Có dịp đi cùng một số anh chị em văn nghệ sĩ đến tham quan Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở TT Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, để tìm chất liệu sáng tác nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt
(VLO) Có dịp đi cùng một số anh chị em văn nghệ sĩ đến tham quan Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở TT Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm, để tìm chất liệu sáng tác nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt; chuyến đi đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng về ý nghĩa cùng những gợi mở về sự phát triển, vươn lên từ ý tưởng thiết kế khu lưu niệm vừa trang trọng, thành kính, sâu lắng, đồng thời toát lên tính cách của Thủ tướng- đó là tính nhân văn, văn hóa, rộng mở, thân thiện với người dân.
Vừa bước vào khu lưu niệm, hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi gặp là Di tích hồ Vũng Linh, dưới tượng đài hình ngôi sao là bia đá có ghi: “Ngày 23/2/1872 sau khi cuộc khởi nghĩa của Lê Cẩn và Nguyễn Giao tiêu diệt tên Tham biện Alix Salicetti tại cầu Vông, giặc Pháp đàn áp dã man dân làng Trung Trạch.
Chúng đốt sạch, giết sạch, thảm sát hơn 500 người lấp thây xuống đáy hồ. Tên Vũng Linh (hồ linh thiêng) bắt nguồn
từ đây”.
Tôi còn được nghe kể câu chuyện, sau khi giặc rút đi cả vùng quê này chìm trong màu tang tóc, thê lương, âm khí nặng nề.
Vào những đêm trời âm u, mưa gió dường như nghe từ hồ này vọng lại hàng trăm tiếng khóc than, ai oán của những oan hồn vô tội bị thảm sát dưới bàn tay man rợ của bọn cướp nước và bè lũ tay sai.
Một góc Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt. |
Theo con đường rợp bóng cây xanh, chúng tôi tiến vào nhà thắp hương Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Dọc theo lối đi, có tảng đá khắc câu nói của Thủ tướng gửi gắm thế hệ trẻ:“Cái tôi quý nhất là thời gian. Điều mà tôi muốn nói với các bạn trẻ cũng lại là vấn đề thời gian. Hãy chạy đua với thời gian, giành giật từng giờ, từng phút để làm việc”.
Về tổng thể, khu lưu niệm được thiết kế với không gian mở. Các công trình hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, thảm cỏ và cây xanh chiếm phần lớn diện tích.
Sau khi tham quan các phòng trưng bày hình ảnh, hiện vật về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Thủ tướng, khi bước ra ngoài còn gặp cây cầu khỉ bắt qua ao sen, cây dừa, bụi tre ngà, giàn hoa giấy, chiếc lu đựng nước bên chòi nghỉ… phảng phất hình ảnh của làng quê Nam Bộ nơi Thủ tướng sinh ra, lớn lên và ra đi làm cách mạng.
Theo con đường lát bê tông chạy xuyên qua khu lưu niệm, có một sân khấu nhỏ ngoài trời dùng để sinh hoạt cộng đồng, cùng một số dụng cụ dành cho người dân đến tập thể dục, cạnh tường rào là dãy nhà làm việc của cán bộ, nhân viên khu lưu niệm.
Căn nhà làm việc thoáng mát, màu ngói đỏ tươi, mái nhà được xây dựng với ý tưởng từ mái nhà lợp lá trung quân của ông trong thời kỳ chống Mỹ ở căn cứ Trung ương Cục (Tây Ninh).
Bên trong có treo bức tranh sơn dầu vẽ ông đang tham gia lao động cùng lực lượng thanh niên xung phong thành phố tại công trường Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh, năm 1976.
Phía sau khu lưu niệm là con đường Phong Thới rộng mở chạy dài đến Tỉnh lộ 907. Cách đó không xa là dòng Cổ Chiên hiền hòa in bóng cù lao Dài (xã Thanh Bình và Quới Thiện) với những đặc sản miệt vườn như bòn bon, măng cụt, sầu riêng.
Chúng tôi đến viếng tượng đài Đốc binh Lê Cẩn - Nguyễn Giao và Bia Nam Kỳ khởi nghĩa, tại đây có đặt tượng chân dung bà Nguyễn Thị Hồng (1915 - 1992) Tỉnh ủy viên, Bí thư Quận ủy Vũng Liêm - người chỉ huy lực lượng khởi nghĩa Nam kỳ tại huyện Vũng Liêm vào đêm 22 rạng 23/11/1940.
Đánh chiếm dinh quận và làm chủ các vùng lân cận trong nhiều giờ liền. Trong trận này, thanh niên Phan Văn Hòa (tức Võ Văn Kiệt) được giao nhiệm vụ tham gia chỉ huy lực lượng khởi nghĩa đánh chiếm bến phà Bắc Nước Xoáy ở xã Tân An Luông nhằm cắt giao thông, ngăn đường cứu viện của địch từ Vĩnh Long xuống.
Một ý nguyện của Thủ tướng lúc còn sống, đang được tỉnh triển khai. Đó là đề án Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL, với diện tích 11ha gắn với khu lưu niệm Thủ tướng, nhằm lưu giữ di sản văn hóa nông nghiệp, tôn vinh vai trò của người nông dân. Dự kiến, bảo tàng sẽ đi vào hoạt động vào năm 2027.
Ngồi bên căn nhà vốn trước đây là nơi Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc còn đương nhiệm hay khi đã về hưu, thường nghỉ lại mỗi khi ông về thăm làm việc với địa phương.
Dưới bóng cây nhãn mát rượi và làn gió mát từ phía hồ sen ùa vào, được mời dùng các món bánh dân gian như bánh tráng nướng, bánh bò, bánh chuối, bánh lá ăn với nước cốt dừa, chúng tôi càng quý hơn về tấm lòng thơm thảo của những cán bộ, nhân viên khu lưu niệm.
Các anh chị đã không ngại vất vả, mà luôn tự hào được tin tưởng giao nhiệm vụ gìn giữ khu lưu niệm và tiếp đón, phục vụ chu đáo các đoàn khách từ mọi miền đất nước về đây viếng nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước; người con ưu tú của quê hương Vũng Liêm, Vĩnh Long- đã giành trọn cuộc đời vì nước, vì dân.
Một nén hương viếng Thủ tướng của Nhân dân
Giọt lệ cho Vũng Linh nhớ nỗi đau thời mất nước
Quê hương ơi trên đường tiếp bước
Có máu người xưa và hào khí của hôm nay!
Bài, ảnh: TRẦN THẮNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin