Thực ra, bà con nông dân ngày nay ra đồng ngay trong những ngày mọi người ăn Tết vui vẻ, gọi là làm "xuyên Tết". Nói vậy, để thấy rằng nông dân mình đã thay đổi rất nhiều trong suy nghĩ và cung cách ăn Tết cổ truyền
Thực ra, bà con nông dân ngày nay ra đồng ngay trong những ngày mọi người ăn Tết vui vẻ, gọi là làm “xuyên Tết”. Nói vậy, để thấy rằng nông dân mình đã thay đổi rất nhiều trong suy nghĩ và cung cách ăn Tết cổ truyền. Nhưng cái hay là dù làm đồng, bà con mình vẫn vui Tết trọn vẹn. Cả nước vừa trải qua một cái Tết đầm ấm, vui tươi và ngập tràn hạnh phúc. Có rất nhiều thay đổi nhưng cách ăn Tết, cách đón Tết của người Việt mình không hề thay đổi. Đó là bản sắc văn hóa độc đáo của một dân tộc, cũng là niềm tự hào, tự tình dân tộc. Nối tiếp nhau những thế hệ có sứ mệnh giữ gìn và phát huy nét đẹp này.
Nhìn vòng vòng trong khu vực châu Á, chỉ thấy có Nhật Bản là có sự đổi thay về Tết âm lịch, bằng cách thay đổi mốc thời gian trùng khớp với Tết Tây. Nhưng mọi cách thức, mọi phong tục trong ngày Tết cổ truyền vẫn được gìn giữ đầy đủ. Đó là sự thay đổi về thời gian vật lý, hoàn toàn không thay đổi về bản chất, bản sắc của nét đẹp văn hóa truyền thống của một số dân tộc châu Á. Đó cũng là cái hay riêng của đất nước này.
Nhìn qua một khía cạnh khác, nói về hoa Tết, có lẽ Việt Nam là đất nước được nhiều ưu ái, nhiều thuận lợi vô cùng đặc biệt khi đón Tết cổ truyền. Chỉ riêng chuyện hoa Tết - nếu nhìn rộng ra các nước châu Á, thì thời tiết Việt Nam là thuận lợi nhất khi mà miền Bắc se lạnh và miền Nam ấm áp, cho hoa đào khoe sắc phương Bắc còn hoa mai vàng rực trong nắng ấm phương Nam. Thiển nghĩ, đây là lợi thế độc nhất vô nhị và cần được đẩy lên thành một điểm nhấn, nét đẹp đặc biệt trên Trái đất này.
Trong khi các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… rơi vào thời điểm lạnh giá, thì đất nước chúng ta cùng lúc có 2 loài hoa nở đúng vào những ngày Tết, hỏi có nơi nào được thiên nhiên ưu đãi thế không? Nước mình cần đẩy thế mạnh rất đặc biệt này lên thành một điểm nhận diện thương hiệu văn hóa quốc gia. Từ đó, cần tạo những công viên, những con đường hoa Tết, với miền Bắc là hoa đào và miền Nam là hoa mai. Hoa đào, hoa mai Việt Nam có thể khoe sắc rực rỡ nhiều ngày, nhưng tiếc là đến giờ nước mình chưa có được lễ hội ngắm hoa Tết ở các công viên, các con đường rực sắc đào, mai.
Trong khi hoa anh đào ở Nhật chỉ bắt đầu nở khi qua mùa Đông và bước vào tháng 4, rồi khi bừng nở chỉ khoảnh khắc vài giờ đồng hồ là rơi rụng, tàn phai trong gió nhưng lễ hội ngắm hoa anh đào cũng như trào lưu trồng hoa anh đào Nhật Bản lan tỏa khắp thế giới, gợi cho chúng ta rất nhiều suy nghĩ.
Mong sao, tương lai Tết Việt Nam sẽ được những sứ giả văn hóa như hoa đào Nhật Tân và hoa mai miền Nam lan rộng trên thế giới. Trước hết là tạo nên những không gian hoa Tết trên đất nước mình, sau đó là sự hiện diện hoa Tết đặc trưng của Việt Nam trên khắp thế giới.
Tại sao không?
NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin