Qua 5 năm (2016 - 2022), với những thay đổi tích cực về cơ chế, chính sách, sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp, sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội, ngành công nghiệp văn hóa đã đạt kết quả đáng khích lệ. Nhiều kỳ vọng được đặt ra để công nghiệp văn hóa đóng góp cụ thể vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
|
Việt Nam giàu tiềm năng văn hóa với ẩm thực, phong tục tập quán phong phú. |
Qua 5 năm (2016 - 2022), với những thay đổi tích cực về cơ chế, chính sách, sự chỉ đạo quyết liệt
của chính quyền các cấp, sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội, ngành công nghiệp văn hóa đã đạt kết quả đáng khích lệ. Nhiều kỳ vọng được đặt ra để công nghiệp văn hóa đóng góp cụ thể vào sự phát triển
kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tạo sức mạnh mềm
Năm 2016, Chính phủ ra Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Sau 5 năm triển khai, 12 ngành công nghiệp văn hóa được xác định là phần quan trọng, bền vững, thu hút nguồn lực, tạo công ăn việc làm, phát huy lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy và đóng góp vào tăng trưởng của mỗi quốc gia.
Đồng thời, công nghiệp văn hóa góp phần định vị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế. Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa - TT - DL, tính đến năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đã đóng góp doanh thu hơn 8 tỷ USD, tương đương 3,61% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Hiện nay, cả nước có khoảng 1.926 làng nghề đã được công nhận đang hoạt động. Mức độ tăng trưởng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ trong những năm qua khá cao, đạt bình quân khoảng 10%/năm.
Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt trên 2,35 tỷ USD, trong đó có một số mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn như: các sản phẩm gốm sứ đạt 539 triệu USD; sản phẩm mây tre cói thảm đạt 484 triệu USD; sản phẩm thêu, dệt thủ công đạt 139 triệu USD. Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Nhật Bản và châu Âu…
|
Năm 2022, du lịch văn hóa đạt doanh thu hơn 495.000 tỷ đồng. |
Tại Vĩnh Long, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Thị Quyên Thanh, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa có tác động đến phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Vĩnh Long là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống cách mạng nên có hệ thống tài nguyên du lịch văn hóa khá phong phú.
Hiện nay, Vĩnh Long là một trong số ít tỉnh, thành phố còn lưu giữ và bảo tồn nhiều di tích lịch sử văn hóa cách mạng. Đặc biệt, người dân thân thiện và giàu lòng mến khách tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch văn hóa lịch sử và tâm linh.
Trong việc khuyến khích phát triển các loại hình du lịch văn hóa, ngành du lịch tổ chức khảo sát du lịch tuyến sông Long Hồ gắn kết các điểm: chợ Vĩnh Long, Minh Hương Hội quán, Thất phủ miếu, Văn Thánh miếu, đình Long Thanh, đình Long Hồ, Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, xóm nghề chằm nón, đan rổ - rế, làm bún - hủ tiếu xây dựng câu chuyện điểm đến mang dấu hoài niệm “Dòng sông và danh nhân”.
Nghệ thuật hát bội được quan tâm, tổ chức biểu diễn phục vụ du khách tại đình An Thành, Bảo tàng Vĩnh Long, Công Thần Miếu... dần trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh.
Lĩnh vực điện ảnh cũng có nhiều điểm nổi bật, đặc biệt là Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long đã tăng cường sản xuất phim Việt, các chương trình truyền hình thực tế có format thuần Việt phù hợp với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa của dân tộc. Giai đoạn 2017 - 2022, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long đã sản xuất 50 bộ phim truyện Việt Nam với 2.654 tập phim.
Phim Việt trong khung giờ vàng luôn được khán giả đón nhận nồng nhiệt, trong đó nhiều tác phẩm đã đạt giải cao trong Liên hoan phát thanh và truyền hình toàn quốc như: Lời nguyền (đạt giải Cánh Diều Vàng năm 2017); Tiếng sét trong mưa (Giải bạc Liên hoan Phát thanh -
Truyền hình toàn quốc năm 2019),…
Tận dụng lợi thế, phát triển xứng tầm
Đối với tiềm năng văn hóa, chúng ta tự hào là mảnh đất giàu truyền thống và đa dạng văn hóa. 54 dân tộc anh em cùng lịch sử hàng ngàn năm để tạo ra một kho tàng vô giá về di tích, nghi lễ, lễ hội, trò chơi dân gian, thủ công truyền thống, dân ca, dân vũ, ẩm thực, phong tục tập quán, truyền thuyết, hình tượng anh hùng...
Tất cả đều có thể trở thành chất liệu tuyệt vời cho sáng tạo, tạo ra những sản phẩm văn hóa nghệ thuật vừa tôn vinh văn hóa dân tộc, vừa tạo ra sự khác biệt, giá trị riêng cho các sản phẩm văn hóa nghệ thuật.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia cho rằng, những thách thức mà Việt Nam đang đối mặt luôn hàm chứa những gợi mở về cơ hội để lựa chọn con đường phát triển phù hợp trong tương lai.
Đã đến lúc Việt Nam cần vượt ra khỏi các giới hạn của cách tiếp cận thiếu tính toán toàn diện về công nghiệp văn hóa để hướng tới sự phát triển bền vững. Cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Từng bước cân đối cơ cấu nguồn lực phù hợp với nhu cầu của các ngành công nghiệp văn hóa.
Xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động nguồn lực cho nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa. Cần có các chính sách ưu tiên phát triển nghiên cứu văn hóa, phát triển hạ tầng công nghệ đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ tư; ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa…
Trong đề xuất phát triển công nghiệp văn hóa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là vấn đề quan trọng nên rất cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể của từng bộ chủ quản trên từng lĩnh vực, từng điểm.
Các tỉnh cũng rất cần có quy hoạch, định hướng sát với tình hình thực tế của địa phương và cần đầu tư nguồn lực để phát triển; trong quy hoạch cần có tính chiến lược, mũi nhọn để tập trung đầu tư phát triển tạo thành thương hiệu. Đồng thời, cần có chính sách ưu đãi, đặc thù (về thuế, đất đai và vay vốn,…) để kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, kích thích sự sáng tạo văn hóa của các nhà sản xuất và nhân dân.
|
Vĩnh Long còn lưu giữ và bảo tồn nhiều di tích lịch sử văn hóa cách mạng. Trong ảnh: Di tích Khám Lớn Vĩnh Long. |
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - TT - DL Nguyễn Văn Hùng đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị liên quan trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thời gian qua. Bộ trưởng khẳng định Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa. Công nghiệp văn hóa đóng góp không nhỏ cho lợi ích quốc gia.
Bộ trưởng đề nghị cần tiếp tục nỗ lực cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thành hành động cụ thể đưa các ngành công nghiệp văn hóa phát triển xứng tầm với những lợi thế, tiềm năng vốn có.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin