Bắt trúng mạch

06:12, 03/12/2022

"Bỏ công đắp đập be bờ/ Để ai tháo nước để lờ anh trôi" hay "Bớ chú đăng chú đi đâu đó/ Con mắt chú lờ, chú đạp lọp của tôi". Đăng, đó, lờ, lọp là những dụng cụ thường được sử dụng để bắt cá tôm.

(VLO) “Bỏ công đắp đập be bờ/ Để ai tháo nước để lờ anh trôi” hay “Bớ chú đăng chú đi đâu đó/ Con mắt chú lờ, chú đạp lọp của tôi”. Đăng, đó, lờ, lọp là những dụng cụ thường được sử dụng để bắt cá tôm.

Trong đời sống văn hóa Việt, cái đăng, cái đó, cái lờ, cái lọp… trở thành hình ảnh rất quen thuộc trong sinh hoạt. Chẳng biết khi nào những dụng cụ ấy đã đi vào lời ăn, tiếng nói của người dân một cách mộc mạc như thế.

Những ngôi nhà truyền thống của người nông dân, ngày ấy không khó bắt gặp hình ảnh chiếc lọp, chiếc nơm, chiếc giỏ,… được treo trên vách. Phía hiên nhà bắt gặp chiếc gáo dừa nằm trên chiếc đầm, chiếc lu. Trên bàn nước với chiếc vỏ bằng trái dừa để giữ ấm bình trà (ảnh).

Những hình ảnh đơn sơ, bình dị ấy không chỉ khắc họa hình ảnh với nét sinh hoạt đời thường bình dị của người nông thôn, mà còn có vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân chân chất, mộc mạc. Thể hiện cuộc sống bình yên. Hình ảnh ấy đã gắn vào sâu trong ký ức của những người đã từng gắn bó.

Không ít người “bắt trúng mạch” đã tạo bức tranh sinh động với những hình ảnh xưa. Đã tạo nên những sản phẩm trang trí rất tinh tế, với những sản phẩm được vót, gọt, đục, đẽo tỉ mỉ.

Chẳng như trong các nhà hàng, quán ăn chúng ta không khó bắt gặp những chiếc gáo dừa, thuyền mây, đèn nơm tre,… được trang trí rất ấn tượng. Khách thích thú bởi phong cách mộc mạc và độc đáo. Mang cảm giác thiên nhiên gần gũi, mang hương đồng gió nội cho khách.

Phục vụ “những thượng đế” đã chán ngán với những bóng bẩy, hào nhoáng muốn tìm bình yên và dung dị. Những người yêu thích không gian sống bình yên, giản dị, gần gũi với thiên nhiên và đem lại cảm giác thoải mái, dễ chịu.

Mang lại một bữa ăn ngon miệng và vui vẻ hơn. Nhắc nhớ bao người một thời đã qua bên mâm cơm thêm rộn rã và đầm ấm.

Giờ chiếc gáo dừa trở thành vật trang trí, để đưa con người trở về với phút giây tĩnh lặng, bình yên của cuộc sống làng quê. Bà chị đi hội chợ thấy những chiếc gáo dừa nhỏ bóng xinh xinh, liền mua về và để trên bàn làm việc, lâu lâu đưa ánh nhìn ngắm nghía.

Ờ cho đỡ nhớ má - chị nói tỉnh queo. Thời của má dùng chiếc gáo dừa múc nước để giải cơn khát, múc nước vo cơm,… gắn với người dân tự bao đời.

Người làm ra và trang trí vừa khởi nghiệp vừa giữ gìn giá trị truyền thống. Thường mua về, người ngắm nghía thưởng thức những vật trang trí ấy tìm về ký ức để nhớ nhung, hoài niệm một thời bình yên, gần gũi.

Bài, ảnh: VY ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh