Bác Ân thương binh, bị hỏng đôi mắt từ thời chiến tranh chớ gì? Thôi, để "con dâu thảo" này đem tới tận giường đặng "tía chồng" ăn cho ngon miệng, chóng lại sức, sớm lành bệnh về nhà ăn Tết. Đã hai mươi tháng Chạp rồi cô bác ơi!
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long) |
(VLO) - Nhận phần ăn của bữa điểm tâm cho bệnh nhân đi “người nhà” ơi! Để xem, buồng số một, buồng bệnh nặng: Hồ Văn Kiên, Lê Thị Én, Lâm Trung Ân. Ừ, ờ… Bác Ân thương binh, bị hỏng đôi mắt từ thời chiến tranh chớ gì? Thôi, để “con dâu thảo” này đem tới tận giường đặng “tía chồng” ăn cho ngon miệng, chóng lại sức, sớm lành bệnh về nhà ăn Tết. Đã hai mươi tháng Chạp rồi cô bác ơi!
Nghe cô điều dưỡng có thân hình cao ráo, nước da bánh mật, tánh tình hiền lành hay đùa tếu vui vẻ, cất giọng gọi mời thật trong trẻo và ríu rít như chim hót.
Tư Kiên thấy cơn đói cồn cào vồ vập lấy bao tử trống rỗng, bởi sau một đêm dài chiến đấu với bệnh tật. Chú trở mình dợm gập người ngồi dậy, chợt thấy đau rát một bên hông, vì cái ống dẫn lưu cho dịch tích tụ từ khoang màng phổi ra lọ thủy tinh đặt dưới gầm giường bị lay động mạnh.
Ôi, chấp nhận thôi! Sống vò võ có một mình, con cháu đâu theo nuôi mà sai bảo? Rồi cái cảm giác cô độc sầu tủi đè nặng lên tâm hồn khiến Tư Kiên nằm im, mắt ngân ngấn lệ.
Nhưng cái hiểm họa chẳng từ bất cứ một ai: Đói, buộc chú đưa ánh mắt cầu cứu sang giường cạnh bên, nơi có người đồng đội năm xưa, được cô điều dưỡng ưu ái trêu chọc gọi là tía chồng ban nãy.
Ông ta tuổi hơn bảy mươi, dáng người mảnh khảnh tầm thước, tóc chải bóng mượt, cặp mắt bị che khuất cái kính đen, để lộ vầng trán cao có nhiều nếp nhăn xô vào nhau, tạo thành những đường nét cong queo.
- Hai Ân ơi, nhận suất ăn sáng giùm tôi luôn nghe! Tôi ngồi dậy, chỗi tay nhấc người qua xe lăn chắc khó khăn đau đớn lắm anh à.
Phải chi ngày trước súng đạn còn nể nang chỉ ăn mất một chân chớ đừng tham lam nuốt sạch cả hai chân tới tận háng, thì giờ đây đâu khổ sở dữ vậy! Nè, tiện thể anh hỏi cổ sáng nay cho tụi mình ăn cái gì?
- Hỏi, hỏi chớ! Dĩ thực vi tiên (lấy cái ăn làm đầu) mà! Chúng mình bệnh cần ăn, ăn ngon để mau lại sức, chiến thắng vẻ vang bệnh tật! - Trông Hai Ân hào hứng, háo hức và phấn chấn hẳn ra, rồi bỗng dưng bác nhíu mày nhăn mặt, buông tiếng yếu ớt, thều thào, chìm sâu trong những lời vừa thở than của người đồng đội, từng vào sanh ra tử với mình:
- Ai cũng vậy chú ơi mới mổ xong mà, riêng chú còn bị “đeo lủng lẳng trái bộc phá” to đùng, có nước nằm yên đó chờ binh cứu viện đi! Để tôi chăm sóc cho, chuyện nhỏ!
Tôi “tàn nhưng không phế”, ông bà, cha mẹ, vợ con, cháu chắt kể cả hàng xóm của tôi đều thừa nhận vậy à nghe! Còn ăn sáng cái gì hả? Để coi… Ờ, ờ… Á, rau đắng! Cháo cá lóc ăn với rau đắng!
- Ủa, sao tía chồng biết hay vậy trời? - Chau mày lại, mắt mở to, chớp chớp đôi mi có nét chì xanh, cô điều dưỡng lấy làm ngạc nhiên hỏi giật giọng.
Không ngạc nhiên sao được, trong khi cô chưa tiết lộ món ăn, còn loay hoay đặt hộp cháo lên đầu chiếc tủ nhỏ cạnh giường bệnh bác Hai Ân, nhanh tay bật nắp hộp cháo, cho những cọng rau đắng xanh non lặc lìa vào.
Ôi! Hộp cháo bốc hơi nghi ngút thoang thoảng thơm mùi rau đắng chốn bãi bùn ở những miền quê sông nước ruộng vườn thừa nắng gió.
- Tía chồng ngửi thấy và suy đoán ra đó con dâu thảo ơi!
Cô điều dưỡng cười cảm phục, hàm răng trắng ánh lên giữa đôi môi đỏ, làm cho gương mặt đang ra chiều suy ngẫm của cô càng thêm phúc hậu.
- Phải rồi! Tới giờ con mới nghiệm ra, người mù thường cảm nhận thế giới bằng các giác quan riêng của mình, đôi khi phải sử dụng khả năng suy đoán để nhận biết sự việc.
Nhưng không phải người mù nào cũng nhận biết chính xác mà còn tùy theo năng lực của sự nhạy bén ở từng người. Thế mới rõ, tía chồng quá cỡ tuyệt vời rồi!
Nắng bắt đầu lên, lau khô những giọt sương đêm đậu trên những cánh hoa mười giờ mịn màng he hé nở tươi rói, đứng nép mình dưới chân hàng rào bệnh viện. Gió từ sông Hậu hối hả lên bến Ninh Kiều, rồi hào phóng rít lên ù ù. Mùi thơm cây trái bay ngào ngạt vào tận giường bệnh.
Bữa điểm tâm bằng món cháo cá lóc ăn cùng rau đắng giúp Tư Kiên và Hai Ân thêm ấm lòng, trong một sáng cuối đông có nhiều gió lạnh.
Và hai loại thực phẩm giàu dinh dưỡng: cá lóc và rau đắng đã gợi cho hai bệnh nhân này nhớ lại một trận đánh có một không hai, trận địa lôi đầy mưu trí, xảy ra khi Mỹ - Ngụy tiếp tục tổ chức các cuộc càn quét với tính chất khốc liệt và quy mô chưa từng thấy vào khu căn cứ Cái Ngang, nơi chôn nhau cắt rốn của họ.
Biết được một bộ phận lính đóng quân ở ấp Tư, thuộc Tiểu đoàn Một, hay nong quân ra ngoài đánh phá và kiếm cái ăn.
Trần Vĩnh, Xã Đội Trưởng xã Hậu Lộc chỉ huy vài anh em trong đội du kích, trong đó có Tư Kiên và Hai Ân, dùng một số cần câu cắm, móc sẵn cá lóc cối chừng như có râu ở khu vực đìa Môn, để dụ chúng nhổ câu lên lấy cá. Một trong số những cần câu đó có gắn trái nổ.
Dự đoán nếu trái phát nổ địch sẽ đem xác đồng bọn lên khu đất cao để cứu chữa, du kích liền chọn thửa đất gò mọc đầy rau đắng, gài xuống đó một trái cối 60 ly.
Đúng như dự đoán, thấy cá dính câu bọn lính hí hửng cúi xuống gỡ. Cần câu gắn trái nổ tung, làm chết một tên lính và một tên khác bị thương.
Đám lính thất thần, dùng máy PRC25 điện trực thăng đáp xuống gò rau đắng để cấp cứu. Trong lúc lăng xăng đi lại trên gò, một tên lính vướng phải dây gài trái.
Thần chết có cái tên cối 60 ly “bật cười”, tám tên lính nữa nát thịt tan xương, hết đời làm tay sai cho giặc. Chiếc trực thăng chiến đấu được một phen mất phách lạc hồn, cất đầu bay cao, bay xa xịt khói đít.
Sau trận đánh đó, cũng với sự chỉ huy tài ba của Trần Vĩnh, Hai Ân và Tư Kiên cùng đồng đội lao vào những trận đánh ác liệt khác, vẫn bằng chiến thuật phóng lựu, gài trái, bắn tỉa, cắm chông, để tiếp tục chặn đứng gót giày quân thù đang dày xéo quê hương mình.
Rồi hai người du kích gan dạ dũng cảm này, lần lượt gởi một phần thân thể của mình lại chiến trường đầy bão đạn mưa bom, để làm rạng danh trang sử oai hùng của xứ sở Cái Ngang kiên trung bất khuất.
Ngày toàn thắng, đất nước thanh bình, làng quê ngập tràn niềm vui đoàn tụ. Tư Kiên trở về với mẹ - người mẹ quê áo vá, cách đây chục năm rồi đã đứng trước hiên nhà, mắt rưng rưng, lòng hờn căm rực lửa, nén nỗi đau mất chồng vì giặc giết, giục bước đứa con trai độc nhất của mình lên đường chiến đấu gìn giữ quê hương.
Ôi, Mẹ Việt Nam anh hùng ơi! Mẹ giờ tuổi hạc đã cao, chăm sóc người con thương binh không được bao lâu, mẹ lại qua đời do bạo bệnh. Từ đó, Tư Kiên mồ côi sống chỉ có một mình.
Cơ quan chức năng nhiều lần thiết tha đề nghị, Tư Kiên về sống trong Trại an dưỡng thương binh, chú lắc đầu bởi nặng nợ với nén nhang thắp trên bàn thờ mẹ mỗi buổi chiều tàn.
Cùng là thương binh hạng nặng nhưng Hai Ân may mắn hơn Tư Kiên rất nhiều, Bác lấy vợ và có con rất sớm, từ khi đôi mắt còn lành lặn nên nước nhà thống nhất không bao lâu, Hai Ân đã có một gia đình hạnh phúc, con cháu đề huề.
Trong cuộc đời chẳng lẽ có người sinh ra chỉ để đứng nơi sóng cao gió cả? Đó, Tư Kiên bệnh nặng được bà con chòm xóm đưa đến bệnh viện thành phố cấp cứu.
Bác sĩ khám cho biết kết quả ngay: Tư Kiên bị tràn dịch màng phổi và chỉ định phải phẫu thuật! Đang lúc dầu sôi lửa bỏng, Hai Ân lại thấy trong người không được khỏe.
Do trái gió trở trời thương tích cũ hoành hành? Không đâu, Bác bị “hạch lao” đeo trong da cổ, dưới trái tai phải, theo thời gian nó lớn dần, chèn ép làm lảng một bên tai, mũi nước chảy ra không ngớt, đau nhức nửa phần đầu và mặt.
Con trai lớn của Hai Ân đang định cư ở nước ngoài nhả ý rước bác qua bển chữa trị. Hai Ân một mực chối từ, nhất quyết đòi lên Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ của mình để mổ!
Đám cháu chắt không dám trách cứ bác, chỉ chụm năm chụm ba nói vui, chắc ổng nghĩ “ta tắm ao ta” vẫn hơn hay đến đó thăm khám, rồi nhập viện điều trị riết đâm ra nghiện?
Trước giờ gia đình vẫn biết, đôi mắt mù lòa chẳng làm khó được Hai Ân trong việc đi đứng hoặc sinh hoạt thường ngày, nên không mấy ai bận tâm lo lắng và thực hiện nghiêm chỉnh lời đe dọa của bác, không cho con cháu theo nuôi bệnh bằng ngược lại… sẽ “dậy sóng đất bằng”! Sở dĩ Hai Ân làm vậy là muốn được gần gũi chăm sóc đồng đội của mình, Tư Kiên.
Thời gian trôi nhanh mới đó đã hai mươi tám Tết. Bệnh của Tư Kiên và Hai Ân đã hết, hai ông ăn uống biết ngon, phần cơm dinh dưỡng của bệnh viện ăn xong còn thấy bụng chưa đầy, phải “bổ sung “thêm gói xôi, ổ bánh mì của mấy bà bán hàng rong ngoài cổng.
Đây là điều đáng mừng, nhưng còn mừng hơn thế nữa là cái tin, có quyết định của bác sĩ sáng mai cho Hai Ân và Tư Kiên xuất viện theo chân mấy cô điều dưỡng, rồi rớt vào buồng bệnh.
Ôi! Niềm vui sum vầy bất ngờ ập đến, khiến Hai Ân hớ hênh để sắc xuân đang lan tỏa trên khắp nẻo đường ngõ phố, lẻn vào tận tâm hồn, làm bác mê mụ trong hoài niệm, trong nỗi nhớ mênh mông, nên giọng lắng xuống trầm đục:
- Nghĩ cũng ngộ, tuổi đã gần đất xa trời, bể dâu trường đời đã trải. Vậy mà khi xa quê, lúc xuân về trong dạ vẫn nghe nao nao rạo rực, nhớ nhà và nhớ những hương vị đặc trưng của ngày Tết, nhất là mùi vị thịt kho, canh khổ qua hầm…
- Toàn là “mồi bén” không, rượu đế nữa mới đúng bài. Nhắc đến thèm rỏ nước dãi!- Tư Kiên nhanh nhẩu lên tiếng cắt lời Hai Ân để chuyển qua đề tài khác- Thôi, thành phố đã lên đèn. Tôi làm đôi mắt của anh, anh làm đôi chân của tôi. Hai đứa mình dắt dìu nhau xuống phố vãn cảnh ngắm hoa xuân. Ừ, ờ… đôi mắt của anh…
- Được, được hết hà! Chú nghe con dâu thảo của tôi nói rồi đó. Tôi dùng các giác quan để cảm nhận hay sử dụng khả năng suy đoán mà nhận biết.- Hai Ân sốt sắng đồng tình, gương mặt rạng rỡ lộ vẻ vui mừng.
TP Cần Thơ, trẻ, thông minh, sáng tạo, cũng là thành phố của công nghệ cao về đêm rực rỡ ánh đèn và đầy ắp không khí rộn ràng của mùa xuân. Hoa chảy đầy ra phố, đua nhau khoe sắc, tỏa hương trong gió. Ôi! Cảnh sắc đêm xuân thật lung linh mỹ miều.
Trông kìa! Hai thương binh, hai bệnh nhân sáng mai xuất viện. Kẻ mất đôi chân ngồi phía trước chỉ đường, người hỏng đôi mắt đứng phía sau đẩy xe lăn, rong ruổi trên các tuyến đường thành phố. Họ sống lạc quan, nghĩa tình, chan hòa với đất trời đầy hoa.
HỒNG SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin