Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã và đang trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Nhiều du khách đã ghé tham quan khu di tích quốc gia đặc biệt quan trọng, nơi gìn giữ và tôn vinh đạo học, nơi lưu giữ và thể hiện đặc sắc những giá trị nổi bật của văn hiến Việt Nam.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám nơi được xem là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. |
(VLO) Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã và đang trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Nhiều du khách đã ghé tham quan khu di tích quốc gia đặc biệt quan trọng, nơi gìn giữ và tôn vinh đạo học, nơi lưu giữ và thể hiện đặc sắc những giá trị nổi bật của văn hiến Việt Nam.
Đã có dịp chiêm ngưỡng nét cổ kính và công trình độc đáo của Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhưng nay lại “hên” quá, bắt gặp quyển sách “Giải mã văn hóa Việt” của PGS.TS Dương Văn Sáu, giúp có thêm góc nhìn lý thú về văn hóa, hiểu sâu hơn về nơi hội tụ và lan tỏa của tri thức, học vấn đỉnh cao trong tiến trình phát triển dân tộc.
Nhiều người đến chiêm bái, cầu may và tìm hiểu nơi được xem là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Sự ra đời của Văn Miếu, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Tháng 8, mùa thu năm Canh Tuất (1070) lập nhà Văn miếu tạc tượng Chu Công - Khổng Tử và Tứ phối. Vẽ hình tượng Thất thập nhị hiền trình bày ở Văn miếu, bốn mùa tế lễ - Hoàng Thái tử tới đó học tập”.
Vẻ đẹp của Văn Miếu - Quốc Tử Giám càng tỏa sáng và rực rỡ hơn thông qua sự tiếp cận đa chiều dưới gốc nhìn của “giải mã văn hóa”. PGS.TS Dương Văn Sáu đã giải mã nghĩa một số công trình, di vật đặc trưng trong quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Những giải mã văn hóa là cách nhìn, suy luận, kiến giải, đánh giá các sự vật hiện tượng dưới các góc nhìn của hệ biểu tượng văn hóa.
Qua các hình tượng, biểu tượng trong điêu khắc, trang trí các linh vật, văn tự; qua cách bố cục các công trình kiến trúc hình như cha ông muốn nhắn nhủ: Con đường đó là con đường của tri thức, học vấn sẽ mở ra vạn điều phúc. Sự phát triển phải thông qua con đường học vấn, phải mở mang trí tuệ.
Thú vị về địa điểm tồn tại của Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở phía Nam Kinh thành Thăng Long. Vị trí “đắc địa” này đã được cha ông lựa chọn kỹ về mặt phong thủy. Và với mong muốn văn chương, học vấn, tri thức của các sĩ phu của đất nước luôn phát triển không ngừng. Vị trí Văn Miếu - Quốc Tử Giám được dành sự độc lập tương đối.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám được bao quanh bằng những con đường đã tách biệt quần thể di tích này với các nhà dân xung quanh tạo sự tôn nghiêm đồng thời là điều kiện thuận lợi cho sự chiêm ngưỡng, hướng tâm chú ý của du khách và người dân qua đường.
Những cụ rùa với vẻ hùng cõng bia tiến sĩ. |
Theo Phó Giáo sư “hình như cũng hàm ý muốn nói: “văn chương cần phải có một khoảng trời riêng”; văn chương không thể nhuốm mùi dưa mắm”; văn chương phải “vượt ra ngoài, vượt lên trên cơm áo gạo tiền””.
Nhớ hôm ra Hà Nội, người em nói: “Tranh thủ đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám” sờ đầu rùa và bia tiến sĩ để về thi làm bài kết quả tốt nhe”. Tuổi nhỏ cũng học, tuổi trung niên cũng học, tuổi già cũng học. Thật là sự học vô cùng. Nói thì nói vậy, chứ không thể “há miệng chờ sung”.
Vì đâu thể chỉ sờ đầu rùa, rờ bia tiến sĩ mà không cần học và nghiên cứu thì thi đậu bao giờ, phải “sôi kinh nấu sử” chứ. Và kèm theo đó là sự may mắn nữa, cha ông ta nói “học tài thi phận” là thế.
Chẳng hạn như ông Tú Xương vậy. “Hễ mai tớ hỏng, tớ đi ngay!/ Giỗ tết từ đây nhớ lấy ngày!/ Học đã sôi cơm nhưng chửa chín/ Thi không ăn ớt thế mà cay!” (bài “Hễ mai tớ hỏng”).
Ông Tú là người có chí khí và có tư tưởng nhưng thật tình sự thi rớt mãi lấy làm cay. Vì vậy nên giờ ai thi trượt thì an ủi rằng: “Học tài thi phận, Tú Xương mà còn rớt huống chi mình”.
Du khách ghé tham quan nơi gìn giữ và tôn vinh đạo học, nơi lưu giữ và thể hiện đặc sắc những giá trị nổi bật của văn hiến Việt Nam. |
Về mặt tinh thần, dù xưa hay nay, họ vẫn quan niệm “học tài thi phận”, tài năng luôn cần có thêm cả sự may mắn. Trước kỳ thi, các sĩ tử vào Văn Miếu sờ các cụ rùa, bia tiến sĩ cầu may mắn dù các cụ rùa và bia tiến sĩ đã được bảo vệ bởi hàng rào.
Hai bên tả hữu phía trước cổng Văn Miếu đều có bảng rồng, bảng hổ tạo nên sự trùng phùng tương ngộ của “Long - Hổ hội”. Dường như ở chốn văn đàn của giới nho sĩ, hổ biểu trưng cho học vị cử nhân, rồng biểu trưng cho học vị tiến sĩ? Nơi anh tài tứ xứ, bốn phương tụ hội để tỏ mặt anh hùng.
Điều đó càng cổ vũ động viên, khích lệ các nho sĩ tử phấn đấu học tập, rèn luyện. Còn hai đôi rồng đá ở phía trước và sau của Văn Miếu môn biểu tượng cho người nho sinh, nho sĩ vừa mới đỗ đạt, bắt đầu rời ghế nhà trường đi vào cuộc sống; hướng về phía trước tương lai rộng mở. Và ông cha ta luôn coi trọng đức và tài nhưng luôn đặt đức trước tài.
Những hình tượng ấy được giải mã cho thấy Văn Miếu - Quốc Tử Giám là chốn hội tụ và lan tỏa của tri thức và học vấn đỉnh cao. Điều đó giúp cho chúng ta thấy cái hay, cái đẹp, ý nghĩa tiềm ẩn của các di sản văn hóa. Mỗi công trình, di vật thấm đẫm trí tuệ, tài năng, tâm huyết và tình cảm của các bậc tiền nhân.
Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin