Không chỉ có tác phong gần gũi, bình dị, tính cách mạnh mẽ, quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm; mà đối với tôi, cảm nhận từ những bài viết về đồng chí Võ Văn Kiệt - tôi nhận ra rằng ông còn có một ý chí phấn đấu không mệt mỏi cho Đảng.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
(VLO) Không chỉ có tác phong gần gũi, bình dị, tính cách mạnh mẽ, quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm; mà đối với tôi, cảm nhận từ những bài viết về đồng chí Võ Văn Kiệt - tôi nhận ra rằng ông còn có một ý chí phấn đấu không mệt mỏi cho Đảng.
Từ một thanh niên tham gia phong trào thanh niên phản đế 1938, Nam Kỳ khởi nghĩa 1940, rồi qua những năm tháng kháng chiến chống ngoại xâm, đến sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đến cương vị Thủ tướng - là người đứng đầu Chính phủ, rồi Cố vấn BCH Trung ương Đảng, ông đều cho thấy, là một người của hành động với sự sáng tạo, sự quyết đoán mạnh mẽ, ý chí phấn đấu không mệt mỏi vì Đảng, vì nước, vì dân.
Trong hai cuộc kháng chiến chống giặc, ông luôn có mặt tại chiến trường miền Nam và ở Sài Gòn, sống giữa lòng dân, được Đảng tin tưởng giao ông đảm đương nhiều trọng trách; với sự linh hoạt, kiên quyết trong lãnh đạo, ông đã cùng đồng chí, đồng bào và chiến sĩ vượt qua biết bao gian khổ ác liệt, hy sinh xương máu để đóng góp quan trọng vào thành công vĩ đại của dân tộc ta.
Đến thời bình, ông là người vững tay lái để phát động phong trào “Thanh niên xung phong khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng Tổ quốc giàu mạnh” và giao nhiệm vụ mới cho thế hệ thứ tư.
Tiếp đó, ông đã linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo nhằm giải quyết nhanh nạn thiếu lương thực nghiêm trọng của thành phố lúc bấy giờ, và biệt danh “Chủ tịch gạo” cũng xuất hiện từ đấy. Vào giữa năm 1980, kinh tế cả nước khủng hoảng nghiêm trọng, các xí nghiệp, quốc doanh hết sức khó khăn, tưởng như không có lối ra, nhiều giám đốc xí nghiệp mong muốn được đề đạt với Đảng, Nhà nước những suy tư và ý kiến của mình.
Để đáp ứng mong mỏi đó, ông đã thành lập CLB Giám đốc - quy tụ các giám đốc, bí thư, thư ký công đoàn của các nhà máy, xí nghiệp; là diễn đàn để các thành viên nói lên nguyện vọng, đề xuất những biện pháp khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất,…
CLB đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, sinh hoạt bổ ích, đóng góp vào việc hình thành tư duy đổi mới trong các văn bản pháp quy về đổi mới quản lý xí nghiệp quốc doanh được ban hành sau đó. Đây là thời gian ông đi sâu tìm hiểu và đề ra những biện pháp sáng tạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, xí nghiệp.
Phong cách làm việc của ông là sâu sát cơ sở, thực tế, nắm chắc tình hình, từ thực tế và đường lối chủ trương của Đảng mà đề ra chủ trương, nghị quyết sát đúng, phù hợp. Khi là người đứng đầu Chính phủ, ông đã thể hiện tầm chiến lược của người cộng sản, luôn cống hiến hết mình vì đất nước, vì lợi ích nhân dân.
Luôn tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhà khoa học, chuyên gia, lãnh đạo; luôn có sự sáng tạo, đổi mới trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng cộng với sự quyết đoán mạnh mẽ để đi đến quyết định những công trình mang “tầm vóc Võ Văn Kiệt”.
Công tác hội nhập quốc tế cũng được ông đặc biệt quan tâm, học tập kinh nghiệm xây dựng đất nước của các nước bạn,…
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới, ông đã trình bày “với những kinh nghiệm đúc kết được, với những thử thách đã vượt qua, chúng tôi đã nhận thức được sự cần thiết của sự hội nhập và hợp tác kinh tế quốc tế như là một nhân tố quyết định cho việc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hóa đất nước.
Trong tinh thần đó, chúng tôi hoan nghênh quý vị mở rộng hợp tác kinh tế với Việt Nam, nhất là đầu tư vào Việt Nam”. Đến cuối năm 1995, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 160 nước, có quan hệ buôn bán với trên 100 nước, các công ty của hơn 50 nước và vùng lãnh thổ đã đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Nhiều Chính phủ và tổ chức quốc tế dành cho Việt Nam viện trợ không hoàn lại hoặc cho vay để phát triển.
Trở thành cố vấn của BCH Trung ương, ông vẫn luôn góp phần tích cực vào việc hình thành những quyết sách lớn cho Đảng, Nhà nước và trong việc ngoại giao, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, tạo đà để đất nước ngày càng phát triển.
Là một công dân, ông vẫn theo sát tình hình, thường xuyên đóng góp ý kiến với các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Nhà nước về nhiều vấn đề trọng đại của dân tộc. Đặc biệt từ năm 1996 - 2006, ông đã nhiều lần góp ý với Bộ Chính trị và BCH Trung ương Đảng về chỉnh đốn và đổi mới Đảng, đặc biệt là vào dịp chuẩn bị Đại hội IX của Đảng năm 2001 và chuẩn bị Đại hội X của Đảng năm 2006.
Ông còn chuẩn bị việc đi thăm Hà Lan để tìm hiểu và học tập kinh nghiệm trị thủy của nước bạn để giúp dân, giúp nước mình nhưng chưa thực hiện hoàn thành…
Là một đảng viên, Thủ tướng Võ Văn Kiệt - bác Sáu Dân luôn sống hết mình vì dân, vì nước với tinh thần phấn đấu không mệt mỏi, ý chí quyết tâm, kiên cường và mạnh mẽ vượt qua từ những khó khăn của chiến tranh đến công cuộc kiến thiết đất nước.
Tin tưởng rằng, thế hệ hôm nay và mai sau, sẽ học tập, cống hiến, noi gương đồng chí Võ Văn Kiệt để tiếp tục thực hiện những hoài bão, dự định của vị Thủ tướng vì dân, cùng nhau chung sức chung lòng xây dựng thành công nước Việt Nam đổi mới như chủ đề trọng tâm của Đại hội toàn quốc lần thứ XIII: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí và quyết tâm phát triển đất nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
PHẠM NGÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin