Hai phải tần tảo với ba con nhỏ. Con Mãi, con gái lớn mới được sáu tuổi.

Thằng Dẫn bốn tuổi. Còn con Phiên chưa đầy hai tuổi. Đang mang bầu mà bà Hai phải chạy vại từng lon gạo, từng cái áo… cho tụi nhỏ.

Đến gần ngày sinh, bà Hai suy kiệt, không thuốc, thiếu ăn, thiếu ấm… Đêm ấy, cháu Chia cất tiếng khóc chào đời. Sau khi nhìn mặt con, nghe con khóc, bà Hai trào nước mắt, rồi… trút hơi thở cuối cùng.

***

Bà Hai mất, ông Hai hụt hẫng, mất phương hướng. Bà con lối xóm chung tay lo hậu sự, góp ít gạo cho tụi nhỏ, nhất là con Chia mới chào đời.

Hết cô Ba, đến dì Năm, bà Tám… thay phiên nhau ẵm cháu Chia đi bú thép hết xóm trong rồi ra xóm ngoài. Hễ nghe đâu có người mới sinh, nuôi con nhỏ là tới.

Được hơn bốn tháng, con Chia cứng cáp, mọi người ai nấy cũng còn phải lo chuyện riêng, nên con Mãi phải lo cho em.

Còn ông Hai, sau khi bà Hai mất hơn mươi ngày, như mọi khi, trời chưa kịp sáng là ông đã ra khỏi nhà. Sớm, cùng anh, em trà nước. Trưa, là bắt đầu nhậu. Hết nhà này, qua chòi khác.

Thường đến khoảng chín, mười giờ đêm, khi mọi người như không còn nhướng nổi đôi mí mắt nặng trĩu nữa thì mạnh ai nấy về. Đêm nào cũng vậy, khi về tới nhà tụi nhỏ đã ngủ say. Rồi ông cũng lăn đùng ra ngủ.

Một hôm, như mọi khi, về đến nhà cũng khoảng hơn mười giờ đêm, ông nôn thốc nôn tháo, nôn cả mật xanh, mật vàng… rồi ông thiếp đi. Hôm sau, bụng cồn cào đói, thức sớm, lụt cơm.

Nồi cơm, cái nồi nhôm khói đóng đen thui, móp méo, trống trơn, cơm không còn một hột, không có thứ gì ăn được. Không có một hột gạo.

Loay hoay, ông nhìn bàn thờ, hình bà Hai đang nhìn ông với đôi mắt đượm buồn. Lư hương đầy chân nhang, chứng tỏ mỗi ngày đều có người đốt. Chắc con Mãi. Dưới lư hương có một tờ giấy, ông cầm lên. Soi đèn. Dòng chữ nguệch ngoạc của đứa học trò mới tập viết.

“Má Liệt ơi! Tụi con khổ quá trời má Liệt ơi! Từ khi má Liệt đi, ngày nào hai buổi con cũng ẵm em Chia đi bú thép, lúc đầu có cô Ba, dì Năm, bà Tám phụ con, sau này mình con ẵm em Chia đi.

Có hôm, con phải qua tới xóm Giữa, bên đó, cô Hai Mận mới sinh em bé. Lần đó, phải qua cầu khỉ khó đi, khi về con và em Chia bị té. Sợ em Chia uống nước, con đội em trên đầu, nên con uống nước bùn căng bụng, khi bò được lên bờ con ói nước bùn.

Tội mấy đứa em, không có gạo nấu cơm, ngày nào con cũng đi xin gạo, xin cơm cho mấy em. Tụi nó ăn dư, con mới được ăn, nên con luôn bị đói.

Ông bà cụ Bảy, dì Hai, bà Tư ngày nào cũng chừa nước cơm để dành cho con Chia, mỗi khi nó đói, pha đường cho nó uống. Mấy em con thiếu quần áo, cái nào cũng rách tả tơi.

Em Chia chỉ có hai cái áo, không có quần. Cái mền má Liệt mua chuẩn bị sinh em Chia, nay cũng rách rồi. Chỉ để đắp cho con Phiên với em Chia, tụi nó nhỏ, con sợ em bị lạnh rồi bệnh. Con với thằng Dẫn ngủ trần, có đêm lạnh quá, tụi con ôm nhau ngủ...

Má Liệt thương tụi con, nói với ba đừng đi nhậu nữa, phụ con lo cho mấy em nghen má Liệt. Tụi con khổ quá má Liệt ơi!...”

Nhè nhẹ để tờ giấy lên bàn thờ, ông Hai nhìn qua chiếc vạc tre, nơi bốn đứa con đang ngủ. Chiếc mùng vải, không còn màu trắng nữa mà đã chuyển sang màu nâu đen. Nhiều chỗ rách được túm lại bằng dây tàu lá chuối.

Giở mùng ra, ba đứa nhỏ nằm ôm nhau ngủ. Còn con Chia, được chị hai cho nằm riêng một góc, đắp ngang người nó là cái mền vải cũng cũ, rách, nâu đen. Đứa nào cũng ốm nhom, đen nhẻm, mặt mũi, tay chân lắm lem. Tóc cháy nắng, rối bù. Quần áo tả tơi.

Nhìn đàn con, ông Hai rơi nước mắt.

***

Ông Hai gom, lục hết quần áo tụi nhỏ. Không cái nào lành lặn. Ông giặt, chỉ giặt bằng nước lã dưới con rạch trước nhà. Khi bà Hai còn, nhà lúc nào cũng có hũ nước tro bếp, để giặt, để tắm.

Giặt xong, ông sang nhà ông Bảy.

- Thằng Hai Ai bà ơi!

Nhìn thấy ông Hai, ông Bảy giật giọng gọi bà Bảy, có vẻ ngạc nhiên.

- Thằng Hai Ai? Có gì hong bây?

Bà Bảy bước ra, nhìn ông Hai, lên tiếng. Ông Hai cúi đầu, khe khẽ.

- Con qua, hỏi ông, bà Bảy cho con mượn ít gạo, về nấu cho tụi nhỏ.

- Ờ, ngồi đi Hai!

Ông Bảy bước ra hiên nhà, chỉ bộ vạc tre, ngồi với ông Hai.

- Để bả lấy gạo cho bây. Nhà còn một ít. Sẵn đây, bây tranh thủ qua lấy bộ vạc này nè- ông Bảy chỉ bộ vạc tre đang ngồi- đem về cho tụi nhỏ ngủ. Hôm rồi tao qua, thấy bộ vạc nhỏ quá mà tới bốn đứa ngủ chung. Tao mới làm hơn tháng đó Hai.

- Gạo nè Hai. Có mấy con cá lóc, hôm qua, thằng Ẩn tác hố bom, đem cho, bây lấy hai con về làm cho tụi nhỏ ăn. Tội nghiệp, bây đi nhậu hoài tụi nhỏ đói, khát.

Giọng bà Bảy buồn buồn.

- Dạ, con cảm ơn ông bà Bảy!

***

Tụi nhỏ thức dậy, ngoài con Mãi, ba đứa còn lại nhìn ông Hai ngơ ngác như gặp phải người lạ.

- Ba! Bữa nay ba ở nhà hả ba?

Con Mãi ẵm con Chia tới bên ông Hai.

- Ba nè Chia, lợi ba đi em!

Con Chia ôm riết cổ chị hai, lắm la, lắm lét nhìn ông Hai. Nghe con Mãi kêu ba, thằng Dẫn, con Phiên mừng quýnh, đứa ôm cổ, đứa ôm tay ba nó như nhiều ngày không gặp, đi xa mới về.

Ông Hai bày cơm ra dưới sàn nhà. Sàn nhà đất loang lổ, năm cha con ngồi bệt cùng ăn. Lần đầu tiên, năm cha con cùng ăn cơm, đứa nào cũng ăn ngon lành.

Ông Hai múc cơm đút cho con Chia. Con Chia đã hơn một tuổi, tức là hơn thôi nôi, nhưng có làm “đầy tháng” hay “thôi nôi” gì đâu. Ban đầu còn ngần ngại, được ba ân cần, nhìn mấy anh chị thân thiện, con Chia bạo dạn ngồi vào lòng ông Hai.

Nhìn đàn con ăn, vui vẻ, hai mắt ông Hai cay xè.

***

Ông đi xin tre, chuẩn bị đồ nghề để soi ếch, bắt cá. Thời trai, ông Hai nổi tiếng là sát cá, đặc biệt là tài bắt ếch ban đêm. Chiến tranh đã cướp mất của ông cái chân trái, đi lại khó khăn. Rồi đất nước độc lập, sa vào nhậu nhẹt, ông không còn đi soi ếch, bắt cá nữa.

Con Mãi, thằng Dẫn được tới trường. Con Phiên, con Chia lớn lên cũng được đi học như anh, chị tụi nó. Rồi con Mãi làm cô giáo, thằng Dẫn đi nghĩa vụ quân sự xong vào ngành công an, con Phiên là bác sĩ, còn con Chia theo chị hai cũng làm cô giáo.

Năm 2005, chính quyền cất cho gia đình ông căn nhà tình nghĩa, tụi nhỏ góp thêm tiền tiết kiệm nên xây được ngôi nhà khá rộng rãi. Mỗi khi lễ, Tết, nhất là giỗ bà Hai là tụi nó cùng con cái về đây.

***

Ông Hai ngồi dậy, bước vào nhà thắp thêm cho bà Hai nén nhang nữa. Ông lẩm bẩm:

“Tụi nhỏ đã trưởng thành hết rồi bà ơi!”

TRẦN BẠCH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh