Gỡ "nút thắt" để công nghiệp văn hóa phát triển

Cập nhật, 05:00, Thứ Ba, 20/09/2022 (GMT+7)
Với truyền thống văn hóa đặc sắc, Việt Nam có đầy đủ tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa.
Với truyền thống văn hóa đặc sắc, Việt Nam có đầy đủ tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa.

(VLO) Hội thảo quốc gia “Đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (VH) 2016- 2021” vừa được tổ chức là hội thảo có quy mô lớn nhất từ trước đến nay về lĩnh vực phát triển các ngành công nghiệp VH và sáng tạo ở Việt Nam. Đây là thời điểm các ngành công nghiệp VH Việt Nam cần được đầu tư đúng mức, tạo ra sức mạnh mềm, thúc đẩy hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế đất nước.

Công nghiệp VH- ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ trưởng Bộ VH, TT- DL- Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, phát triển các ngành công nghiệp VH là mục tiêu hàng đầu trong chính sách phát triển VH quốc gia. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngày 8/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp VH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Chiến lược đã xác định những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể phát triển các ngành công nghiệp VH Việt Nam, trong đó mục tiêu chủ yếu là đến năm 2020 phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp VH đóng góp khoảng 3% GDP, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.

So với các ngành công nghiệp khác, chi phí tái sản xuất trong ngành công nghiệp VH thấp nhưng tốc độ tăng trưởng cao, chiếm hơn 7% GDP toàn thế giới với mức tăng trung bình hàng năm đều đặn 10%. Vì vậy, tại nhiều quốc gia, công nghiệp VH được đẩy mạnh phát triển, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Triển lãm “Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Vĩnh Long qua tài liệu lưu trữ”.
Triển lãm “Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Vĩnh Long qua tài liệu lưu trữ”.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương- Viện trưởng Viện VH nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Ngành công nghiệp VH chính là một tài sản chiến lược trong chính sách ngoại giao, hợp tác quốc tế và giúp củng cố tính độc đáo của quốc gia.

Công nghiệp VH đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy bản sắc VH và hiện đại hóa đất nước; là công cụ hữu hiệu cho tăng trưởng, đổi mới kinh tế, biến VH trở thành một thành tố quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế.

Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, giao lưu VH và cạnh tranh VH trên thế giới hiện nay, công nghiệp VH đang tạo ra một sức mạnh VH mới cho mỗi quốc gia…

Bà Nguyễn Thị Thu Phương cho biết, trong những năm gần đây, số lượng các không gian VH, sáng tạo và nghệ thuật ngày càng nhiều.

Cùng với đó là sự tăng lên về cả chất lượng và số lượng của các sự kiện, chương trình VH nghệ thuật đã và đang góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân Việt Nam.

Một số ngành công nghiệp VH như điện ảnh, du lịch VH... đã và đang đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia thông qua các hoạt động xúc tiến, quảng bá, phát triển thương hiệu dưới dạng thức các chương trình, sự kiện hợp tác quốc tế được tổ chức tại Việt Nam.

VH và sáng tạo còn góp phần phát triển con người, đặc biệt là các nhóm yếu thế trong xã hội như phụ nữ, thanh niên, trẻ em, khuyết tật, dân tộc thiểu số...

Minh chứng là các doanh nghiệp, không gian sáng tạo như Vụn Art (hỗ trợ cho người khuyết tật), Tò He (làm việc với trẻ em tự kỷ), Think Playgrounds (thiết kế sân chơi công cộng cho trẻ em), không gian làm việc chung như Toong, Up Gen hay không gian chế tác chung dành cho thanh niên khởi nghiệp... trong nhiều năm qua cũng đã đang góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiều mục tiêu phát triển bền vững.

Tháo gỡ những khó khăn

Chương trình nghệ thuật đã và đang góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân.
Chương trình nghệ thuật đã và đang góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng thẳng thắn nhận định các sản phẩm và dịch vụ VH Việt Nam về cơ bản chất lượng chưa đồng đều, thiếu sự độc đáo, tính ứng dụng chưa cao và cách thể hiện sống động bản sắc VH còn nhiều hạn chế.

Nhiều thị trường VH trong nước đang bị lấn át bởi các sản phẩm công nghiệp VH đến từ các quốc gia cùng khu vực Châu Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...

Khảo sát của Viện VH nghệ thuật quốc gia cho thấy có 67,4% người dân thường xuyên xem điện ảnh của Hàn Quốc, 56,2% người Việt thưởng thức âm nhạc của nước này.

Chia sẻ về khó khăn của ngành du lịch, GS.TS. Từ Thị Loan nêu lên thực trạng, trình độ chuyên môn ngành du lịch Việt Nam đang thiếu hụt những cán bộ quản lý nhà nước các cấp giỏi về chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ cùng các chuyên gia đầu ngành có đủ năng lực để dẫn dắt đưa du lịch nước nhà trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

NSƯT Trần Ly Ly- Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng thông qua những chính sách về giảm thuế, chính sách đầu tư, chính sách xã hội hóa, chính sách đào tạo nghệ sĩ, tạo ra không gian nghệ thuật sẽ là những bước góp phần phát triển công nghiệp VH.

“Để phát triển VH một cách toàn vẹn và phát triển công nghiệp VH thì chúng ta nên nghĩ một chiến lược bền vững hơn. Ví dụ chúng ta hỗ trợ cho các nghệ sĩ trẻ, đây là một chính sách hoặc có chính sách giảm thuế cho những nhà đầu tư về nghệ thuật”- NSƯT Trần Ly Ly chi sẻ.

Để phát triển công nghiệp âm nhạc bền vững, nhạc sĩ Quốc Trung thì cho rằng rất cần có sự đánh giá bình đẳng, những hỗ trợ về tài chính, có hành lang pháp lý và đặc biệt là có sự đồng hành bảo trợ của Nhà nước cho các dự án tốt, không kể là của các đơn vị công lập hay tư nhân.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt khẳng định, 5 năm qua, bức tranh phát triển các ngành công nghiệp VH tại Việt Nam có nhiều điểm sáng, nhưng cũng có nhiều hạn chế.

Dẫu đã có nhiều bước phát triển tích cực nhưng để phát triển một cách hệ thống, đạt được những mục tiêu lớn như chiến lược đề ra thì khối lượng công việc vẫn còn nhiều. Cùng với đó là các cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy công nghiệp VH phát triển trong thời gian tới.

Năm 2015, các ngành công nghiệp VH đóng góp 2,68% GDP (tổng sản phẩm quốc nội), sau 3 năm triển khai chiến lược, 12 ngành công nghiệp VH đóng góp doanh thu khoảng 8.081 tỷ USD, tương đương 3,61% GDP vào năm 2018, mang lại công việc cho hơn 3 triệu lao động, chiếm 6,1% tổng lao động.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ