Một buổi chiều cuối tuần ngồi cà phê, những mái tóc điểm vài sợi bạc trút lòng. Anh bạn là con một trong gia đình thở dài: Giờ sức khỏe của bà già không còn tốt. Cuối tuần hai vợ chồng về năn nỉ đủ cách để đón ông bà lên đây cho tiện việc chăm sóc. Vậy mà ông bà cũng nhất quyết không chịu.
Cuộc sống ở quê nhà bình yên, thoải mái. |
(VLO) Một buổi chiều cuối tuần ngồi cà phê, những mái tóc điểm vài sợi bạc trút lòng. Anh bạn là con một trong gia đình thở dài: Giờ sức khỏe của bà già không còn tốt. Cuối tuần hai vợ chồng về năn nỉ đủ cách để đón ông bà lên đây cho tiện việc chăm sóc. Vậy mà ông bà cũng nhất quyết không chịu.
Ông già nói: “Ở đâu quen đó, ở đây thoải mái muốn đi ra thì đi, đi vô thì đi. Sáng thức dậy cho cá ăn, chiều chăm tỉa mấy cây mai vàng cũng tìm được thú vui. Buồn thì qua nhà hàng xóm uống trà “đàm đạo”. Ở trển có quen biết ai đâu. Cuộc sống đô thị ngột ngạt lắm”.
Người bạn có năm anh em tâm sự: “Tía má tao ở quê cũng vậy, có khác gì đâu. Ở lại thành phố làm mà lòng không yên, nghĩ đến cảnh tía má già ra vô quạnh hiu. Giờ năm đứa có đứa nào chịu về quê sống đâu, còn tía má thì có chịu xa chốn ấy đâu. Tía má bảo, ăn rau thì ra vườn hái, ăn cá thì kéo dưới ao, toàn đồ tươi sống. Tía má không quen ăn “đồ tủ lạnh””.
Còn ngược lại, con cái bỏ thành thị về quê sống với ông bà cụ thì cũng không xong. Tất cả là vì tương lai của con cái, chuyện học hành của chúng, chuyện làm ăn đều gắn với thành phố. Về quê biết làm gì khi không biết phân biệt cọng cỏ với cây lúa, muốn thực hiện mô hình nuôi ốc, còn chưa biết phân biệt giữa con ốc lác với con ốc bươu... Lúc đó lại loay hoay với chuyện cơm áo gạo tiền.
Rồi chuyện học hành của con cái không có điều kiện bằng ở thành thị, rồi sau này con cái mình trở lên thành phố học, có công ăn việc làm ở thành phố. Lúc đó, mình lại ở quê giống y như ba má mình bây giờ. Cái điệp khúc ấy cứ tái diễn mãi sao (?!)
Nỗi lòng khoắc khoải đâu chỉ riêng ai. Giờ về quê không ít cảnh ông bà già thui thủi sớm hôm. Cuối tuần, cuối tháng hay vài ba tháng không chừng, con cháu tranh thủ chạy về thăm, chơi chút rồi lại chạy đi.
Khổ một nỗi là sống đâu quen đó. Sao ông bà có thể sống thiếu nơi họ nhớ từng cái cuốc treo ở đâu, cây này vừa cho trái chiếng mùa rồi,… Nơi mà ông bà gắn bó, có thể tả từng chi tiết và có thể nhắm mắt đi một mạch đến điểm cần. Ông bà nhất quyết không rời cảnh sống yên bình, không lên sống nơi ngột ngạt, xô bồ.
Hỏi thăm các bà là bà nội, bà ngoại lên Sài Gòn trông nom cháu để cha mẹ cháu đi làm, các bà ngoại và bà nội có cùng cách nói: Vì chuyện làm ăn của con, vì thương cháu, bấm bụng bỏ quê lên chợ chứ sống không thoải mái và nhớ nhà lắm.
Chờ cho cháu lớn gửi nhà trẻ được thì lại về quê. Sống ở quê quen rồi, dù ở thành đầy đủ tiện nghi nhưng thấy cuộc sống ở quê thoải mái hơn”.
Ở thành phố mấy tháng trời, cô Ba nói: Các công việc cuốn hút mất thời gian nên con cháu sáng thức dậy đã đi làm, đi học, trưa về cơm nước lại đi tiếp. Tối về lại nước với cơm xong ai về phòng người nấy đi tìm không gian riêng. Còn hàng xóm không thân thiết, thân mật, thân tình như ở quê.
Cần người tâm sự, chia sẻ đâu có ai. Cứ sáng thui thủi đi ra cửa lại đi vào bếp, tối ngồi trước màn hình ti vi. Buồn lắm, lúc nào cũng nhớ không khí quê với gió đồng thổi mát rười rượi”.
Đón cha mẹ lên thành để các anh, các chị mong muốn báo hiếu với đấng sinh thành nhưng thật sự không dễ dàng. Các ông bà đã quen với cuộc sống thanh nhàn, vui vẻ khi có hàng xóm để trò chuyện, thân tình. Muốn báo hiếu mà ông bà sống không thoải mái, vui vẻ cứ thấy ngột ngạt, cứ mong ngóng về quê thì đón lên sao được. Thôi, để chọn vào thời điểm thích hợp, đến đâu tính đến đó chứ biết sao giờ.
Ly cà phê đã cạn, những người bạn ra về dù nỗi lo thì cứ lo, nhưng với tâm trạng nhẹ nhàng hơn đôi chút, vì “rót ra” và “chia sẻ” những điều khoắc khoải trong lòng đó là nỗi khắc khoải làm con và nuôi con.
Bài, ảnh: MAI KHA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin