Vài mẩu chuyện nhỏ về chú Sáu Dân

06:11, 04/11/2022

Trong cuộc đời làm báo của tôi, một trong những điều tôi cho là may mắn nhất, đó là đã nhiều lần được dự, đưa tin về những cuộc làm việc của chú Sáu Dân (cách gọi thân thương, gần gũi của mọi người với Thủ tướng Võ Văn Kiệt) với tỉnh Đắk Lắk qua nhiều cương vị: Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, Cố vấn BCH Trung ương Đảng.

(VLO) Trong cuộc đời làm báo của tôi, một trong những điều tôi cho là may mắn nhất, đó là đã nhiều lần được dự, đưa tin về những cuộc làm việc của chú Sáu Dân (cách gọi thân thương, gần gũi của mọi người với Thủ tướng Võ Văn Kiệt) với tỉnh Đắk Lắk qua nhiều cương vị: Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, Cố vấn BCH Trung ương Đảng. Những lần ấy đã để lại trong tôi nhiều dấu ấn còn in đậm mãi đến bây giờ.

Một con người có dáng đi nhanh nhẹn, mái tóc bạc trắng, nụ cười đôn hậu, ánh mắt tinh anh qua cặp kính lão, nhìn chú Sáu Dân giống một giáo sư ĐH hơn là một nguyên thủ quốc gia. Chú Sáu thật dễ gần và rất dung dị.

Qua quan sát, được nghe chú Sáu nói, thấy những điều chú Sáu làm, đọc được những gì mà sách vở, báo chí đề cập về những suy nghĩ, trăn trở của chú khi trở về với đời thường, tôi cảm nhận được ở chú một nhân cách lớn lao, một con người của thực tiễn, không giáo điều, một con người của hành động.

Tôi tin, rồi đây chắc chắn sẽ còn nhiều sách báo, nhiều công trình nghiên cứu viết về chú Sáu, về nhân cách Võ Văn Kiệt. Riêng tôi, chỉ xin ghi lại những mẩu chuyện nhỏ qua những lần tôi được gặp.

Rất gần gũi và sẵn sàng trả lời bất cứ câu hỏi nào của nhà báo

Năm ấy, chú Sáu là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, lên công tác tại Đắk Lắk.

Được tin một lãnh đạo cấp cao lại phụ trách mảng kế hoạch Nhà nước- một lĩnh vực quan trọng, nhóm phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Lắk xin được phỏng vấn chú Sáu, qua thư ký riêng của chú.

Đề nghị nhanh chóng được chấp thuận và thời gian thực hiện phỏng vấn ghi hình vào lúc 19 giờ. Vì máy quay phim khi ấy chưa hiện đại như bây giờ nên chúng tôi đã có mặt từ sớm để chuẩn bị đèn đóm, dây điện khá
lỉnh kỉnh.

Đúng 19 giờ, chú Sáu xuất hiện với áo sơ mi dài tay, thắt cravat. Chú cười thật tươi, bắt tay từng người rồi đi thẳng vào vấn đề. Chú nói, tối nay chú còn làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy lúc 19 giờ 45 nên chỉ dành cho tổ phóng viên chúng tôi 30 phút.

Cuộc phỏng vấn diễn ra nhanh chóng với 3 câu hỏi mà chúng tôi đã gửi trước cho thư ký. Thấy còn thời gian và thấy chú Sáu rất thân thiện, thoải mái, tôi xin phép chú được hỏi thêm 2 câu “ngoài kế hoạch”. Chú cười tươi rồi nói:

- Không sao, nhà báo cứ hỏi, tôi nắm đến đâu sẽ trả lời đến đó, cái gì không nắm rõ thì xin hẹn sẽ trả lời sau.

Tất cả chúng tôi cùng cười vui vẻ và chú đã trả lời cả 5 câu hỏi một cách gẫy gọn, khúc chiết, không cần giấy tờ. Cuộc phỏng vấn thành công vượt quá mong đợi của chúng tôi.

19 giờ 30, cuộc phỏng vấn kết thúc. Chú Sáu nói: “Ta còn 15 phút nữa, mời các nhà báo uống nước, ăn trái cây do nhà khách chuẩn bị”.

Mỗi chúng tôi còn được chú mời một ly bia chai Sài Gòn khi ấy, còn chú thì một ly trà. E chúng tôi ngại, chú nói: Chút nữa tôi còn làm việc với Ban Thường vụ nên không thể uống với các anh một ly bia, các anh cứ tự nhiên.

Ăn trái cây, uống cạn ly bia, chúng tôi cảm ơn và chia tay chú Sáu. Một lần nữa, chú cười rất tươi, bắt tay từng người, tiễn chúng tôi ra đến sảnh nhà khách.

Để ai cũng được kính

Trong một lần chú Sáu chủ trì cuộc làm việc với các tỉnh Tây Nguyên được tổ chức tại TP Buôn Ma Thuột, đại diện ban tổ chức lên giới thiệu thành phần đại biểu tham dự. Vì hội nghị quan trọng, có đông đủ các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh, nên người giới thiệu liên tục “kính thưa, kính giới thiệu” rất nhiều người.

Thời gian lễ tân này kéo dài khá lâu. Đến khi ban tổ chức “kính mời Thủ tướng Võ Văn Kiệt lên phát biểu”, chú Sáu bước lên bục, nở một nụ cười đôn hậu. Rồi không đề cập đến nội dung hội nghị, chú Sáu nói:

- Nãy giờ tôi nghe các anh kính thưa, kính giới thiệu rất dài, tưởng như đã khá kỹ nhưng tôi cho rằng như vậy vẫn
còn thiếu.

Cả hội trường im lặng mấy giây. Chú Sáu nói tiếp:

- Tôi đề nghị thế này, để đỡ mất thời gian, từ nay trở đi, khi khai mạc hội nghị chỉ nên giới thiệu người chủ trì rồi sau đó nên kính một câu tổng quát: Kính thưa tất cả các đồng chí. Như vậy trong hội trường này từ tôi đến nhân viên và cả các chị phục vụ đều được kính, phải vậy không?

Căn bệnh lễ tân, hình thức này xem ra đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người mất rồi. Nhưng chú Sáu đã đề nghị giải quyết bằng một cách thật đơn giản mà cũng không kém phần trang trọng.

Làm không xong là “dân giận” thiệt đó

Trong một chuyến làm việc tại Đắk Lắk, chú Sáu về thăm một buôn đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều thành tích trong công tác định canh, định cư. Nghe báo cáo về việc đồng bào ở đây đã biết đào giếng dùng nước sạch thay cho việc dùng nước suối.

Tuy nhiên, do thói quen từ ngàn đời nên vẫn còn một số hộ tiếp tục dùng nước từ các con suối không bảo đảm vệ sinh và sức khỏe.

Khi đến thăm các gia đình, chú Sáu đến bên giếng, tự tay thả gàu xuống giếng sâu trên 20m quay gàu nước lên. Bất ngờ, chú đưa tay vào gàu vốc nước rồi nhấp một ngụm trước sự ngạc nhiên của mọi người.

- Nước mát và ngọt lắm!- Chú Sáu nói rồi cười rất sảng khoái.

Vào nhà của bà con, chú đi xem, hỏi han từng chi tiết về phong tục tập quán, về đời sống, thu nhập. Thấy vườn cà phê áp sát căn nhà, có cành vươn hẳn vào cửa sổ nhà sàn, chú Sáu hỏi:

- Cây cà phê có cần dùng nhiều thuốc BVTV để trừ bệnh không?

- Dạ, có ạ. - Một ai đó trả lời.

- Vậy thì vườn cà phê sát nhà quá sẽ không tốt. Khi phun thuốc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là với các cháu nhỏ như thế này. - Chú Sáu nói và đưa tay chỉ về một cháu nhỏ được mẹ địu sau lưng đang ngủ say sưa, rồi nói tiếp:

- Tôi đề nghị các nhà khoa học phải cùng chính quyền vận động, thuyết phục bà con chặt bỏ bớt cây cà phê chung quanh nhà để cho thông thoáng, vừa tạo cảnh quan vừa bảo đảm sức khỏe. Chính quyền vận động bà con đào giếng dùng nước sạch nhưng cũng phải biết giữ lại cái bến nước.

Không phải cái gì cũng xóa. Bà con chưa thông thì vận động, thuyết phục. Đó là tài của cán bộ. Cán bộ phải biết làm công tác dân vận. Nếu làm không xong là “dân giận” thiệt đó!

Chất giọng của chú Sáu thật giản dị mà hào sảng. Kèm theo đó là một ánh nhìn, một nụ cười “rất Võ Văn Kiệt”.

Nhà báo TRẦN ĐẠI 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh